Báo cáo World Economic Outlook tháng 10 năm 2018 cho thấy căng thẳng thương mại, với Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là một trong những trung tâm, là một trong những rủi ro lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặc dù một số phân tích cho rằng Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, một phân tích của FT Confidential Research cho rằng Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trong chiến tranh thương mại do mức độ phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào xuất khẩu.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đối với Việt Nam, cả về tích cực và tiêu cực. Chúng tôi cũng đưa ra nhìn nhận về quan điểm ứng phó với chiến tranh thương mại của giới lãnh đạo Việt Nam thông qua các phát biểu chính thức của thủ tướng. Cuối cùng, chúng tôi thảo luận một số điểm quan trọng mà Việt Nam cần chú ý trong chiến lược ứng phó với chiến tranh thương mại.
Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tới Việt Nam
Chúng tôi cho rằng chiến tranh thương mại đem lại cả thách thức và cơ hội cho Việt Nam. Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thông qua kênh xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.
Tại hội nghị “Tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc đến kinh tế TP.HCM”, TS Võ Trí Thành cho rằng khi hàng nhập từ Trung Quốc vào Mỹ giảm do thuế nhập khẩu cao, Mỹ sẽ tìm nguồn hàng từ các nước khác, cụ thể là hàng dệt may và điện tử từ Việt Nam do đây là hai mặt hàng mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều xuất khẩu sang Mỹ. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ trong 9 tháng đạt gần 35 tỉ USD, tăng 12,5%. Đặc biệt, điện thoại và linh kiện tăng đến 46% và dệt may tăng gần 12%, da giày tăng gần 13%.
Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó các doanh nghiệp chuyển dịch một số khâu sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các công ty đa quốc gia đang bắt đầu chuyển những công đoạn sản xuất có tỷ suất sinh lợi cao đến Việt Nam. Các nhà sản xuất lớn như Intel, Foxconn, LG và Samsung đang chuyển nhà máy của họ sang Việt Nam. Lợi thế từ 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và những hiệp định đang chờ phê chuẩn như EU-Vietnam FTA hoặc sắp có hiệu lực như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Tiến bộ và Toàn diện (CPTPP) khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia.
Doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang chuyển đơn hàng sản xuất những mặt hàng bị Mỹ áp thuế cao sang Việt Nam. Một số nhà sản xuất Trung Quốc có thể sẽ tăng đầu tư sản xuất ở Việt Nam hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện việc sản xuất đơn hàng cho đối tác của họ ở thị trường Mỹ lâu nay. Bà Anna Ho, CEO của Công ty Silstar Machinery chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng cả tháng nay bà liên tiếp đón các đoàn doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa của Trung Quốc cũng như các nhà mua mặt hàng này từ Mỹ đến tìm hiểu khả năng sản xuất mặt hàng này của doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, chiến tranh thương mại cũng tạo ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Nguy cơ đầu tiên là rủi ro hàng Việt Nam cũng sẽ bị Mỹ áp thuế cao do doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, lo ngại rằng có nguy cơ thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam, lấy xuất xứ rồi xuất khẩu sang Mỹ. Khi đó, cả thép của doanh nghiệp Việt cũng có nguy cơ bị Mỹ đánh thuế cao. Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại Mỹ có thể truy nguồn gốc sản phẩm và áp thuế suất chống phá giá, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Xu thế doanh nghiệp Trung Quốc chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam tuy giúp tăng đơn hàng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài nhưng cũng làm gia tăng nguy cơ Việt Nam trở thành thiên đường ô nhiễm của các doanh nghiệp FDI. Trong cuộc họp báo công bố các số liệu thống kê kinh tế xã hội của Tổng cục Thống kê ngày 28/9, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ lo ngại rằng làn sóng dịch chuyển doanh nghiệp Trung Quốc có thể khiến Việt Nam trở thành nơi tập kết cho các công nghệ lạc hậu, ô nhiễm, quy mô nhỏ từ quốc gia láng giềng khổng lồ.
Một nguy cơ khác đối với Việt Nam là những hàng hóa tiêu dùng và nông sản của Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại sẽ chuyển hướng sang Việt Nam. Một ví dụ là mặt hàng thịt lợn Mỹ. Trung Quốc áp thuế bổ sung tới 25% khiến thuế nhập khẩu thịt lợn Mỹ vào Trung Quốc lên tới 71%, do đó thịt lợn Mỹ gần như không còn cơ hội thâm nhập vào Trung Quốc. Giá lợn hơi Việt Nam đang ở mức từ 48.000-50.000 đ/kg, thuộc hàng cao nhất thế giới. Trong khi đó, giá thịt lợn Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam chỉ vào khoảng hơn 1,5 USD/kg, tương đương với khoảng 35.000 đồng. Số thịt lợn Mỹ không thể thâm nhập thị trường Trung Quốc có thể sẽ tràn vào Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho biết thịt Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tăng gần 50% trong nửa đầu năm 2018.
Những tình huống tương tự cũng có thể xảy ra với nông sản Trung Quốc. Hiện tại Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn của các sản phẩm như trái cây, lúa gạo, thủy sản … từ Việt Nam. Với nguồn cung lớn và giá rẻ, rau quả Trung Quốc gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với nông sản Việt Nam ở cả thị trường xuất khẩu của Trung Quốc lẫn thị trường nội địa Việt Nam. Đó là chưa kể, trái cây từ Mỹ cũng sẽ có thể nhập vào Việt Nam nhiều hơn sau khi bị thị trường Trung Quốc đánh thuế cao.
Về dài hạn, rủi ro lớn nhất là chiến tranh thương mại làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm, các doanh nghiệp hạn chế chi tiêu vốn trong khi điều kiện thị trường tài chính tiền tệ chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt. Điều này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.