Tại Philippines, chương trình cơ sở hạ tầng điểm nhấn của Tổng thống Rodrigo Duterte gồm 75 dự án đầu đàn, trong đó phân nửa sử dụng vốn từ Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte Ảnh: INQUIRER
Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 19-11 khẳng định sẽ không bao giờ có bất cứ căn cứ quân sự nước ngoài nào ở nước này sau khi nổi lên thông tin Trung Quốc đang vận động hành lang dọn đường cho một căn cứ hải quân ở tỉnh Koh Kong, Tây Nam Campuchia.
Hệ lụy từ tiền Bắc Kinh
Trang Asia Times (Hồng Kông) hồi tuần rồi dẫn các nguồn tin ngoại giao và giới phân tích nói rằng Bắc Kinh bắt đầu vận động từ năm 2017 để thuyết phục Campuchia cho phép xây dựng một căn cứ hải quân có thể đón tàu khu trục và các loại tàu thuyền khác của Hải quân Trung Quốc.
Dẫn lời của Thủ tướng Hun Sen tại cuộc họp nội các ngày 19-11, Bộ trưởng Thông tin Campuchia Khieu Kanharith viết trên Facebook: “Campuchia có cần vi hiến để cho phép một căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ nước nhà không? Campuchia cần binh lính nước ngoài để đấu chọi với ai? Campuchia không cho phép lãnh thổ mình trở thành nơi thử nghiệm ý thức hệ hoặc vũ khí”.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Prak Sokhonn cũng có những phản hồi tương tự bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á ở Singapore hôm 17-11. Khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan bày tỏ lo ngại quan hệ song phương Mỹ – Campuchia sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ nếu thông tin của Asia Times là sự thật.
Căn cứ hải quân mà Asia Times nói tới được cho là một phần của dự án trị giá 3,8 tỉ USD của Tập đoàn Phát triển liên hiệp Thiên Tân (UDG – Trung Quốc). Dự án này bắt đầu năm 2008 trên khu đất 45.000 ha với hợp đồng thuê kéo dài 99 năm. UDG đã dành 45 triệu USD cho cảng nước sâu mà theo Asia Times là dùng làm căn cứ hải quân.
Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất cho Campuchia trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các khoản cho vay và viện trợ phát triển từ nền kinh tế số hai thế giới đang ngày càng bộc lộ các vấn đề phức tạp và gây lo ngại tại địa phương như tàn phá môi trường, rối loạn an ninh trật tự, bẫy nợ…
Cũng ngả về phía Trung Quốc trong vài năm gần đây, Philippines bắt đầu thấm thía sự “khó nuốt” của đồng tiền từ nền kinh tế lớn nhất châu Á. Hai năm sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố “ly hôn” với đồng minh cũ là Mỹ để xoay trục sang Trung Quốc, ông vẫn mòn mỏi chờ đợi những khoản đầu tư nhỏ giọt, theo hãng tin Reuters.
Rời Bắc Kinh sau chuyến thăm năm 2016, ông Duterte về nước với thỏa thuận về khoản vay 24 tỉ USD và cam kết đầu tư cho việc đại tu cơ sở hạ tầng đầy tham vọng. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ cam kết hỗ trợ của Trung Quốc được thực hiện, khiến ông Duterte bị chỉ trích “cắn câu bánh vẽ”, dẫn đến nguy cơ Trung Quốc đe dọa chủ quyền quốc gia.
Áp lực cực đại
Theo nhà phân tích quốc phòng và an ninh ở Manila Richard Heydarian, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Philippines trong ngày 20 và 21-11, ông Duterte sẽ cần ông Tập mở hầu bao.
“Nếu không, chúng ta có thể kết luận rõ ràng tất cả chỉ là lời nói suông và Philippines đã bị lừa gạt. Sự ngây thơ của ông Duterte đã giúp Trung Quốc giành lợi thế chiến lược trước Philippines” – ông Heydarian nói.
Theo Reuters, chương trình cơ sở hạ tầng điểm nhấn của ông Duterte mang tên “Xây dựng, xây dựng, xây dựng” – cũng là trọng tâm trong chiến lược kinh tế mà nhà lãnh đạo Philippines theo đuổi, bao gồm 75 dự án đầu đàn, trong đó phân nửa sử dụng các khoản vay, trợ cấp hoặc đầu tư từ Trung Quốc.
Thế nhưng, các tài liệu được chính phủ Philippines công bố cho thấy tới nay chỉ có 3 trong số đó, bao gồm 2 cây cầu và 1 công trình thủy lợi trị giá 167 triệu USD, được tiến hành. Phần còn lại bao gồm 3 dự án đường sắt, 3 đường cao tốc, 9 cây cầu vẫn nằm trên giấy.
Chuyên gia Heydarian cho rằng nếu ông Duterte không chứng tỏ những lợi ích thiết thực từ “canh bạc” với Trung Quốc, vị trí của ông sẽ lung lay đáng kể trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019 – cuộc bầu cử có thể định đoạt sự thành bại của nhà lãnh đạo.
“Nếu sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc vẫn không có động thái đáng kể trong việc rót vốn đầu tư vào Philippines và nếu việc bồi đắp, quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông không suy giảm thì sẽ phát sinh tình huống ông Duterte phải chịu áp lực cực đại” – chuyên gia này nhận định.