Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngMột số dư luận lên án hoạt động của TQ ở Biển...

Một số dư luận lên án hoạt động của TQ ở Biển Đông đáng chú ý trong năm 2018

Năm 2018, giới chuyên gia học giả và người dân các nước đã lên án mạnh mẽ hoạt động đơn phương, ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhìn chung, dư luận đều cho rằng Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế và công luận để theo đuổi bằng được các yêu sách chủ quyền. Có ý kiến cho rằng cần coi hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay là việc “đe dọa sử dụng và sử dụng vũ lực”.

Dư luận lên án mạnh mẽ hoạt động của TQ ở Biển Đông. Nguồn: CSIS/AMT

Chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) Bill Hayton (7/2018) đã chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông khẳng định Phán quyết của Toà Trọng tài (7/2016) đã bác bỏ hoàn toàn “quyền lịch sử đối với tài nguyên trong “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, khẳng định các cấu trúc (thực thể địa lý) thuộc Trường Sa không có hiệu lực để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo tuyên bố của Trung Quốc, đồng thời kết luận các hoạt động khai thác, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây hại cho môi trường biển và làm trầm trọng thêm tranh chấp. Tuy nhiên kể từ sau Phán quyết đến nay, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông về cơ bản không hề thay đổi và ngày càng phức tạp, nguy hiểm hơn. Theo chuyên gia Bill Hayton, điều đáng bị lên án là trong thực tế, Trung Quốc vẫn đang sử dụng ưu thế về lực lượng quân sự để gia tăng sự uy hiếp, nhằm gây sức ép đối với các nước láng giềng để buộc các nước này phải nhượng bộ đối với các yêu sách của Trung Quốc. Điều đó thực sự đã tạo một mối đe dọa cho hòa bình và an ninh quốc tế. Mặc dù Phán quyết của Tòa nêu rõ Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với cái gọi là Khu đặc quyền kinh tế ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough, song Trung Quốc tiếp tục gây áp lực buộc các nước này phải nhượng bộ Trung Quốc về khai thác dầu khí và hải sản. Đáng chú ý, dưới cái danh nghĩa cùng khai thác, Trung Quốc đang tiếp tục đòi hỏi một phần tài nguyên của các quốc gia đó mặc dù Tòa đã phán quyết rõ ràng những yêu cầu đó hoàn toàn trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Tháng 5/2017, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng tuyên bố công khai rằng Trung Quốc đã đe dọa chiến tranh nếu Philippines cố gắng khai thác lượng khí đốt lớn trong khu vực biển được gọi là bãi Cỏ rong. Các mỏ khí hiện tại của Philippines được dự báo ​​sẽ bắt đầu cạn kiệt trong vòng 5 năm tới và quốc gia này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Trong khi đó, các mối đe dọa quân sự của Trung Quốc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với chính phủ Philippines. Hiện nay UNCLOS 1982 là nền tảng cho hòa bình và an ninh quốc tế, được hầu hết các quốc gia ở Liên hợp quốc tham gia. UNCLOS 1982 cung cấp một cơ chế trung lập để phân bổ tài nguyên hàng hải của thế giới. Trên cơ sở UNCLOS 1982, Phán quyết của Tòa (7/2016) đã làm sáng tỏ sự thật đúng sai của một loại tranh chấp do việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 để đưa ra các yêu sách phi lý, vi phạm đến các quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan trong khu vực Biển Đông. Đồng thời, nó cũng tạo dựng niềm tin của nhân loại đối với vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế của Liên hợp quốc trong việc tham gia giải quyết các tranh chấp phức tạp trên Biển Đông. Tuy nhiên, những gì chúng ta đang thấy ở Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang tìm mọi cách để lật đổ nó. Thực tế, Trung Quốc đang triển khai sức mạnh quân sự để lật đổ các quyền hợp pháp được trao cho các nước khác. Nếu Trung Quốc làm được điều này, UNCLOS sẽ bị suy yếu ở mọi nơi, không chỉ ở Biển Đông. Nếu một quốc gia như Trung Quốc có thể xử lý các điều ước quốc tế đơn giản chỉ là “mẩu giấy thải” thì sẽ không có thỏa thuận nào an toàn và luật pháp quốc tế sẽ bắt đầu bị phá vỡ. Do đó, điều bắt buộc là tất cả các bên tham gia ký kết UNCLOS cần lên tiếng bảo vệ nó khỏi các mối đe dọa, điển hình là hành động vi phạm Phán quyết của Trung Quốc.

Chuyên gia Luật quốc tế về tranh chấp lãnh thổ tại Viện Luật quốc tế và so sánh của Anh (BIICL), Tiến sĩ Constantinos Yiallourides (7/2018)cũng lên án mạnh mẽ chính sách và hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cho rằng dư luận cần coi hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay là việc “đe dọa sử dụng và sử dụng vũ lực”. Theo ông, căng thẳng thường xuyên gia tăng tại Biển Đông trong những năm gần đây là do các hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc và hiện nay chúng đã trở thành một chuỗi các căn cứ quân sự hoàn chỉnh, được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không, chống hạm và thiết bị chiến tranh điện tử… Và điều này đã khiến dư luận các nước lên án mạnh mẽ. Vừa qua, tại cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng ba nước, gồm Australia, Nhật Bản và Mỹ (6/2018) đã ra Tuyên bố chung “phản đối mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lưc, cũng như hành động đơn phương để thay đổi nguyên trạng và sử dụng các thực thể chiếm đóng cho các mục đích quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc”. Gần đây nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng quân đội cho “mục đích đe dọa và ép buộc”, đồng thời cảnh báo những hành động này sẽ phải gánh chịu “hậu quả”. Bất chấp các tuyên bố, cam kết “sẽ không sử dụng vũ lực” để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc, các hoạt động cải tạo và quân sự hóa tại các vùng lãnh thổ tranh chấp rõ ràng đã tạo ra việc đã rồi trên thực địa. Theo Tiến sĩ Constantinos Yiallourides, điều này cấu thành việc bành trướng lãnh thổ bất hợp pháp thông qua vũ lực, rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế. Chắc chắn là với việc quân sự hóa các đảo tranh chấp, Trung Quốc đã buộc các đối thủ không có chọn lựa nào khác hoặc là ngậm ngùi chấp nhận hiện trạng mới, hoặc phải đối mặt với một cuộc chiến tranh nhiều tổn thất trước một quốc gia hùng mạnh, có vai trò chiến lược trong khu vực. Tiến sỹ Constantinos Yiallourides cũng đồng quan điểm với chuyên gia Bill Hayton rằng mặc dù Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (7/2016) đã ra phán quyết bác bỏ hầu như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, song Trung Quốc vẫn đều đặn tiến hành các hành động bành trướng trong khu vực. Theo Giáo sư Taylor Fravel, một nhà nghiên cứu chính trị nổi tiếng, Trung Quốc đang sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ nhằm “tỏ ra cứng rắn về mặt chủ quyền và răn đe các đối thủ khác trong mọi xung đột”. Theo Tiến sỹ Constantinos Yiallourides, trước hết phải đánh giá các hành động của Trung Quốc ở Trường Sa như là việc “sử dụng vũ lực” và theo luật pháp quốc tế sẽ mở ra khả năng đáp ứng bằng hành động tự vệ. Tuy nhiên, tự vệ chỉ có thể coi là chính đáng nếu đối mặt với một cuộc tấn công vũ trang (theo Điều 51, Hiến chương Liên hợp quốc). Ông cho rằng việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc nhiều khi chỉ là tương đối nhỏ để có thể coi là tấn công vũ trang theo nghĩa pháp luật, tuy nhiên nó lại là một phần của các hành động vũ trang tiệm tiến, mà khi cộng dồn lại sẽ trở thành một sự chuyển đổi mang tính chiến lược trên lãnh thổ, có lợi cho Trung Quốc. Như vậy, cho dù mỗi lần triển khai lực lượng đơn lẻ không đủ nghiêm trọng để coi là tấn công vũ trang, nhưng nhìn một cách tổng thể, các hành động của Trung Quốc có thể nằm trong phạm vi điều chỉnh của Điều 51, Hiến chương Liên hợp quốc. Ngoài ra, các quốc gia khác ngoài các nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan) cũng có thể áp đặt, thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc theo Điểm 2 của Điều 2, Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó quy đinh “Tất cả các thành viên của Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý” và Điểm 4 quy định “Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc”.

Cùng với sự chỉ trích của giới chuyên gia, học giả các nước thì tại Philippines, do thất vọng với cách tiếp cận quá mềm mỏng của ông Duterte, nhiều quan chức quốc phòng hàng đầu của Philippines gần đây có xu hướng thích công bố các thông tin liên quan tới việc Trung Quốc đang dần từng bước củng cố hạ tầng và sự hiện diện ở Biển Đông bằng cách tiết lộ cho giới truyền thông hoặc cho những người chỉ trích ông Duterte tại Quốc hội. Bộ phận chính trị gia khác tại Toà án, Quốc hội và các đảng chính trị đối lập tại Philippines liên tục chỉ trích thái độ nhu nhược trước Trung Quốc của Tổng thống Duterte, cho rằng Chính quyền Philippines đã bỏ qua phán quyết của Tòa, chấp nhận đánh đổi chủ quyền cho Trung Quốc để lấy lợi ích kinh tế. Người người dân Philippines đã phản đối mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc vi phạm phán quyết, xâm phạm chủ quyền của Philippines tại bãi cạn Scarborough. Nhiều cuộc biểu tình của người dân Philippines đã nổ ra để yêu cầu Trung Quốc ngừng ngăn cản hoạt động đánh bắt và tịch thu cá của ngư dân Philippines. Tháng 2/2018, nhiều người Philippines đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila để phản đối các hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông. Họ cho rằng nếu Philippines tiếp tục hợp tác với Trung Quốc có thể sẽ “khuyến khích” Bắc Kinh tiếp tục các hành động phi pháp trên Biển Đông. Nhân kỷ niệm hai năm ngày Tòa Trọng tài ra phán quyết quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền theo “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông (12/7/2018), hàng nghìn người dân Philippines tại Thủ đô Manila đã xuống đường biểu tình để phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và chính sách “kết thân” với Trung Quốc của Chính quyền Tổng thống Duterte.

Việt Nam đã nhiều lần phản đối hoạt động bồi đắp, mở rộng và quân sự hóa đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2018, đồng thời khẳng định “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS”. Những hoạt động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”. Quy định của Trung Quốc cũng đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển,không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới