Tuesday, November 19, 2024
Trang chủĐàm luậnPháp thận trọng với "Vành đai và Con đường"

Pháp thận trọng với “Vành đai và Con đường”

Theo phân tích của báo Pháp Les Echos chuyên về kinh tế, giới chức Pháp hiện tỏ ra thận trọng với từng dự án hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) bởi Pháp hiểu rõ rằng đằng sau vấn đề kinh tế, Trung Quốc đang muốn vẽ lại bản đồ toàn cầu hóa nhằm đưa Trung Quốc vào vị trí trung tâm của thế giới. 

Một nghiên cứu do Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) công bố mới đây cho thấy BRI là phương tiện giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn của nước ngoài (mà trước tiên là Mỹ), cũng như quản lý tốt hơn các nguồn đầu tư nước ngoài. Trung Quốc thực sự muốn định hình một thế giới gồm 2 cực: một bên là Trung Quốc và bên kia là Mỹ. Hai cực sẽ cùng tồn tại mà không bao giờ can thiệp vào nhau. Sự phân cực về quan hệ quốc tế này sẽ tạo ra một hình thức cạnh tranh mới giữa các hệ thống cơ sở hạ tầng, các tiêu chuẩn, các thể chế quốc tế… Điều kiện duy nhất để thế giới 2 cực này vận hành là Trung Quốc và Mỹ phải bớt phụ thuộc vào nhau.

  Trung Quốc dường như quyết tâm tiến hành đến cùng đại dự án BRI. Tuy nhiên, do Trung Quốc quá tham vọng, muốn BRI trở thành dự án toàn cầu hoặc gần như vậy, nên đã để cho BRI bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Đó là nguy cơ các dự án nhỏ trong BRI bị phân tán, hoặc nguy cơ Trung Quốc đánh giá sai về một số nước. Nếu nguồn tài chính của Trung Quốc cạn kiệt, BRI sẽ bị đe dọa. Một vấn đề khác bắt đầu xuất hiện: một số nước lâm vào cảnh “nợ nần chồng chất” do BRI, khiến các nước khác thận trọng hơn.

  Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đang đề xuất các dự án thay thế BRI, thông qua cung cấp tài chính cho cơ sở hạ tầng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Pháp hoan nghênh sáng kiến này vì muốn ủng hộ sự đa dạng của các dự án nhằm tránh sự thống trị quá mức của BRI. Theo Alice Ekman, chuyên gia về Trung Quốc tại IFRI, nhận thức của giới chức Pháp về BRI đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua. Vào năm 2013-2014, những người thúc đẩy BRI chủ yếu nói về xây dựng cơ sở hạ tầng. Tại châu Âu, Trung Quốc trước tiên thúc đẩy các dự án tại các nước Đông và Trung Âu, sau đó là Nam Âu. Pháp tham gia muộn hơn trong lĩnh vực giao thông. Ngày nay, BRI đã vượt qua thời kỳ chỉ hô hào chính trị đơn thuần để đứng vào hàng ngũ các dự án thế giới, được lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà nước Trung Quốc theo dõi sát sao. Do vậy, giới chức Pháp bắt đầu tỏ ra thận trọng. Chẳng hạn, Pháp đã từ chối ký thỏa thuận khung với Trung Quốc, một thỏa thuận mà nếu được ký sẽ chính thức hóa sự ủng hộ của Pháp đối với BRI. Tại một hội nghị ngoại giao diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã thể hiện quan điểm rõ ràng về BRI khi cho rằng đây là dự án có “tầm nhìn toàn cầu hóa” nhưng mang tính chất “bá quyền”. 

  Tại châu Âu, các nước đang bị chia rẽ về BRI. Nhiều nước như Hungary, Rumani, Cộng hòa Séc và Hy Lạp tích cực ủng hộ dự án. Những nước khác như Anh, Hà Lan, Đức, Italy, Ba Lan và Pháp tỏ ra thận trọng hơn. Ủy ban châu Âu cũng có thái độ như nhóm các nước thứ hai. Dù vậy, từ nhiều năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai một nghiên cứu chiến lược về BRI. Tháng 9 vừa qua, EU đã xây dựng một lộ trình trên những trục đường lớn kết nối châu Âu và châu Á. EU cho rằng cần phải xem xét triển vọng của các dự án phát triển hạ tầng do nhiều nước đề nghị, chứ không phải chỉ duy nhất dự án của Trung Quốc. Hơn nữa, cần đảm bảo rằng các tiêu chí của EU phải được tôn trọng, nhất là về gọi thầu công khai và bảo vệ môi trường. Sự dè dặt này là nguyên nhân của sự xuống cấp trong quan hệ EU-Trung Quốc hiện nay. EU có cảm giác Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ châu Âu. Về phần mình, Trung Quốc không thể bỏ qua việc bị EU từ chối công nhận quy chế kinh tế thị trường năm 2016.

Do BRI không chỉ bao gồm các dự án về giao thông, mà còn có các chương trình đào tạo, thiết chế, các tiêu chuẩn… nên Pháp thấy tốt nhất cần phải xem xét cụ thể từng dự án trong khuôn khổ hợp tác với Trung Quốc. Nhận thức được tham vọng của Trung Quốc, giới chức Pháp luôn phân tích BRI dưới góc độ địa chiến lược.

RELATED ARTICLES

Tin mới