Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, Trung Quốc lần đầu tiên trưng bày các phiên bản xuất khẩu của hệ thống radar tình báo 609 và tên lửa chống hạm CM-401. Theo đó, radar và tên lửa trên là một trong những phươn tiện được Bắc Kinh triển khai để “phòng vệ khu vực bờ biển và biên giới ở khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Tên lửa chống hạm CM-401
Viện 14 thuộc Tập đoàn Công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC) cho hay, radar tình báo 609 có khả năng phát hiện sớm các máy bay tàng hình như F-35 của Mỹ cùng các tên lửa đạn đạo chiến thuật. Một quan chức cấp cao tại Viện 38 thuộc CETC cho biết, một số hệ thống radar 609 đã được Trung Quốc triển khai tới các khu vực bờ biển ở biển Hoa Đông cũng như một số hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh cải tạo và xây dựng trái phép trên Biển Đông. Theo chuyên gia trên, các hệ thống radar được triển khai tới những hòn đảo nhân tạo nằm trên Biển Đông đòi hỏi cần được bảo vệ tốt hơn dưới tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt, độ ẩm lớn và nước biển mặn. Chi phí bảo vệ các vũ khí này là khá lớn.
Trong khi đó, một số chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định: (1) Việc Trung Quốc lần đầu tiên cho ra mắt radar 609 và tên lửa CM-401 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải là nhằm phô trương năng lực quân sự trước các quốc gia có cùng tuyên bố chủ quyền trên những vùng biển chiến lược ở khu vực cũng như với Mỹ. (2) Radar 609 là một phần quan trọng trong các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và chống tàng hình của Trung Quốc. Radar 609 còn có thể tích hợp với các hệ thống chiến đấu trên biển và trên không của Trung Quốc để tạo ra một mạng lưới phòng thủ không đối biển và không đối không hùng mạnh. Trong khi đó, hệ thống CM-401 thực chất là tên lửa đạn đạo chống hạm được cải tiến từ một hệ thống phòng thủ tên lửa chiến thuật. Hệ thống này có thể tiêu diệt các mục tiêu cố định trên mặt đất hoặc các mục tiêu di động trên biển như chiến hạm từ cỡ vừa tới cỡ lớn. Hoạt động của radar 609 và tên lửa CM-401 đều cần tới sự hỗ trợ của nhiều hệ thống radar đa chức năng khác với khả năng hoạt động ở các độ cao và phạm vi khác nhau. (3) Quân đội Trung Quốc đang sử dụng các phiên bản tối tân nhất của hệ thống radar 609 và tên lửa CM-401. Radar 609 chính là mối đe dọa lớn nhất mà Trung Quốc muốn cho Mỹ thấy.
Hiện giá bán của tên lửa chống hạm CM-401 và hệ thống radar 609 vẫn chưa rõ. Nhưng theo nhà thiết kế radar tại Viện 14, giá bán của phiên bản xuất khẩu SLC-7, hệ thống radar đa chức năng có thể phát hiện máy bay tàng hình từ khoảng cách 450 km, là khoảng 200 triệu nhân dân tệ (28,9 triệu USD), tương đương với giá bán chiến đấu cơ J-11. Điều này đồng nghĩa với việc các loại vũ khí hiện đại của Trung Quốc không còn được bán với mức giá thấp như trước đây bởi Bắc Kinh đang dần thu hẹp khoảng cách công nghệ với đối thủ phương Tây và công nghệ radar Trung Quốc đã vượt qua Nga và đang dần đuổi kịp Mỹ.
Trung Quốc đơn phương triển khai phi pháp radar tình báo 609 và hệ thống tên lửa tên lửa chống hạm CM-401 tới các đảo nhân tạo ở Biển Đông là nhằm tăng cường năng lực tác chiến; răn đe chiến lược đối với các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và một số nước có lợi ích trực tiếp trong khu vực (như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…); thăm dò, thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi tiến hành rầm rộ các hoạt động quân sự hóa; tuyên truyền, quảng bá năng lực quốc phòng và quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” biển đảo cho người dân Trung Quốc, để từ đó khích lệ tinh thần dân tộc và lòng trung thành của người dân đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà trực tiếp là trung thành với Tập Cận Bình. Ngoài ra, Trung Quốc lợi dụng việc cộng đồng quốc tế đang tập trung, theo dõi vào những điểm nóng trên thế giới, không đủ “sức lực” quan tâm, theo dõi, giám sát các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông để tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên các đảo nhân tạo nhằm đánh lạc hướng dư luận, hạn chế tối đa sự chỉ trích, lên án của các nước. Không những vậy, Trung Quốc cũng muốn tạo thế “sự đã rồi” khi đưa vũ khí ra quần đảo Trường Sa. Sau khi triển khai vũ khí, dù có gặp phải sự phản đối, chỉ trích của các nước, Trung Quốc sẽ lại viện những lý do hết sức nực cười như “đây là công việc nội bộ của Trung Quốc”, hay “việc đưa vũ khí ra Biển Đông nhằm đảm bảo an ninh hàng hải, không nhằm vào nước khác” để biện minh cho các hoạt động phi pháp của mình.
Việc thông tin Trung Quốc triển khai phi pháp radar tình báo 609 và hệ thống tên lửa tên lửa chống hạm CM-401 tới các đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng. Hành động này của Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn đi ngược lại các tuyên bố chính trị đã được chính Trung Quốc ký kết. Hành vi trên của Trung Quốc là hoàn toàn trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; đi ngược lại cam kết không quân sự hóa, không chạy đua vũ trang trong khu vực do chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, hàng không và môi trường biển trong khu vực.
Ngoài ra, là một thành viên tham gia ký kết Hiến chương LHQ và là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc triển khai phi pháp radar tình báo 609 và hệ thống tên lửa tên lửa chống hạm CM-401 tới các đảo nhân tạo ở Biển Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương LHQ, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cụ thể: Vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương LHQ khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác. Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương LHQ. Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương LHQ, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của LHQ”. Vi phạm Điều 33 Hiến chương LHQ, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này.
Không những vậy, Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của LHQ về Luật Biển trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ra Phán quyết rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để nêu yêu sách đối với vùng nước trong “Đường 9 đoạn” và Trung Quốc không có đảo nào ở khu vực này, 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép không được công nhận là đảo và vì thế Trung Quốc không có quyền thiết lập khu vực 200 hải lý đặc quyền kinh tế tại đây. Chính vì vậy, việc triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo hoàn toàn đi ngược lại UNCLOS. Trung Quốc cũng đã phớt lờ Điều 123 UNCLOS về trách nhiệm của các quốc gia ven biển hợp tác với nhau trong việc sử dụng các quyền và thực hiện nghĩa vụ của họ; vi phạm Điều 129, Điều 193, Điều 196 UNCLOS về nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức.
Và đương nhiên, hành vi của Trung Quốc vi phạm các Thỏa thuận, tuyên bố chung giữa Trung Quốc với các nước: Việc Trung Quốc triển khai phi pháp radar tình báo 609 và hệ thống tên lửa tên lửa chống hạm CM-401 tới các đảo nhân tạo ở Biển Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vi phạm DOC, cản trở tiến trình xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cụ thể: Vi phạm Điều 2 (Trung Quốc đã phá vỡ lòng tin và tín nhiệm với các nước ASEAN), Điều 4 (Việc triển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa hoàn toàn đồng nghĩa với việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực để răn đe, cảnh cáo các nước liên quan khi tìm cách giải quyết tranh chấp), Điều 5 (Hành động triển khai tên lửa của Trung Quốc gây phức tạp, leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định trong khu vực). Không những vây, hành động của Trung Quốc cũng đi ngược lại “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký tháng 10/2011 và mới nhất là Thông cáo chung giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đưa ra nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc tháng 5/2017, trong đó nêu rõ hai nước tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Cuối cùng, đi ngược lại cam kết của chính ông Tập Cận Bình (9/2015) đưa ra trong chuyến thăm Mỹ, khi công khai cam kết Trung Quốc sẽ bảo vệ an ninh hàng hải qua Biển Đông và không quân sự hoá quần đảo Trường Sa. Là một nguyên thủ quốc gia, song tuyên bố chính trị của ông Tập Cận Bình đưa ra lại không được giới chức quân sự Bắc Kinh thực hiện theo đúng cam kết, điều đó cho thấy sự bất nhất trong cách phát ngôn và hành động của Trung Quốc. Thông qua hành động này, cộng đồng quốc tế lại một lần nữa thấy rõ bộ mặt thật của Bắc Kinh – kẻ xâm chiếm và cướp đoạt chủ quyền của nước khác ở Biển Đông.