Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngKhảo cổ Biển Đông: Âm mưu và thủ đoạn của TQ trong...

Khảo cổ Biển Đông: Âm mưu và thủ đoạn của TQ trong việc khẳng định “chủ quyền” trên biển

Gần 30 năm trở lại đây, Trung Quốc đã phát triển mạnh khảo cổ dưới nước một cách ồ ạt cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cả trên phương diện đầu tư kinh phí và tuyên truyền. Việc phát triển lực lượng khảo cổ và đưa hàng loạt các tàu khảo sát, khảo cổ và thực nghiệm xuống Biển Đông cho thấy, Trung Quốc đang không ngừng đầu tư chế tạo các tàu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu lịch sử và khoa học trái phép, nhằm hiện thực hóa âm mưu hết sức nguy hiểm là tranh đoạt chủ quyền lãnh thổ và vơ vét tài nguyên ở 80% diện tích Biển Đông.

Tàu thực nghiệm hải dương 894 “Lý Tứ Quang” của Trung Quốc

Quá trình triển khai hoạt động đầu tư khảo cổ của Trung Quốc:

Trong những năm qua, Trung Quốc đã đào tạo hàng trăm nhà khảo cổ đại dương, xây dựng 3 viện bảo tàng dưới nước và đầu tư hàng triệu đô la vào nghiên cứu. Để tăng cường nghiên cứu khoa học ở Biển Đông, Trung Quốc cũng thành lập Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc năm 2011 đã đưa ra chương trình mang tên “Kế hoạch Biển Đông” kéo dài 8 năm với số vốn đầu tư 190 triệu nhân dân tệ. Kể từ khi chương trình bắt đầu, Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng hơn 60 chuyến khảo sát khoa học.

Năm 2005, TQ đầu tư 30 triệu USD để xây dựng Bảo tàng Con đường tơ lụa bên bờ biển Quảng Châu, trung tâm phát triển du lịch của tỉnh Quảng Đông.

Năm 2007, TQ chi 45 triệu USD cho việc trục vớt, bảo tồn tàu Nam Hải 1 – tàu chở gốm sứ thời Tống chìm ở độ sâu 27m. Tàu Nam Hải 1 được trục vớt và trưng bày ở “Thủy tinh cung”, gian trưng bày quan trọng nhất của Bảo tàng Con đường tơ lụa. Dựa trên các di vật khai quật được từ tàu Nam Hải 1, người ta xác định chủ tàu không phải người Trung Quốc mà là người Trung Á, chỉ gốm sứ có xuất xứ Trung Hoa. Tuy nhiên, một vở kịch kiểu Titanic, kể câu chuyện thủy thủ đoàn trước khi tàu đắm đã được công diễn.

Năm 2009, trong bối cảnh đẩy mạnh khảo cổ hàng hải, Trung Quốc thành lập Trung tâm bảo vệ di sản văn hoá dưới nước (CCUCHP). Kể từ khi thành lập, CCUCHP đã làm việc với các bộ ngành, kể cả Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công an, Giao thông Vận tải và Cục Quản lý Đại dương, để thành lập “Đội bảo vệ di sản văn hoá dưới nước quốc gia”. Ngoài ra, một trung tâm bảo tồn và nghiên cứu khảo cổ dưới nước đã được thành lập ở Tế Nam, Sơn Đông.

Năm 2013, Trung Quốc mở rộng hoạt động khảo cổ phi pháp đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đây, Trung Quốc đã xác định được khoảng 200 cái gọi là “di sản văn hóa” khác nhau dưới đáy biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Năm 2017, Trung Quốc đưa vào sử dụng Bảo tàng Hải dương Quốc gia đầu tiên tại Thiên Tân, với chi phí xây dựng lên đến 430 triệu USD.

Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch xây dựng phi pháp Trạm khảo cổ biển trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà nước này đánh chiếm của Việt Nam.

Trung Quốc tuyên truyền cho rằng đã phát hiện 12 “địa điểm chứa cổ vật văn hóa dưới nước” tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính phủ Trung Quốc cho hay các nhà khảo cổ học đã phát hiện được các đồng tiền xu cổ và đồ gốm từ Ấn Độ và vùng Tây Á trong các đợt nghiên cứu dưới nước mới đây. Những cổ vật này sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp. Đáng chú ý, công tác khảo cổ của Trung Quốc cũng đang được mở rộng đến tận quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã xác định được khoảng 200 “khu vực di sản văn hoá” dưới nước ở giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và đã tiến hành thăm dò khảo cổ trái phép ở Trường Sa kể từ năm 2013.

Điểm danh những tàu khảo cổ của Trung Quốc:

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có 54 tàu khảo sát (26 tàu khảo sát xa bờ, 26 tàu khảo sát gần bờ) như: Tàu Tuyết Long, Trung tâm nghiên cứu địa cực Trung Quốc; tàu Đại Dương số 1, thuộc Hiệp hội phát triển nghiên cứu tài nguyên khoáng sản đại dương Trung Quốc; tàu Hướng Dương Đỏ 06, thuộc Chi cục Bắc Hải Cục Hải dương Quốc gia; tàu Phát Hiện, thuộc Đại đội Khảo sát địa chất hải dương số 1, Cục dầu mỏ Hải Dương Thượng Hải; tàu Khảo Cổ 01, thuộcCục Văn vật Quốc gia Trung Quốc; tàu Chiết Hải Khoa 1, Đại học Hải Dương Chiết Giang…

Tàu Khảo Cổ 01: Tàu có chiều dài 56 m, chiều rộng 10,8m, chiều cao 4,8 m, độ mớn nước 2,6 m, trọng tải 950 tấn, tốc độ 12 hải lý/h, chịu được sóng gió cấp 8, hành trình liên tục 30 ngày đêm, biên chế 36 người, tàu gồm 5 tầng với 11 phòng, bao gồm phòng công tác chuyên môn, phòng thiết bị khảo cổ, phòng nghỉ… Tàu này được thiết kế với mục đích chuyên thực hiện nhiệm vụ khảo cổ, bảo tồn di chỉ di vật dưới nước tại các khu vực biển duyên hải, bao gồm cả khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tàu thực nghiệm tổng hợp Lý Tứ Quang: Tàu thực nghiệm tổng hợp do Trung Quốc tự nghiên cứu thiết kế, chế tạo. Nó được khởi đóng năm 2012 và hạ thủy vào tháng 11/2013. Tàu có chiều dài 129,3m, rộng 17m, lượng giãn nước tải đầy 6.086 tấn, được thiết kế với trình độ tự động hóa cao, tính năng kỹ thuật rất ưu việt. Nó được trang bị nhiều loại thiết bị tiên tiến để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu biển. 

Tàu điều tra hải dương 871: Tàu 871 Lý Tứ  Quang là tàu khảo sát tổng hợp biển xa đầu tiên do Phòng 1 – Viện 708 – Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc tự thiết kế, Nhà máy đóng tàu Vu Hồ chế tạo và đưa vào hoạt động tháng 8/1998. Tàu được trang bị hệ thống quan trắc, đo đạc biển tầng nước sâu 3 chiều và hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến, chuyên thực hiện nhiệm vụ điều tra hải dương, khảo sát biển và kỹ thuật hàng hải. 

Tàu khảo sát vật lý địa cầu Hải Dương Thạch Du (tàu Hải Dương Thạch Du 720 và tàu Hải Dương Thạch Du 721): Tàu có chiều dài 107,4m, chiều rộng 24m, chiều cao 9,6m, độ sâu tác nghiệp đạt 3.000m, tàu được trang bị 12 dây cáp có chiều dài mỗi dây 8000m, có thể tác nghiệp thu thập số liệu địa chất trong điều kiện biển sóng gió cấp 5. Tàu chuyên tiến hành hoạt động khảo sát địa chất, được trang bị nhiều thiết bị công nghệ tối tân nhất nhằm đẩy nhanh tốc độ khảo sát nước sâu, nâng cao hiệu quả thu thập dữ liệu về tài nguyên, tìm nguồn dầu khí hải dương mới tại khu vực Biển Đông cho Trung Quốc.

Tàu Đông phương Hồng: Tàu có trọng lượng rẽ nước hơn 3.000 tấn, là một trong những tàu nghiên cứu khảo sát hiện đại nhất của Trung Quốc, được đưa vào sử dụng từ những năm 1996. Tàu trên có nhiệm vụ phân tích, nghiên cứu nhằm làm rõ quá trình phát triển của Biển Đông cũng như nguồn tài nguyên tự nhiên trong vùng biển.

Âm mưu của Trung Quốc khi tiến hành khảo cổ ở Biển Đông

Trung Quốc luôn cho rằng nơi nào có hiện vật nguồn gốc Trung Hoa, nơi đó là vùng lãnh thổ do người Trung Hoa chiếm cứ và khai thác, bởi họ có ý đồ sẽ hậu thuẫn cho mục tiêu dịch chuyển không gian hàng hải đến toàn bộ dân chúng. Điều đó cho thấy, khảo cổ học dưới nước mang ý nghĩa chính trị trong vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia. Chính vì vậy, mục đích của Trung Quốc tập trung vào khảo cổ học không chỉ là bảo tồn văn hóa, mà quan trọng hơn là nâng cao địa vị cường quốc hải dương của Trung Quốc với thế giới và từng bước độc chiếm Biển Đông.

Khảo cổ cũng là chiêu trò mới của Trung Quốc trong việc tìm kiếm các chứng cứ lịch sử, yêu cầu UNESCO công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” của họ là di sản văn hóa thế giới. Nó thực chất là thủ đoạn ngụy tạo những chứng cứ lịch sử về sự hiện diện, khai phá của cư dân Trung Quốc trên các quần đảo. Việc đưa hàng loạt các tàu khảo sát, khảo cổ và thực nghiệm xuống biển Đông cho thấy, Trung Quốc đang không ngừng đầu tư chế tạo các tàu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu lịch sử và khoa học trái phép, nhằm hiện thực hóa âm mưu hết sức nguy hiểm là tranh đoạt chủ quyền lãnh thổ và vơ vét tài nguyên ở 80% diện tích Biển Đông.

Ngoài ra, các tàu khảo sát vật lý địa cầu dưới đáy biển này đóng vai trò như những tên “lính tiên phong”, sẽ tiến hành thăm dò, lấy mẫu các tầng đất đá, nghiên cứu cấu tạo các tầng địa chất dưới đáy biển để tìm ra những dấu hiệu cho thấy sự hiện hiện của các mỏ dầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các giàn khoan tiến hành thăm dò chất lượng và trữ lượng dầu trong các mỏ ngầm dưới đáy biển. Điều đó cho thấy, chính quyền Bắc Kinh đã lộ rõ chân tướng của một kẻ luôn muốn độc chiếm Biển Đông, nhằm khai thác triệt để nguồn tài nguyên dầu khí phong phú ở vùng biển này, phục vụ cho cơn khát năng lượng của một nền kinh tế hiện đang phát triển quá nóng của Trung Quốc.

Hoạt động tuyên truyền về khảo cố dưới biển của Trung Quốc

Trung Quốc cho xuất bản hàng loạt các ấn phẩm phổ biến khảo cổ học dưới nước, nghiên cứu chuyên sâu về tàu, thuyền, hải dương như công trình khảo cổ dưới nước Tây Sa gắn với vùng Biển Đông của Việt Nam để tuyên truyền về hoạt động khảo cổ, chứng cứ lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông.

Trong khi đó, các hãng tin Trung Quốc, cả chính thống và phi chính thống cũng tích cực tuyên truyền, định hướng dư luận trong nước cũng như bên ngoài về các hoạt động khảo cổ hải dương của Bắc Kinh. Đài truyền hình Trung Quốc cũng triển khai nhiều phóng về hoạt động trên để tuyên truyền cho các hành động phi pháp của Bắc Kinh. Đáng chú ý Trung Quốc tuyên truyền cho rằng khảo cổ hàng hải và bảo vệ lịch sử hàng hải của Trung Quốc đã trở thành những công cụ quan trọng trong việc “bảo vệ quyền và chủ quyền” trên biển của Trung Quốc. Nó đồng thời trực tiếp ám chỉ đến những tranh chấp “phức tạp” mà Trung Quốc hiện phải “đối mặt” với các nước láng giềng. Thứ trưởng Bộ Văn hoá Trung Quốc Li Xiaojie từng tuyên bố, khảo cổ biển có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và gìn giữ quyền lợi trên biển của Trung Quốc.

Phản ứng của Việt Nam trước các hoạt động khảo cổ phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cho biết từng nhiều lần tuyên bố Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp với các vùng biển Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982.

Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động khảo cổ phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông vì đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông DOC ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, không phù hợp với xu thế phát triển quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hòa bình ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới