Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngThực chất đối đầu Trung-Mỹ và diễn biến trên Biển Đông

Thực chất đối đầu Trung-Mỹ và diễn biến trên Biển Đông

Có gì thay đổi ở Biển Đông sau đối thoại Mỹ-Trung tại Washington? Thực chất chiến tranh thương mại và cuộc đối đầu Mỹ-Trung trên Biển Đông là gì?

Tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông

Bộ trưởng Mattis cho rằng, các cuộc đối thoại diễn ra thẳng thắn để từ đó giúp hai bên tìm ra được phương án hạ nhiệt căng thẳng, duy trì các đường dây liên lạc giữa hai bên cũng như giảm nguy cơ xảy ra xung đột vì hiểu nhầm.

Còn ông Ngụy thì nhấn mạnh, cuộc đối thoại “mang tính tích cực và có kết quả”. Theo ông, hai bên đã chia sẻ quan điểm “để tăng cường niềm tin chiến lược, giải quyết những bất đồng, thúc đẩy trao đổi và hợp tác để từ đó mối quan hệ quân sự giữa hai nước tạo nên tính ổn định cho toàn bộ quan hệ song phương”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Hoa Kỳ không theo đuổi chính sách “chiến tranh lạnh” hoặc kiềm chế chống Trung Quốc (mặc dù trước đó ông ta gọi Bắc Kinh là đối thủ thứ nhất của Washington).

Ông Pompeo cũng xác nhận rằng, từ trước đến nay, Washington luôn tán thành nguyên tắc “một nước Trung Hoa”, mặc dù trước đó không lâu, chính ông đã cao giọng chỉ trích Bắc Kinh về chính sách đối với Đài Loan.

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố “hai nước cần giải quyết các vấn đề liên quân đội một cách tích cực và chắc chắn, củng cố tiếp xúc chiến lược”, thì ông J. Mattis đáp: “Phát triển tiếp xúc liên quân đội mang tính xây dựng vẫn là mục tiêu của phía Hoa Kỳ”.

Theo giới phân tích, dường như Mỹ và Trung Quốc đang diễn trò tung hứng, Mỹ mượn cớ ngăn chặn Trung Quốc để tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông và ảnh hưởng ở Đông Nam Á; còn Trung Quốc mượn lí do đáp trả Mỹ để đẩy mạnh quân sự hóa biển Đông.

Mỹ đang tích cực sử dụng con bài Biển Đông và Đài Loan để gây sức ép lên Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ trong cuộc chiến tranh thương mại và vấn đề Triều Tiên, nhân quyền… Do đó, Washington luôn chủ động đẩy mâu thuẫn lên cao rồi ép Bắc Kinh ngồi vào bàn đáp phán với những điều kiện có lợi cho mình.

Vậy thực chất quan hệ Mỹ-Trung là như thế nào?

Theo giới phân tích, trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, sự tác động của hai yếu tố “cạnh tranh” và “hợp tác” đang ngày trở nên phức tạp hơn. Nói cách khác, quan hệ Trung-Mỹ đang tạo ra và ngày càng phụ thuộc vào những diễn biến khó dự đoán trong khu vực.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ hiện đang ở trong tình trạng “vừa xung đột, vừa mặc cả”, thể hiện rõ xu hướng chủ đạo trong quan hệ giữa 2 cường quốc này là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”; “vừa kìm chế lẫn nhau nhưng lại phụ thuộc không thể tách rời”.

Cuộc đấu giữa Bắc Kinh với Washington hiện nay và trong tương lai ngày càng khó có thể đoán trước được và có nhiều khả năng, kết quả của “trận đấu” này sẽ là một kiểu phân chia ảnh hưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giữa một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh và bên kia là Trung Quốc.

Nền tảng quan hệ kinh tế gần gũi, khối lượng giao dịch thương mại lớn, là một đảm bảo rằng, bất chấp mọi xung đột, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tiến lại với nhau. Hơn nữa, những vấn đề về Biển Đông không liên quan trực tiếp đến những lợi ích cốt lõi sống còn của Mỹ; do đó, Washington sẽ khó có thể lao vào cuộc đấu sống chết với Bắc Kinh.

Mỹ đã lấy vấn đề Biển Đông để mặc cả với Trung Quốc để tìm kiếm lợi ích cho mình, đặc biệt là trong cuộc chiến thương mại và buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ trong một số vấn đề khác như vấn đề Triều Tiên, người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương… Ngược lại, Bắc Kinh thừa hiểu rằng mình nên bỏ ra những gì để thực hiện âm mưu lấn chiếm Biển Đông.

Nhìn vào cục diện vừa qua, những tuyên bố và động thái cứng rắn của cả hai bên trong những năm qua chỉ là con bài để “làm giá” với nhau. Cuộc đối đầu giữa hai cường quốc sẽ được giải quyết theo cách, nếu mâu thuẫn trở nên gay gắt Mỹ sẽ ra điều kiện để “hạ nhiệt” và Trung Quốc sẽ có những nhượng bộ nhất định để mâu thuẫn không leo thang thành xung đột vũ trang.

Các chuyến thăm viếng lẫn nhau sẽ cho phép đạt được điều này, hai bên sẽ tiếp tục tìm kiếm sự thỏa hiệp tiềm năng cho Hoa Kỳ và chấp nhận được đối với Trung Quốc, mà ví dụ nóng hổi là những nhượng bộ của Bắc Kinh trong cuộc gặp ngày 09/11 vừa qua, hay những nhân nhượng của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Mỹ tiếp tục cam kết bảo đảm an ninh hàng hải, tăng cường tuần tiễu Biển Đông nhưng thiết lập cơ chế tránh va chạm để ngăn ngừa xung đột với Trung Quốc, còn Trung Quốc một mặt đưa ra các nhượng bộ kinh tế, mặt khác cứ thản nhiên tăng cường lực lượng, lắp đặt vũ khí trang bị trên các đảo nhân tạo để thực hiện âm mưu quân sự hóa Biển Đông.

Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp và là điểm nóng thu hút sự chú ý của thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới