Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 19-12 cho rằng cần phải thận trọng và không “lên gân chính trị” sau khi Trung Quốc bắt giữ công dân thứ 3 của nước này.
Thủ tướng Trudeau phát biểu trong cuộc họp báo hôm 19-12. Ảnh: Reuters
Các vụ bắt giữ trên xảy ra giữa lúc hai nước căng thẳng về vụ Canada bắt giám đốc tài chính hãng Huawei (Trung Quốc) theo yêu cầu của Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Trudeau cho rằng: “Động thái và tuyên bố chính trị không nhất thiết được đưa ra. Những điều đó có thể gây trở ngại cho việc trả tự do các công dân Canada. Chúng tôi sẽ xem xét mọi tình huống một cách cẩn thận và nghiêm túc.
Canada hiểu rằng động thái chính trị có thể thỏa đáng trong thời gian ngắn, giống như lên gân chính trị và làm được điều gì đó đáng kể nhưng nó có thể không mang lại kết quả mà chúng ta đều muốn. Đó là đưa các công dân Canada về nhà an toàn”.
Ông Trudeau cho hay đang yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về các vụ bắt giữ công dân Canada nhưng chưa có chi tiết mới nào được tiết lộ.
Đề cập đến việc cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor bị bắt tuần trước, Thủ tướng Trudeau cho biết các trường hợp này không liên quan gì đến vụ giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei, bà Meng Wanzhou, bị bắt giữ hôm 1-12.
Tờ National Post (Canada) cho biết công dân Canada thứ 3 bị bắt là một phụ nữ đang dạy tiếng Anh ở Trung Quốc và bị bắt giữ vì các vấn đề về thị thực.
Chính phủ Canada nhiều lần nhấn mạnh không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa vụ bắt bà Meng với trường hợp hai công dân Kovrig và Spavor bị bắt tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng đây là hành động trả đũa của Trung Quốc.
Một số nguồn tin cho biết các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Canada đã tổ chức nhiều cuộc họp liên quan đến các công dân bị bắt giữ nhưng không có lực lượng đặc nhiệm chính thức nào được thành lập để xử lý vụ việc. Một nguồn tin nói Canada đang cố gắng “câu giờ” bằng cách nhấn mạnh đến trật tự dựa trên luật lệ và hệ thống tư pháp độc lập.
Hiện bà Meng được tại ngoại ở TP Vancouver trong khi chờ đợi quyết định liệu bà có bị dẫn độ sang Mỹ hay không. Nữ giám đốc tài chính này dự kiến ra tòa vào ngày 6-2.
Bà Meng bị cáo buộc lừa dối các ngân hàng đa quốc gia về các giao dịch liên quan đến Iran, khiến các ngân hàng này có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Khôn khéo hay yếu thế?
Thủ tướng Trudeau nói rằng ông không muốn leo thang căng thẳng vốn bắt nguồn từ vụ giam giữ nữ giám đốc tài chính Huawei và các quan chức đang nỗ lực để có thêm thông tin chi tiết.
Ông Nelson Wiseman, giáo sư tại Trường ĐH Toronto, cho rằng ông Trudeau yếu thế trong vụ việc và những phát biểu của thủ tướng sẽ khó được người dân Canada chấp nhận. “Chính phủ (ông Trudeau) nghĩ rằng những tuyên bố mạnh mẽ hơn sẽ dẫn đến việc các công dân đang bị Bắc Kinh giam giữ sẽ bị đối xử không tốt. Ngoài ra, họ còn lo lắng việc làm căng sẽ dẫn đến thêm nhiều vụ công dân Canada bị bắt giữ và doanh nghiệp Canada bị làm khó tại Trung Quốc” – ông Wiseman nhận định.
Còn ông David Mulroney, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, cho rằng sẽ rất bất thường nếu nói vụ bắt giữ công dân Canada thứ 3 là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho các công dân Canada khi cho rằng việc họ bị giam giữ là “bất hợp pháp” và “không thể chấp nhận được”.