Bộ Quốc phòng Mỹ (17/1) công bố Báo cáo Phòng thủ tên lửa (MDR) 2019, trong đó tập trung chiến lược vào các nước như Iran và Triều Tiên, đồng thời bày tỏ mối quan ngại về các tiến bộ công nghệ của Nga và Trung Quốc.
Điểm nhấn chính của MDR
Tổng thống Donald Trump cho biết, mục tiêu chính của MDR là “phát hiện và tiêu diệt bất kỳ tên lửa nào được phóng đi nhằm vào nước Mỹ”, nhấn mạnh Mỹ từ nay sẽ thay đổi bố trí phòng thủ để “tự vệ trước mọi vụ tấn công tên lửa, bao gồm cả tên lửa hành trình và siêu thanh”. Ngoài ra, ông Donald Trump còn đề cập tới mục tiêu thành lập “Lực lượng Vũ trụ” và nhân cơ hội này gây sức ép với các nước thành viên của NATO khác về vấn đề chi phí quốc phòng. Được biết, Mỹ đã chi tiêu hơn 360 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa trong mấy chục năm nay.
Tuy nhiên, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho rằng: “Mặc dù chúng ta đang tạo ra một con đường hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, các tên lửa của Triều Tiên vẫn là một mối lo ngại đáng kể và Iran cũng vậy”. Ông khẳng định, năng lực tên lửa của những nước như Iran và Triều Tiên tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Washington. Báo cáo MDR cũng gọi Triều Tiên là “mối đe dọa đặc biệt” cho dù 7 tháng trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố đã loại bỏ được mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Tài liệu trên nêu rõ: “Dù đã có lộ trình hướng tới hòa bình với Triều Tiên, nhưng nước này vẫn tỏ ra là mối đe dọa đặc biệt và Mỹ cần phải hết sức cảnh giác”. Đáng chú ý trong bản báo cáo, Mỹ cho rằng Triều Tiên đã sở hữu các công nghệ phòng thủ tên lửa từ Nga và hiện Bình Nhưỡng đang phát triển khả năng phòng thủ tên lửa di động. Cũng theo tài liệu này, Mỹ sẽ củng cố các cấu trúc phòng thủ tên lửa khu vực tại châu Âu, Trung Đông và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Washington sẽ triển khai thêm nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển và trên đất liền.
Ngoài Triều Tiên và Iran, Báo cáo MDR cũng nêu những quan ngại về các năng lực ngày càng lớn mạnh của Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực tên lửa. Báo cáo cho rằng, Washington cần phải đối phó với các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh tối tân mà Trung Quốc, Nga đang phát triển. Tài liệu này khuyến cáo Mỹ nên nghiên cứu các công nghệ thực nghiệm, trong đó có vũ khí đặt trên không gian có thể bắn hạ các tên lửa của đối phương. MDR kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cảm biến đặt trên không gian có thể phát hiện và theo dõi tốt hơn tên lửa của đối phương đang bay đến Mỹ, nhất là các tên lửa sử dụng công nghệ siêu thanh.
MDR đề xuất triển khai nhiều vệ tinh cảm biến để phát hiện sớm mối đe dọa với nước Mỹ, cũng như nghiên cứu vũ khí không gian để bắn hạ tên lửa ngay sau khi chúng rời bệ phóng. “Vũ trụ là chìa khóa tới bước tiếp theo của lá chắn tên lửa. Cảm biến trên không gian sẽ giúp phát hiện, cảnh báo và phân loại tên lửa từ sớm, tăng khả năng đối phó với chúng”, quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Trump tiết lộ hôm 17/1, nhưng khẳng định Lầu Năm Góc mới nghiên cứu tính khả thi của vũ khí không gian và chưa quyết định có theo đuổi giải pháp này hay không.
Tổng thống Donald Trump yêu cầu Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ thực hiện báo cáo MDR từ năm 2017, trong bối cảnh căng thẳng Washington – Bình Nhưỡng gia tăng sau hàng loạt vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên. Đây là lần đầu Mỹ tiến hành đánh giá năng lực chống tên lửa đạn đạo kể từ năm 2010.
Phản ứng của Trung Quốc và Nga:
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (18/1) cho biết chính quyền Bắc Kinh bày tỏ sự bất bình và phản đối mạnh mẽ đối với bản báo cáo của chính quyền Mỹ; nhấn mạnh Báo cáo của Mỹ đầy những khái niệm lỗi thời của giai đoạn Chiến tranh lạnh. Tài liệu này phóng đại cuộc đối đầu địa chính trị và sự cạnh tranh của các cường quốc và nhận định một cách vô lý về mối đe dọa từ Trung Quốc. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Bản đánh giá của Mỹ có thể gây tổn hại cho hòa bình và an ninh khu vực, ảnh hưởng đến quá trình giải trừ hạt nhân quốc tế, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và làm suy yếu sự cân bằng chiến lược và ổn định trên thế giới”.
Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng “chiến lược này thực sự bật đèn xanh cho triển vọng của khả năng tấn công tên lửa trong không gian”, kêu gọi Washington suy nghĩ lại, rút lại kế hoạch và tham gia các cuộc đàm phán với Moscow để thỏa thuận về cách quản lý kho vũ khí tên lửa hạt nhân của thế giới, đồng thời đánh giá lo ngại việc thực hiện những ý tưởng này chắc chắn sẽ dẫn đến sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian, điều sẽ gây ra hậu quả tiêu cực nhất đối với an ninh và ổn định toàn cầu; cho rằng đây là một cuộc đối đầu công khai và một lần nữa chứng minh rằng Washington đang cố gắng bảo đảm cho mình quyền lực quân sự vô song trên thế giới.
Trong khi đó, Thời báo toàn cầu của Trung Quốc cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chỉ là “một dự án giữ thể diện”, không làm Nga và Trung Quốc lo ngại, nhấn mạnh tiến bộ của Nga và Trung Quốc trong việc phát triển các tên lửa siêu thanh đã khiến khiến hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không còn mạnh như họ mong muốn. Trong khi đó, hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời nghị sĩ Nga, ông Viktor Bondarev cảnh báo chiến lược mới của Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng toàn cầu. Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng Alexander Matsegora (18/1) nhấn mạnh, các cáo buộc chống lại Nga về việc bán công nghệ trong lĩnh vực chống tên lửa và phòng không cho Triều Tiên hoàn toàn không có căn cứ và giả tạo, đồng thời cho rằng Mỹ đang cố biện minh cho chính sách gây bất ổn của mình đối với an ninh quốc tế. Thượng nghị sĩ Nga Alexey Pushkov cho rằng kế hoạch phòng thủ tên lửa mới của Mỹ không khả thi và nhấn mạnh rằng số tiền khổng lồ đầu tư vào việc thực hiện kế hoạch nói trên chỉ mang lại lợi ích cho tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ.
Về khả năng Mỹ đối trọng với Nga và Trung Quốc?
Việc MDR công khai các kế hoạch của Mỹ nhằm đối trọng với các tiến bộ về công nghệ của Nga và Trung Quốc được cho là lời cảnh báo với các nước này. Cách tiếp cận này của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đảo ngược hoàn toàn cách tiếp cận của người tiền nhiệm Barack Obama là giảm bớt lo ngại của các cường quốc hạt nhân về việc mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Bà Titi Eresto, chuyên gia kiểm soát vũ khí, giải giáp và không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho rằng báo cáo trên là thừa, nhận định bản đánh giá phòng thủ tên lửa của Mỹ không giúp đối phó với sự phát triển vũ khí siêu thanh ở Nga và Trung Quốc hay các hệ thống khác mà hai nước này đã phát triển để chống hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, mà còn có thể gây ra sự phát triển ngược; nhấn mạnh báo cáo cũng tập trung vào tiềm năng vũ trụ. Tổng thống (Mỹ Donald) Trump cho rằng các khoản đầu tư mới vào các công nghệ như vậy có thể khiến Mỹ tránh được mọi cuộc tấn công tên lửa.
Đại tá về hưu Mikhail Khodarenok, chuyên gia quân sự từng phục vụ trong lực lượng phòng thủ tên lửa Nga nhận định Mỹ sẽ rút khỏi tất cả các hiệp ước và quân sự hoá không gian bằng học thuyết phòng thủ tên lửa kiểu “chiến tranh giữa các vì sao”của Tổng thống Donald Trump; cho rằng hành động này sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới mà không bảo đảm an toàn cho Mỹ; đồng thời cho biết hiện tại không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào có khả năng bắn vào không gian, nhưng có lý do để tin rằng chúng sẽ xuất hiện ngay lập tức. Vai trò của chúng sẽ không chỉ là cung cấp phòng thủ tên lửa, mà còn cung cấp vỏ bọc cho hạm đội quỹ đạo của Mỹ.
Trong khi đó, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Trường Đại học Kinh tế cấp cao Nga Andrei Suzdaltsev nhận định, chiến lược phòng thủ tên lửa cập nhật do Tổng thống Mỹ Donald Trump trình bày đe dọa an ninh của Nga. Chuyên gia này cho rằng, người Mỹ quyết định phản ứng theo cách này trước sự đột phá về công nghệ của Liên Bang Nga trong lĩnh vực phát triển quân sự, nhưng con đường Washington chọn là lộ trình thảm họa.
Theo báo The New York Times, các quan chức quân sự Mỹ từ lâu cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chủ yếu được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công từ các quốc gia có kho vũ khí hạn chế hơn, chẳng hạn như Triều Tiên. Tuy vậy, giới chức tình báo Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng vẫn đang thúc đẩy chương trình hạt nhân bất chấp đã ngừng phóng tên lửa hồi năm ngoái. Các quan chức Lầu Năm Góc lập luận rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ quá ít nên gặp khó khi đối phó cuộc tấn công từ một cường quốc hạt nhân như Nga hoặc Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington hy vọng kho vũ khí hạt nhân của mình có thể là công cụ răn đe các nước có ý định tấn công Mỹ.
Nga và Trung Quốc đang sở hữu nhiều loại tên lửa đe dọa an ninh của Mỹ
Hiện tại, các bộ phận cảm biến và radar của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ được thiết kế nhằm một mục đích duy nhất: đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) từ lực lượng đối trọng như Iran hoặc Triều Tiên. Tên lửa ICBM có quỹ đạo bay khá dễ đoán và Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ sẽ đánh chặn và phá hủy bất kỳ tên lửa nào. Tuy nhiên điều này không áp dụng được với vũ khí siêu thanh. Các tên lửa như Avangard không thể bị radar phát hiện do tầm bay thấp và nhanh. Chúng có thể né tránh cả tên lửa đất đối không, làm giảm cơ hội đánh chặn thành công từ phía địch. Nga được cho là đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh và Trung Quốc cũng đang cố gắng đối trọng phòng thủ tên lửa của Mỹ bằng cách phát triển “các đầu đạn tên lửa đạn đạo ngày càng tinh vi và thiết bị phóng siêu âm được gọi là hypersonic glide vehicle (HGV)”. Nếu tên lửa siêu thanh Avangard của Nga mang đầu đạn lượn được triển khai để chống lại hệ thống phòng thủ Mỹ thì hiệu quả của tên lửa không gian Mỹ sẽ giảm xuống và trong một số trường hợp có thể bằng 0.
Thiếu tướng Howard ‘Dallas’ Thompson từng giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền Bắc Mỹ tại bang Ohio nhận định các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã bỏ qua việc phát triển hệ thống phòng thủ thích hợp để chống lại vũ khí siêu thanh. Mặc dù từng có một số lời kêu gọi chính phủ Mỹ theo đuổi chính sách quốc phòng về chế tạo vũ khí siêu âm, tuy nhiên Mỹ vẫn bị tụt hậu so với Trung Quốc xét về mặt bằng chung. Tính riêng năm ngoái, Trung Quốc tiến hành số lượng thử nghiệm bằng cả một thập kỷ mà Mỹ đã thực hiện. Quốc gia thứ hai Mỹ thua kém chính là Nga, nước từng thử nghiệm thành công tên lửa Avangard có tốc độ Mach 27 và dự tính được triển khai trong năm 2019. Trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ mới có kế hoạch trang bị vũ khí siêu âm vào năm 2025 và đạt được một số tiến bộ nhất định trong việc phát triển hệ thống đánh chặn. Vì vậy, Bộ Quốc phòng và các công ty vũ khí Mỹ cần có một chương trình hợp tác vĩ mô để đối phó những tiến bộ từ Nga và Trung Quốc. Việc chống lại mối đe dọa này sẽ đòi hỏi sự đầu tư của Mỹ vào cấu trúc phòng thủ rộng lớn.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ
Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ là các hệ thống liên hợp chiến lược của quân đội để bảo vệ đất nước, chống lại sự thâm nhập của các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa. Các tên lửa có thể bị chặn bằng các tên lửa khác (hoặc cũng có thể bằng kỹ thuật laser) ở gần bệ phóng, trong giai đoạn bay ngoài tầm khí quyển hoặc ở giai đoạn cuối. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được thiết kế và triển khai để bảo vệ lãnh thổ của Mỹ và đồng minh trước mối đe dọa tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Ban đầu, Bộ Quốc phòng Mỹ nghiên cứu phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) để đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, đến thế kỷ 21, hệ thống này đã chuyển trọng tâm sang phòng thủ và ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng từ một số đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Iran và Bắc Triều Tiên.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD):Tên lửa đạn đạo có thể được phóng từ nhiều vị trí khác nhau, như từ hầm chứa, xe cơ động, xe lửa, tàu ngầm, tàu chiến và máy bay. Tên lửa được phân chia thành bốn loại cơ bản dựa trên tầm bắn tối đa: Tầm ngắn (dưới 1.000m), tầm cận trung (1.000 – 3.000 km), tầm trung (3.000 – 5.500km); tên lửa đạn đạo liên lục địa, hoặc ICBM (hơn 5.500km). Hành trình của tên lửa đạn đạo được phân chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn tăng tốc, bắt đầu phóng và kéo dài cho đến khi kết thúc động cơ tên lửa đẩy; giai đoạn giữa- giai đoạn dài nhất- từ khi tên lửa vào quỹ đạo parabol cho tới mục tiêu; giai đoạn cuối, khi đầu đạn tên lửa được tách ra, thông thường giai đoạn này chỉ mất chưa đầy một phút thì phát nổ. Căn cứ vào các đặc điểm nêu trên của tên lửa, quân đội Mỹ đã hình thành bốn chức năng cơ bản để đối phó với một tên lửa đạn đạo thông qua hệ thống phòng thủ. Bốn chức năng cơ bản của hệ thống phòng thủ tên lửa là: Phát hiện; phân biệt (phân biệt giữa mục tiêu là tên lửa với các mục tiêu khác); điều khiển hỏa lực (xác định chính xác điểm đánh chặn); tiêu diệt (tấn công mục tiêu bằng một số loại tên lửa đánh chặn). Tuy nhiên, hiệu quả của hệ thống BMD trong các lần thử nghiệm còn khác nhau và các nhà phân tích quốc phòng tiếp tục nghi ngờ về khả năng tác chiến thực sự của tên lửa trong điều kiện chiến đấu thực tế.
Các hệ thống phòng thủ tên lửa chính: Cơ quan phòng thủ tên lửa của Mỹ (MDA) đang phát triển một số hệ thống có khả năng đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Các hệ thống này không được thiết kế để phòng thủ trước các cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn từ Nga và Trung Quốc. Tính từ năm 2002 đến nay, MDA đã chi khoảng 90 tỉ USD vào hệ thống phòng thủ tên lửa và có kế hoạch sẽ chi cho hệ thống này khoảng 8 tỉ USD/năm đến năm 2017 – tương đương khoảng 2% ngân sách quốc phòng. Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng, cho đến nay, hầu hết công nghệ BMD vẫn chưa được minh chứng, thường chậm tiến độ, có chi phí quá lớn, khả năng tác chiến thực sự có thể còn hạn chế khi xảy ra tình huống thực tế. Trong năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lần đầu tiên yêu cầu xem xét đánh giá toàn diện về BMD, trong đó, ngoài việc nêu rõ các mối đe dọa và chiến lược phát triển, thì Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ còn phải tìm cách cải thiện các chương trình thử nghiệm, giám sát và hiệu quả chi phí đối với BMD.
Chính quyền của Tổng thống Obama cũng hủy bỏ ba chương trình BMD, gồm: Phương tiện tiêu diệt đa năng (tháng 4/2009); tên lửa đánh chặn năng lượng Kinetic (tháng 5/2009) và tên lửa laser đường không (tháng 2/2012).
Hiện tại, quân đội Mỹ đang sở hữu bốn chương trình BMD bao gồm: Hệ thống đánh chặn tên lửa trên mặt đất (GMD); hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis; hệ thống đánh chặn tên lửa giai đoạn cuối (THAAD); hệ thống đánh chặn tên lửa tầm thấp giai đoạn cuối (PAC-3).
Hệ thống đánh chặn tên lửa trên mặt đất (GMD): GMD là thành phần phức tạp và tốn kém nhất trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, được thiết kế để tiêu diệt tên lửa đạn đạo chiến lược tầm xa giai đoạn giữa bằng các tên lửa đánh chặn triển khai trên mặt đất. Tính đến năm 2013, quân đội Mỹ đã triển khai 30 tên lửa đánh chặn trong các hầm chứa ở căn cứ Fort Greely, bang Alaska và căn cứ Vandenberg, bang California. Đồng thời, Mỹ có kế hoạch tăng con số này lên 44 tên lửa đánh chặn vào năm 2017. MDA thông báo, cho đến nay, có 7 trong tổng số 14 lần thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn loại này.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis: Hệ thống Aegis được coi là thành phần hiệu quả nhất trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Hệ thống Aegis thường được triển khai trên biển để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm cận trung sau khi được. Tính đến năm 2013, quân đội Mỹ có 24 hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis triển khai trên các tàu chiến của lực lượng hải quân, với phần lớn biên chế hoạt động trong Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Quân đội Mỹ có kế hoạch triển khai lên đến 38 tàu lớp Aegis vào năm 2015. Tính đến tháng 2/2013, Lầu Năm góc thông báo có 24 lần thử nghiệm thành công trong tổng số 30.
Hệ thống đánh chặn tên lửa giai đoạn cuối (THAAD): THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động trên đất liền, có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm cận trung. Mỗi hệ thống tên lửa THAAD có chứa tám tên lửa đánh chặn và được bắn từ một bệ phóng gắn trên xe cơ động. Theo báo cáo thử nghiệm và đánh giá tác chiến năm 2008, Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ có ý định triển khai hệ thống THAAD “để bảo vệ các cơ sở quan trọng trên toàn thế giới”. Vào tháng 4/2013, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố kế hoạch triển khai một trong ba khẩu đội tên lửa THAAD tới Guam để bảo vệ các lực lượng Mỹ đóng trên lãnh thổ đảo Thái Bình Dương.
Hệ thống đánh chặn tên lửa tầm thấp giai đoạn cuối (PAC-3): PAC-3 là sự kế thừa của các hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và là hệ thống phát triển hoàn thiện nhất trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. PAC-3 được triển khai nhanh chóng trên các bệ phóng cơ động, sử dụng các bộ cảm biến để theo dõi và đánh chặn tên lửa tầm thấp giai đoạn cuối (thấp hơn so với các hệ thống THAAD). PAC-3 đã được sử dụng rất thành công trong cuộc chiến ở Iraq năm 2003. Hiện nay, các khẩu đội tên lửa PAC-3 đã được triển khai tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ.