Tuesday, November 19, 2024
Trang chủĐàm luậnPháp đáp trả tham vọng hàng hải của TQ

Pháp đáp trả tham vọng hàng hải của TQ

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly ngày 23/10 đã tuyên bố khởi động chương trình sản xuất một tàu sân bay thế hệ mới nhằm thay thế tàu Charles de Gaulle bởi con tàu này sẽ được cử đi làm nhiệm vụ mới.

Theo trang tin Opex360 chuyên về an ninh quốc phòng, trước khi được bảo trì và nâng cấp, tàu sân bay Charles de Gaulle tập trung chủ yếu vào các hoạt động chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Con tàu này – vốn được coi là niềm tự hào của Hải quân Pháp – đang trong giai đoạn tái khởi động để chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo, đó là tập trung bảo vệ quyền tự do hàng hải. Charles de Gaulle sẽ trở lại vùng biển Ấn Độ Dương, nơi nó thường xuyên hiện diện trong khoảng thời gian 2001-2015, và có thể còn hoạt động với quy mô rộng hơn chứ không chỉ giới hạn ở Ấn Độ Dương.  

  Khi được báo chí đặt câu hỏi liệu sự trở lại của tàu sân bay Charles de Gaulle có phải là một “yếu tố đáp trả” tham vọng hàng hải của Trung Quốc hay không, Bộ trưởng Florence Parly nhấn mạnh Pháp luôn ở tuyến đầu trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế – một quyền bất khả xâm phạm – mà hiện giờ điển hình là ở Biển Đông. Bà khẳng định Pháp sẽ thể hiện quyền tự do hành động và đi lại tại vùng biển này.

Trong số tất cả các quốc gia có tàu sân bay, chỉ có 2 quốc gia chế tạo tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Một là Mỹ và quốc gia thứ hai có thể khiến nhiều người bất ngờ, đó là Pháp. Chiếc Charles de Gaulle, hay R91, là chiếc tàu mặt nước chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Pháp và cũng là tàu sân bay duy nhất của nước này. Nó đã trở thành lực lượng tấn công tầm xa chủ lực của quân đội Pháp.

 Cần phải nhắc lại rằng Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, mắt xích quan trọng của các tuyến vận chuyển hàng hải quốc tế và có những mỏ dầu khí trữ lượng lớn. Vì mục đích này, nhà chức trách Trung Quốc thực hiện chính sách “việc đã rồi” bằng cách quân sự hóa các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời chèn ép các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại khu vực tranh chấp này. Theo Bộ trưởng Florence Parly, việc tàu sân bay Charles de Gaulle sớm trở lại hoạt động với đầy đủ tính năng chiến đấu sẽ tạo ra sức mạnh triển khai tầm xa cho hải quân Pháp. Tàu Charles de Gaulle dự kiến sẽ đến Ấn Độ Dương vào năm 2019.  Nhiệm vụ của tàu Charles de Gaulle đã được nói rõ trong các phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhân chuyến thăm Australia vào tháng 4/2018 khi ông khẳng định mong muốn “xây dựng một trục Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không”, chống lại nguy cơ “bá quyền” của Trung Quốc trong bối cảnh ảnh hưởng của Bắc Kinh không ngừng gia tăng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
  Mặt khác, tháng 8 vừa qua, không quân Pháp đã thực hiện chiến dịch “Pegasus 2018” nhằm thể hiện tình trạng sẵn sàng của Không quân Pháp tại các khu vực trên thế giới. Với 3 chiếc tiêm kích Rafale, một máy bay vận tải quân sự A400M, một chiếc A310 và một máy bay tiếp dầu, đội bay của Pháp đã thăm nhiều nước ở Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

  Pháp là một cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong năm 2014, báo cáo của Thượng viện Pháp nhấn mạnh rằng Hải quân Pháp phải đảm bảo “sự hiện diện thường xuyên và rõ rệt hơn”. Trước đó, một tài liệu của Tổng Cục Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (DGRIS) khuyến cáo Pháp cần nâng cao năng lực giám sát, ngăn chặn và hành động quân sự khi đối mặt với mối đe dọa có thể làm tổn hại tới an ninh quốc gia và khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới