Bản tin Biển Đông ngày 23/10/2018.
Máy bay đổ bộ do Trung Quốc sản xuất thực hiện chuyến bay đầu tiên từ mặt nước
Ngày 22/10, tờ National Post đưa tin, máy bay AG600 – máy bay đổ bộ do Trung Quốc sản xuất – đã thực hiện chuyến cất cánh từ mặt nước đầu tiên tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Cuối năm ngoái, chiếc máy bay này đã có chuyến bay đầu tiên nhưng cất cánh từ mặt đất. Theo các quan chức chính phủ Trung Quốc, AG600 là chiếc máy bay lớn nhất thuộc loại này, được phát triển chủ yếu phục vụ cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng có khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng chiếc máy bay này cho các hoạt động quân sự tại Biển Đông bởi máy bay này có thể vận chuyển vật tư tới các đảo ở xa mà máy bay lớn thông thường không thể cất hay hạ cánh. Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin, cho biết máy bay AG600 có thể được sử dụng như một máy bay cảnh báo sớm ở Biển Đông nếu cần thiết.
Trung Quốc tức giận khi Hải quân Anh thề sẽ đi qua Biển Đông
Ngày 22/10, trang Express của Anh đưa tin, Đô đốc Philip Jones thuộc Hải quân Hoàng gia Anh cho biết ông sẽ đưa các tàu chiến của Anh đi qua vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, thể hiện sự ủng hộ các đồng minh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và chống lại Trung Quốc đang buộc tội Anh gây kích động khi cho tàu HMS Albion đi gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông hồi tháng 9 vừa qua. Đô đốc Jones phát biểu “Nếu bạn đang định có cách giải thích khác về Công ước dành cho phần lớn các quốc gia thì điều đó sẽ bị phản đối. Nếu không, bạn có thể thấy ngay trên thế giới, ai sẽ bắt đầu tự đưa ra giải thích của riêng mình”.
Mỹ đang làm tranh chấp ở Biển Đông tồi tệ hơn
Ngày 22/10, Hoàn Cầu Thời báo tiếp tục đăng bài viết buộc tội Mỹ ở Biển Đông. Bài viết của tác giả Chen Xiangmiao, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, có tựa đề “Các bước đi của Mỹ đang làm tranh chấp ở Biển Đông tồi tệ hơn”. Theo đó, bài viết cho rằng tình hình Biển Đông gần đây dường như đang chứng kiến sự đối lập phân cực giữa Trung Quốc và Mỹ. Mỹ đã cùng với các đồng minh và đối tác sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao, quân sự và công luận để kiềm chế Trung Quốc. Cụ thể, các bước đi quân sự thường xuyên của Mỹ đã đẩy Biển Đông đến bên bờ đối đầu. Trong hai năm qua, chính quyền Trump đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược toàn cầu của Mỹ và sự hiểu biết về những thách thức và mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt ở khu vực đã thay đổi. Mỹ coi các hoạt động thực thi pháp luật, phát triển các đảo, triển khai thiết bị quân sự và thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử mà Trung Quốc đang tiến hành là thách thức đối với sự kiểm soát của Washington ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Bài viết phân tích các mối lo ngại của Mỹ, bao gồm: lợi thế quân sự vượt trội của Mỹ có thể bị suy yếu, Mỹ có thể bị đẩy ra rìa trong việc xây dựng luật biển ở khu vực, kiến trúc an ninh song phương và đa phương do Mỹ dẫn đầu có thể bị lung lay. Mỹ cho rằng Trung Quốc đang đẩy Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến phân bổ quyền lực khu vực, quy tắc ứng xử và kiến trúc an ninh. Bài viết cho rằng Mỹ đang dựa trên các đánh giá sai lầm này mà tăng cường đầu tư chiến lược mạnh mẽ vào Biển Đông. Washington sẽ sử dụng biện pháp nào cứng rắn hơn thì chưa rõ nhưng chắc chắn các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương như Australia và Nhật sẽ cùng với Mỹ gia tăng vai trò, lợi ích của mình ở Biển Đông, chống lại Trung Quốc.
Bài viết khẳng định, đối với Trung Quốc, Biển Đông có nghĩa là chủ quyền, an ninh và phát triển, Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán trên biển và bảo đảm các hành lang an toàn cho nhập khẩu năng lượng và vận chuyển hàng hóa. Đối mặt với một nước Mỹ hung hăng ở Biển Đông, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn. Xét trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối phó, bao gồm cả việc gia tăng triển khai quân sự ở khu vực. Nếu Mỹ cứ khăng khăng cho rằng Biển Đông là nơi Bắc Kinh bắt đầu các cố gắng để thách thức vị thế của Washington như một siêu cường duy nhất và cạnh tranh quyền lực trong hệ thống quốc tế, thì quan điểm sai lầm này sẽ gây ra “một cuộc chiến không thể tránh khỏi” giữa hai nước tại vùng biển này.