Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTập Cận Bình yêu cầu thống nhất Đài Loan và câu đáp...

Tập Cận Bình yêu cầu thống nhất Đài Loan và câu đáp trả đanh thép của bà Thái Anh Văn

Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Bắc Kinh và thực thi chính sách “Một nhà nước hai chế độ” đối với vùng lãnh thổ này. Để ngăn chặn và kiểm soát Đài Loan tuyên bố độc lập, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị để ngăn cản Đài Loan. Trong thông điệp tại buổi kỷ niệm 40 năm ban hành Văn kiện “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (2/1) một lần nữa lại đưa ra yêu cầu thống nhất với Đài Loan. Tuy nhiên, Tổng thống Đài Loan đã đưa ra câu trả lời cứng rắn, cự tuyệt yêu cầu của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu thống nhất Đài Loan

Phát biểu tại buổi kỷ niệm 40 năm ban hành Văn kiện “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (2/1) điểm lại lịch sử 70 năm chia cắt hai bờ eo biển Đài Loan, khẳng định nhiệm vụ lịch sử không thay đổi giải quyết vấn đề Đài Loan và thống nhất đất nước của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Theo đó, trải qua 70 năm chia tách, mối quan hệ xa cách ban đầu giữa Trung Quốc Đại lục và Đài loan đã thu hẹp lại dựa trên nguyện vọng chung của người dân hai bờ và Đài Loan có đóng góp lớn cho công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Trung Quốc và Đài Loan đã đạt được “Nhận thức chung 1992” dựa trên nguyên tắc “Một Trung Quốc” và các trao đổi chính trị giữa hai bờ đã đạt tầm cao mới. Ông Tập Cận Bình cũng đưa ra đề xuất dựa trên nền tảng chính trị chung là kiên trì “Nhận thức chung 1992”, phản đối “Đài Loan độc lập”, các chính đảng, các tầng lớp ở hai bờ eo biển hãy đề cử những nhân vật đại diện để triển khai hiệp thương dân chủ sâu rộng về tương lai dân tộc và quan hệ hai bờ và để đạt được những sắp xếp mang tính chế độ trong thúc đẩy quan hệ hai bờ phát triển hòa bình.

Ông Tập Cận Bình tuyên bố không ai có thể thay đổi thực tế rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và người dân ở hai bờ eo biển Đài Loan nên hướng tới “sự thống nhất”, nhấn mạnh Trung Quốc tôn trọng tự do pháp lý và tôn giáo của người dân Đài Loan trong khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”, đồng thời khẳng định chế độ khác biệt không phải là rào cản cho việc thống nhất, thậm chí chúng cũng không phải là cái cớ cho sự ly khai. Tài sản riêng, tín ngưỡng tôn giáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào Đài Loan sẽ vẫn được bảo đảm đầy đủ khi thống nhất với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định Bắc Kinh luôn duy trì quyết tâm thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chống lại các lực lượng nước ngoài can thiệp vào nỗ lực thống nhất Đài Loan bằng hòa bình cũng như những hoạt động ly khai đòi độc lập của Đài Bắc; nhấn mạnh vấn đề Đài Loan có liên quan lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và việc thống nhất “không làm tổn hại lợi ích hợp pháp của nước nào, bao gồm lợi ích kinh tế của họ tại Đài Loan”. Đáng chú ý, ông Tập Cận Bình cũng không quên đưa ra tuyên bố cảnh cáo Trung Quốc không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực, Bắc Kinh bảo lưu phương án áp dụng tất cả biện pháp cần thiết nhằm vào thế lực bên ngoài can thiệp và số ít phần tử ly khai “Đài Loan độc lập” cùng hoạt động ly khai.

Theo ông Tập Cận Bình, việc Đài Loan trở về với Trung Quốc theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, tương tự Hồng Công và Macau, là phương án tốt nhất để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người dân hòn đảo này; đồng thời đưa ra 5 giải pháp để thực hiện mục tiêu thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan, bao gồm: Chung tay thúc đẩy phục hưng dân tộc và thực hiện mục tiêu thống nhất hòa bình; Tìm kiếm phương án “một đất nước, hai chế độ” cho Đài Loan; Kiên trì nguyên tắc “Một nước Trung Quốc”, bảo vệ tương lai thống nhất hòa bình với Đài Loan; Đi sâu phát triển kết nối giữa hai bờ eo biển Đài Loan để củng cố nền tảng cho thống nhất hòa bình; Nỗ lực đạt tới sự hòa hợp về tâm hồn giữa nhân dân hai bờ eo biển Đài Loan để tăng cường nhận thức chung cho thống nhất hòa bình.

Đài Loan cự tuyệt đề xuất “Một nhà nước hai chế độ” của ông Tập Cận Bình

Ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố yêu cầu thống nhất với Đài Loan, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (2/1) tuyên bố Đài Loan sẽ không chấp nhận mô hình chính trị “một đất nước, hai chế độ” với Trung Quốc, đồng thời hối thúc Bắc Kinh thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân Đài Loan. Bà Thái Anh Văn cũng nhấn mạnh rằng tất cả các cuộc đàm phán xuyên eo biển cần được tiến hành trên cơ sở giữa các chính quyền với nhau; khẳng định Trung Quốc phải sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết khác biệt với Đài Loan và tôn trọng các giá trị dân chủ; nhấn mạnh Đài Loan không chấp nhận thống nhất với Trung Quốc theo mô hình Hồng Công hay Macau.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan ngày càng trở nên căng thẳng

Đài Loan là một nền dân chủ tự trị và trên thực tế đã hoạt động như một quốc gia độc lập kể từ năm 1950, khi chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc bị lực lượng cộng sản đánh đuổi ở Đại lục và chạy sang hòn đảo này. Tuy nhiên, Trung Quốc coi hòn đảo này là một tỉnh ly khai – không phải là một quốc gia theo đúng nghĩa của nó – một ngày nào đó sẽ được hợp nhất hoàn toàn với đất liền.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán đối với các yêu sách của mình. Trung Quốc khẳng định rằng các quốc gia khác chỉ có thể có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hoặc Đài Loan chứ không phải cả hai. Thông qua việc sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc đang ngày càng được củng cố, Bắc Kinh đã giành được ngày càng nhiều trong số các đồng minh quốc tế ít ỏi của Đài Bắc, những nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này và thay vào đó thiết lập quan hệ với Trung Quốc.

Trong năm 2018, quan hệ hai bờ eo biển đã leo thang căng thẳng đáng kể khi Mỹ thông qua Đạo luật lữ hành Đài Loan, cho phép các quan chức Mỹ chính thức công du và trao đổi với phía Đài Loan, đồng thời các tàu chiến Mỹ được phép cập cảng ở Đài Loan. Bắc Kinh phản đối gay gắt đạo luật này và đáp trả bằng việc gia tăng các cuộc tập trận quân sự, huy động chiến hạm/phi cơ tuần tra quanh đảo Đài Loan. Không những vậy, trong năm 2018, Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố cứng rắn, thể hiện quyết tâm thống nhất với Đài Loan. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (3/2018) đã cảnh báo “lợi ích căn bản” của Trung Quốc là đạt được “thống nhất toàn bộ” đất nước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (5/4/2018), ông Thôi Thiên Khải nhấn mạnh “không ai có thể ngăn chặn cuộc tái thống nhất của Trung Quốc” và Bắc Kinh sẽ dùng mọi phương tiện cần thiết để đạt được mục tiêu này, đồng thời phản đối Mỹ bán thêm vũ khí cho Đài Loan. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 8 đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh rằng, Đài Loan và Biển Đông liên quan đến “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Trung Quốc.

Trong khi đó, Cơ quan quốc phòng Đài Loan (31/8) công bố báo cáo quốc phòng năm 2018. Báo cáo này tiết lộ, quân đội Trung Quốc có kế hoạch sử dụng vũ lực tấn công toàn diện nhằm thống nhất Đài Loan vào trước năm 2020 với bốn hình thức tác chiến có thể xảy ra gồm răn đe liên hợp – tác chiến phong tỏa – tấn công hỏa lực và tấn công chiếm đảo liên hợp. Theo cơ quan quốc phòng Đài Loan, thống nhất Đài Loan là sứ mệnh không đổi của đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu một ngày Đài Loan tuyên bố độc lập, nội bộ Đài Loan bất ổn, Đài Loan sở hữu vũ khí hạt nhân, đối thoại thống nhất hòa bình hai bờ eo biển bị trì hoãn, thế lực nước ngoài can thiệp công việc nội bộ Đài Loan, quân đội nước ngoài đồn trú ở Đài Loan… đều có thể trở thành cái cớ để Bắc Kinh tấn công Đài Loan. Cơ quan này nhấn mạnh, những động thái gần đây của chính phủ Trung Quốc như triển khai tuần tra quanh đảo Đài Loan, huấn luyện biển xa ở khu vực Tây Thái Bình Dương và diễn tập tác chiến giả định tấn công Đài Loan đều cho thấy, Bắc Kinh tiếp tục duy trì nghiên cứu phát triển vũ khí và công nghệ quân sự nhằm chuẩn bị cho chiến tranh. Tuy nhiên, Đài Bắc cho rằng, trong chiến tranh Đài Loan nếu xảy ra, chiến thuật tấn công chiếm đảo và năng lực hậu cần của Bắc Kinh sẽ gặp trở ngại do điều kiện địa lý tự nhiên của eo biển Đài Loan nên khả năng cao quân đội Trung Quốc sẽ áp dụng hình thức răn đe quân sự liên hợp, tác chiến phong tỏa và tấn công hỏa lực.

Trung Quốc cũng liên tục tập trận, tuần tra sát eo biển Đài Loan nhằm cảnh cáo Đài Bắc sẽ phải trả giá đắt nếu tìm cách tuyên bố độc lập. Trong năm 2018, Trung Quốc liên tục tiến hành tập trận bắn đạn thật và tuần tra trong khu vực eo biển Đài Loan. Người phát ngôn Không quân Trung Quốc Đại tá Shen Jinke cho biết, tăng cường các cuộc diễn tập xung quanh đảo Đài Loan là hành động thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Chuyên gia Tống Trung Bình, cựu quan chức thuộc Quân đoàn Pháo binh số 2 của Trung Quốc nhận định để cảnh báo nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận chung với sự tham gia của cả lục quân, hải quân và không quân. Hành động này nhằm tăng cường sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Trung Quốc ở eo biển Đài Loan. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nhấn mạnh, Bắc Kinh muốn thể hiện “khả năng tấn công chính xác” ngay trong các cuộc tập trận với mục tiêu “dằn mặt” ý định giành độc lập của Đài Loan. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho rằng, thông qua các cuộc tập trận, Trung Quốc muốn cảnh báo Đài Bắc và Washington là không có chuyện vượt qua “lằn ranh đỏ” do Trung Quốc đã vạch ra, cũng như đặt lại vấn đề về lợi ích cốt lõi.

Không chỉ hù dọa bằng quân sự, Trung Quốc còn ra sức cô lập Đài Loan tại các tổ chức quốc tế, giảm dần số đồng minh của Đài Bắc. Mới đây Cộng hòa Dominicana sau 77 năm nhận viện trợ của Đài Loan, đã mờ mắt trước số tiền đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh, đã bỏ rơi Đài Bắc, khiến số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan chỉ còn 19 nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ra sức dụ dỗ giới trí thức và tinh hoa của Đài Loan trong kinh tế sang định cư tại Đại lục, với rất nhiều ưu đãi.

Khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan

Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã xấu hẳn đi từ sau khi bà Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) lên làm tổng thống Đài Loan vào đầu năm 2016. Bà Thái Anh Văn là lãnh đạo đảng Dân Tiến có chủ trương dân chủ và xúc tiến đặc tính quốc gia dân tộc Đài Loan riêng biệt với Trung Quốc. Trung Quốc cho không quân và hải quân tăng cường hoạt động gần Đài Loan từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử, nghi ngờ bà muốn chính thức tuyên bố độc lập với Trung Quốc. Vì vậy, giới chuyên gia, học giả và truyền thông nhận định Trung Quốc hoàn toàn có khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất với Đài Loan. Chuyên gia Bonnie Glaser nhấn mạnh “nguy cơ Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan là có thật. Nhưng Đài Bắc rất thận trọng, ít khi tạo cớ cho Bắc Kinh có thể gây sự, nên hiện nay khả năng này ở mức thấp”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế nhận định Trung Quốc sẽ vấp phải nhiều khó khăn khi tìm cách tấn công Đài Loan. Nhà nghiên cứu Denny Roy, Trung Tâm Đông-Tây (East-West Center), Honolulu, Hawaii nhận định, cho dù Trung Quốc có sức mạnh quân sự đáng gờm đến mấy, thì họ cũng khó có thể thành công trong một cuộc tấn công toàn diện – trực diện trên đảo Đài Loan. Để tiếp cận các thành phố lớn của Đài Loan, lực lượng của quân đội Trung Quốc sẽ phải vượt biển, mà cụ thể là trên những chiến hạm lớn và di chuyển chậm. Eo biển Đài Loan với chiều rộng 160km có thể được coi là “tử huyệt” – nơi các binh lính Trung Quốc rất dễ bị tấn công bất ngờ. Hơn nữa, ngay cả khi các quân đoàn của Trung Quốc tiếp cận được đảo Đài Loan, thì con đường từ bờ biển tiến vào các thành phố cũng đầy thử thách, khi họ phải mang vác những vũ khí nặng và di chuyển trong tầm đạn của quân đội Đài Loan. Ngoài ra, Trung Quốc chỉ có thể di chuyển được vài vạn quân lính mỗi lượt. Lực lượng này quá mỏng so với 180.000 quân nhân tại ngũ và 1,5 triệu quân nhân dự bị của Đài Loan. Không những vậy, Mỹ với vai trò là đồng minh thân thiết của Đài Loan sẽ không để yên cho Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công Đài Bắc. Đối với Mỹ, xung đột Đài Loan – Trung Quốc không đơn thuần là vấn đề địa chính trị, nó còn là con bài mặc cả giúp Washington kìm chân Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Đông Á. Trước đây, trong thời gian ông Trần Thủy Biển lãnh đạo Đài Loan (2000-2008), Washington từng tuyên bố sẽ không can thiệp vào xung đột địa chính trị này nếu có các dấu hiệu cho thấy Đài Bắc gây sự trước với Bắc Kinh. Vì vậy, Mỹ sẽ không để yên cho Trung Quốc sử dụng quân đội tấn công Đài Loan.

Trong khi đó, nguyên Phó tư lệnh quân khu Nam Kinh Trung Quốc Vương Hồng Quang phản bác lập luận của giới chuyên gia, học giả quốc tế khi cho rằng Trung Quốc sẽ dễ dàng “tiêu diệt” Đài Loan. Ông Vương Hồng Quang nhận định: Nếu cuộc chiến này thực sự xảy ra thì cả hai bên đều phải chuẩn bị cho cuộc chiến. Trung Quốc gần hai thập kỷ nay đều tiến hành công tác chuẩn bị chiến tranh như dựng chiến trường trong thời bình, trong đó lực lượng chính tấn công Đài Loan đã luôn “sẵn sàng chiến đấu”, trạng thái trực chiến rất cao, ngay cả Chủ nhật hay các ngày nghỉ đều không giống như các lực lượng khác. Nếu tấn công, Bắc Kinh chỉ cần 10 ngày đến nửa tháng để chuẩn bị và dựa vào quân lực và khí tài như hiện nay, quân đội Trung Quốc có thể chiến thắng các trận đánh. Quân đội Đài Loan muốn né tránh hỏa lực của Bắc Kinh bằng cách sơ tán thì đây là cách có thể giảm tổn thất nhưng cũng có hạn chế. Ông Vường Hồng Quang cho rằng, dù Đài Loan có di tản tàu thuyền, căn cứ quân sự nhưng trung tâm chỉ huy Viên Sơn, Hoành Sơn ở Đài Bắc khó để né tránh khi nó đã nằm trong trọng tâm phạm vi tấn công của quân đội Trung Quốc. Do hỏa lực tập kích, tác chiến đánh chiếm đảo, đánh thọc sâu là một quá trình liên tục nên đợi đến khi quân đội Đài Loan khôi phục được sức mạnh chiến đấu thì đã quá muộn. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc không chỉ đổ bộ lên Đài Loan từ 13 bãi biển phía Tây mà họ có thể tấn công từ các hướng còn lại. Quân đội Đài Loan chỉ có khoảng 120.000 binh sĩ, phải phân chia thành nhiều lực lượng như chống đánh chiếm đảo, trấn thủ căn cứ quan trọng… Trong khi lực lực chống đánh chiếm đảo chỉ có khoảng 40-50.000 người/km, không bằng 1 tiểu đoàn nên Đài Loan dễ thất thế khi quân đội Trung Quốc cử 1 lữ đoàn tấn công. Cuối cùng, trước kiến nghị phá hoại các nhà máy hóa chất khiến binh sĩ quân đội Trung Quốc dính bẫy khí độc, ông Vương cho rằng, đây là hành động chống lại nhân loại nên nếu Đài Bắc thực sự tiến hành thì chính người dân trên đảo sẽ phản ứng lại chứ không cần quân đội Trung Quốc đổ bộ lên đảo.

Nhìn chung, thông điệp kêu gọi thống nhất Đài Loan của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là không mới, song nó sẽ có tác động phần nào đối với quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Đánh giá một cách khách quan, ít khả năng Trung Quốc sẽ thống nhất với Đài Loan trong tương lai ngắn và cũng ít khả năng Bắc Kinh sử dụng vũ lực tấn công Đài Bắc để đạt được mục đích, ý đồ của mình. Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ tiếp tục duy trì theo xu hướng hiện tại trong vài năm tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới