Trung Quốc ra sức xây dựng các đảo trên Biển Đông trong những năm đương nhiệm của chính quyền Obama, đặc biệt trong giai đoạn 2012-2015 khi ông Obama không cho phép Hải quân Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải trong khu vực.
Sau khi Bắc Kinh đã cho tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa gần một năm, mãi tới tháng 5/2015, tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, khi đó là Ashton Carter, mới phản ứng một cách “điềm đạm” khi phát biểu rằng hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc trên Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Các quan chức chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Trump có cách phản ứng mạnh mẽ, dữ dội và trực diện hơn đối với các hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, Trung tướng Kenneth McKenzie, khi trả lời phỏng vấn CNN, không ngần ngại nói thẳng rằng Hoa Kỳ đã diễn tập rất nhiều các bài đổ bộ lên các đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương và úp mở rằng đó là “công tác chuẩn bị” cho việc “thổi bay” các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tự ý xây dựng ở Trường Sa.
Một chuyên gia về châu Á của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông Michael Collins, thì mô tả việc Trung Quốc xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo ở Biển Đông không khác gì chuyện Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Jame Mattis đã chỉ mặt tham vọng của Trung Quốc trong một bài phát biểu ở lễ khai giảng của một trường quân sự, ông nói Bắc Kinh có lòng tham còn lớn hơn triều Minh và muốn các nước khác phải triều cống. Trên chuyến bay tới Việt Nam trong tuần qua, ông Mattis cũng bày tỏ mối quan ngại về tình trạng quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông nói: “Chúng tôi vẫn rất quan ngại đến hoạt động quân sự hoá liên tiếp các thực thể ở Biển Đông. Hơn nữa, chúng tôi đang xem xét những hành vi mà chúng tôi nhìn nhận rằng gần như là cướp bóc, trong một số trường hợp rõ ràng chúng mang tính cướp bóc”.
Với nhưng gì đã diễn ra, có thể thấy chính quyền Trump không chỉ dừng lại ở lời nói, mà các hành động trên thực địa ở Biển Đông đã được triển khai nhiều hơn và gây ra áp lực lớn hơn đối với Trung Quốc.
Lần đầu tiên, Hoa Kỳ đã cử 2 tàu chiến có trang bị tên lửa hành trình tới Biển Đông vào tháng Năm, các tàu này, theo Reuters, đã tiến sát đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã phản ứng gay gắt trước hành động của Mỹ, nhưng Washington không đưa ra bình luận nào và chỉ nói rằng đó là hoạt động bình thường vì các tàu chiến Hoa Kỳ đơn giản là đang đi lại trên vùng biển quốc tế.
Trước và sau sự kiện Hoa Kỳ lần đầu tiên đưa hai tàu chiến tới Biển Đông, thì gần như theo định kỳ, Mỹ luôn cho các tàu chiến đi lại trên vùng biển này để truyền đi thông điệp rằng đây là vùng biển không thuộc về bất kỳ thế lực nào.
Vào tháng Ba, tàu sân bay USS Carl Vinson, một trong 10 siêu tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Hải quân Mỹ, đã ghé cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Vào tháng Sáu, Vào tháng Năm, Mỹ đã làm Trung Quốc thất vọng khi không cho Bắc Kinh tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), vì “Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự hóa Biển Đông gây thêm rắc rối và làm mất ổn định khu vực”, theo lời của ông Christopher Logan, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ngoài các hành động hàng hải, chính quyền Trump cũng thường xuyên cho các máy bay dân sự và quân sự bay qua lại trên Biển Đông để nhắc nhở Bắc Kinh rằng hãy cất ước mơ xây dựng ADIZ trên vùng biển này đi.
Các máy bay ném bom B-52 đã được Hoa Kỳ nhiều lần đưa ra Biển Đông như một phần của “các hoạt động được lên lịch thường xuyên và được thiết kế để nâng cao khả năng phối hợp qua lại với các đối tác và đồng minh của chúng tôi trong khu vực”, theo lời Trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên Lầu Năm Góc.
Ngay trong thời gian ông Mattis bắt đầu chuyến thăm Việt Nam, Hoa Kỳ đã tiếp tục cho pháo đài bay B-52 tiếp cận khu vực gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang chiếm giữ ở Trường Sa. Một động thái, mà theo Nikkei, là tín hiệu mạnh mẽ của Chính quyền Trump gửi tới Trung Quốc, và thể hiện sự ủng hộ dành cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
Quan điểm đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông đã được thể hiện rõ trong những phát biểu của những người đứng đầu chính phủ Mỹ.
Hôm 4/10, phản ứng trước hành động Trung Quốc cho tàu chiến “cắt mũi” tàu chiến Mỹ đang di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa, Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Mike Pence tuyên bố: “Bất chấp hành động quấy rối liều lĩnh đó, Hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, cũng như vì lợi ích quốc gia của chúng ta. Chúng ta sẽ không bị đe dọa. Chúng ta sẽ không chùn bước”.
Mục tiêu kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông cũng được thể hiện rõ ràng trong phát biểu của tổng thống Trump trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm ngoái, “Chúng ta phải bảo vệ các quốc gia có cùng lợi ích, và tương lai của mình. Chúng ta phải loại bỏ mối đe dọa về chủ quyền từ Ukraine cho đến Biển Đông”. Ông Trump cũng cho thấy sự quyết tâm của mình trong việc xử lý vấn đề Biển Đông khi thẳng thắn chê chính quyền Obama “bất lực” trước các hành động càn lướt của Trung Quốc trên vùng biển này.