Diệp Giản Minh, người gắn mác các khoản đầu tư nước ngoài là dự án Vành đai và Con đường, liên quan đến một tổ chức bị cáo buộc hối lộ hàng triệu USD.
Vào giữa những năm 1990, Diệp Giản Minh, sinh năm 1977, có công việc đơn giản trong một khu rừng. 20 năm sau, ông ta đứng trên một đế chế kinh doanh trị giá 44 tỷ USD. Nhưng giờ đây, đế chế đó đã sụp đổ và Diệp đang bị điều tra, theo CNN.
Chưa rõ những chuyện này xảy ra như thế nào. Nhưng có một điều rõ ràng: vào thời kỳ hoàng kim, công ty của Diệp, CEFC China Energy (Công ty Năng lượng Hoa tín), từng tỏ ra có liên quan chặt chẽ đến chính phủ Trung Quốc.
Tài phiệt này dường như là đặc phái viên năng lượng không chính thức của Trung Quốc. Ông đã gặp gỡ các lãnh đạo trên toàn cầu và thậm chí trở thành cố vấn cho một chính phủ châu Âu. Năm 2016, ông đứng thứ hai trong danh sách 40 người dưới 40 tuổi nổi bật của tạp chí Fortune.
Nhưng vào tháng 11 năm ngoái, sự trỗi dậy tưởng chừng không thể bị ngăn cản của Diệp đi đến hồi kết. Công tố viên Mỹ cáo buộc tổ chức phi chính phủ mà ông ta tài trợ đã sử dụng tư cách thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ) của mình để hối lộ hàng triệu USD cho các lãnh đạo châu Phi, nhưng Diệp không bị buộc tội.
Khi vụ án diễn ra tại tòa ở Manhattan, thế giới được cung cấp cái nhìn hiếm hoi về mối quan hệ phức tạp giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước Trung Quốc và một câu chuyện về điều xảy ra khi một công ty Trung Quốc thất bại ở nước ngoài.
Diệp bắt đầu được quốc tế chú ý vào mùa hè năm 2015, sau những thương vụ mua lại khác thường ở Cộng hòa Czech.
Là chủ tịch của CEFC China Energy, Diệp đã mua câu lạc bóng đá lâu đời nhất của Cộng hòa Czech Slavia Praha; một nhà máy bia; cổ phần của tập đoàn hàng không Travel Service; một nhà xuất bản; cổ phần của ngân hàng đầu tư J&T Finance Group và một tòa nhà ở thủ đô Prague dự định được sử dụng làm trụ sở tại châu Âu của công ty.
Tại Cộng hòa Czech, nhiều người đặt câu hỏi về những thương vụ này: Tại sao một công ty năng lượng lại muốn sở hữu một nhà máy bia? Tại sao một công ty Trung Quốc đột nhiên được chào đón ở đất nước từng không mặn mà với quốc gia này?
Từ khi được thành lập vào năm 1993 cho đến năm 2003, Cộng hòa Czech được lãnh đạo bởi Vaclav Havel, người lạnh nhạt với Trung Quốc. Ông thường xuyên gặp gỡ Dalai Lama, được coi là thủ lĩnh của người Tây Tạng, sống lưu vong ở Ấn Độ từ năm 1959. Trung Quốc coi Dalai Lama là một người ly khai và từ lâu phản đối các cuộc gặp của ông với lãnh đạo quốc tế.
Tuy nhiên, mối quan hệ này thay đổi sau khi Milos Zeman đắc cử vào năm 2013. Zeman có quan điểm thân thiện với Trung Quốc và muốn thúc đẩy thương mại giữa Bắc Kinh và Prague. Năm sau, một công ty Czech trở thành công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên cung cấp các khoản vay trên toàn Trung Quốc.
Diệp Giản Minh nhận ra cơ hội.
Ông lặng lẽ trở thành cố vấn kinh tế đặc biệt cho Zeman và điều này chỉ được công bố 6 tháng sau. Miroslav Kalousek, nghị sĩ Czech đối lập, coi vai trò của Diệp trong chính phủ nước mình là “tai tiếng và mang rủi ro an ninh”.
Martin Hala, học giả nghiên cứu Trung Quốc hàng đầu của Czech, nói rằng việc bổ nhiệm này không có ý nghĩa thương mại. Tuy nhiên, động thái gửi một thông điệp rõ ràng từ Bắc Kinh đến cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc hiện có một người bạn vững chắc ở châu Âu.
Điều đó rất quan trọng. Sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng nhằm xuất khẩu hàng hóa và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu. Dấu chân ở Cộng hòa Czech cho Trung Quốc một cửa ngõ vào châu Âu và một đồng minh chính trị có giá trị trong Liên minh châu Âu (EU) – đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh.
Stephen Platt, sử gia Mỹ và là giáo sư lịch sử Trung Quốc tại Đại học Massachusetts Amherst, cho biết có nhiều doanh nhân tư nhân thúc đẩy ảnh hưởng của đất nước tại nước ngoài.
“Các doanh nghiệp này giúp lấy đi phần rủi ro và gánh nặng tài chính cho chính phủ Trung Quốc”, ông nói. “Nếu các công ty phá sản, đó là vấn đề của họ. Còn nếu thành công thì chính phủ có thể tận dụng để thúc đẩy cái nhìn thiện cảm về Trung Quốc và gia tăng ảnh hưởng”.
Khi Zeman gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh năm 2015, Diệp chụp ảnh với cả hai lãnh đạo. Sự gần gũi của ông với trung tâm quyền lực Trung Quốc chưa bao giờ rõ ràng như vậy.
Các thương vụ ở Czech khiến sự chú ý đổ dồn vào Diệp.
Laban Yu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Jefferies Group, kể: “Các nhà báo liên tục gọi cho tôi hỏi: ‘Anh biết gì về vụ này không?”. Yu chỉ biết nhún vai.
Đến năm 2018, CEFC China Energy đã có danh mục đầu tư bất động sản toàn cầu trị giá 3,2 tỷ USD, bao gồm văn phòng ở trung tâm và một căn hộ tại tháp Thế giới Trump ở Manhattan. Công ty đã tuyển dụng gần 50.000 người, được xếp hạng 222 trong danh sách 500 doanh nghiệp theo bình chọn của tạp chí Fortune năm 2017 và năm 2015 đạt doanh thu 40 tỷ USD.
Năm 2016, Diệp từng trả lời phỏng vấn của Fortune và đây là cuộc phỏng vấn duy nhất của ông với truyền thông phương Tây. Đó là cơ hội để Diệp giải đáp các đồn đại về quan hệ với chính phủ.
Trong nhiều năm, đã có những tin đồn lan truyền ở Trung Quốc rằng Diệp là “vương tử” trong giới quân đội. “Vương tử” là cách gọi những lãnh đạo hay người có vai vế là con của các cựu quan chức đảng cấp cao và có ảnh hưởng. Bản thân ông Tập cũng được coi là một “vương tử” vì bố ông từng là phó thủ tướng.
Tin đồn nói rằng ông của Diệp Giản Minh là cựu bộ trưởng quốc phòng Diệp Kiếm Anh. Tiểu sử của Diệp Giản Minh liệt kê rằng năm 2003 – 2005, ông là phó tổng thư ký Hiệp hội Liên lạc Hữu nghị Quốc tế Trung Quốc (CAIFC) – được cho là cánh tay chính trị của quân đội Trung Quốc, theo một báo cáo của Viện Dự án 2049, tổ chức nghiên cứu các vấn đề an ninh châu Á có trụ sở tại Mỹ. Những điểm tương đồng về phong cách giữa logo của CEFC China Energy và CAIFC càng làm tăng thêm đồn đoán rằng Diệp có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Andrew Chubb, nghiên cứu sinh bậc sau tiến sĩ tại chương trình Trung Quốc và Thế giới Columbia-Harvard, đánh giá Diệp muốn mọi người tin rằng CEFC China Energy có liên quan mật thiết đến các cấp cao nhất của chính phủ.
Nhưng khi được hỏi về vấn đề này, Diệp nói với Fortune rằng ông ta không có mối quan hệ với giới quân sự. Trong một email, CAIFC bác bỏ Diệp từng có mặt trong hàng ngũ lãnh đạo của tổ chức này và CAIFC cũng nói rằng họ không có quan hệ với quân đội.
Nhưng từ những ngôi sao màu vàng trong logo cho đến việc tên công ty có chữ Trung Quốc – đặc quyền thường dành cho các doanh nghiệp nhà nước, CEFC China Energy Energy rõ ràng muốn thể hiện họ có quan hệ với chính quyền. Vậy tại sao Diệp lại bác bỏ mối quan hệ này?
Có thể là vì mối quan hệ của Diệp không có sức nặng như nhiều người nghĩ.
Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Washington, cho biết bà đã được giới thiệu với Diệp vào năm 2010 tại Thượng Hải, thông qua một đô đốc Trung Quốc, người đề xuất CEFC China Energy thành lập tổ chức phi chính phủ (NGO) Ủy ban Quỹ năng lượng Trung Quốc tại LHQ. Đô đốc này không phải là người có quá nhiều ảnh hưởng hay giàu có. Bù lại, ông nói tiếng Anh tốt và hiểu các quy trình của phương Tây. Năm sau, NGO của Diệp được LHQ chính thức công nhận.
“Đối với tôi, đó là câu chuyện về cách những người không thực sự quan trọng có thể làm nên chuyện”, Glaser, người cố vấn cho chính phủ Mỹ về các vấn đề Trung Quốc, nhận xét.
Trong cuộc phỏng vấn với Fortune, Diệp đã kể về con đường thăng tiến của mình: sau thời gian làm kiểm lâm, khi mới ngoài 20 tuổi, Diệp đã mua được tài sản từ một công ty dầu bị đem ra đấu giá sau khi chủ doanh nghiệp trốn khỏi Phúc Kiến. Ông nhấn mạnh rằng các doanh nhân giàu có từ Hong Kong và Phúc Kiến đã cho ông tiền để làm điều đó.
“Lý do họ để một thanh niên ngoài 20 tuổi phụ trách việc này hoàn toàn là bí ẩn”, Chubb đánh giá. Các nhà báo Trung Quốc đã tới nhà của bố mẹ Diệp khẳng định gia đình ông chỉ là những ngư dân bình thường.
Trên một con đường yên tĩnh, rợp bóng cây ở Thượng Hải, tại khu bất động sản đắt đỏ nhất thành phố là khu nhà của CEFC China Energy. Được thiết kế như một cung điện kiểu phương Tây, khu nhà bao gồm 20 biệt thự với những cột đá cẩm thạch trắng. Từng là trụ sở của công ty, tất cả biển hiệu của CEFC China Energy giờ đã bị gỡ khỏi cổng.
Diệp chuyển từ Phúc Kiến đến Thượng Hải vào năm 2009. “Ông ấy thuộc một nhóm người Phúc Kiến phất lên cùng nhau”, Chubb nói.
Những người này bắt đầu phất lên từ khi ông Tập còn làm lãnh đạo ở Phúc Kiến. Họ chuyển đến Thượng Hải trùng với thời gian ông Tập đến Thượng Hải làm lãnh đạo, tuy nhiên, không rõ có sự liên quan giữa hai việc này không.
Tại Thượng Hải, đế chế kinh doanh của Diệp phát triển mạnh. Ông trở thành trung tâm của tập hợp các công ty trị giá hàng tỷ USD có trụ sở tại Cộng hòa Czech, Singapore, Hong Kong, Bermuda và Trung Quốc đại lục. Năm 2011, NGO của công ty ông, Ủy ban Quỹ năng lượng Trung Quốc, được trao tư cách tư vấn tại LHQ. Đó là một điều rất khác thường đối với một công ty năng lượng tư nhân.
Chuyên gia Glaser cảm thấy thấy thật khó hiểu khi một công ty năng lượng Trung Quốc lại tài trợ cho một NGO tại LHQ. Nhiệm vụ chính thức của NGO là phục vụ như một “trung tâm nghiên cứu chiến lược cao cấp” về năng lượng nhưng họ dành hầu hết thời gian để tổ chức các hội nghị về sáng kiến Vành đai và Con đường. Các sự kiện này “phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc”, Glaser nói.
Tuy nhiên, họ đã thu hút được một đám đông ấn tượng. Một cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ và Nga, những người nghỉ hưu từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ và CIA đều xuất hiện tại các sự kiện.
“Tôi đã nghĩ rằng, ồ, họ mời đến những người thực sự cao cấp”, Glaser nói.
Tuy nhiên, nhiều học giả tham dự diễn đàn của NGO này chưa bao giờ nghe nói về Diệp. Họ cho rằng Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc là một cánh tay nối dài của chính phủ Trung Quốc, Hugh White, thuộc Đại học Quốc gia Australia, người đã tham gia vào một sự kiện như vậy vào năm 2015, cho biết. “Chính tôi vẫn chưa hiểu rõ Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc là gì”.
Tại LHQ, các nhân viên NGO của Diệp đã gặp một số người quan trọng nhất trên thế giới. 4 năm sau khi NGO này có mặt tại New York, doanh thu của CEFC China Energy tăng 25% mỗi năm, theo trang web của công ty.
Khi CEFC China Energy phát triển mạnh, Diệp đã đi khắp thế giới trên chiếc máy bay Airbus riêng của mình, gặp gỡ nhiều lãnh đạo như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hay cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan.
Đi đôi với kết nối chính trị tốt hơn là những thỏa thuận quốc tế lớn hơn. Năm 2016, CEFC China Energy thiết lập các thỏa thuận thương mại ở Georgia và đạt được thỏa thuận trị giá 680 triệu USD với công ty dầu khí nhà nước Kazakhstan. Năm sau, họ đầu tư 900 triệu USD vào mỏ dầu khổng lồ của Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi.
Trong các thông cáo báo chí, CEFC China Energy gắn mác những khoản đầu tư này là “dự án Vành đai và Con đường”, gắn kết họ với chính phủ Trung Quốc.
“Không có dự án nào mà không đủ điều kiện được coi là Vành đai và Con đường và không có lục địa nào trên hành tinh không có Vành đai và Con đường”, Christopher Balding, phó giáo sư tại Đại học Fulbright Việt Nam, nói.
Balding giải thích rằng do Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát vốn, các công ty nước này gặp khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài. Việc gắn mác các thỏa thuân là dự án Vành đai và Con đường giúp các công ty có được sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc để giao dịch quốc tế và chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.
Tháng 9/2017, CEFC China Energy đã công bố khoản đầu tư lớn nhất của mình. Công ty dự định mua 14% cổ phần của công ty dầu khí Nga Rosneft với giá 9 tỷ USD – khoản chi khổng lồ chỉ thường thấy ở các công ty nhà nước.
Điều đó khiến nhiều người nhướn mày. “Tôi thắc mắc ai cho họ số tiền đó?”, Laban Yu, tại ngân hàng đầu tư Jefferies Group, bình luận.
Đế chế của Diệp bắt đầu sụp đổ vào ngày 18/11/2017, khi các đặc vụ FBI bắt giữ Patrick Ho Chi-ping, người Diệp đã thuê để lãnh đạo NGO của mình. Patrick Ho bị buộc tội rửa tiền và vi phạm Đạo luật Chống Tham nhũng Nước ngoài.
Ông ta bị cáo buộc đưa hối lộ ba triệu USD cho Tổng thống Chad (quốc gia Trung Phi giáp với Libya) Idriss Deby, và Ngoại trưởng Uganda Sam Kutesa, người khi đó là chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Cáo trạng viết rằng các khoản hối lộ được thực hiện “thay mặt cho một công ty năng lượng có trụ sở tại Thượng Hải” nhưng không nêu tên cụ thể.
Các email và cuộc gọi của CNN tới chính phủ Chad đều không được hồi đáp. Năm ngoái, chính phủ Chad đã ra tuyên bố, gọi cáo buộc này là bịa đặt. Chính phủ Uganda cũng bác tin Kutesa liên quan đến vụ hối lộ còn Patrick Ho từ chối nhận tội.
Các tài liệu của tòa án cho thấy đôi khi một số người tại LHQ coi NGO này là một “cánh tay” của nhà nước Trung Quốc.
Theo các email được đưa ra bởi các công tố viên, Ho được một cộng sự yêu cầu “đề đạt với chính phủ Trung Quốc” cung cấp cho Chad vũ khí quân sự để chiến đấu với phiến quân Boko Haram. Trong email với các cá nhân khác, Ho cũng thảo luận về việc chuyển giao vũ khí cho Libya và Qatar và đề nghị CEFC China Energy có thể giúp một công ty Iran bị trừng phạt chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.
Trong khi đó, CEFC China Energy ra tuyên bố, nói rằng NGO “không liên quan đến bất kỳ hoạt động thương mại nào của CEFC China Energy”. CEFC China Energy khẳng định họ đã tiến hành các hoạt động kinh doanh “theo đúng luật pháp”.
Cuối cùng, thỏa thuận 9 tỷ USD của CEFC China Energy với Rosneft đổ bể. Hai tháng sau khi thỏa thuận được công bố, Ho bị bắt. Sự kiện này giống như quân bài domino bị đổ, kéo sụp đế chế của Diệp.
Ngày 1/3, hãng tin tài chính Trung Quốc Caixin công bố một cuộc điều tra về tài chính của CEFC China Energy, cho rằng công ty này thực chất rất bấp bênh với những khoản nợ chồng chất. CEFC China Energy nói rằng báo cáo này không đúng sự thật. Tuy nhiên, vài ngày sau, Diệp được cho là bị bắt tại Trung Quốc và không xuất hiện trước công chúng từ đó.
Các nhà phân tích công nghiệp cho biết từ lâu đã có những lời xì xào về sự bấp bênh của CEFC China Energy. Các chuyên gia tin rằng công ty không có nhiều hợp đồng tương xứng với quy mô mà họ thể hiện.
CNN đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để hỏi về mối quan hệ giữa CEFC China Energy và chính phủ Trung Quốc, vụ bắt giữ Ho ở New York và thông tin Diệp đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời rằng họ không biết gì về những vấn đề kể trên và nhấn mạnh chính quyền luôn yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ luật pháp và quy định của nước sở tại khi hoạt động ở nước ngoài.
Tại Thượng Hải, CNN đã tìm đến 8 công ty con của CEFC China Energy theo các địa chỉ đã đăng ký. Tuy nhiên, họ không thấy bất kỳ công ty nào có dấu hiệu hoạt động. Tại một tòa nhà gần như trống rỗng có một tấm biển đề lời trích dẫn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: “Cánh cửa của Trung Quốc với thế giới sẽ không bao giờ đóng, mà chỉ mở rộng hơn”.
Từng là bên mua lại nhiều tài sản ở nước ngoài, CEFC China Energy giờ trở thành một món hàng. Các công ty nhà nước Trung Quốc hiện nắm quyền kiểm soát nhiều tài sản quốc tế của doanh nghiệp.
Hồi tháng ba, chính phủ Czech đã điều một phái đoàn đến Bắc Kinh để tìm hiểu tung tích của Diệp. Tổng thống Cộng hòa Czech Zeman nói rằng Diệp, người vẫn còn là cố vấn kinh tế của ông, đang bị điều tra tại Trung Quốc vì “nghi ngờ vi phạm pháp luật”. Người phát ngôn của Zeman, nói với CNN rằng nếu Diệp bị kết tội, ông ta sẽ không còn là cố vấn cho Zeman.
Sự sụp đổ của Diệp diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang xử lý các công ty tư nhân nợ nần. Đầu năm nay, Ngô Tiểu Huy, chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Anbang, công ty nổi tiếng vì đã mua khách sạn Wald Waldorf ở New York với giá 1,95 tỷ USD, bị bắt vì tội lừa đảo huy động hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư. Hồi tháng 5, Ngô bị tòa án Thượng Hải kết án 18 năm tù.
Doanh nghiệp tài chính nhà nước CITIC giờ nắm quyền kiểm soát các tài sản tại Cộng hòa Czech của CEFC China Energy. Điều này gây liên tưởng đến một thỏa thuận Vành đai và Con đường có kết cục không tốt đẹp: Sri Lanka phải cho chính phủ Trung Quốc thuê một cảng chiến lược trong 99 năm vì không thể trả nợ năm 2017.
Trong khi đó, tung tích của Diệp vẫn là ẩn số. Cũng chưa có tiết lộ gì về cáo buộc ông này đối mặt ở Trung Quốc.