Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ đã làm những gì để kiểm soát dư luận thế giới?

TQ đã làm những gì để kiểm soát dư luận thế giới?

Chính quyền Trung Quốc đã dành hàng năm trời để duy trì và gia tăng nỗ lực kiểm soát dư luận trong nước, cũng như can thiệp và tác động đến cách thế giới nói về mình.

National Public Radio (NPR) ngày 3/10 đã xuất bản một bài báo đưa ra những dẫn chứng về nỗ lực chi phối dư luận quốc tế của chính quyền Bắc Kinh. Đây là một phần trong chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhằm thay đổi hình ảnh của họ trong mắt cộng đồng quốc tế.

Đối tượng kiểm duyệt là những hoạt động và những phát biểu mâu thuẫn với đường lối của đảng hoặc động chạm đến các vấn đề chính trị nhạy cảm cao, ví dụ như Tây Tạng và Đài Loan.

Đe dọa các doanh nghiệp phương Tây

Nỗ lực đe dọa các doanh nghiệp phương Tây của chính phủ Trung Quốc đã phần nào phát huy tác dụng, thậm chí đôi khi, chính các doanh nghiệp trở thành cánh tay đắc lực tiếp tay cho chính quyền Trung Quốc.

Để minh chứng cho điều này, ký giả Frank Langfitt đã thuật lại những gì đã xảy ra ở Luân Đôn mùa hè này, tại một giải bóng đá mô phỏng theo World Cup. Trong số các đội tuyển tham gia giải đấu có người dân tộc thiểu số và những lãnh thổ bị cô lập, bao gồm cả Tây Tạng, một vài nhà tài trợ tiềm năng bắt đầu gây khó dễ vì điều đó.

“Đã có những yêu cầu được đưa ra, rằng liệu chúng tôi có thể cân nhắc loại người Tây Tạng ra khỏi giải đấu hay không”, Paul Watson, giám đốc thương mại của Liên đoàn các Hiệp hội Bóng đá Độc lập (CONIFA), đơn vị điều hành giải đấu cho biết.

Watson nhớ lại lời mà các nhà tài trợ tiềm năng đã nói với ông: “Tôi đã hỏi ý kiến ông chủ của tôi. Về vấn đề Tây Tạng. Anh có thể loại họ ra khỏi [giải đấu] không? Tôi thực sự xin lỗi. Thật khủng khiếp khi đưa ra một yêu cầu như thế này. Chúng tôi yêu quý những gì anh đang làm, nhưng anh có thể loại bỏ Tây Tạng không?”.

Watson từ chối gạt bỏ những người Tây Tạng, quyết định này đã khiến CONIFA thiệt hại hơn 100.000 USD tài trợ.

Đội tuyển Tây Tạng đấu với đội tuyển Luân Đôn Thổ Nhĩ Kỳ All-Stars ở cúp CONIFA (Ảnh: Sam Mellish / Getty Images)

Watson cho biết không một đại diện nào của chính phủ Trung Quốc từng tiếp cận ông, nhưng họ chẳng cần phải làm vậy, vì chính các nhà tài trợ đã lường trước những rủi ro.

Tây Tạng là một phần của Trung Quốc, nhưng nhiều người Tây Tạng không thừa nhận chế độ cai trị này. Họ tin rằng chính phủ Bắc Kinh đang cố gắng phá hủy bản sắc văn hóa và tinh thần Tây Tạng, cả ở trong và ngoài đất nước.

Các nhà tài trợ cố tránh xúc phạm Bắc Kinh vì họ đã thấy hình phạt của ĐCSTQ đối với các công ty vi phạm·đường lối của chính quyền nước này. Hồi tháng Giêng, website của tập đoàn khách sạn Marriott ở Trung Quốc đã bị đình chỉ hoạt động vì để tham chiếu trên trang web rằng Tây Tạng, Hồng Kông và Ma Cao là các quốc gia. Tháng tiếp theo, Mercedes-Benz buộc phải xin lỗi vì trích dẫn lời Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, trên Instagram.

“Nhìn vào tình huống từ mọi góc độ, và bạn sẽ trở nên cởi mở hơn”, câu trích dẫn đọc.

Những người Tây Tạng ở London, những thành viên chủ chốt của đội tuyển đã rất ngạc nhiên và bày tỏ sự biết ơn khi biết rằng CONIFA đã đứng lên vì họ.

Can thiệp các diễn đàn tự do ngôn luận

Khi một tổ chức ở phương Tây làm trái đường lối của Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc sẵn sàng áp dụng quyền lực để cưỡng chế đối phương thực thi theo quan điểm của họ.

Năm ngoái, công đoàn sinh viên Đại học Durham đã tổ chức một cuộc tranh luận về chủ đề liệu Trung Quốc có phải là mối đe dọa đối với phương Tây hay không.

Tom Harwood, Chủ tịch công đoàn khi đó, cho biết Hội sinh viên và học giả Trung Quốc đã phàn nàn về chủ đề này và ép anh gạch tên cựu Hoa hậu Thế giới Canada, Anastasia Lin, khỏi danh sách diễn giả. Lin là một nhà hoạt động nhân quyền và là một học viên Pháp Luân Công, một nhóm thiền định được yêu thích trên thế giới nhưng lại bị cấm bởi chính phủ Trung Quốc.

Cựu hoa hậu Thế giới Canada, Anastasia Lin, cô cũng là môt nhà hoạt động nhân quyền và là học viên Pháp Luân Công, người đã nhiều lần khiến Trung Quốc phải e ngại vì nỗ lực phơi bày những tội ác của Trung Quốc (Ảnh: Pablo Martinez Monsivais/AP)

“Đại sứ quán Trung Quốc đã gọi điện đến văn phòng của chúng tôi và truy hỏi về cuộc thảo luận, họ hỏi xem chúng tôi có thể không mời Anastasia Lin được không. Thậm chí, một quan chức đại sứ quán Trung Quốc còn đe dọa rằng nếu cuộc thảo luận này vẫn diễn ra, Vương quốc Anh có thể nhận được các điều khoản thương mại kém thuận lợi sau Brexit”.

Vào tháng Ba, Vương quốc Anh dự định rời Liên minh châu Âu, một thị trường khổng lồ với hơn 500 triệu người tiêu dùng. Các quan chức Anh đang nỗ lực tìm kiếm các thỏa thuận thương mại tự do mới với các nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc.

Harwood đã thật sự choáng váng khi một nhà ngoại giao Trung Quốc sẵn sàng đưa ra lời đe dọa rằng đất nước của anh sẽ phải trả giá chỉ vì một chuyện nhỏ xíu như một cuộc thảo luận của trường đại học.

“Thật đáng ngạc nhiên đối với một tổ chức đã 175 tuổi, tự hào là một diễn đàn tự do ngôn luận, tự do trao đổi, tự do tranh luận, lại xuất hiện một thế lực bên ngoài cố gắng thay đổi điều đó, và cố gắng ngăn chặn chúng tôi mời một diễn giả”, Harwood nói.

Càng cúi đầu, càng bị bắt nạt

Bình luận về trường hợp của giải đấu CONIFA, cựu quan chức của Học viện Tây Tạng Tự do, Pema Yoko cho biết: “Rất hiếm khi bạn thấy người ta gắn bó với những nguyên tắc như vậy, nhưng bạn càng cúi đầu trước Trung Quốc, Trung Quốc sẽ càng bắt nạt bạn”.

Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc bác bỏ việc gây áp lực cho hội sinh viên và cho biết họ chưa bao giờ nghe nói về giải đấu bóng đá CONIFA.

Malcolm Rifkind, cựu ngoại trưởng Anh, người đã tham gia cuộc tranh luận ở Đại học Durham, cho biết ông không nghĩ gì nhiều về thủ đoạn của Trung Quốc.

“Tôi cho rằng điều đó thật thảm hại,” Rifkind nói. “Đó là những gì mà người Trung Quốc cứ lặp đi lặp lại một cách ngu ngốc”.

Rifkind nói rằng một vài thập kỷ trước đó, khi Trung Quốc yếu hơn và nền kinh tế nhỏ hơn nhiều, thật dễ dàng bỏ qua những lời than phiền đó.

Rifkind từng giữ chức ngoại trưởng Anh vào thời điểm nước này chuẩn bị trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997. Vào thời điểm đó, nền kinh tế của Anh lớn hơn Trung Quốc. Khi Đạt Lai Lạt Ma yêu cầu gặp Rifkind, khoảng một năm trước khi bàn giao, ông chẳng hề ngần ngại.

“Họ đã lúng túng,” Rifkind nhớ lại. “Họ phàn nàn. Họ nói điều đó là không thích hợp, nhưng không có gì hơn thế, bởi vì tại thời điểm đó, họ không có tiếng nói như bây giờ”.

Cựu Ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind (Ảnh: Peter Macdiarmid/Getty Images)

Trở lại năm 2012, nền kinh tế Trung Quốc lúc bấy giờ đã lớn gấp ba lần Vương quốc Anh, khi Thủ tướng Anh David Cameron gặp gỡ Đạt Lai Lạt Ma ở Luân Đôn, Bắc Kinh đáp trả bằng cách hủy bỏ các cuộc họp và đóng băng hoạt động của các quan chức Anh.

Đến năm 2015, Cameron đã từ chối gặp Đạt Lai Lạt Ma, người đã nói với The Spectator, một tạp chí chính trị bảo thủ: “Tiền, tiền, tiền. Đó là tất cả những gì trong vấn đề này. Còn Đạo đức ở đâu?”.

Chính phủ Trung Quốc không chỉ cố trừng phạt phương Tây vì đi sai đường lối ĐCSTQ. Những năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến xa hơn thế, với lập luận rằng mô hình quyền lực của Trung Quốc có thể trở thành một hình mẫu cho các nước khác noi theo, thay thế cho nền dân chủ tự do.

Jan Weidenfeld, người điều hành đơn vị Chính sách Châu Âu của Trung Quốc tại Học viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Berlin, cho biết ĐCSTQ đã lập luận thế này: “Nhìn vào nơi dân chủ đã trói buộc bạn? Rất nhiều những quyết định phi lý. Bạn có Donald Trump trong Nhà Trắng. Bạn có Brexit, còn chúng tôi có mô hình [nhà nước] tốt hơn”.

Những nỗ lực vụng về để kiểm soát dư luận – như trong trường hợp của cuộc tranh luận tại Đại học Durham – đã phản tác dụng, nhưng Trung Quốc đã thành công với việc gây áp lực lên các doanh nghiệp, như lời xin lỗi của Marriott và Mercedes-Benz.

Benedict Rogers, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ Anh, nhận định, thái độ khuất phục trước ĐCSTQ của một số người phương Tây chính là một phần của vấn đề.

Benedict Rogers, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh (Ảnh: Simon Gross / Epoch Times)

Năm ngoái, quan chức Đại sứ quán Trung Quốc đã thúc giục một thành viên Quốc hội Anh ngăn cản một trang web bảo thủ xuất bản bài báo của Rogers, viết về các chính sách đàn áp của Trung Quốc tại Hồng Kông nhân ngày kỷ niệm 20 năm bàn giao.

Rogers nói rằng 5 hay 10 năm trước, đại sứ quán Trung Quốc sẽ không bao giờ có can đảm để thử điều đó.

“Tôi nghĩ rằng [Trung Quốc] được khuyến khích bởi sự thỏa hiệp của chúng ta trong những năm gần đây”, Rogers nói. “Thực ra, nếu chúng ta đứng vững hơn từ vài năm trước, có lẽ họ sẽ không thể làm vậy lúc này”.

RELATED ARTICLES

Tin mới