Từ khi thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế,Trung Quốc đã diễn ra những thay đổi to lớn. Trung Quốc đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội với bước chuyển biến lịch sử là “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm”. Thể chế kinh tế, xã hội có bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc cũng đạt được nhiều thành công trong ổn định tình hình trước những biến động lớn của thế giới.
Những điều kiện thuận lợi để Trung Quốc phát triển kinh tế
Trung Quốc với diện tích 9.596.960 km2 là nước rộng thứ tư thế giới. Tính đến ngày 21/12/2018, dân số hiện tại của Trung Quốc là 1.417.427.056 người, trong đó lực lượng lao động là 870,3 triệu người, đưa Trung Quốc trở thành “đại công xưởng” của thế giới và cũng là một thị trường tiêu thụ khổng lồ. Nhờ có lượng cung và cầu lớn trong nước, Trung Quốc có thể dễ dàng đạt được việc “tiết kiệm chi phí sản xuất” đối với sản xuất kinh tế. Những ưu điểm của việc “tiết kiệm chi phí sản xuất” sẽ thúc đẩy phát triển công nghệ và gia tăng hiệu quả quản lý nguyên liệu, do đó sẽ làm hạ thấp chi phí sản xuất tại Trung Quốc cũng như tăng thêm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu nước này.
Không những vậy, sự ổn định vững chắc của môi trường kinh tế – chính trị – xã hội cũng đã tạo ra điều kiện thuận lớn để Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc được Ngân hàng ABN Amro coi là “thiên đường an toàn” của các nhà đầu tư hiện nay. Trong khi thế giới nói chung trở nên rất dễ bị tổn thương, còn các nền kinh tế trong khu vực tỏ ra không đủ sức đương đầu với sóng gió suy thoái kinh tế từ nước Mỹ, thì nền kinh tế Trung Quốc vẫn đứng vững và gia tăng sức hấp dẫn của mình.
Tuy nhiên, quá trình Trung Quốc mở cửa nền kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách. Do Trung Quốc có đường biên giới dài, tiếp giáp với nhiều quốc gia nên tình hình biên giới rất phức tạp, khó quản lý. Ví dụ như tình trạng buôn lậu với số lượng lớn cùng với chất lượng và giá cả đã làm cho nền kinh tế Trung quốc đang phải đối mặt với vấn đề thương hiệu. Ngoài ra, Trung Quốc còn bị giới hạn bởi một số yếu tố khác như dân số đang già đi, tài nguyên nước và năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ… Tình hình ô nhiễm ở Trung Quốc đang xấu đi một cách trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm nước và không khí. Hai phần ba số thành phố của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng không khí. Bên cạnh đó là những vụ thiên tai rất lớn thường xuyên xảy ra như động đất, mưa bão gây thiệt hại cực kỳ to lớn về kinh tế.
Các giai đoạn cải cách, mở cửa của Trung Quốc
Giai đoạn đầu chuyển đổi thể chế kinh tế (1978 – 1991): Đảng Cộng sản Trung Quốc với phương châm “giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị”, chuyển trọng tâm công tác từ “lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh” sang “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm” nhằm mục tiêu xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn đầu tập trung vào chuyển đổi thể chế kinh tế với việc “khoán ruộng đất”, “phát triển xí nghiệp hương trấn” ở nông thôn, sau đó tiến hành mở rộng thí điểm quyền tự chủ kinh doanh của xí nghiệp quốc hữu ở thành phố, tiến hành mở cửa, xây dựng đặc khu kinh tế, xây dựng các loại thị trường. Việc xây dựng các đặc khu kinh tế (SEZs) ở Trung Quốc tương đối thành công. SEZs đã phát huy được vai trò “cửa sổ” và “cầu nối” có ảnh hưởng tích cực đối với trong và ngoài nước. SEZs của Trung Quốc đã đạt được thành công bước đầu trong sự kết hợp giữa kế hoạch và thị trường. Những năm 1984 – 1991, cải cách xí nghiệp quốc hữu là trọng tâm, cải cách giá cả là then chốt trong toàn bộ cuộc cải cách. Trong giai đoạn chuyển đổi thể chế kinh tế (1979 – 1991), Trung Quốc đã tìm tòi, tổ chức thí điểm, từng bước tiếp nhận cơ chế thị trường, sửa chữa những khuyết điểm của thể chế kinh tế kế hoạch.
Giai đoạn xây dựng khung thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (1992 – 2002): Bước sang thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình thế giới diễn ra những biến đổi to lớn và sâu sắc. Hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, Liên Xô giải thể, đảng cộng sản ở các nước Đông Âu mất địa vị cầm quyền. Chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều nước tiến hành điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế – xã hội, đối ngoại. Tại Trung Quốc, sự nghiệp cải cách, mở cửa đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Vấn đề cải cách, mở cửa thành công hay thất bại, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa (họ Xã) hay tư bản chủ nghĩa (họ Tư) thổi bùng các cuộc tranh luận (đại luận chiến). Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương gác lại các cuộc tranh luận, tiến hành “Ba điều có lợi” (có lợi cho phát triển sức sản xuất xã hội chủ nghĩa, có lợi cho đất nước, có lợi cho đời sống nhân dân), mạnh dạn xông pha vào thực tiễn và lấy thực tiễn để kiểm nghiệm. Đại hội XIV Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 1992) nêu mục tiêu xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh mở cửa. Đây được coi là cuộc giải phóng tư tưởng lần thứ hai, là mốc qụan trọng trong tiến trình cải cách, mở cửa ở Trung Quốc. Đại hội XIV của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là Hội nghị Trung ương 3 khóa XIV (năm 1993) thông qua “Quyết định về một số vấn đề xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, trong đó chỉ rõ: “lấy chế độ công hữu làm chủ thể, nhiều thành phần kinh tế khác cùng phát triển,… xây dựng chế độ phân phối thu nhập, lấy phân phối theo lao động làm chính, ưu tiên hiệu quả, quan tâm tới công bằng, khuyến khích một số vùng, một số người giàu có lên trước, đi con đường cùng giàu có”. Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 1997) đã xác định mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa.
Giai đoạn đẩy mạnh xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (2002 – 2012), cải cách theo chiều sâu: Năm 2001 Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sự kiện này đánh dấu tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Trung Quốc. Từ Đại hội XVI (năm 2002) Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu là Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đã nêu ra quan điểm phát triển khoa học, xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển toàn diện hài hòa và bền vững kinh tế – xã hội. Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2007) nêu chủ trương từ “tam vị nhất thể” – bao gồm kinh tế, chính trị và văn hoá sang “tứ vị nhất thể” – bao gồm kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội. Bước sang thế kỷ XXI, Trung Quốc đã xây dựng được cục diện cải cách, mở cửa toàn phương vị, đa tầng nấc; hình thành các cực tăng trưởng, Trước đó, Tiểu Chu Giang với nòng cốt là Quảng Châu, Thâm Quyến được coi là cực tăng trưởng thứ nhất của Trung Quốc, hình thành trong giai đoạn đầu của cải cách, mở cửa với việc xây dựng 4 đặc khu (Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn). Tiếp đó, từ năm 1984, Trung Quốc tiến hành mở cửa 14 thành phố ven biển, ven sông, ven biên giới. Từ năm 1990, Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng Phố Đông, coi đây là “đầu tàu” lôi kéo và kết nối các điểm tăng trưởng hạ lưu sông Trường Giang và ven biển Đông Hải. Sự ra đời của Phố Đông (Thượng Hải) đánh dấu sự xuất hiện cực tăng trưởng thứ hai của Trung Quốc. Ngày 6-6-2006, Chính phủ Trung Quốc đã công bố “Ý kiến về mấy vấn đề thúc đẩy mở cửa phát triển Khu mới Tân Hải Thiên Tân”, đánh dấu việc chủ trương đưa Thiên Tân vươn lên trở thành cực tăng trưởng thứ ba của Trung Quốc, gắn liền các điểm tăng trưởng xoay quanh vịnh Bột Hải. Tiếp đó, vùng Thành Đô – Trùng Khánh (Xuyên Du), Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ (Quảng Tây), Khu kinh tế bờ Tây (Phúc Kiến) cũng phấn đấu trở thành cực tăng trưởng tiếp theo ở Trung Quốc. Năm 2008, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn “Cương yếu quy hoạch Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ”, thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong xây dựng cực tăng trưởng mới – cực tăng trưởng kết nối giữa Trung Quốc và ASEAN.
Giai đoạn cải cách toàn diện và sâu rộng (từ năm 2012 đến nay): Từ Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII thông qua Nghị quyết về cải cách toàn diện và sâu rộng, thực hiện “giấc mộng Trung Quốc”, “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”. Tổng Bí thư Tập Cận Bình với tư cách là “hạt nhân lãnh đạo” đã kế thừa, phát huy và hoàn thiện cương lĩnh, đường lối phát triển của Trung Quốc, hình thành nên “Bố cục tổng thể”: phát triển “5 trong 1” (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường) và bố cục chiến lược “Bốn toàn diện”. Kinh tế bước vào giai đoạn “trạng thái bình thường mới”, “Made in China 2025”… tìm kiếm chuyển đổi phương thức tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và động lực phát triển mới. Sáng kiến “Vành đai, Con đường” được xem là giải pháp chiến lược, vừa thúc đẩy cải cách trong nước, vừa phát huy vai trò đối ngoại. Từ đầu năm 2018 đến nay, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục gặt hái được nhiều thành công nổi bật. GDP tiếp tục được duy trì ở mức cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục thuộc nhóm hàng đầu trên thế giới.
Một số thành tựu nổi bật về nền kinh tế Trung Quốc
Trong hai thập niên cuối thế kỷ XX, ở Trung Quốc đã diễn ra những thay đổi to lớn. Trung Quốc đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội với bước chuyển biến lịch sử là “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm”. Thể chế kinh tế, xã hội có bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc cũng đạt được nhiều thành công trong ổn định tình hình trước những biến động lớn của thế giới. Năm 2010, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế có tổng lượng GDP lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Mức tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 1997 – 2008 bình quân đạt trên 8%/năm.
Từ khi bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI đến nay, kinh tế Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu. Năm 2017, GDP của Trung Quốc đạt 82.712,2 tỷ nhân dân tệ (NDT), tăng 6,9% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của Trung Quốc trong giai đoạn 2013 – 2017 là 7,1%, trong khi mức tăng trưởng trung bình của toàn cầu là 2,6% và của các nền kinh tế đang phát triển là 4%. Mức đóng góp trung bình của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới trong giai đoạn 2013 – 2017 là khoảng 30. Một điểm đáng chú ý nữa là GDP của Trung Quốc năm 2016 đã đạt 10.730 tỷ USD, hoàn thành sớm hơn 4 năm mục tiêu GDP năm 2020, tăng gấp 4 lần năm 2000. Tỷ trọng GDP của Trung Quốc trong GDP toàn cầu từ 1,8% năm 1978 tăng lên 15% năm 2018.
Về kinh tế đối ngoại, giá trị của thương mại hàng hóa đạt 27,7 nghìn tỷ NDT vào năm 2017, chiếm hơn 11% tổng khối lượng thương mại toàn cầu. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của hơn 120 nước. Mức độ đô thị hóa từ 17,9% năm 1978 tăng lên 58,5% năm 2017. Số thành phố từ 193 tăng lên 657 thành phố. Hiện nay, Trung Quốc có 136.000km đường cao tốc và 25.000km đường sắt cao tốc. Thu nhập của người dân được nâng cao, với mức bình quân đầu người tăng từ 7.311 NDT năm 2012 lên 23.821 NDT năm 2016, tỷ lệ tăng hằng năm là 7,4%. Năm 2017, thu nhập bình quân cư dân đạt 25.974 NDT. Thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn ở khu vực nghèo tăng bình quân 10,7% trong giai đoạn 2013 – 2016, tăng nhanh hơn mức bình quân 8% đối với tất cả người dân nông thôn. Số người nghèo ở nông thôn từ 97,5% năm 1978 giảm xuống 3,1% năm 2017, còn khoảng 30,46 triệu người nghèo.
Một số khó khăn, thách thức trong việc phát triển kinh tế của Trung Quốc
Sau 40 năm tiến hành cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt, song cũng đang đứng trước nhiều vấn đề, thách thức lớn. Trung Quốc đang tìm kiếm sự thay đổi về phương thức và mô hình phát triển thay thế phương thức tăng trưởng chủ yếu dựa vào tài nguyên và nhân công rẻ, dựa vào đầu tư lớn và xuất khẩu mạnh trước đây. Kinh tế Trung Quốc nằm trong xu thế suy giảm tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2014 là 7,4%, mức thấp nhất trong 24 năm kể từ năm 1990, năm 2015 là 6,9%; năm 2016: 6,7%; năm 2017: 6,9%. Vấn đề đặt ra đối với kinh tế Trung Quốc hiện nay là chất lượng tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp, mất cân bằng, không hợp lý và không bền vững. Vấn đề nợ công và vấn đề sản xuất thừa vẫn chưa được giải quyết. Do tăng trưởng tốc độ cao trong một thời gian dài, những hệ lụy để lại cho nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết triệt để, chưa được khắc phục kịp thời, như cạn kiệt các nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường, mức độ chênh lệch giàu – nghèo cao, phát triển không cân đối… vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, hướng tới thu nhập cao, chất lượng cao, phát triển xã hội và quản trị xã hội vẫn là những thức thức lớn. Từ năm 2018, vận hành kinh tế Trung Quốc là vượt qua ba trận chiến phòng ngừa hóa giải rủi ro lớn, xóa đói, giảm nghèo chuẩn xác, phòng, chống ô nhiễm; phát triển từ “tốc độ cao” sang “chất lượng cao” đặt ra nhiều thử thách lớn không dễ giải quyết nhanh chóng.
Trọng tâm của cải cách, xây dựng hiện đại hóa của Trung Quốc sẽ mở rộng từ kinh tế sang chính trị, xã hội. Qua bốn thập niên cải cách, mở cửa, các tầng lớp xã hội mới xuất hiện, sự di động xã hội giữa các tầng lớp và khu vực diễn ra mạnh mẽ. Sự xuất hiện của các tầng lớp xã hội mới, đặc biệt là tầng lớp trung lưu gắn với xây dựng xã hội khá giả sẽ là nhân tố không thể bỏ qua trong quá trình cải cách chính trị ở Trung Quốc. Việc chuyển đổi mô hình phát triển, cải cách xã hội đòi hỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chuyển đổi phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền. Xây dựng và thúc đẩy pháp trị, dân chủ trở thành yêu cầu bức thiết.
Cục diện thế giới có nhiều diễn biến mới với vai trò và vị thế của Trung Quốc được nâng cao khi tổng lượng kinh tế đã đứng thứ hai thế giới. Mặt khác, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức về vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, giữa cải cách trong nước và mở cửa đối ngoại, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược với các nước lớn hiện nay.
Định hướng phát triển kinh tế Trung Quốc
Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước vào thời đại mới với đặc trưng mới là mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc đã chuyển hóa thành mâu thuẫn giữa đòi hỏi có cuộc sống ngày càng tốt hơn của người dân với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ.
Nhằm thích ứng với những biến đổi mới của tình hình thế giới và đất nước, Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nêu lên những định hướng lớn trong xây dựng thể chế kinh tế hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa với 6 nội dung lớn: Đi sâu vào cải cách kết cấu trọng cung; Nhanh chóng xây dựng nhà nước sáng tạo; Thực thi chiến lược chấn hưng nông thôn; Thực thi chiến lược phát triển hài hòa vùng miền; Nhanh chóng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; Thúc đẩy hình thành cục diện mới mở cửa đối ngoại toàn diện. Cụ thể bao gồm:
Về cải cách kết cấu trọng cung: Văn kiện Đại hội XIX đặt vấn đề: Xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa phải đặt trọng điểm vào phát triển nền kinh tế thực. Theo đó, lấy việc nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp là phương hướng chủ công, nâng cao chất lượng của nền kinh tế; Nhanh chóng xây dựng cường quốc chế tạo, phát triển các ngành chế tạo tiên tiến, bồi dưỡng các điểm tăng trưởng mới thuộc lĩnh vực kinh tế ít cacbon, kinh tế chia sẻ, chuỗi cung ứng hiện đại…; Hỗ trợ việc nâng cấp các ngành nghề truyền thống, nhanh chóng phát triển ngành dịch vụ hiện đại; Thúc đẩy các sản nghiệp Trung Quốc vươn lên công đoạn cao của chuỗi giá trị toàn cầu, bồi dưỡng một số ngành chế tạo tiên tiến đạt đẳng cấp thế giới…
Về xây dựng nhà nước theo mô hình sáng tạo: Văn kiện Đại hội XIX xác định: Đây là trụ cột chiến lược của xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa, vì vậy, Nhà nước bám sát những diễn biến của khoa học công nghệ thế giới, coi trọng nghiên cứu cơ bản, thực hiện nghiên cứu cơ bản có tính đón đầu dẫn dắt…; Tăng cường nghiên cứu ứng dụng, cung cấp chỗ dựa vững chắc cho xây dựng một loạt cường quốc về khoa học công nghệ, cường quốc về chất lượng, cường quốc về hàng không vũ trụ, cường quốc về mạng, cường quốc về giao thông…
Về thực thi Chiến lược chấn hưng nông thôn: Văn kiện Đại hội XIX khẳng định: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là các vấn đề căn bản có quan hệ đến quốc kế dân sinh phải luôn luôn chú trọng giải quyết vấn đề “tam nông” là trọng tâm trong các trọng tâm công tác của toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc; Kiên trì ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng kiện toàn cơ chế, thể chế và hệ thống chính sách phát triển có sự gắn kết giữa thành thị và nông thôn, nhanh chóng thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; Củng cố và hoàn thiện chế độ kinh doanh cơ bản ở nông thôn… bảo đảm quan hệ khoán ruộng đất ổn định và lâu dài không thay đổi, sau khi kết thúc vòng khoán lần thứ hai sẽ được kéo dài 30 năm; Bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác “tam nông” theo hướng hiểu biết về nông nghiệp, yêu thích nông thôn và yêu quý nông dân…
Về thực thi Chiến lược phát triển hài hòa vùng miền: Văn kiện Đại hội XIX nhấn mạnh: Đẩy nhanh mức độ hỗ trợ cho vùng cách mạng cũ, khu vực dân tộc, biên giới và vùng nghèo nhanh chóng phát triển. Đối với từng khu vực, Văn kiện Đại hội XIX chỉ rõ: Coi trọng các biện pháp thúc đẩy hình thành cục diện mới đại khai phát miền Tây, đi sâu cải cách nhanh chóng chấn hưng các cơ sở công nghiệp cũ ở Đông Bắc, phát huy ưu thế thúc đẩy khu vực miền Trung trỗi dậy, đổi mới dẫn dắt đi đầu thực hiện phát triển tối ưu hóa khu vực miền Đông…
Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN: Văn kiện Đại hội XIX chỉ rõ: Cải cách thể chế kinh tế phải lấy việc hoàn thiện chế độ quyền tài sản và sắp xếp theo hướng thị trường hóa các yếu tố sản xuất làm trọng điểm…; Hoàn thiện thể chế quản lý vốn quốc hữu các loại, cải cách thể chế nhận quyền kinh doanh vốn quốc hữu, nhanh chống tối ưu hóa bố cục, điều chỉnh kết cấu, sắp xếp lại mang tính chiến lược đối với kinh tế quốc hữu, thúc đẩy vốn quốc hữu được bảo tồn và tăng giá trị, làm cho tư bản quốc hữu mạnh lên ưu thế hơn và lớn hơn, phòng ngừa có hiệu quả việc thất thoát vốn quốc hữu…; Đi sâu cải cách doanh nghiệp quốc hữu, phát triển kinh tế sở hữu hỗn hợp, bồi dưỡng một loạt doanh nghiệp tốp đầu thế giới có sức cạnh tranh toàn cầu…
Về thúc đẩy hình thành cục diện mới mở cửa toàn diện: Văn kiện Đại hội XIX cho rằng: Mở cửa đem đến tiến bộ, lấy xây dựng “Vành đai và con đường” làm trọng điểm, hình thành cục diện mở cửa, theo đó lục địa và hải đảo, bên trong và bên ngoài liên động với nhau, Đông – Tây hỗ trợ cho nhau…; Thúc đẩy xây dựng cường quốc mậu dịch; thực hiện chính sách tự do hóa, tiện lợi hóa mậu dịch và đầu tư ở trình độ cao, tìm tòi xây dựng các cảng mậu dịch tự do…
Những định hướng lớn được nêu trong Văn kiện Đại hội XIX Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục được cụ thể hóa trong các bản quy hoạch phát triển hay thể hiện trong báo cáo công tác Chính phủ hàng năm trình Quốc hội thảo luận và thông qua nhằm biến các chủ trương của Đảng thành ý chí của Nhà nước Trung Quốc.
Một số dự đoán về nền kinh tế Trung Quốc trong những năm tới: Về tổng lượng kinh tế, trong 5 năm tới, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc duy trì ở mức 6,5%, đến năm 2021 tổng lượng kinh tế nước này có thể đạt 113.000 tỷ NDT (khoảng 17.000 tỷ USD), bằng khoảng 3/4 tổng lượng của nền kinh tế Mỹ (năm 2016 bằng khoảng 60%). Năm 2020, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc có thể đạt tới 10.000 USD, đến năm 2023 có thể đạt tới mức khởi điểm của quốc gia thu nhập cao theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Như vậy, vào khoảng trước hoặc sau năm 2023, Trung Quốc có thể sẽ thành công trong việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.
Về đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thế giới, do kinh tế Trung Quốc tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định, nên sẽ đóng góp khoảng 40% cho kinh tế thế giới; Tỷ trọng xuất nhập khẩu trong thương mại toàn cầu dự kiến đạt khoảng 20%, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của tuyệt đại bộ phận quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, mức độ quốc tế hóa của đồng NDT cũng sẽ tăng lên. Theo đó, nhiều khả năng nhân dân tệ cùng với đồng USD và Euro trở thành ba đồng tiền chính trong hệ thống tiền tệ thế giới.