Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngCác cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước Liên hợp...

Các cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ở Biển Đông

Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang ngày càng có nhiều diễn biến mới, khiến tình hình căng thẳng trong khu vực ngày càng gia tăng và chiến thắng của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ở Biển Đông đã mở ra một chương mới trong việc tìm kiếm biện pháp pháp lý giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tất cả các nước liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đều là thành viên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), vì vậy, theo các quy định của UNCLOS, tất cả các nước liên quan, bao gồm Trung Quốc có nghĩa vụ thực hiện các quy định của UNCLOS.

Những lựa chọn về Trọng tài hay Tòa án

Quy tắc “mặc định” trong UNCLOS là nếu có tranh chấp giữa hai quốc gia về việc giải thích hay áp dụng bất kỳ điều khoản nào của Công ước, thì sẽ phải chịu sự điều chỉnh của hệ thống giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc theo Mục 2 của Phần 15. Đầu tiên các quốc gia có nghĩa vụ phải trao đổi quan điểm để cố gắng giải quyết tranh chấp bằng cách tuân theo các thủ tục được quy định tại Mục 1 của Phần 15. Tuy nhiên, khi việc áp dụng Mục 1 không thể giúp giải quyết tranh chấp, thì tranh chấp đó có thể được đơn phương đệ trình lên các tòa có thẩm quyền theo mục này theo yêu cầu của bất kỳ bên nào trong tranh chấp.

Tòa án hay tòa trọng tài có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp sẽ phải phụ thuộc một phần vào việc liệu các bên tranh chấp có thực hiện quyền lựa chọn thủ tục giải quyết tranh chấp hay không. Theo Điều 287, một quốc gia có quyền tự do lựa chọn, bằng văn bản tuyên bố, một hay nhiều hơn trong số bốn thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước. Các quốc gia có quyền lựa chọn giữa hai phương pháp phân xử và hai phương pháp trọng tài. Các lựa chọn gồm: phân xử trước Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ); phân xử trước tòa ITLOS; trọng tài theo Phụ lục 7 của UNCLOS; hoặc trọng tài đặc biệt theo Phụ lục 8 của UNCLOS. Sự lựa chọn thủ tục có thể được thực hiện khi quốc gia ký kết, phê duyệt hoặc tham gia Công ước UNCLOS, hoặc bất kỳ thời điểm nào sau đó.

Nếu hai bên (hai quốc gia) của một tranh chấp chọn ra được cùng một thủ tục, thì tranh chấp đó sẽ được dẫn chiếu tới thủ tục đó. Nếu các bên tranh chấp không lựa chọn cùng một thủ tục, hay nếu một bên không đưa ra sự lựa chọn, thì tranh chấp sẽ được đưa lên trọng tài theo Phụ lục 7, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Các quốc gia yêu sách chủ quyền các điểm đảo ở Biển Đông đều không đưa ra lựa chọn theo Điều 287. Do đó, nếu như hệ thống giải quyết tranh chấp bắt buộc của Mục 2 Phần 15 được viện dẫn trong tranh chấp giữa hai quốc gia yêu sách liên quan đến Biển Đông, thì tranh chấp đó sẽ tự động được xét xử bằng trọng tài theo Phụ lục 7 của UNCLOS.

Luật áp dụng và tính chung thẩm của các phán quyết

Tòa án hay tòa trọng tài giải quyết tranh chấp có thẩm quyền do tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng một điều khoản của UNCLOS. Tuy nhiên, để giải quyết tranh chấp thì tòa lại không bị giới hạn bởi việc chỉ áp dụng các điều khoản của UNCLOS. Điều 293 của UNCLOS quy định rằng tòa có thẩm quyền sẽ áp dụng Công ước và các quy định khác của luật quốc tế không trái với Công ước. Dù tranh chấp có được đưa dẫn chiếu tới một trong hai phương pháp phân xử tại tòa hay một trong hai phương pháp trọng tài, thì phán quyết được đưa ra bởi tòa hay trọng tài có thẩm quyền cũng sẽ là chung thẩm, và các bên tranh chấp có nghĩa vụ phải tuân thủ nó.

Quốc gia là một bên trong tranh chấp được dẫn chiếu đến theo Mục 2 Phần 15 cũng có thể yêu cầu các biện pháp tạm thời để (a) duy trì các quyền tương ứng của các bên; hoặc (b) ngăn chặn các nguy cơ đối với môi trường biển. Điều kiện tiên quyết duy nhất là tòa ITLOS phải xác định rằng, tòa trọng tài được hình thành sẽ có thẩm quyền prima facie (hiển nhiên) để xét xử vụ việc. Những biện pháp tạm thời đó có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Ngay cả khi tranh chấp được dẫn chiếu tới tòa trọng tài thì quốc gia là bên tranh chấp vẫn có thể yêu cầu các biện pháp tạm thời từ ITLOS trong khi chờ sự thành lập của tòa trọng tài.

Những tranh chấp chịu sự điều chỉnh của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc

Chỉ ngoại trừ một số ít những hạng mục các tranh chấp được miễn trừ, tất cả các tranh chấp khác giữa các quốc gia thành viên của UNCLOS về việc giải thích hay áp dụng điều khoản của UNCLOS đều chịu sự điều chỉnh của hệ thống giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc theo UNCLOS. Liên quan đến các điều khoản được đề cập trong bài viết này, các tranh chấp về các vấn đề sau đây sẽ phải được giải quyết bởi tòa án quốc tế: (a) Tranh chấp về tính phù hợp của đường cơ sở thẳng của Quốc gia với điều 7 của UNCLOS; (b) Tranh chấp về việc liệu các đường cơ sở có thể được vẽ từ các quần đảo giữa biển khơi như Trường Sa hay Hoàng Sa hay không; (c) Tranh chấp về việc một thực thể có phải là đảo theo Điều 121 hay đảo nửa chìm theo Điều 13; (d)         Tranh chấp về việc một thực thể có phải là đảo theo Điều 121 hay đảo nhân tạo theo Điều 60; (e) Tranh chấp về việc một hòn đảo có phải là đảo đá mà không có khả năng duy trì sự sống con người hay có đời sống kinh tế riêng theo Điều 121(3) hay không; (f) Tranh chấp về việc một quốc gia có can thiệp một cách bất hợp pháp vào các quyền chủ quyền và tài phán của quốc gia khác trong vùng EEZ của Quốc gia đó theo Điều 56 và 77 hay không; (g) Tranh chấp về việc luật và các quy định trong nước của một quốc gia về các hoạt động thăm dò ở vùng EEZ hoặc thềm lục địa của mình có phù hợp với UNCLOS hay không.

Những hạn chế và ngoại lệ về giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc

Mục 3 Phần 15 quy định về các ngoại lệ và hạn chế của hệ thống giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc của Mục 2. Cụ thể, Điều 297 loại trừ hai loại tranh chấp khỏi hệ thống giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc của Mục 2 Phần 15: (a) các tranh chấp liên quan đến các quyết định của quốc gia về nghề cá trong vùng EEZ của mình; và (b) các tranh chấp liên quan đến các quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học ở vùng EEZ. Mục 3 Phần 15 cũng cho phép các quốc gia có quyền “không tham gia” vào hệ thống giải quyết tranh chấp bắt buộc theo Mục 2 đối với một số loại tranh chấp. Điều 298 quy định rằng các quốc gia thành viên được lựa chọn việc chính thức tuyên bố với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc rằng họ không chấp nhận giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc theo Mục 2 đối với các loại tranh chấp sau: (1) Những tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng các điều 15, 74, và 83 liên quan đến phân định biên giới trên biển, hoặc những tranh chấp liên quan đến các vịnh, danh nghĩa lịch sử,… (2)         Những tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự, bao gồm các hoạt động quân sự của tàu thuyền và máy bay của chính phủ tham gia vào các hoạt động phi thương mại, và những tranh chấp liên quan đến các hoạt động thi hành pháp luật đối với việc thực thi các quyền chủ quyền hoặc tài phán được loại trừ khỏi thẩm quyền của tòa hay tòa trọng tài theo điều 297, khoản 2 hoặc 3; (3) Những tranh chấp mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang thực thi chức năng được giao phó bởi Hiến chương Liên Hợp Quốc, trừ khi Hội đồng Bảo an quyết định loại bỏ vấn đề đó khỏi chương trình nghị sự của mình hoặc kêu gọi các bên giải quyết bằng các biện pháp được quy định trong Công ước này.

Tác động của tuyên bố của Trung Quốc theo Điều 298

Ngày 25/08/2006, Trung Quốc đệ trình một tuyên bố: “Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không chấp nhận bất kỳ thủ tục nào được quy định ở Mục 2 phần XV của Công ước này liên quan đến tất cả các loại tranh chấp được dẫn chiếu tại khoản 1(a)(b) và (c) của Điều 298 của Công ước”. Trung Quốc đã thực hiện quyền của mình theo Điều 298 và không tham gia vào quy chế giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc của Mục 2 Phần XV đối với các tranh chấp được dẫn chiếu tại Điều 298(1)(a), (b) và (c) của Công ước.

Đầu tiên, tuyên bố này loại trừ các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Điều 15, 74, và 83 về phân định biên giới trên biển. Do đó, nếu Việt Nam và Trung Quốc không thể thỏa thuận được về ranh giới EEZ gần quần đảo Hoàng Sa, thì không quốc gia nào được quyền viện dẫn đến hệ thống giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc của UNCLOS. Vấn đề lúc đó sẽ là liệu ranh giới vùng EEZ có thể được dẫn chiếu tới các hình thức tham vấn không ràng buộc theo Phụ lục 5 hay không. Điều 298(1)(a) quy định như sau: Những tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng các Điều 15, 74 và 83 liên quan đến phân định biên giới trên biển, hoặc những tranh chấp liên quan đến các vịnh hoặc danh nghĩa lịch sử, với điều kiện là một quốc gia đã đưa ra tuyên bố về vấn đề này, khi tranh chấp phát sinh sau khi Công ước này có hiệu lực và trong trường hợp các bên không thể đi đến thỏa thuận trong khoảng thời gian hợp lý, khi có yêu cầu của bất kỳ bên nào trong tranh chấp, sẽ chấp nhận đệ trình vấn đề để được hòa giải theo Phụ lục 5, mục 2; tuy nhiên không thể thực hiện việc đệ trình này trong trường hợp một tranh chấp có liên quan đến việc xem xét một tranh chấp chưa được giải quyết khác về chủ quyền hoặc các quyền về lãnh thổ lục địa hoặc đảo có đất liền.

Tuyên bố của Trung Quốc loại trừ tất cả các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng các Điều 74 và 83, bao gồm tranh chấp về việc liệu một Quốc gia yêu sách có vi phạm nghĩa vụ theo Điều 74(3) và Điều 83(3) về việc cần có nỗ lực để tham gia vào các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn hay không, hoặc tranh chấp về việc liệu một quốc gia yêu sách có vi phạm nghĩa vụ không được có hành động đơn phương trong các khu vực có yêu sách chồng lấn gây khó khăn hoặc cản trở việc đi đến thỏa thuận cuối cùng về biên giới trên biển hay không. Tuy nhiên, nếu một quốc gia yêu sách có hành động đơn phương ở khu vực tranh chấp như việc khoan để lấy dầu và khí, thì các bên yêu sách khác có thể viện dẫn đến hệ thống giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc của UNCLOS bằng cách lập luận rằng hành động đơn phương đó là một sự lạm dụng Điều 300 của UNCLOS.

Thứ hai, tuyên bố của Trung Quốc loại trừ các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều khoản của UNCLOS liên quan đến các vịnh và danh nghĩa lịch sử. Do đó, một tranh chấp về việc giải thích Điều 10(6) về vịnh lịch sử sẽ được loại trừ. Tương tự như vậy, một tranh chấp về việc liệu “danh nghĩa lịch sử” của một bên có cần được xem xét đến trong việc phân định biên giới lãnh hải hay không cũng sẽ được loại trừ. Tuy nhiên, những tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Điều 15 về phân định lãnh hải vốn đã được loại trừ và UNCLOS cũng không có quy định nào khác về danh nghĩa lịch sử. Hơn nữa, mặc dù Điều 15 có nhắc đến danh nghĩa lịch sử, nhưng không đề cập gì đến các quyền lịch sử, và không có điều khoản nào trong UNCLOS liên quan đến các quyền lịch sử. Do đó, nếu Trung Quốc đưa ra lập luận về quyền theo luật quốc tế để thực hiện các quyền lịch sử ở vùng biển trong đường lưỡi bò, thì có thể sẽ phát sinh một tranh chấp về việc liệu những quyền đó có phù hợp với UNCLOS hay không, và tranh chấp đó sẽ không bị loại trừ bởi tuyên bố của Trung Quốc.

Thứ ba, tuyên bố của Trung Quốc loại trừ các tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự. Do đó, bất kỳ tranh chấp nào về việc Quốc gia có quyền thực hiện các hoạt động quân sự theo Điều 58 như thăm dò hay tập trận ở vùng EEZ của Trung Quốc hay không cũng sẽ được loại trừ khỏi hệ thống giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc của UNCLOS. Bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở vùng biển của quốc gia khác cũng sẽ được loại trừ.

Thứ tư, tuyên bố trên loại trừ các tranh chấp liên quan đến các hoạt động cưỡng chế pháp luật đối với việc thực hiện các quyền chủ quyền và tài phán khỏi thẩm quyền của tòa theo Điều 297(2) hoặc (3). Trên thực tế, điều này chỉ loại trừ một số loại cưỡng chế pháp luật rất hạn chế, cụ thể là những hoạt động liên quan đến việc cưỡng chế các hoạt động đánh cá và nghiên cứu khoa học biển, vốn đã được loại trừ khỏi hệ thống giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc theo Điều 297(2) và (3). Các tranh chấp liên quan đến các loại hoạt động cưỡng chế pháp luật khác, như những tranh chấp liên quan đến việc can thiệp vào các hoạt động thăm dò địa chấn hay việc bắt giữ các tàu thuyền đánh cá trong khu vực có yêu sách chồng lấn sẽ không được loại trừ bởi tuyên bố này.

Thứ năm, tuyên bố trên loại trừ các tranh chấp mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang thực hiện chức năng được giao phó bởi Hiến chương Liên Hợp Quốc, trừ khi Hội đồng Bảo an quyết định loại bỏ vấn đề khỏi chương trình nghị sự của mình hoặc kêu gọi các bên giải quyết bằng các biện pháp được nêu trong UNCLOS. Mục đích của ngoại lệ này là để tránh sự xung đột giữa thủ tục giải quyết tranh chấp được tiến hành theo Phần 15 của UNCLOS và hành động mà Hội đồng Bảo an có thể thực hiện khi thực thi nghĩa vụ của mình để bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế theo Chương VII của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Ví dụ, nếu xung đột vũ trang nổ ra giữa các Quốc gia yêu sách liên quan đến các đảo tranh chấp ở Biển Đông, thì vấn đề có thể được dẫn chiếu lên Hội đồng Bảo an. Trong trường hợp đó, một bên tranh chấp sẽ không được viện dẫn đến các thủ tục giải quyết tranh chấp trong UNCLOS đối với vấn đề này cho dù việc sử dụng vũ lực quân sự của một bên yêu sách có vi phạm UNCLOS đi chăng nữa.

Cuối cùng, cũng cần lưu ý rằng các ngoại lệ của Điều 298 không mang tính “tự phán xét”, một bên tranh chấp không thể tự xác định là những ngoại lệ có được áp dụng trong vụ việc hay không. Điều 288(4) nêu rõ rằng trong trường hợp xảy ra tranh chấp về thẩm quyền của tòa, thì vấn đề này sẽ được giải quyết thông qua phán quyết của tòa đó.

Ý kiến tư vấn của ITLOS

Không có quy định nào trong UNCLOS hay trong Quy chế tòa ITLOS cho phép các quốc gia thành viên hay các thể chế được thành lập theo UNCLOS được yêu cầu ý kiến tư vấn của tòa ITLOS đối với các câu hỏi pháp lý. Tuy nhiên, Quy tắc của Tòa này, được thông qua vào năm 1996 theo Điều 16 của Quy chế, cho Tòa thẩm quyền được đưa ra các ý kiến tư vấn trong một số tình huống nhất định. Điều 138 của Quy chế quy định như sau: (1) Tòa có thể đưa ra ý kiến tư vấn về một vấn đề pháp lý nếu như có một thỏa thuận quốc tế liên quan đến các mục đích của Công ước cho phép việc đệ trình lên Tòa một yêu cầu cho ý kiến tư vấn. (2) Một yêu cầu cho ý kiến tư vấn sẽ được chuyển đến Tòa bởi bất kỳ cơ quan nào được ủy quyền từ hoặc phù hợp với thỏa thuận xin ý kiến tư vấn từ Tòa. (3) Tòa sẽ áp dụng các điều 130 đến 137 theo nguyên tắc mutatis muntadis (với sự thay đổi cần thiết và chi tiết).

Địa vị và cơ sở pháp lý của Điều 138(1) đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các quan chức chính phủ và thẩm phán của các tòa. Thẩm quyền tư vấn của Tòa được dựa trên Điều 21 của Quy chế Tòa, trong đó quy định rằng thẩm quyền của Tòa bao gồm tất cả các tranh chấp và đơn được đệ trình lên tòa và tất cả các vấn đề được quy định rõ ràng trong các thỏa thuận khác trong đó trao thẩm quyền cho Tòa. Mặc dù có một số mối lo ngại đã được nêu lên về việc liệu Tòa có vượt quá quyền hạn của mình trong việc cho phép thẩm quyền tư vấn theo Điều 138(1) của Quy tắc hay không, nhưng giới bình luận đã kết luận rằng các phản hồi đối với việc cho phép tòa ITLOS có quyền đưa ra ý kiến tư vấn trong một số tình huống nhất định phần lớn là tích cực.

Nếu một cơ quan yêu cầu ý kiến tư vấn theo Điều 138(1), thì sẽ khó để cho Quốc gia nào phản đối thẩm quyền của Tòa trong việc đưa ra ý kiến tư vấn. Trong bất kỳ trường hợp nào, ngay cả khi có thể đưa ra sự phản đối, thì Điều 288(4) của UNCLOS vẫn có quy định rằng trong trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền của tòa, thì vấn đề đó sẽ được giải quyết bằng phán quyết của tòa đó. Do đó, bản thân Tòa sẽ có quyền quyết định về thẩm quyền được trao cho mình theo Quy tắc của Tòa.

Theo Điều 138(1) của Quy tắc, Tòa có thể cho ý kiến tư vấn nếu như ba yêu cầu sau đây được đáp ứng. Đầu tiên, cần phải có sự thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan đến các mục đích của UNCLOS. Đây có thể là một thỏa thuận đa phương, một thỏa thuận khu vực hoặc thậm chí là thỏa thuận song phương, miễn sao thỏa thuận đó liên quan đến mục đích của Công ước.

Thứ hai, thỏa thuận đó phải quy định cụ thể về việc đệ trình yêu cầu cho ý kiến tư vấn từ Tòa. Thỏa thuận quốc tế đó phải quy định về việc ai sẽ có quyền yêu cầu ý kiến tư vấn và định ra các thủ tục để đưa ra yêu cầu đó. Thỏa thuận này cũng có thể quy định rằng các quốc gia thành viên của thỏa thuận sẽ được thành lập một cơ quan và ủy quyền cho cơ quan đó yêu cầu ý kiến tư vấn nếu thấy rằng ý kiến tư vấn sẽ hỗ trợ được việc thực hiện các chức năng và mục tiêu của mình.

Thứ ba, ý kiến tư vấn phải là về một vấn đề pháp lý. Điều này được hiểu là một vấn đề pháp lý liên quan đến Công ước. Tòa nhiều khả năng sẽ đi theo những án lệ của Tòa án Công lý Quốc tế khi xác định liệu đó có phải là một vấn đề pháp lý hay không.

Như vậy, một số hoặc tất cả các quốc gia yêu sách ở Biển Đông sẽ có thể yêu cầu ý kiến tư vấn về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng UNCLOS nếu các quốc gia này tham gia vào một thỏa thuận quốc tế liên quan đến các mục đích của Công ước. Thỏa thuận này cũng có thể ủy quyền cho một cơ quan để yêu cầu ý kiến tư vấn từ tòa ITLOS về các vấn đề pháp lý liên quan đến các chức năng và mục đích của mình. Các quốc gia yêu sách có thể tham gia vào một thỏa thuận quốc tế về việc hợp tác trong việc làm rõ quy chế của các thực thể ở nhóm đảo Trường Sa. Thỏa thuận này có thể thiết lập một cơ quan kỹ thuật để rà soát các thực thể nhằm xác định những thực thể nằm hoàn toàn dưới nước lúc thủy triều thấp, thực thể nào là đảo nửa chìm nửa nổi, thực thể nào đáp ứng yêu cầu về đảo theo Điều 121(1), và thực thể nào có thể được coi là đá theo Điều 121(3). Từ đó, điều ước này có thể ủy quyền cho cơ quan kỹ thuật yêu cầu ý kiến từ vấn từ tòa ITLOS về các vấn đề pháp lý liên quan đến chức năng và trách nhiệm của mình.

Một vấn đề có thể phát sinh là liệu các quốc gia không phải là bên ký kết của thỏa thuận đó có quyền đưa ra lập luận với Tòa về một vấn đề pháp lý hay không nếu quốc gia đó tin rằng mình có lợi ích trong vấn đề được nêu ra. Một vấn đề khó khăn hơn là liệu một quốc gia yêu sách không phải là thành viên của thỏa thuận có thể can thiệp để tranh luận rằng Tòa không nên đưa ra ý kiến tư vấn đối với một vấn đề pháp lý nhất định bởi ý kiến đó có thể phương hại tới các quyền của họ trong một tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đang tiếp diễn.

Nhìn chung, do Trung Quốc đã tuyên bố “loại trừ” hệ thống giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc theo Mục 2 đối với các tranh chấp chủ quyền và phân định biên giới biển, nên các lựa chọn để giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc là khá hạn chế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là con đường đi đến việc giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc đã hoàn toàn khép lại. Việc Philippines giành thắng lợi trong vụ kiện Trung Quốc đã mở ra một trang mới cho các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Đông. Thời gian tới, các nước liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thể nghiên cứu, học theo cách Philippines kiện Trung Quốc để tìm ra cách giải quyết tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới