Ngay cả khi COC được ký kết thì giới chuyên gia cũng vẫn rất nghi ngờ về khả năng của ASEAN làm đảo ngược các thành quả phi pháp mà Trung Quốc có được.
Khu vực Đông Nam Á và các nước thành viên ASEAN có thể sẽ tích lũy được một số lợi ích từ sự ganh đua đang gia tăng giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, vai trò trung tâm và các lợi ích cốt lõi của ASEAN cũng sẽ bị thách thức nếu sự ganh đua này ngày một leo thang.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP) đem lại lợi ích gì cho ASEAN?
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bắt đầu được chú ý đặc biệt khi Tổng thống Mỹ, Donald Trump mở đầu bài phát biểu của mình tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017 bằng việc bày tỏ sự vinh hạnh được “hiện diện tại Việt Nam – trái tim của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Chính quyền Trump đã phát triển FOIP từ một khái niệm mơ hồ thành một cách tiếp cận chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng.
Trong các chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng công bố vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018, chính quyền Trump khẳng định “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương quan trọng đối với sự ổn định, an ninh và thịnh vượng của Mỹ”.
FOIP của Chính quyền Trump được nhận định rất khác so với chính sách “xoay trục/tái cân bằng châu Á” của Chính quyền Obama.
Trong khi cách tiếp cận của Chính quyền Obama nhằm trấn an các nước ASEAN cũng như tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc thì cách tiếp cận của Chính quyền Trump lại đặt sự cạnh tranh với Trung Quốc ở vị trí phía trước và trung tâm.
Nói cách khác, nguyên tắc tổ chức trung tâm của FOIP là cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc. [1]
Nếu xem xét các phẩm chất của FOIP, ASEAN và các nước thành viên của khối này hẳn sẽ cảm thấy thoải mái với các nguyên tắc của FOIP.
Bởi lẽ, FOIP là sự tái khẳng định trật tự chiến lược mang tính quy phạm và có lợi, bảo vệ chủ quyền và quyền của các nước nhỏ.
Tại Hội nghị cấp cao APEC 2018 vừa qua, bài diễn văn của Phó Tổng thống Mỹ, Mike Pence đã phản ánh rõ sự tương phản trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cách tiếp cận của Trung Quốc.
Ông đã chỉ trích các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ BRI của Trung Quốc là “không bền vững, có chất lượng kém và dẫn đến các khoản nợ gây choáng váng”. Ngược lại, Mỹ cam kết “không nhấn chìm các đối tác của mình trong một biển nợ”. [2]
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình (phải) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) tại APEC 2018 (Ảnh: philstar.com). |
Việc đưa FOIP vào các nghị trình thảo luận của ASEAN và đối thoại song phương khi các nước thành viên can dự với Mỹ và các đồng minh của họ cũng đem lại cho ASEAN một mục đích quan trọng: hỗ trợ ba nước bên ngoài phát triển các cách tiếp cận đáng tin cậy và mang tính xây dựng hơn về ngoại giao kinh tế cho khu vực.
Tại sao ASEAN đang miễn cưỡng thể hiện quan điểm với FOIP?
Phản ứng của các nước ASEAN đối với FOIP được cho là chưa gây được ấn tượng.
Chỉ có Indonesia dường như là quốc gia bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ nhất với FOIP như một khái niệm địa chiến lược nhưng chỉ khi nó tăng cường sự hiện diện của ASEAN trong cấu trúc rộng lớn hơn đó. Malaysia, Philippines, Campuchia và Lào vẫn giữ im lặng. [3]
Giới chuyên gia kỳ vọng về sự tham gia tích cực của các nước ASEAN về một chiến lược FOIP được chỉ dẫn bởi các quy tắc và luật pháp quốc tế nhằm kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông.
Tuy nhiên, có một vài lý do dẫn đến sự miễn cưỡng của các nước ASEAN trong việc thể hiện quan điểm ủng hộ đối với FOIP.
Thứ nhất, việc thay đổi và mở rộng trọng tâm địa chiến lược có thể sẽ làm suy giảm vai trò trung tâm trong ngoại giao và tầm quan trọng của ASEAN mặc dù các hội nghị do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị cấp cao Đông Á với sự tham gia của Ấn Độ đang ngày càng tiếp nhận quan điểm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vừa hợp tác, vừa tìm đối trọng với Trung Quốc trên Biển Đông là chiến lược ASEAN |
Đối với một số nước ASEAN, việc thiết lập bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia là sáng kiến tinh túy của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo đó, khả năng dẫn dắt và chỗ đứng của ASEAN trong việc đặt ra nghị trình khu vực và dẫn dắt các cuộc thảo luận rất có thể sẽ bị giảm bớt.
Bởi lẽ, bộ tứ có những nguồn sức mạnh cứng dồi dào, vượt trội so với các nước thành viên ASEAN.
Nhiều chuyên gia cho rằng khi nhóm bộ tứ có chỗ đứng nhất định thì vai trò trung tâm của ASEAN chắc chắn sẽ bị suy yếu.
Hiện tại, vai trò trung tâm của ASEAN được coi là một đặc quyền mà ASEAN có thể xây dựng các chính sách ngoại giao của khối với khả năng bao gồm hoặc loại trừ các quốc gia trong các diễn đàn chủ yếu.
Thứ hai, ASEAN nhấn mạnh nguyên tắc đồng thuận nhằm giảm thiểu sự bất đồng công khai giữa các nước thành viên và nhằm đưa ra một minh chứng rằng ASEAN đại diện cho một khối thống nhất nhằm tạo lực đòn bẩy to lớn hơn cho các nước Đông Nam Á khi ứng phó với các cường quốc lớn.
Chính vì chưa có sự đồng thuận giữa các nước ASEAN về FOIP nên ASEAN chưa thể có lập trường rõ ràng liên quan đến khái niệm này.
Trong thời gian qua, vai trò trung tâm của ASEAN và các quy tắc về tính trung lập và tính bao hàm đã phục vụ tốt cho ASEAN và khu vực. Theo đó, ASEAN đã có thể dẫn dắt việc xây dựng cấu trúc ngoại giao đa phương thiết yếu.
Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh ngày một khốc liệt giữa một bên là Mỹ cùng các đồng minh và bên kia là một đất nước Trung Quốc đang trỗi dậy thì các quy tắc về tính trung lập và tính bao trùm được ưa thích của ASEAN được cho là không còn phù hợp nữa.
Bởi lẽ, theo cây bút James Holmes của Tạp chí National Interest, quy tắc trên của ASEAN chỉ thực sự phát huy khi không có sự tranh chấp đáng kể nào giữa các nước lớn. [4]
Hiện tại, ASEAN đang bị chỉ trích bởi cách thức mà khối này theo đuổi để phản ứng lại với Trung Quốc đối với các vấn đề liên quan đến biển Đông.
Dấu hỏi vẫn còn để ngỏ cho việc ASEAN và Trung Quốc có thể sớm hoàn thành việc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) mà ở đó yếu tố tuân thủ luật pháp quốc tế và có tính ràng buộc giữa các bên sẽ mang tính quyết định.
ASEAN có thực sự đối trọng được với Trung Quốc? |
Nếu như Mỹ, Nhật Bản, Australia và thậm chí cả Ấn Độ đều đã khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc được thiết lập và luật pháp quốc tế thì ASEAN tiếp tục gặp khó khăn trong việc nhất trí về những ngôn từ chung liên quan đến biển Đông. [5]
Việc từ chối tập trung vào các điểm bất đồng với Trung Quốc sẽ không bảo vệ được lợi ích của khối ASEAN.
Việc không chấp nhận đưa ra lập trường mạnh mẽ buộc Washington và các nước đồng minh phải đặt câu hỏi về tính hiệu quả của cách tiếp cận mà ASEAN đang theo đuổi.
Ngay cả khi COC được ký kết thì giới chuyên gia cũng vẫn rất nghi ngờ về khả năng của ASEAN làm đảo ngược các thành quả phi pháp mà Trung Quốc có được.
Thậm chí, một số nước thành viên có thể sẽ tìm đến bên ngoài ASEAN để gia tăng sức ép ngoại giao.
Bắc Kinh xác định Đông Nam Á là một khu vực có tầm quan trọng và cơ hội chiến lược to lớn. Khu vực gồm 11 quốc gia và là nơi sinh sống của hơn 600 triệu dân chính là nơi Trung Quốc tỏ ra chủ động và quyết đoán nhất.
Trong khi đó, Mỹ nhận định Trung Quốc là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại, đang tìm cách thay thế Mỹ và làm giảm bớt vai trò của Mỹ trong các vấn đề chiến lược của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đã đến lúc các nước Đông Nam Á và ASEAN phải suy nghĩ, hành động và phát ngôn một cách nhất quán và rõ ràng vì những lợi ích của chính mình.
Nếu không, họ có nguy cơ trở nên không thích đáng và khiến các mục tiêu chiến lược của chính họ bị hủy hoại.
Tài liệu tham khảo:
[1] Tham khảo bài viết “Trump Administration and ASEAN” của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ngày 29/11/2018.