Bây giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa. Trung Quốc đang là quốc gia có đội quân tin tặc “chuyên nghiệp nhất” và “thâm hiểm nhất”. Điều đáng nói là đội quân tin tặc này được sự hỗ trợ cực mạnh của các tập đoàn viễn thông như Huawei (Hoa Vỹ) và ZTE (Trung Hưng). Người ta đã từng cảnh báo rằng gần 100% sản phẩm điện tử của do hai tập đoàn này sản xuất đều có gài mã độc…
Loạt bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về đội quân tin tặc Trung Quốc và từ đó, nâng cao thêm tinh thần cảnh giác.
Kỳ I: Những cảnh báo của Mỹ
Trước đó, Công ty an ninh mạng FireEye của Mỹ công bố báo cáo cho rằng, hoạt động của tin tặc Trung Quốc chống lại các cơ quan và tổ chức ở Mỹ và 25 nước khác đã giảm mạnh. Theo đó, số vụ xâm nhập của 72 nhóm tin tặc nghi ở Trung Quốc đã giảm từ 60 vụ hồi tháng 2-2013 xuống còn chưa tới 10 vụ hồi tháng 5-2016.
Theo nhận định của FireEye, không loại trừ nguyên nhân số vụ xâm nhập giảm là do khả năng phòng chống xâm nhập đã được cải thiện. Tuy nhiên, ông John Carlin, trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về an ninh quốc gia lại cho rằng, mặc dù các vụ tấn công tin tặc có giảm về khối lượng, nhưng lại tập trung và có tính toán hơn trước khi động thủ.
Theo cáo buộc của FireEye, quân đội Trung Quốc có 2 đơn vị tin tặc mang số hiệu 61398 và 61486, đã đánh cắp thông tin của khoảng 20 chương trình vũ khí của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó có hệ thống tên lửa Patriot, 2 kiểu máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và F-32…
Phát biểu tại hội nghị an ninh mạng mới đây, Cố vấn về chống khủng bố của Nhà Trắng Lisa Monaco cho biết, Mỹ đang phải đối mặt với mối đe dọa an ninh mạng đang ngày càng “dai dẳng, đa dạng, thường xuyên và nguy hiểm hơn”.
Theo thống kê, riêng trong năm tài khóa 2015 đã có hơn 77.000 sự cố mạng đã xảy ra với hệ thống mạng của các cơ quan chính phủ Mỹ, tăng 10% so với năm trước. Và một trong những vụ tấn công mạng nghiêm trọng nhất là tấn công Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ (OPM) bị phát giác tháng 7-2015. FBI và Bộ An ninh nội địa sẽ nỗ lực hợp tác để xúc tiến công tác điều tra và đối phó với các sự cố tấn công mạng nhằm vào chính phủ và khu vực tư nhân.
Ngày 26-7, Tổng thống Barack Obama đã phê chuẩn một chỉ thị mới nêu rõ cách chính phủ Mỹ ứng phó với các sự kiện an ninh mạng lớn như thế nào. Theo đó, nếu xảy ra một vụ tấn công mạng lớn, FBI sẽ là cơ quan đứng đầu liên bang có nhiệm vụ điều tra, còn Bộ An ninh nội địa sẽ đi đầu trong việc cung cấp các phương tiện và hỗ trợ kỹ thuật để giúp các tổ chức bị tấn công giảm thiểu tác hại, cũng như ngăn nó lan sang các tổ chức khác.
Trong khi đó, Trung tâm phối hợp tình báo đe dọa an ninh mạng (thành lập năm 2015, trực thuộc Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia), có nhiệm vụ phối hợp thông tin tình báo, phân tích mối đe dọa, xác định cơ hội giảm thiểu và đập tan cuộc tấn công này. Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Michael Roger nêu rõ, khả năng xảy ra các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng của Mỹ là chắc chắn, vấn đề chỉ là khi nào.
Và để sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh mạng, từ đầu năm 2016, Tổng thống Barack Obama đã đề nghị Quốc hội cấp ngân sách trị giá 19 tỷ USD, tăng gần 36% so với năm trước. 10 năm trước (2006-2016), Mỹ đã có chiến lược nâng cao tiềm năng của các binh quân chủng chiến đấu và ngày 27-12-2012, Washington bổ sung, điều chỉnh, trong đó nhấn mạnh tới việc chỉ huy chiến đấu qua mạng được xếp ngang hàng với tất cả các phương tiện tác chiến chủ yếu khác.
Theo ông Kevin Mandia, người đứng đầu Công ty An ninh Mandiant của Mỹ, Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền và nguồn lực vào các cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp bí mật kinh doanh.
Trước đó (29-9-2015), Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng, việc đạt được thỏa thuận an ninh mạng không có nghĩa Trung Quốc thoát trừng phạt và Bắc Kinh cũng sẽ không chấm dứt các cuộc tấn công mạng. Lầu Năm Góc từng cảnh báo, Mỹ phải cẩn thận phòng vệ trước một trận “Trân Châu cảng kỹ thuật số”.
Quốc hội Mỹ cũng từng thông qua dự luật, trong đó quy định Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ cấm mua các sản phẩm công nghệ do Trung Quốc chế tạo trừ khi việc này được các cơ quan thi hành luật pháp chấp thuận. Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành một đạo luật về ngân sách (26-3-2013), trong đó hạn chế các cơ quan chính phủ liên bang mua các hệ thống công nghệ thông tin của Trung Quốc.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder từng cảnh báo, chỉ cần mất một bí mật thương mại cũng đủ làm thiệt hại hàng triệu hoặc hàng tỷ USD. Còn theo kết quả nghiên cứu của Tập đoàn an ninh McAfee và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), tội phạm mạng đang gây tổn thất cho nền kinh tế thế giới từ 100-500 tỷ USD mỗi năm.
Hơn 2 năm trước (23-7-2014), khi phát biểu trước Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ, ông Tom Kean (từng đứng đầu ủy ban này) cho rằng, Washington vẫn chưa làm được những điều cần làm để có thể tự bảo vệ trước nguy cơ tấn công mạng.
Ngày 2-12-2015, quan chức cấp cao Mỹ-Trung đã kết thúc vòng đàm phán đầu tiên về vấn đề an ninh mạng sau khi 2 nước ký thỏa thuận song phương về chống tin tặc hồi tháng 9-2015.
Khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice, Cố vấn về chống khủng bố của Nhà Trắng Lisa Monaco và Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch đã hội đàm với Bộ trưởng Công an Quách Thanh Côn.
Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker và Đại diện Thương mại Michael Froman từng khuyến cáo, Trung Quốc cần đảm bảo sự bảo vệ về pháp lý tốt hơn đối với các doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại do nạn trộm cắp bí mật thương mại
( Còn tiếp)