Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHội đàm Trump – Tập bên lề G-20: Trong “nguy” có “cơ”...

Hội đàm Trump – Tập bên lề G-20: Trong “nguy” có “cơ” cho Bắc Kinh

Tranh chấp thương mại Mỹ- Trung cho Bắc Kinh cơ hội nghĩ lại về các mục tiêu kinh tế và nâng cao uy tín của mình nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào bữa tối ngày 1/12 sau khi tham dự diễn đàn G-20 để thảo luận về cách thức chấm dứt căng thẳng thương mại giữa 2 nước.

Việc kỳ vọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nhượng bộ một cách công khai là phi thực tế. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có lợi khi chấm dứt được “cuộc chiến thương mại” này trước khi nó phát triển thành một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới.

Vì thế, vẫn có hy vọng rằng lãnh đạo Mỹ – Trung sẽ nghĩ ra một cách sáng tạo và mềm mỏng để đạt được thỏa thuận xuống thang mà vẫn giữ thể diện cho cả 2 bên. Thế nhưng nếu cách này không hiệu quả thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đa số đánh giá là một “nguy cơ”, nhưng là trong “nguy” có “cơ”. Phần đông dư luận đều cảnh báo đúng về những nguy hại của một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc.

Nhưng cũng có những ý kiến đáng lưu ý cho rằng, cuộc chiến thương mại của ông Trump có thể giúp Trung Quốc vươn lên cả về mặt chiến lược và kinh tế nếu Bắc Kinh biết nắm lấy cơ hội hóa giải nguy nan.

3 cơ hội

Một là cơ hội để cập nhật mô hình kinh tế.

Cuộc chiến thương mại của ông Trump chắc chắn sẽ tổn hại đến xuất khẩu của Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế của nước này nói chung trong ngắn hạn. Nhưng nó cũng sẽ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải nghĩ lại về chiến lược phát triển của nước này.

Nếu không có những thách thức của ông Trump, có thể Bắc Kinh khó lòng tự nhận ra những thiếu sót nảy sinh trong hệ thống của mình khi phải liên tục vận động trong một xã hội phát triển đến chóng mặt. Chính ông Trump là người đặt ra bài toán cho giới chức ở Bắc Kinh giải quyết để cải thiện nền kinh tế của cả Trung Quốc.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) chỉ ra rằng, mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc đang trở nên ngày càng mong manh, dễ bị tổn thương trước các tranh chấp thương mại. Để đảm bảo an ninh kinh tế, Trung Quốc cần phải xem xét việc làm thế nào để thay thế mô hình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của mình.

Cuộc khủng hoảng của Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông Trung Hưng (ZTE) đã dạy cho Trung Quốc một bài học đắt giá về hậu quả nghiêm trọng của việc phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ trong lĩnh vực viễn thông. Các kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc từ đó bắt đầu phản ánh về khoảng cách công nghệ khổng lồ trong nhiều lĩnh vực giữa Bắc Kinh và Washington như một lời cảnh tỉnh.

Chủ nghĩa tư bản nhà nước ở Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ cũng là một trong những vấn đề chủ chốt gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Chủ nghĩa tư bản nhà nước là một hệ thống kinh tế trong đó nhà nước trực tiếp tham gia hoạt động kinh tế – thương mại và cơ sở sản xuất được tổ chức và quản lý như doanh nghiệp nhà nước, hoặc nhà nước kiểm soát nền kinh tế thông qua các cơ quan chính phủ hoặc nhà nước có cổ phần chi phối tại các tập đoàn niêm yết công khai.

Chủ nghĩa tư bản nhà nước không phải là chiến thuật mới của các nền kinh tế ở châu Á bởi thực tế, chính Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã dùng cách tương tự vào những năm 1970 – 1980 để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô của nước mình.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của các nước này cũng cho thấy rằng chủ nghĩa tư bản nhà nước có thể đẩy doanh nghiệp vào ngõ cụt về tăng trưởng kinh tế vì những vấn đề vốn có như là việc đưa ra quyết định kém hiệu quả, thiếu ưu đãi sáng tạo và tham nhũng tràn lan.

Cuộc chiến thương mại của ông Trump sẽ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc ít nhất là phải xem xét lại những liên kết yếu nhất trong nền kinh tế nước này và tìm cách cải thiện chúng trước khi quá muộn.

 Hai là cơ hội để điều chỉnh chính sách đối ngoại có thể gây phản ứng thái quá

Cuộc chiến thương mại cũng sẽ khuyến khích giới lãnh đạo Trung Quốc điều chỉnh chiến lược có thể gây phản ứng thái quá trong chính sách đối ngoại. Dù Trung Quốc luôn tuyên bố rằng sự trỗi dậy của họ về bản chất là hòa bình thì mọi người vẫn chú ý vào những gì mà Bắc Kinh làm hơn là những gì họ nói.

Năm 2013, Trung Quốc đã theo đuổi “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI), một kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vô cùng tham vọng khi muốn tạo một tuyến đường huyết mạch nối châu Á với châu Âu.

Nhưng trong khi quan chức Trung Quốc nói về BRI như một sáng kiến kinh tế thì các nước khác lại lo ngại về những tác động chiến lược của kế hoạch này. Câu hỏi đặt ra là liệu sáng kiến đó có thực sự chỉ để Trung Quốc trỗi dậy hòa bình trên trường quốc tế?

Những khó khăn ngày càng nhiều và ngày càng lớn của những dự án thuộc BRI ở Malaysia và Maldives đã bộc lộ những hệ quả khắc nghiệt của những chiến lược có thể gây phản ứng thái quá như BRI.

Giờ đây, khi ngân sách của Trung Quốc có thể bị thu hẹp vì cuộc chiến thương mại với Mỹ, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể phải nghĩ lại xem liệu các dự án BRI có đang vượt ra ngoài “thiết kế” ban đầu hay không.

Ba là cơ hội gia tăng quyền lực mềm ở châu Á – Thái Bình Dương.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng là cơ hội chiến lược cho Trung Quốc củng cố vai trò lãnh đạo ở châu Á – Thái Bình Dương. Bởi ông Trump không chỉ gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc mà với tất cả các đối tác chủ chốt. Dù Mỹ được cho là chiến thắng trên mặt trận thương mại ở Bắc Mỹ khi đàm phán lại được thỏa thuận với Canada và Mexico, chính sách thất thường của ông Trump đã tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Mỹ trên trường quốc tế trong dài hạn.

Khi quyền lực mềm của Mỹ suy yếu cũng là lúc Trung Quốc có cơ hội “lấp đầy” vị trí lãnh đạo và dường như Bắc Kinh cũng biết tận dụng điều đó. Trung Quốc đã xoa dịu quan hệ song phương với Nhật Bản, biểu hiện qua chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe đến Bắc Kinh hồi tháng 10. Trung Quốc cũng được cho là đang tìm cách đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) với các nước Đông Nam Á.

Và 1 mối nguy

Việc thay đổi các chính sách hiện hành không bao giờ là dễ dàng đối với bất cứ nhà lãnh đạo nào, dù là ông Trump hay ông Tập Cận Bình, bất chấp việc họ có thể nhận ra những vấn đề nội tại của chính sách đó hay không.

Bắc Kinh có thể không mặn mà tiếp nhận và tận dụng những cái gọi là “lợi ích” mà cuộc chiến thương mại của ông Trump đem lại cho họ. Ngược lại, giới chức Trung Quốc còn có thể kiên quyết theo đuổi, thậm chí còn củng cố chính sách hiện hành vì lo ngại rằng, bất cứ thay đổi chính sách nào cũng bị dư luận trong nước hiểu là sự thỏa hiệp, thất bại, thậm chí là tội phản quốc nếu nhìn theo góc độ lịch sử “bách niên quốc sỉ” (nỗi nhục 100 năm của Trung Quốc) vào thế kỷ 19.

Chính vì thế, thay vì tiếp tục cải cách cấu trúc nền kinh tế và tiếp tục mở cửa chính sách, Trung Quốc có thể đi theo hướng khác và đó là con đường có thể đẩy Trung Quốc, kéo theo phần còn lại của thế giới, vào viễn cảnh thảm họa. Ở đó, Mỹ và Trung Quốc có thể không tiến hành một cuộc chiến trực diện nhưng chiến tranh và xung đột gián tiếp, chẳng hạn như ở Eo biển Đài Loan và trên Biển Đông, là khó có thể tránh khỏi. Đó sẽ “chiến địa” thử thách sự táo bạo và kiên quyết của Mỹ và Trung Quốc

RELATED ARTICLES

Tin mới