Friday, December 27, 2024
Trang chủQuân sựCăng thẳng Mỹ-Trung: Tại sao lúc này?

Căng thẳng Mỹ-Trung: Tại sao lúc này?

Bài nói chuyện của ông Trump trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, của PTT Mike Pence tại Viện Hudson, của Bolton trên chương trình phát thanh Hugh Hewitt Show, hay chuyến viếng thăm Việt Nam và Singapore của Mattis, tất cả những hành động nhắm tới Trung Quốc này đều diễn ra chỉ hơn hai tuần trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (6 tháng 11 năm 2018).

Điều này cho thấy tính quan trọng của thời điểm thi hành chiến lược. Một chiến lược hay ho đến mấy vẫn chưa đủ. Kế hoạch thi hành, trong đó chi tiết thực hiện từng bước, từng nước cờ, khi nào bắt đầu hay chấm dứt, liên tiếp hay song hành,vv…, mang tính quyết định sự thành bại.

Với những gì được tiết lộ qua các phương tiện truyền thông cho đến nay, chúng ta có thể suy luận rằng chính quyền Trump chọn thời điểm này để khai chiến với Trung Quốc vì hai lý do chính: bầu cử giữa nhiệm kỳ, và sức mạnh của Trung Quốc hiện nay.

Một, đây là một chiến lược đối nội lẫn đối ngoại mà có lẽ sẽ mang lại thuận lợi cho vị thế của Chính phủ Trump và Đảng Cộng hòa hiện nay trước kỳ bầu cử. Một chiến lược lớn như thế chắc chắn đã được cân nhắc kỹ lưỡng từ những năm qua, và đã được giới tinh hoa và tình báo Hoa Kỳ cố vấn kỹ càng. Nhưng việc chính phủ Trump chọn thời điểm này để chính thức khai chiến rõ ràng là một chiến lược tính toán, như mọi đảng chính trị khác, nhất là đảng đang cầm quyền, cần phải làm trước thời điểm bầu cử. Đảng Dân chủ hay các đảng đối lập nào khác cũng phải tung các đòn phép của mình vào thời điểm này.

Trong bài phát biểu của mình, ông Pence nói rằng Trung Quốc đang muốn tạo ảnh hưởng và can thiệp vào chính sách và chính trị của Hoa Kỳ, sử dụng biện pháp toàn diện của chính quyền (a whole of government approach), kể cả tuyên truyền. Ông Pence mong mỏi người dân Mỹ quan tâm: “Tôi đến với quý vị ngày hôm nay bởi vì người dân Mỹ xứng đáng được biết điều này”. Ông Pence cho rằng vào tháng Sáu năm nay, Bắc Kinh đã phổ biến một tài liệu nhạy cảm, có tên “Thông báo về Tuyên truyền và Kiểm duyệt”, trong đó một trong các chiến lược của họ là “tấn công chính xác và cẩn thận, chia tách các nhóm trong nước khác nhau” tại Hoa Kỳ. Ông biện luận rằng sự lãnh đạo của Tổng thống Trump là hiệu quả, đã gây khó khăn cho Trung Quốc về kinh tế, cho nên Bắc Kinh muốn một tổng thống Hoa Kỳ khác. Một hòn đá hai con chim.

Bắc Kinh tất nhiên phủ nhận điều này. Còn Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ Kirstjen Nielsen cho biết Trung Quốc có khả năng và ý chí làm việc này, nên Hoa Kỳ đã theo dõi từng bước các hành động của họ; tuy nhiên những gì diễn ra hiện nay vẫn chủ yếu là các chiến dịch muốn tạo ảnh hưởng, giống như các truyền thống trước đây. Trong khi đó, Giám đốc FBI Christopher Wray vào tháng Bảy năm nay cho rằng nhìn từ quan điểm phản gián thì Trung Quốc “đại diện cho mối đe dọa rộng nhất, thách thức nhất và nghiêm trọng nhất mà đất nước chúng ta đã từng phải đối diện”.

Dù các nhân sự hàng đầu của Hoa Kỳ không hoàn toàn thống nhất khi trình bày về dữ kiện tình báo, nhất là mức độ can thiệp và ảnh hưởng của Trung Quốc vào kỳ bầu cử này, sự tố cáo của ông Trump, ông Mike và ông Bolton sẽ thu hút sự quan tâm và qua đó có thể giành được một số phiếu cử tri. Trong thời gian trước đó, sự ủng hộ của Chính phủ Trump đã sụt giảm và cơ hội để Đảng Dân chủ thắng cử tại Hạ viện kỳ này khá cao, nhưng nước cờ khai chiến với Trung Quốc trong những tuần qua có khả năng thay đổi tình thế. Cuộc thăm dò mới đây cho thấy sự ủng hộ của ông Trump và Đảng Cộng hòa được gia tăng đáng kể, nhất là sau khi ông Trump ký thỏa thuận thương mại mới với Canada và Mexico.

Hai, sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc về kinh tế và quân sự là rất đáng quan tâm. Trong bài viết mới đăng trên tạp chí Foreign Affairs, “Hãy ngừng ám ảnh về Trung Quốc”, Michael Beckley đã đưa ra những dữ kiện và cách đánh giá rất khác về Trung Quốc so với nhiều học giả trước đây. Ông Beckley kết luận rằng Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục dẫn trước Trung Quốc rất xa về kinh tế lẫn quân sự nên không cần quá quan tâm về sự trỗi dậy của họ. Ông Beckley viết nguyên một cuốn sách về đề tài này.

Tuy nhiên tôi cho rằng không phải vì thế mà Hoa Kỳ hay các đồng minh và các quốc gia khác có thể tự mãn hay không cần lo lắng. Chính sự tự mãn và sự coi thường – một quốc gia còn nghèo đói lạc hậu vào thập niên 1970 – mà mãi đến gần bốn thập niên sau, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác mới thật sự nhìn ra được hiểm họa của Trung Quốc. Chưa phải là bá chủ bá quyền, chưa đủ mạnh hàng đầu về kinh tế và quân sự, mà Bắc Kinh đã hành xử hung hăng, chèn ép các nước nhỏ và không nể nang ai, kể cả Hoa Kỳ. Huống chi khi họ đã ngang ngửa Hoa Kỳ thì chiến lược đối phó sẽ khó hơn, và các biện pháp sẽ giới hạn hơn, trừ khi một cuộc chiến toàn diện, kể cả quân sự, xảy ra. Thiệt hại sẽ là khủng khiếp. Giới lãnh đạo chính trị và tinh hoa của Hoa Kỳ đã tính toán rất kỹ bài toán này, và nhận định rằng càng để lâu càng khó, nhất là khi Trung Quốc đã trở nên quá mạnh để có thể ảnh hưởng hay kiềm chế.

Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn gấp hai lần Hoa Kỳ, và Bắc Kinh đã đổ tiền vào kỹ nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và kỹ nghệ sinh học. Thời gian đứng về phía Trung Quốc, như tạp chí The Economist nhận định. Cho nên nếu không tạo được áp lực với Trung Quốc hôm nay về những chuyện như đánh cắp tài sản trí tuệ, hay thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, thì những gì khó thực hiện hôm nay sẽ càng trở thành điều bất khả trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới