Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao 10 năm hội thảo, các vấn đề gốc rễ của...

Vì sao 10 năm hội thảo, các vấn đề gốc rễ của Biển Đông chưa được xử lý?

Nên tiến hành tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được, cả về hình thức lẫn nội dung qua 10 năm tổ chức trước khi triển khai hội thảo mới về Biển Đông.

Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo Biển Đông ngày 8/11/2018, Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng – Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết, năm 2018 là một dấu mốc quan trọng kỷ niệm 10 năm về hội thảo Biển Đông.

Là người đã từng tham dự và thường xuyên quan tâm theo dõi nội dung của hội thảo, tôi xin cung cấp thêm thông tin và nêu một số nhận xét về hội thảo Biển Đông trong một thập kỷ qua.

Trước hết, trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật của nước nhà còn khó khăn và quan hệ chính trị phức tạp hiện nay, chỉ riêng việc ban tổ chức hội thảo đã quy tụ được hơn 300 diễn giả và khoảng 2.000 lượt đại biểu Việt Nam, Quốc tế tham dự đã là một nỗ lực lớn đáng ghi nhận;

Hội thảo được hàng trăm lượt phóng viên báo chí đưa tin, với khá nhiều tham luận khoa học về chính trị, pháp lý, quân sự… do nhiều học giả nổi tiếng trong và ngoài nước trình bày;

Tại diễn đàn này, các diễn giả đã thảo luận vấn đề mang tầm khu vực và quốc tế, khá rất phức tạp và quá nhạy cảm “Hội thảo thảo khoa học quốc tế Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”.

Tất cả những điều này đã cho thấy bản lĩnh và trình độ chuyên nghiệp của những người làm công tác tổ chức hội thảo Biển Đông trong một thập kỷ qua.

Vì vậy, hội thảo Biển Đông “đã định hình được khung chương trình nghị sự, giúp hình thành một mạng lưới học giả quốc tế nghiên cứu về Biển Đông…

Xét từ góc độ học thuật, vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề nghiên cứu với nội dung đa dạng, đa ngành và đa chiều, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của giới học giả…” (phát biểu của ông Nguyễn Vũ Tùng tại phiên khai mạc, ngày 8/11/2018).

Tuy nhiên, mặc dù đã trải qua một thập kỷ, hội thảo Biển Đông do Học viện Ngoại giao, Quỹ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đồng chủ trì tổ chức, cho đến nay, theo nhận xét của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng, vấn đề “gốc rễ của Biển Đông chưa được xử lý”.

Tất nhiên, chúng tôi cho rằng nhận xét nói trên của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng có lẽ chỉ liên quan đến tính hiệu quả của các nội dung nghiên cứu trong khuôn khổ của một trong những diễn đàn khoa học về Biển Đông;

Tác động của nó đối với các quốc gia và tổ chức khu vực, quốc tế trong quá trình xác định và điều chỉnh chủ trương và phương thức ứng xử đúng đắn và thích hợp cho những loại tranh chấp phức tạp trong Biển Đông.

Nếu đúng như nhận thức nói trên, chúng tôi ghi nhận tinh thần cầu thị, khách quan, khoa học của người đại diện cho các Cơ quan và tổ chức chủ trì hội thảo Biển Đông.

Và cũng trên tinh thần đó, chúng tôi xin được nêu một số nhận xét bổ sung như sau:

Chủ đề của hội thảo được đặt cho các cuộc hội thảo là thiết thực, phản ánh đúng sự quan tâm của dư luận và đặc biệt là đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước;

Tuy nhiên, cả 10 cuộc hội thảo đã qua vẫn có chung một chủ đề: “Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, đã phần nào có tác động đến cơ cấu, thành phần tham gia hội thảo.

Do đó, nhiều báo cáo, tham luận của nhiều học giả, chuyên gia tham gia còn chung chung, chưa chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể nào; tính phản biện chưa cao, còn mang hơi hướng “gió chiều nào, che chiều nấy”, hoặc còn có một số báo cáo thể hiện tư duy chủ quan, lập trường cứng nhắc, một chiều…

Phải chăng vì thế Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng, trong bài phát biểu khai mại hội thảo Biển Đông lần thứ 10, đã kêu gọi:

Các chuyên gia, học giả tiếp tục phát huy tinh thần “thẳng thắn, khách quan, khoa học, cầu thị”, tích cực đưa ra những kiến nghị xác đáng giúp chính phủ các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực?

Chi tiết và thiết thực hơn, thẩm phán Kriangsak Kittichairasee cũng cho rằng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực Biển Đông cần dựa trên bốn thành tố: ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng, giải quyết tranh chấp và các cơ chế giám sát.

Khẳng định giải pháp cơ bản để giải quyết tranh chấp là các bên tìm kiếm các sáng kiến hợp tác cụ thể, thực chất, đồng thời kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, bốn thành tố này vẫn chỉ là những gợi ý mang tính định hướng.

Chúng chưa trở thành chủ đề để hội thảo Biển Đông tập trung thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể, thích hợp và khả thi nhất.

Vì vậy, phát biểu chỉ đạo trước khi khai mạc hội thảo Biển Đông lần này, Thứ trưởng Lê Hoài Trung mong muốn:

Các học giả tham dự Hội thảo Biển Đông lần thứ 10 cùng thảo luận, gợi ý các cơ chế phù hợp để duy trì an ninh, thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông và cả khu vực rộng lớn hơn;

Bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của tất cả các quốc gia, đề xuất các giải pháp công bằng, hợp lý, bền vững nhằm giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Để thực hiện các định hướng nói trên, đặc biệt là nội dung chỉ đạo cụ thể, thiết thực mà Thứ trưởng Lê Hoài Trung, với cương vị là người phụ trách lĩnh vực biên giới lãnh thổ, đã phát biểu trước khi hội thảo khai mạc ở thành phố Đà Nẵng, chúng tôi xin kiến nghị:

1. Các cơ quan và tổ chức chủ trì hội thảo và các ngành liên quan, ban tổ chức hội thảo nên tiến hành tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được, cả về hình thức lẫn nội dung qua 10 năm tổ chức hội thảo.

Trên cơ sở đó, nên có báo cáo và đề xuất cụ thể lên các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trước khi triển khai giai đoạn tổ chức hội thảo mới.

2. Biển Đông đã trở thành một chủ đề nghiên cứu với nội dung đa dạng, đa ngành và đa chiều, nên chăng cần đề xuất thành lập một tổ chức, tập hợp các cán bộ quản lý nhà nước thuộc các ngành liên quan, các chuyên gia, học giả đầu ngành, có tầm và có tâm, dưới sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Ban chỉ đạo nhà nước về Biển Đông, Hải đảo.

Đề xuất tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất nội dung và hình thức tổ chức hội thảo, làm sao có thể đáp ứng tối đa yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ, quản lý các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông, đồng thời góp phần bảo vệ và giữ gìn hòa bình, an ninh, hợp tác, phát triển trong khu vực và quốc tế.

Trên cơ sở nghiên cứu và đề xuất của Tổ chức nói trên, Chính phủ xem xét hỗ trợ thêm kinh phí tiến hành công tác chuẩn bị, đảm bảo tổ chức hội thảo và triển khai nghiên cứu tổng hợp, đề xuất các giải pháp lên các cơ quan lãnh đạo và các cơ quan quản lý nhà nước, các trung tâm nghiên cứu liên quan, phục vụ thiết thực cho quá trình định hình chủ trương chính sách và giải pháp thực thi cụ thể.

Có như vậy, mới có thể tránh được tình trạng dư luận băn khoăn dường như tổ chức hội thảo chỉ để “giải ngân”, chỉ nặng về hình thức tuyên truyền, quảng cáo, phục vụ lợi ích cục bộ ngành, lĩnh vực, địa phương…

Có như vậy mới gạn lọc được những hạt sạn, những sai sót, thậm chí rất nghiêm trọng, thường xuất hiện trong các đề tài nghiên cứu, các báo cáo, tham luận… của các cá nhân và tổ chức phía Việt Nam.

Những sai sót hiện vẫn tồn tại, từ lỗi nhỏ về kỹ thuật như: tên gọi, thuật ngữ pháp lý; đến lỗi to như: quan điểm pháp lý, lịch sử về quyền thụ đắc lãnh thổ, về bản chất các loại tranh chấp đang tồn tại trong Biển Đông…

Chúng tôi mong chờ Hội thảo Biển Đông sẽ vẫn được duy trì trong tương lai, với những định hướng rất thiết thực, hiệu quả;

Hy vọng hội thảo sẽ trở thành một trong những diễn đàn quốc tế đa phương, thường niên về Biển Đông, góp phần xử lý được những vấn đề “gốc rễ của Biển Đông” mà đã một thập kỷ qua hội thảo Biển Đông vẫn chưa đề xuất được giải pháp khoa học, hợp lý nhất.

RELATED ARTICLES

Tin mới