Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóngTàu chiến Trung Quốc chào hỏi thân thiện chiến hạm Nhật trên...

Tàu chiến Trung Quốc chào hỏi thân thiện chiến hạm Nhật trên Biển Đông

Hành động chào hỏi thân thiện giữa hai chiến hạm trái ngược với phản ứng của Trung Quốc trước sự hiện diện của trinh sát cơ Mỹ trên Biển Đông.

Tàu hộ vệ Trung Quốc theo dõi tàu sân bay trực thăng Nhật hôm 8/9. Video: NNN.

“Chào buổi sáng, rất vui được gặp các bạn”, chỉ huy tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc gửi thông điệp vô tuyến tới tàu sân bay trực thăng JS Kaga khi phát hiện chiến hạm Nhật Bản trên Biển Đông hồi tháng 10. Giới phân tích nhận định hành động này cho thấy quan hệ giữa hai cường quốc châu Á gần đây phát triển nồng ấm, SCMP đưa tin.

Việc tàu chiến hai nước liên tục gặp nhau trên Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ hành động của Tokyo trong khu vực. Các tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc từng bám đuôi biên đội tàu sân bay JS Kaga khi nó đi qua Biển Đông hồi cuối tháng 9. Tuy nhiên, hai bên chỉ gửi tín hiệu vô tuyến để thông báo sự hiện diện của nhau.

“Quan hệ Trung – Nhật được cải thiện đồng nghĩa với việc quân đội hai nước có thể hoạt động hòa thuận với nhau. Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc chỉ gửi tin nhắn thân thiện như vậy vì tàu chiến Nhật không ở trong khu vực nhạy cảm, cũng như không có hành vi khiêu khích”, nhà phân tích Song Zhongping tại Hong Kong nhận xét.

Sự thân thiện của tàu chiến Lan Châu trái ngược hoàn toàn với thông điệp được gửi tới một trinh sát cơ P-8A Mỹ trong quá trình giám sát hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông hồi tháng 8.

“Máy bay quân sự P-8A của Mỹ, đây là quân đội Trung Quốc. Hãy rời đi ngay lập tức và tránh xa để tránh gây hiểu nhầm”, binh sĩ Trung Quốc thông báo qua điện đài tới chiếc Poseidon khi nó lượn quanh đá Subi, đảo nhân tạo được Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Biển Đông rộng 3,5 triệu km vuông, có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng. Khoảng 1/3 tuyến vận tải hàng hải toàn thế giới đi qua khu vực này, vận chuyển lượng hàng hóa hơn 3.000 tỷ USD mỗi năm. Biển Đông cũng có nhiều nguồn lợi thủy hải sản, cùng trữ lượng khí đốt và dầu mỏ khổng lồ.

Trung Quốc đơn phương vẽ ra “đường 9 đoạn” để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, dù bị Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt. Tòa Trọng tài Thường trực cũng đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách phi lý này của Trung Quốc.

Dù vậy, Bắc Kinh vẫn phớt lờ phán quyết của tòa quốc tế, tăng cường các hoạt động quân sự hóa trên đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông và liên tục xua đuổi, cảnh báo máy bay, tàu chiến các nước tuần tra tự do hàng hải ở khu vực này.

RELATED ARTICLES

Tin mới