Bản tin Biển Đông ngày 17/10/2018.
Trung Quốc đề nghị Mỹ ngừng khuấy lên rắc rối ở Biển Đông
Ngày 16/10, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã đề nghị Mỹ ngừng khuấy lên rắc rối ở Biển Đông. Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lãnh đạo Mỹ buộc tội Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông và có hành động quấy rối liều lĩnh đối với một tàu chiến của Mỹ đang thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở khu vực, Người phát ngôn Lục Khảng khẳng định Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo và vùng nước phụ cận ở Biển Đông, đồng thời tiếp tục biện minh rằng các hoạt động xây dựng hòa bình của Trung Quốc trên các cấu trúc này, kể cả việc vận hành các thiết bị quốc phòng thiết yếu, là việc thực hiện quyền tự chủ, tự vệ, không có gì gọi là “quân sự hóa” ở đây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng chính các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ mới là nguyên nhân tạo ra căng thẳng và “quân sự hóa”. Không chỉ dừng lại ở đó, Lục Khảng còn đổ lỗi ngược lại cho Mỹ có hành động quấy rối liều lĩnh khi tàu chiến Mỹ vượt qua cả chặng đường dài để đến gây rối ngay trước cửa nhà của Trung Quốc. Ông Lục cho rằng logic của Mỹ là nực cười. Tuy nhiên, với những gì đã xảy ra cuối tháng 9 vừa qua và những phức tạp ở Biển Đông trong những năm gần đây, ai cũng có thể kết luận được những lời biện minh vô căn cứ của Trung Quốc mới thật nực cười.
Trung Quốc, Philippines sẽ tổ chức đối thoại lần 3 về Biển Đông
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 16/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc và Philippines đã nhất trí tổ chức cuộc họp lần thứ 3 Cơ chế tham vấn song phương giữa hai nước (BCM) vào ngày 18/10/2018. Cơ chế này được thành lập đầu năm 2017 nhằm giải quyết các vấn đề trên biển thông qua đàm phán và tham vấn. Tại cuộc họp lần thứ 3 sắp tới, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo sẽ dẫn đầu hai đoàn gồm đại diện các đơn vị quốc phòng, tài nguyên và môi trường, nghề cá, giao thông, năng lượng, cảnh sát biển của hai bên tham dự. Theo Người phát ngôn Lục Khảng, hai bên sẽ trao đổi về tình hình hiện nay và các mối lo ngại ở Biển Đông cũng như thảo luận về vấn đề hợp tác biển, trong đó có khai thác chung dầu, khí.
Trao đổi với Hoàn Cầu Thời báo ngày 16/10, Chen Xiangmiao, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc cho biết, ông hy vọng sẽ có tiến triển cụ thể về vấn đề khai thác chung dầu, khí, bao gồm xác định các khu vực biển và xây dựng mô hình hợp tác. Hai bên cũng sẽ tiếp tục trao đổi về việc quản lý tranh chấp, cùng triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và các vấn đề cùng quan tâm khác. Ông Chen cho rằng nếu Trung Quốc và Philippines đạt được thỏa thuận về một vài lĩnh vực, điều này sẽ tạo cơ sở cho việc đàm phán với các nước thành viên ASEAN khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: lo ngại sâu sắc về việc quân sự hóa đang tiếp diễn ở Biển Đông
Ngày 16/10, Business Standard dẫn tin từ hãng PTI của Ấn Độ cho biết, ngày 15/10, trả lời câu hỏi của phóng viên trên đường đến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Mỹ tiếp tục lo ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông. Đề cập đến bài phát biểu chính sách của Phó Tổng thống Mike Pence tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cho biết chính quyền Trump tìm kiếm một mối quan hệ với Trung Quốc dựa trên sự công bằng, có đi có lại, tôn trọng chủ quyền, tức là tôn trọng các quy tắc quốc tế và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia bất kể lớn hay nhỏ. Liên quan đến vụ việc vừa qua giữa tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông, Bộ trưởng Mattis khẳng định Mỹ không tìm cách đối đầu với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục đi qua, bay qua các vùng biển và vùng trời quốc tế. Nhắc lại cuộc gặp trước đây giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó ông Tập hứa sẽ không quân sự hóa Trường Sa, Bộ trưởng Mattis phát biểu: “Điều đó đã xảy ra, nhưng chính sách của chúng tôi không thay đổi, chúng tôi không chấp nhận điều đó. Vì vậy, không một quốc gia nào có thể thay đổi các quy tắc quốc tế”.