Bản tin Biển Đông ngày 18/10/2018.
Mỹ tiếp tục điều máy bay B52 đến Biển Đông
Ngày 18/10, CNN đưa tin, theo một tuyên bố từ cơ quan Không lực Thái Bình Dương, Mỹ đã điều hai máy bay ném bom chiến lược phản lực B-52H từ căn cứ ở Guam đến gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Tuyên bố cho biết các máy bay này “tham gia vào nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên tại khu vực lân cận Biển Đông”. Không lực Thái Bình Dương cho biết thêm nhiệm vụ này “phù hợp với luật pháp quốc tế và cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở”. Lầu Năm góc không khẳng định các máy bay này sẽ bay qua đảo nào, nhưng có thể thấy những căng thẳng gần đây đều tập trung ở khu vực Trường Sa. Theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver, “Trung Quốc đã quân sự hóa thành công một số tiền đồn và hành vi của họ ngày càng trở nên quyết đoán hơn, chúng tôi đang cố gắng đưa ra một phản ứng thích hợp”. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết thêm, bất chấp vụ việc gần đây liên quan đến tàu chiến Decatur, Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải tương tự. Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Nam Á và Đông Nam Á Joe Felter khẳng định “Điều chúng tôi không muốn làm là khen thưởng cho hành vi hung hăng như bạn thấy với vụ tàu Decatur bằng cách thay đổi hành vi của chúng tôi. Điều đó sẽ không xảy ra, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các quyền của mình theo luật pháp quốc tế và khuyến khích tất cả các đối tác của chúng tôi cùng thực hiện”.
Các nhà lãnh đạo Châu Á, Châu Âu sẽ thảo luận về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao Brussels
Ngày 17/10, hãng ABS-CBN dẫn nguồn từ Kyodo News cho biết, lãnh đạo của 51 nước Châu Á và Châu Âu sẽ nhóm họp tại Brussels trong tuần này để tập trung thảo luận về một số vấn đề, trong đó có phản ứng với căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông. Dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị có đoạn “các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không và chống cướp biển một cách hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”. Dự thảo Tuyên bố đề cập 51 lãnh đạo “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật quốc tế, cụ thể là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và các hành động đơn phương… có thể làm leo thang căng thẳng, phá vỡ sự ổn định, và theo đuổi các biện pháp xây dựng lòng tin và tự kiềm chế”. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ bày tỏ hoan nghênh đối với tiến trình tham vấn đang diễn ra giữa Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN nhằm hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả.
Mỹ kêu gọi đàm phán minh bạch, mang tính tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Theo Mainichi của Nhật ngày 17/10, tại một hội nghị trực tuyến ngày 16/10 tại Singapore, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về Đông Nam Á Patrick Murphy đã kêu gọi Trung Quốc và ASEAN có các cuộc đàm phán minh bạch và mang tính tham vấn trong quá trình dự thảo Bộ quy tắc ứng xử để tránh các xung đột ở Biển Đông. Với lưu ý rằng Mỹ không phải là một bên tranh chấp, không can thiệp vào quá trình thảo luận Bộ quy tắc ứng xử, ông Murphy cho biết do phần lớn các tuyến đường hàng hải thương mại của thế giới đều đi qua khu vực này nên Mỹ “là một bên rất quan tâm”. Ông Murphy cho biết thêm Mỹ dự định sẽ tận dụng các cuộc họp khu vực khác nhau liên quan đến ASEAN và các đối tác để nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp lâu dài, dựa trên luật lệ dành cho Biển Đông. Ông nói “Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các cơ hội để bày tỏ lợi ích của chúng tôi trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tầm quan trọng của điều này tại Biển Đông”.
Tàu hải quân Mỹ cập cảng Đài Loan khiến Trung Quốc phiền lòng
Ngày 18/10, Business Insider đưa tin, một tàu của Hải quân Mỹ đã cập cảng ở Đài Loan hôm 15/10 và hai ngày sau, Bắc Kinh đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc này, cho rằng hành động này đã phá vỡ ranh giới đỏ của Trung Quốc. Theo “Bộ Quốc phòng” Đài Loan, tàu Thomas G. Thompson (T-AGOR-23) – tàu nghiên cứu thuộc Văn phòng Nghiên cứu Hải quân của Mỹ – đã đến Cao Hùng để tiếp nhiên liệu và thay đổi thủy thủ. Đài Loan nhấn mạnh, đây không phải là chuyến tàu khoa học nghiên cứu đại dương đại dương đầu tiên, và cũng “không liên quan đến hoạt động quân sự”. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, hoạt động này khiến cho Bắc Kinh không hài lòng. Ngày 17/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết Trung Quốc “bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với phía Mỹ”, “phản đối bất cứ loại quan hệ quân sự nào giữa Mỹ và Đài Loan”. Đồng thời, Trung Quốc đề nghị Mỹ dừng ngay tất cả các hoạt động trao đổi quan chức và giao lưu quân sự với Đài Loan, giải quyết các vấn đề liên quan đến Đài Loan một cách thận trọng. Ma Xiaoguang, Người phát ngôn Văn phòng về Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, kêu gọi các bên liên quan thận trọng và tránh làm tổn hại đến hòa bình và ổn định hai bên eo biển Đài Loan do “vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.