Friday, December 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiẨn ý sâu xa trong bài phát biểu hùng hồn "Biển lớn...

Ẩn ý sâu xa trong bài phát biểu hùng hồn “Biển lớn ở đây, TQ ở đây” của ông Tập

Chủ tịch Tập Cận Bình đã có những chia sẻ đầy ẩn ý và sự sắp xếp không kém phần bất ngờ tại lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE 2018) lần thứ nhất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tuyên bố tự tin

Theo Tân Hoa Xã, Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE 2018) lần thứ nhất chính thức khai mạc tại Thượng Hải vào sáng 5/11. Tham dự hội chợ lần này có đại diện đến từ 172 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc. Trong bài phát biểu, ông nhấn mạnh và kêu gọi về sự hợp tác đa phương, toàn cầu hóa thay vì đi theo chủ nghĩa đơn phương.

“Trong quá khứ, mở cửa hợp tác là một động lực quan trọng để tăng cường sức sống thương mại quốc tế; ngày nay, mở cửa hợp tác là yêu cầu thực tế nhằm thúc đẩy sự phục hồi ổn định của nền kinh tế thế giới; ở tương lai, mở cửa hợp tác là yêu cầu thời đại thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội loài người”, Chủ tịch Trung Quốc nói.

“Chúng ta có thể hoàn toàn lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc. Sự phát triển lành mạnh ổn định của kinh tế Trung Quốc về cơ bản không thay đổi, các điều kiện yếu tố hỗ trợ phát triển chất lượng cao cũng không thay đổi, xu thế tổng thể về sự phát triển ổn định lành mạnh lâu dài cũng không thay đổi”, ông Tập nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế và trong nước hiện nay, sự phát triển của kinh tế Trung Quốc đã gặp phải một số mâu thuẫn và vấn đề nổi cộm, khiến sự tăng trưởng trong một số lĩnh vực không đều, các doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn, thách thức trong nhiều lĩnh vực tăng cao.

Nhưng ông cho rằng, đây là những vấn đề mà bất cứ nước nào cũng phải đối mặt trên con đường phát triển.

“Kinh tế Trung Quốc là một biển lớn, chứ không phải một cái ao nhỏ. Biển lớn có khi sóng yên bể lặng, cũng có khi giông tố. Không có giông tố thì không phải biển lớn. Giống tố có thể xới tung ao nhỏ nhưng không thể đánh nhào biển lớn. Trải qua vô số trận giông tố, biển lớn vẫn còn đó! Trải qua hơn năm nghìn năm bể dâu, Trunng Quốc vẫn ở đây! Trong tương lai, Trung Quốc sẽ luôn ở đây”, ông Tập khẳng định.

Chỉ trích Mỹ

Theo giới phân tích, phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc là lời đáp trả những câu hỏi của dư luận về nền kinh tế nước này. Trong năm 2018, Trung Quốc đã phải đối mặt với một vấn đề quan trọng: Cuộc chiến thương mại với Mỹ. Xung đột này đã ảnh hưởng rõ rệt đến nền kinh tế Bắc Kinh.

Hôm 19/10, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cho biết, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Trung Quốc có sự trượt dốc rõ ràng. Đến ngày 31/10, Bộ chính trị Trung Quốc lần đầu thừa nhận áp lực suy thoái kinh tế.

Theo Joong Ang Ilbo (Hàn Quốc), trong bài phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các quốc gia phản đối chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương và duy trì sự cởi mở hợp tác đa phương.

Báo Hàn nhận định, đây được coi như một tuyên bố nhằm vào Mỹ – đối thủ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, khi chính quyền Tổng thống Trump ưu tiên theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và hợp tác song phương.

Tờ Bloomberg đồng quan điểm cho rằng, ông Tập đang ngầm chỉ trích chính sách bảo hộ thương mại do Tổng thống Trump đề xướng. Theo tờ này, cụm từ “gắp lửa bỏ tay người” trong bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc dùng để nhắm vào nước Mỹ.

“Nếu gắp lửa bỏ tay người, đóng cửa cô lập, thương mại quốc tế sẽ bị trì trệ, nền kinh tế thế giới khó phát triển lành mạnh”, ông Tập nhấn mạnh.

Tờ BBC của Anh cũng cho rằng, trong bài phát biểu, ông Tập nêu rõ quan điểm sẽ duy trì hệ thống thương mại tự do toàn cầu và tuyên bố của Bắc Kinh rõ ràng đang nhắm vào nước Mỹ khi hai nước đang diễn ra cuộc chiến thương mại.

Theo CNBC, kể từ khi Tổng thống Trump đắc cử đến nay, ông Tập đã 3 lần công khai phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại tại các hội nghị đa phương quốc tế, đồng thời định hình Trung Quốc trở thành một thị trường quốc tế mở.

Và đáng chú ý hơn, theo tờ này, bài phát biểu của ông Tập còn có tác động mạnh mẽ hơn nữa khi nó được đưa ra cách thời điểm bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ chưa đầy 48 tiếng đồng hồ.

CNBC cho hay, toàn thế giới đang chú tâm theo dõi liệu đảng của Tổng thống Trump có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này để thúc đẩy các chính sách hay không và kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 6/11 chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tác động của cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang căng thẳng.

Sắp xếp bất ngờ

Ngoài ra, theo báo tiếng Hoa Đa chiều, không những ám chỉ phản đối chính quyền Tổng thống Trump, một ẩn ngữ khác còn được “giấu” trong thứ tự phát biểu của các khách mời tại lễ khai mạc.

Cụ thể, Đa chiều dẫn nguồn hãng truyền thông Đức Deutsche Welle cho biết, sau bài phát biểu của ông Tập, một lãnh đạo quốc gia khác đã lên phát biểu liền sau đó.

Lãnh đạo này không phải là Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, không phải Tổng giám đốc quỹ tiền tệ quốc tế IMF Christine Lagarde hay Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim mà chính là Tổng thống Dominica Danilo Medina.

Dominica vốn là đồng minh 77 năm của Đài Loan, vừa chấm dứt quan hệ với đảo này và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào tháng 5 vừa qua.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Medina tái khẳng định quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, đồng thời cho biết, trước khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương đã đạt được một con số nhất định.

Một số ý kiến cho rằng, việc sắp xếp để Dominica phát biểu ngay sau nước chủ nhà cho thấy Bắc Kinh muốn thể hiện sự chào đón và ủng hộ đối với những quốc gia ủng hộ chính sách Một Trung Quốc.

Điều này được cho sẽ tác động đáng kể đến những đồng minh còn lại của Đài Loan, phần lớn là những quốc gia nghèo ở Trung Nam Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới