Khi các nhà xuất khẩu cảm nhận được sức nóng của cuộc chiến thương mại, nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã hy vọng rằng sức tiêu thụ mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ là tấm chắn bảo vệ họ trong thị trường. Tuy nhiên, kỳ vọng này có vẻ không khả quan cho lắm.
Câu chuyện thu hút sự chú ý của các nhà giao dịch trong những tuần qua là “sự lao dốc tiêu thụ” trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Số liệu chính thức cho thấy tăng trưởng doanh thu bán lẻ chậm lại và nhà đầu tư càng lúc càng thận trọng, theo Bloomberg.
Cụ thể, hãng sản xuất rượu lớn nhất Trung Quốc, Kweichow Moutai Co., vừa báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất trong gần ba năm. Moutai đã thiệt hại 212 tỷ nhân dân tệ (30 tỷ đô la Mỹ) về giá trị thị trường trong sáu tháng qua. Cổ phiếu của những công ty bán các mặt hàng khác thậm chí còn tồi tệ hơn. Chỉ số CSI 300 của người tiêu dùng Thâm Quyến giảm 22% trong tháng 10, đánh dấu tháng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
(Ảnh: Bloomberg)
Dai Ming, một chuyên gia quản lý quỹ tại Công ty Quản lý Tài sản Hengsheng ở Thượng Hải cho biết: “Chúng tôi đã không thể tìm ra lý do xác thực” cho những thay đổi đáng kể trong thói quen tiêu dùng.
Một vài lý giải mà giới tài chính Trung Quốc đưa ra là:
- Giá bất động sản và tiền thuê nhà tăng đã làm tăng giá các mặt hàng khác
- Nền tảng cho vay ngang hàng P2P sụp đổ đã giáng một đòn mạnh đánh vào tài chính của một số cá nhân
- Niềm tin người tiêu dùng sụt giảm trước những tin tức tiêu cực về quan hệ thương mại với Hoa Kỳ
- Cùng những dấu hiệu cho thấy hành vi người tiêu dùng ngày càng trở nên tinh vi, với những khách hàng trở nên khôn ngoan hơn để tìm kiếm những món hời.
Thu nhập từ Moutai, hãng sản xuất rượu Bạch Tửu, một trong những món hàng cao cấp và xa xỉ, là “bằng chứng cụ thể về sự suy giảm tăng trưởng tiêu thụ của Trung Quốc”, ông Dai nói.
Những phép thử tiếp theo đối với thị trường là Ngày lễ độc thân (11/11), ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc, được quảng bá bởi ông hoàng bán lẻ Alibaba Group Holding Ltd và chi tiêu trong những ngày nghỉ Tết âm lịch, ông nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence vẫn khá thận trọng về triển vọng chi tiêu trong ngày Lễ độc thân sắp tới, khi mà doanh số bán hàng trực tuyến của Trung Quốc vào tháng 10 khá thấp.
(Ảnh: Bloomberg)
Giới đầu tư không phải là những người duy nhất bi quan về tình hình tiêu dùng Trung Quốc. Các nhà chức trách đang nỗ lực đẩy mạnh các bước để khuyến khích nhu cầu tiêu dùng. Những lý do nội tại cùng với áp lực từ chiến tranh thương mại đã đẩy các thước đo sản xuất xuống mức thấp nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 2015-2016 của Trung Quốc.
Thị trường ô tô suy yếu cũng là một trong những lý do chính cho sự giảm tốc của doanh số bán lẻ năm nay, và cơ quan kế hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đang đề xuất giảm một nửa thuế mua xe hơi xuống còn 5%, Bloomberg News đưa tin. Các khoản cắt giảm thuế thu nhập cá nhân cũng đã được đặt ra để thảo luận.
“Có khả năng sẽ có nhiều hành động hơn,” Laura Wang, chiến lược gia vốn cổ phần của Trung Quốc tại Morgan Stanley, Hồng Kông dự đoán. “Hiện tại, chúng tôi vẫn xem đây là một đà giảm tiêu thụ trong chu kỳ tương đối ngắn hạn thay vì suy giảm cấu trúc dài hạn,” bà nói. Những cải thiện có thể sẽ đến ngay sau quý đầu tiên của năm 2019, Wang nói.
Tuy nhiên, Wang đề nghị thiên về phía các công ty vật liệu và năng lượng vào lúc này. “Chúng tôi không khuyến khích mọi người tăng tiếp cận với các lĩnh vực liên quan đến phạm vi tiêu thụ rộng”, chẳng hạn như ô tô và bán lẻ, bà nói.
Một số công ty bị ảnh hưởng bởi tình hình chi tiêu tiêu dùng u ám có thể kể đến:
- Công ty bia Thanh Đảo chỉ tăng 0.4% doanh số trong quý 3.
- Midea Group Co., nhà sản xuất thiết bị lớn nhất thế giới của Trung Quốc, cho biết doanh thu quý III chỉ tăng 1%, cách biệt quá xa so với dự báo tăng 8,9% của các chuyên gia phân tích.
- SAIC Motor Corp Ltd. chứng kiến sự sụt giảm doanh số bán hàng năm đầu tiên kể từ năm 2012 trong quý III.
Cổ phiếu ngành tiêu dùng của Trung Quốc đã bị “thổi bay” 302 nghìn tỷ USD giá trị vốn hoá vào hôm thứ Năm từ ngày 12/6, trong khi đó các lĩnh vực tự định và nguyên vật liệu thuộc chỉ số CSI 300 đều đạt mức cao trong thời gian gần đây, theo dữ liệu của Bloomberg. Cổ phiếu của cả hai nhóm này đều tăng điểm vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu, và tương tự như các ngành thuộc chỉ số CSI 300.
Điều này cho thấy thị trường đã gửi những tín hiệu khả quan đáp lại thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu nội các soạn thảo một thoả thuận thương mại với Trung Quốc. Dù vậy, nhiều người vẫn không bớt lo lắng về tình hình tiêu dùng của Trung Quốc đang trong tình trạng hỗn loạn.
Jinghua Lin, một nhà phân tích đến từ Capital Securities, cho biết: “Mọi người chưa từng có quan điểm tiêu cực đến thế này, tâm lý người tiêu dùng không vững chắc và họ không dám tiêu tiền. Chúng ta có thể sẽ phải chờ đến thời điểm kết thúc đợt bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 [ở Mỹ] và cuộc [gặp của hai nhà lãnh đạo Trump – Tập] ở thượng đỉnh G-20” thì mới thấy được những thay đổi về tâm lý.