Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngVụ Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa Thường trực (PCA): Khả năng...

Vụ Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa Thường trực (PCA): Khả năng phán quyết của Tòa, lập trường và các hành động sai trái của Trung Quốc tại Biển Đông

Từ ngày 13 – 17/7/2015, Tòa án Thường trực (PCA) tại La Hay đã nghe hai phiên tranh tụng vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển về các tranh chấp biển tại Biển Đông. Tại hai phiên này, Philippines tập trung vào việc trình bày thẩm quyền của tòa trong việc có thể thụ lý hồ sơ kiện Trung Quốc của Philippines về các tranh chấp tại Biển Đông hay không.

Trung Quốc như đã thông báo trước đó đã không tham dự vào phiên tòa từ ngày 7 – 13/7/2015.

Theo như thông cáo báo chí lần thứ 6 của Tòa vào ngày 13/7/2015[1], Tòa đã nghe hai phiên trình bày của Philippines về thẩm quyền của Tòa, Tòa cho Philippines thời hạn đến ngày 23/7 để nộp bản viết trả lời câu hỏi riêng của thẩm phán của Tòa. Theo như ông Reichler, luật sư biện hộ cho Philippines thì Tòa sẽ mất khoảng 90 ngày để ra phán quyết có thẩm quyền tiếp tục xét xử vụ kiện hay không còn nội dung vụ kiện thì Tòa sẽ có thể mất nhiều năm nữa để xét xử[2].

Các hành động của Trung Quốc từ khi Philippines khởi kiện cho đến phiên tranh tụng và khả năng phản ứng của Trung Quốc trong thời gian tới khi Tòa ra phán quyết thẩm quyền?

Kể từ khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa vào tháng 1/2013, Trung Quốc đã có tuyên bố không chấp nhận tham gia vụ kiện và quan điểm này được nhiều lần lặp lại thông qua phát ngôn viên Bộ Ngoại giao hoặc các quan chức ngoại giao tại nước ngoài[3]. Chính thức nhất, ngày 7/12/2014, trước thời hạn cuối phải nộp phản biện hồ sơ kiện của Philippines mà Tòa đặt ra vào ngày 16/12/2014, Trung Quốc đã công bố bản lập trường (position paper) chính thức nêu các lý do về việc không tham gia vụ kiện[4]. Ngoài ra Trung Quốc cũng thực hiện một loạt các hành động đơn phương tại Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế. Tựu trung lại, có 5 vấn đề Trung Quốc diễn dịch sai nội dung kiện của Philippines và Trung Quốc có các hành động đơn phương cải tạo đảo trên thực địa vi phạm luật quốc tế như sau:

Thứ nhất, về vấn đề thủ tục, Trung Quốc cho rằng Philippines đã không sử dụng hết các biện pháp đàm phán song phương hai bên đã ký kết, trao đổi, vi phạm Điều 4 DOC các bên trong tranh chấp phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua thương lượng đàm phán trước khi sử dụng đến biện pháp bắt buộc là thông qua tòa án. Tuy nhiên, theo như đơn kiện Philippines, nước này đã chứng minh rằng mình đã sử dụng hết các biện pháp đàm phán, tham vấn hòa bình trao đổi quan điểm với Trung Quốc từ năm 1995 mà không đạt kết quả, việc Trung Quốc chiếm Scarborough năm 2012 là đỉnh điểm khiến nước này cần phải sử dụng đến biện pháp pháp lý[5]. Việc xem xét hai bên đã thực sự sử dụng hết các biện pháp tham vấn, đàm phán hòa bình hay chưa sẽ do Tòa xem xét và quyết định chứ không phải do một bên nào nói là được.

Thứ hai, về vấn đề thẩm quyền, Trung Quốc cho rằng Tòa không có thẩm quyền xét xử vụ án vì vụ kiện liên quan đến vấn đề lãnh thổ không thuộc trong phạm vi của Công ước Luật biển do đó Tòa không có thẩm quyền. Điều này hoàn toàn không đúng, vì Philippines đã khéo léo không đề cập đến vấn đề ai có chủ quyền với các đảo hay không mà chỉ tập trung vào yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là trái với Công ước, một số các thực thể chìm không được phép chiếm đóng và một số đảo đá không có vùng đặc quyền kinh tế. Cụ thể, Philippines cho rằng đá Gạc Ma, Scarborough, Chữ Thập và Châu Viên là các đá và chỉ được phép có 12 hải lý lãnh hải chứ không có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Đá Su Bi, Kennan, Vành Khăn là các thực thể chìm không phải là đảo. Các nội dung này của Philippines trong đơn kiện không đề cập đến vấn đề yêu sách lãnh thổ mà không thuộc thẩm quyền của Tòa. Thêm vào đó, đối với “đường lưỡi bò”, trong tuyên bố năm điểm gần đây của Ngoại trưởng Philippines cho rằng Trung Quốc không có quyền yêu sách “đường lưỡi bò” là “quyền lịch sử” cho các vùng biển lớn hơn theo quy định của Công ước mà các thực thể có thể có.

Thứ ba, Trung Quốc cho rằng các nội dung kiện không tránh khỏi liên quan đến vấn đề phân định biển mà Trung Quốc đã tuyên bố loại trừ ra khỏi thủ tục xét xử bắt buộc của Công ước. Tuy nhiên, điều này cũng không đúng do các vấn đề Philippines nêu rằng các thực thể như Gạc Ma, Scarborough, Châu Viên, Chữ Thập là đá và chỉ có 12 hải lý, việc Trung Quốc yêu sách 200 hải lý cho các thực thể này là không hợp pháp, do đó điểm này cũng không liên quan đến phân định biển. Việc yêu cầu tòa xem xét riêng từng thực thể là đảo hay đá không liên quan đến vấn đề phân định biển. Kể cả việc Trung Quốc lập luận đảo Ba Bình có 200 hải lý có thể bao chùm các thực thể đã nêu trên thì điều này cũng không ảnh hưởng đến yêu cầu của Philippines đối với tòa xác định các thực thể này là đá và chỉ có 12 hải lý vùng lãnh hải.

Thứ tư, ít nhất trong thời gia từ năm ngoái (2014) Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động cải tạo đảo với quy mô lớn trên các thực thể mà Philippines có nêu tên trong vụ kiện như Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Su Bi, Gaven, Vành Khăn. Hành động này của Trung Quốc rõ ràng hành động này là trái với Công ước Luật biển một quốc gia không được phép có các hành động đơn phương trong khu vực đang có tranh chấp gây thay đổi nguyên trạng ảnh hưởng đến việc xét xử sau này. Việc Trung Quốc cải tạo đảo quy mô lớn đã làm thay đổi nguyên trạng của các thực thể này, gây khó khăn cho việc tòa xác định nguồn gốc đâu là đảo, đá, thực thể lúc nổi lúc chìm hay thực thể chìm như theo đơn kiện của Philippines chỉ ra. Đây có thể coi như là hành động tìm cách thay đổi bằng chứng của Trung Quốc.

Cuối cùng, theo như đơn kiện của Philippines trong 5 điểm mà Ngoại trưởng Philippines Rossario đã nêu trong buổi tranh tụng ngày 7/7[6], Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường quy định trong Công ước thông qua hành động phá hủy các rặng san hô, ở đây ám chỉ các hoạt động Trung Quốc đào cát, phá san hô cải tạo đảo tại Trường Sa. Các hoạt động cải tạo đảo gần đây của Trung Quốc rõ ràng không chỉ đơn phương làm thay đổi nguyên trạng khu vực có tranh chấp mà còn làm phá hủy môi trường biển gây tổn hại cho toàn khu vực Biển Đông.

Trung Quốc đã không chịu tham gia vụ kiện và đã có bản lập trường chính thức nêu quan điểm không tham gia vụ kiện, bác thẩm quyền của Tòa và phản đối mọi phán quyết đối với vụ kiện do vậy trong thời gian tới khi chờ đợi Tòa ra phán quyết thẩm quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục theo hướng này. Sau thời hạn 90 ngày tới đây sẽ có hai khả năng Tòa ra phán quyết về thẩm quyền. Khả năng thứ nhất, Tòa ra phán quyết là không có thẩm quyền đối với vụ kiện. Trong trường hợp này Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới bằng nhiều hành động đơn phương bạo ngược như hiện nay trên Biển Đông. Trường hợp thứ hai, có nhiều khả năng Tòa ra phán quyết là có thẩm quyền đối với vụ án; trong trường hợp này, Tòa sẽ vẫn phải mất một số năm nữa[7] để ra quyết định về nội dung đơn kiện của Philippines về yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc có vô hiệu hay không, một số thực thể không phải là đảo và không có 200 hải lý, thực thể chìm… Như vậy, trong trường hợp này Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục không chấp nhận thẩm quyền của tòa, và tiếp tục không tham gia và không nộp bản bình luận về hồ sơ của Philippines vào ngày 28 tháng 8 năm 2015[8] giống như những hạn cuối trước đây của tòa đặt ra cho Trung Quốc. Thêm vào đó, Trung Quốc sẽ càng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nạo vét cải tạo bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các nước liên quan. Ngoài ra Trung Quốc cũng có thể vẫn tiếp tục các hoạt động thăm dò khai thác tài nguyên trong vùng biển của các nước khác trong khu vực, tăng cường các hoạt động cấm đánh bắt cá đơn phương hàng năm, áp dụng Điều lệ ngư nghiệp sửa đổi của tỉnh Hải Nam (2014), Điều lệ quản lý trị an biên phòng tỉnh Hải Nam (2013) để bắt giữ ngư dân của các nước ven biển chủ yếu tập trung vào ngư dân của Việt Nam và Philippines trong khu vực vùng biển thuộc Tam Sa (thực chất là vùng biển yêu sách của “đường lưỡi bò”) thuộc Hải Nam quản lý. Đây là các hành động tiếp tục được Trung Quốc thực hiện bất chấp luật pháp quốc tế nhằm thực hiện tối đa hóa yêu sách biển của mình thông qua “đường lưỡi bò”.

Tóm lại, khó có thể trông chờ rằng vụ kiện của Philippines sẽ mang lại chuyển biến tích cực trong chính sách và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Thậm chí còn có thể cho rằng qua vụ kiện này, Trung Quốc còn tỏ rõ hơn thái độ bất chấp luật pháp quốc tế bằng các biện pháp hung hãn và xác quyết hơn trên thực địa.

BDN

 


[1] https://seasresearch.wordpress.com/2015/07/14/6th-press-release-from-pca-the-arbitral-tribunal-concludes-hearing-on-jurisdiction-and-admissibility/

[2] http://www.reuters.com/article/2015/07/07/us-southchinasea-arbitration-idUSKCN0PH1KH20150707

[3] http://ph.chineseembassy.org/eng/zt/nhwt/t1014903.htm

[4] Xem bản lập trường tại http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1217147.shtml

[5] Xem thông báo khởi kiện ngày 22 tháng 1 năm 2013 của Philippines tại http://www.dfa.gov.ph/index.php/newsroom/dfa-releases/7300-statement-by-secretary-of-foreign-affairs-albert-del-rosario-on-the-unclos-arbitral-proceedings-against-china-to-achieve-a-peaceful-and-durable-solution-to-the-dispute-in-the-wps

[6] Xem tại tuyên bố 5 điểm của Ngoại trưởng Philippines tại https://seasresearch.wordpress.com/2015/07/08/full-text-of-philippine-foreign-secretary-albert-del-rosarios-statement-at-the-hague/

[7] Theo như luật sư Reichler biện hộ cho Philippines tại http://www.reuters.com/article/2015/07/07/us-southchinasea-arbitration-idUSKCN0PH1KH20150707

[8]http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/2535_665405/t1281252.shtml

RELATED ARTICLES

Tin mới