Tuesday, December 24, 2024
Trang chủĐiểm tinCuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trở lại điểm xuất phát

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung trở lại điểm xuất phát

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, Hội nghị cấp cao Tập đoàn 20 quốc gia (G-20) sẽ khai mạc tại Buenos Aires. Theo kế hoạch dự kiến, hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình sẽ tiến hành hội đàm về vấn đề tranh chấp mậu dịch giữa hai nước Mỹ – Trung. Tuy nhiên, ngày 21.11 cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã lần lượt ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc không hề thay đổi cách làm “không công bằng” – vấn đề cốt lõi của cuộc chiến mậu dịch giữa hai bên. Đồng thời ngầm ám chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ xảy ra cuộc đọ sức trực diện tại Hội nghị G-20 về vấn đề mậu dịch.

10 ngày trước cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình, báo cáo của USTR chỉ rõ: 8 tháng sau khi có bản báo cáo điều tra đầu tiên, Trung Quốc không hề thay đổi về căn bản kiểu mậu dịch không công bằng, bất hợp lý và bóp méo thị trường của họ.

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 20.11 cũng công bố bản báo cáo điều tra cập nhật (update) về “Điều khoản 301” đối với hành vi lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và chính sách chuyển nhượng kỹ thuật của Trung Quốc. Ông Robert Lighthizer nói trong văn bản tuyên bố: “Chúng tôi đã hoàn thành bản báo cáo cập nhật này. Đây là một phần trong công tác tăng cường giám sát và thực thi pháp luật của chính phủ khóa này”. Ông nói: “Bản báo cáo mới cập nhật cho thấy, sau 8 tháng sau khi có bản báo cáo điều tra đầu tiên, Trung Quốc không hề thay đổi về căn bản kiểu mậu dịch không công bằng, bất hợp lý và bóp méo thị trường của họ. Cách làm này của họ (Trung Quốc) chính là chủ đề của bản báo cáo điều tra về điều 301 đã công bố hồi tháng 3.2018”.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 21.11, các nhà quan sát và nhân sĩ giới phân tích am hiểu cuộc chiến mậu dịch Trung – Mỹ cho rằng, bản báo cáo điều tra cập nhật Điều 301 mà USTR vừa công bố hôm 20.11 rõ ràng là một nhiễu loạn lớn xuất hiện trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình bên lề Hội nghị cấp cao G-20.

Trong bản báo cáo, USTR cho rằng, Trung Quốc không trả lời một cách xây dựng bản báo cáo điều tra đầu tiên về Điều 301 và cũng không áp dụng bất cứ hành động thực chất nào để giải quyết nỗi lo ngại của Mỹ. USTR cũng bổ sung, Trung Quốc đã bày tỏ một cách rõ ràng rằng họ không vì bản báo cáo điều tra đầu tiên về Điều 301 đó mà thay đổi chính sách của mình.

USTR khẳng định, Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện chính sách và cách làm của họ, ủng hộ dùng phương thức tấn công mạng để lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và tiếp tục hành vi kỳ thị về hạn chế giấy phép công nghệ. Điều này có nghĩa là một loạt các sự kiện đối đầu và xung đột từ sau ngày 22.3 đến nay đã quay trở lại điểm xuất phát ban đầu.

Các nhân sĩ trong giới kinh doanh rất kỳ vọng vào cuộc đối thoại Mỹ – Trung tại Argentina; trông chờ cuộc đàm phán giữa hai ông Lưu Hạc và Steven Mnuchin có thể đạt kết quả tại nơi ít bị nhiễu loạn này. Tuy nhiên, xét từ cục diện hiện nay, sự cản trở từ Washington không chỉ là những tạp âm từ giới lãnh đạo cấp cao; hành động của Washington từ nay về sau sẽ sử dụng cây gậy thay vì củ cà rốt, là điều hầu như chắc chắn.

Ngoài ra, bản báo cáo của USTR viết: “Trung Quốc tuy đã nới lỏng một phần hạn chế đối với các công ty vốn nước ngoài, nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn không ngừng lợi dụng việc hạn chế doanh nhân nước ngoài đầu tư để yêu cầu gây sức ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển nhượng công nghệ cho các thực thể Trung Quốc”. Thêm nữa, việc ông Robert Lighthizer phát biểu nhấn mạnh “trong 8 tháng qua, Trung Quốc hầu như không áp dụng bất cứ biện pháp gì để ứng phó với những nội dung trong bản báo cáo điều tra đầu tiên”, càng khiến cho không khí giữa Bắc Kinh và Washington đột nhiên căng thẳng thêm.

 Trong cùng một ngày, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khi trả lời phỏng vấn của hãng FoxNews đã cho rằng cuộc đối thoại Mỹ – Trung ở Argentina “vẫn có cơ hội”. Ông thậm chí cho rằng cục diện hiện nay có sự cải thiện so với 2, 3 tuần trước, thậm chí hồi tháng 10; tựa hồ quan hệ hai bên đang có sự hòa dịu, thậm chí có dấu hiệu “nhượng bộ” nhau.

Có điều, mọi tiếng nói từ Washington cuối cùng đều cần có sự phản hồi tối hậu từ từ giới cao cấp chính phủ, thậm chí từ người đứng đầu. Ví như thái độ của ông Donald Trump vẫn khá kiên quyết. Ông trước sau cho rằng bất cứ hiệp nghị nào cũng đều phải phù hợp lợi ích nước Mỹ và nhấn mạnh Trung Quốc cần phải giải quyết các vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, rào cản thuế quan và chuyển nhượng công nghệ.

Trong không khí đó, tuy giới kinh tế Mỹ trông chờ hai nước đối thoại, hưu chiến, nhưng thái độ kiên quyết và dư luận của phía Mỹ rất khó để hai nước trực tiếp nhượng bộ. Khi mà người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc như Đại diện thương mại Robert Lighthizer thậm chí công khai phủ nhận thành quả giải quyết va chạm mậu dịch suốt 8 tháng qua của hai bên, e rằng chính phủ Donald Trump vốn luôn “hy vọng chuỗi cung ứng toàn cầu và ngành chế tạo thế giới quay trở lại với nước Mỹ” khó có thể nở nụ cười với Bắc Kinh được.

Thực ra, bản báo cáo mới nhất của USTR và tuyên bố của ông Robert Lighthizer có thể đã thể hiện lập trường và thái độ hiện nay của phía Mỹ. Nó cũng là sự kéo dài những xung đột giữa hai bên vừa mới xảy ra tại Hội nghị cấp cao APEC.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ, việc Hội nghị cấp cao APEC không ra được Tuyên bố chung, nguyên nhân chủ yếu là “cá biệt thực thể kinh tế” kiên trì áp đặt chủ nghĩa bảo hộ của họ. Chính phủ Mỹ trong tuyên bố của mình cũng nêu rõ, Mỹ sẽ tiếp tục đả phá “thứ mậu dịch không công bằng”; cộng thêm trước khi đến dự hội nghị, Phó tổng thống Mike Pence còn đe dọa tăng thuế, yêu cầu “Trung Quốc khuất phục các yêu cầu của phía Mỹ”. Thái độ này có lẽ sẽ quyết định tình trạng quan hệ Mỹ – Trung không dễ gì phát triển theo hướng lạc quan.

Đa Chiều cho rằng, về lâu dài Donald Trump và những người thân cận của ông đối với vấn đề cuộc chiến mậu dịch Mỹ – Trung có thể sẽ không vì kinh tế Mỹ năm 2018 suy thoái mà thay đổi. Bởi phía Washington luôn nhận định sự phát triển công nghệ của Trung Quốc là kết quả của việc Mỹ buông lỏng quản chế xuất khẩu công nghệ và Trung Quốc áp dụng những thủ đoạn không chính đáng để lấy cắp công nghệ của Mỹ. Vì vậy, Mỹ cần phải xây dựng bức “trường thành công nghệ” khiến tiến bộ về khoa học kỹ thuật của Trung Quốc bị ngưng trệ lại để đảm bảo cho ưu thế của Mỹ.

Đa Chiều kết luận: mặc dù hiện trạng vấn đề công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể trái ngược với dự liệu của các giới Washington; nhưng báo cáo mới nhất của Robert Lighthizer đã thể hiện phía Mỹ rất tin vào quan điểm này. Vào lúc Donald Trump trước sau vẫn nhấn mạnh “không cho phép Trung Quốc và các nước khác chiếm lợi thế về mậu dịch trước Mỹ”, có lẽ Bắc Kinh khi chuẩn bị cho cuộc đối thoại Tập Cận Bình – Donald Trump tại Argentina cũng đã phát hiện ra một sự thật tàn khốc: sự đối đầu Trung – Mỹ sau 8 tháng giờ đây lại quay trở lại xuất phát diểm khi mới xảy ra cuộc chiến.

Trong một bản tin phát đi ngày 21.11, VOA cho biết, sáng ngày 20, ông Lary Kudlow nói, nếu kế hoạch đàm phán tại Washington tan vỡ, ông dự đoán Mỹ và Trung Quốc sẽ xảy ra xung đột trực tiếp tại Hội nghị G-20. Ông nói: “Hội nghị cấp cao G-20 là thời khắc có tính quyết định. Đây là thời điểm then chốt”. Ông nói, Tổng thống Donald Trump lạc quan rằng sẽ đạt được hiệp nghị vì ông ấy tin là người Trung Quốc muốn đạt được một hiệp nghị.   

Trong khi đó, ông Matthew Goodman, Cố vấn cao cấp về kinh tế châu Á của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) lại cho rằng, có khoảng 50% cơ hội để hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình đạt được một hiệp nghị “đình chiến” trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao G-20. Ông nói: “Tôi có dự cảm sẽ đạt được hiệp nghị “ngừng bắn” ở mức độ nào đó, đương nhiên dự đoán đó có chút mạo hiểm. Tôi nói như vậy bởi cả Tổng thống Donald Trump lẫn Chủ tịch Tập Cận Bình đều có động cơ tạm ngừng cuộc tranh chấp hiện nay”.

RELATED ARTICLES

Tin mới