Mong muốn nhanh chóng thu hồi Đài Loan của Chủ tịch Trung Quốc có thể đẩy căng thẳng hai bờ eo biển tới nguy cơ xung đột trực diện.
“Thông điệp gửi các đồng bào ở Đài Loan” của Bắc Kinh ngày 1/1/1979 được coi là bước ngoặt mở ra một kỷ nguyên mới giữa hai bờ eo biển Đài Loan sau nhiều thập kỷ thù địch. Bản tuyên bố này không chỉ khẳng định việc Trung Quốc sẽ chấm dứt các cuộc pháo kích vào đảo Đài Loan, mà còn đánh dấu sự thay đổi trong mục tiêu “giải phóng” hòn đảo sang “thống nhất hòa bình”.
Tuy nhiên, đúng 40 năm sau, bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 2/1 để kỷ niệm sự kiện này dường như mở ra một cách tiếp cận mới của Bắc Kinh đối với vấn đề Đài Loan, làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ mở ra cánh cửa chiến tranh sau 4 thập kỷ yên ắng, theo SCMP.
Trong bài phát biểu, ông Tập định nghĩa lại Đồng thuận 1992, thỏa thuận phi chính thức được các đại biểu của Trung Quốc đại lục và Đài Loan thống nhất rằng chỉ có “một Trung Quốc”, dù mỗi bên có cách hiểu của riêng mình về cái gì tạo nên “Trung Quốc” đó. Ông khẳng định Đài Loan phải chấp nhận rằng hòn đảo “bắt buộc và sẽ được” thống nhất với đại lục theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” từng áp dụng với Hong Kong và Macau, dù khái niệm này hoàn toàn xa lạ với người dân Đài Loan.
Ở Đài Loan, bài phát biểu đầy cứng rắn của ông Tập dường như “phản tác dụng”, khi nó tạo nên sự đoàn kết hiếm thấy giữa các đảng phái chính trị trong lập trường với Bắc Kinh. Từ các lãnh đạo của đảng Dân Tiến cầm quyền phản đối nguyên tắc “Một Trung Quốc” cho đến Quốc Dân đảng vốn có truyền thống thân Bắc Kinh và ba đảng đối lập lớn khác đều lên tiếng bác bỏ mô hình thống nhất do ông Tập đề xướng.
Cựu chủ tịch Quốc Dân đảng Mã Anh Cửu khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng sẽ không có chỗ cho “một quốc gia, hai chế độ” ở Đài Loan. Trong thời kỳ làm lãnh đạo Đài Loan 2008-2016, ông Mã đã thực thi chính sách “ba không”, gồm không thống nhất, không độc lập và không chiến tranh với Trung Quốc đại lục.
Một cuộc khảo sát được tiến hành cuối tháng 12/2018 cho thấy 81,2% người dân Đài Loan không chấp nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Trong khảo sát khác do Đại học Chengchi thực hiện hồi tháng 8/2018, đa số người dân Đài Loan muốn duy trì bản sắc riêng của mình, chỉ có 3% số người được hỏi muốn sớm thống nhất với Trung Quốc đại lục.
Nhiều người Đài Loan tỏ ra không mặn mà với mô hình “một quốc gia, hai chế độ” khi chứng kiến những gì đang diễn ra ở Hong Kong sau hơn hai thập kỷ trở về với Trung Quốc. Một bộ phận dân Hong Kong cho rằng nền dân chủ của họ đang bị suy giảm dưới ảnh hưởng của Bắc Kinh và hàng trăm nghìn người ở đặc khu kinh tế này từng đổ xuống đường tổ chức biểu tình quy mô lớn vào năm 2014, gây chấn động dư luận quốc tế.
Mã Anh Cửu (trái) gặp ông Tập năm 2015. Ảnh: CNA.
Chủ tịch Trung Quốc còn cho thấy Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ và đàm phán với Đài Loan để tìm ra giải pháp hòa bình, khi nhấn mạnh nước này không bao giờ từ bỏ phương án sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan. Ngay lập tức, hàng loạt câu hỏi xuất hiện trên các tờ báo trên thế giới, như “Liệu Trung Quốc có gây chiến với Đài Loan không?” và “Lực lượng phòng vệ Đài Loan đã đủ sức đối đầu với Trung Quốc hay chưa”. Một số cựu tướng quân đội, chuyên gia quân sự quốc tế còn dự đoán rằng Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong giai đoạn 2020-2025.
Giới quan sát cho rằng Đồng thuận 1992 chính là cơ sở chính trị để Bắc Kinh đàm phán với Quốc Dân đảng trong thời kỳ đảng này nắm quyền ở Đài Loan. Thỏa thuận này thừa nhận có bất đồng giữa hai bờ eo biển Đài Loan và duy trì một sự mơ hồ nhất định để hai bên có không gian đàm phán. Nhưng khi định nghĩa lại thỏa thuận này, ông Tập có thể đã đóng sập cánh cửa thương lượng với Quốc Dân đảng trong trường hợp đảng này quay lại nắm quyền sau cuộc bầu cử 2020 ở Đài Loan.
Nhiều lãnh đạo Trung Quốc trước đây đã tìm cách thống nhất Đài Loan, nhưng họ không thể hiện sự nôn nóng như ông Tập, người mô tả việc thu hồi hòn đảo là “yêu cầu không thể tránh khỏi” cho chương trình “chấn hưng Trung Hoa” đầy tham vọng của mình. Ông từng tuyên bố “vấn đề Đài Loan” không thể để lại cho thế hệ sau và đã kêu gọi quân đội Trung Quốc sẵn sàng cho “những trận chiến đẫm máu” để bảo vệ “từng tấc lãnh thổ”.
Bình luận viên Cary Huang của SCMP cho rằng sự nóng vội của ông Tập cho thấy Bắc Kinh ngày càng mất niềm tin vào triển vọng “thống nhất hòa bình” với Đài Loan và có nguy cơ làm đình trệ vô thời hạn tiến trình đàm phán về vấn đề này giữa hai bên.
“Với việc tuyên bố thống nhất với Đài Loan là không thể tránh khỏi và đe dọa sử dụng vũ lực chống lại các ‘phong trào đòi ly khai’ cũng như sự can thiệp từ bên ngoài, ông Tập đang làm hồi sinh một chiến lược nội chiến trong vấn đề Đài Loan”, Huang nhận định.
Bình luận viên này cho rằng chính sách của ông Tập cho thấy hố sâu chính trị giữa hai bờ eo biển rộng 180 km này không được thu hẹp chút nào trong suốt 40 năm qua mà chỉ ngày càng rộng thêm, tạo thành một trong những điểm nóng xung đột nguy hiểm nhất thế giới, có thể mở toang cánh cửa chiến tranh bất cứ lúc nào, khi mọi cánh cửa đàm phán đều đóng lại.
Trong một bài bình luận trên Project Syndicate, giáo sư Minxin Pei thuộc Đại học Claremont McKenna, Mỹ cho rằng điểm nóng tại eo biển Đài Loan này có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia đang lâm vào “chiến tranh lạnh kiểu mới”.
Là đồng minh thân cận nhất với Đài Loan, Mỹ nhiều khả năng sẽ không chấp nhận bất cứ hành động can thiệp quân sự nào của Trung Quốc vào hòn đảo và đã có những bước đi quyết liệt để phát đi thông điệp rằng họ sẽ không bao giờ ngồi yên nhìn Đài Loan bị “bắt nạt”. Hồi đầu năm ngoái, quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Đi lại Đài Loan, cho phép các quan chức cấp cao nước này tới thăm hòn đảo và ngược lại. Động thái này dù mang tính biểu tượng nhưng cũng khiến Bắc Kinh nổi giận, vì họ cho rằng nó đồng nghĩa với việc Washington công nhận chính quyền Đài Loan.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan trong một cuộc diễn tập chống chiếm đảo. Ảnh: CNA. |
Mỹ hồi tháng 9 cũng triệu hồi đại sứ tại Cộng hòa Dominica, El Salvador và Panama để phản đối việc các nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đưa ra những đề xuất nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với Đài Loan và nâng cao năng lực phòng thủ cho hòn đảo.
“Trung Quốc tới nay mới chỉ dùng ngôn từ để gia tăng sức ép đối với Đài Loan và tránh vượt tầm kiểm soát khi quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng”, giáo sư Pei nhận định. “Nhưng khi cuộc đấu với Mỹ leo thang, nếu lãnh đạo Trung Quốc không thay đổi cách tiếp cận của mình trong chính sách với Đài Loan, xung đột trực diện có thể bùng nổ”.