Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐàm luậnNhững thủ đoạn “tin tặc Trung Quốc” và vai trò của Huawei...

Những thủ đoạn “tin tặc Trung Quốc” và vai trò của Huawei và ZTE (Kỳ III)

Trước đó (26-9-2015), công ty an ninh mạng hàng đầu của Mỹ CrowdStrike cảnh báo, các nhóm tin tặc có liên quan với chính phủ Trung Quốc vẫn cố gắng thâm nhập vào các trang chủ của ít nhất 7 công ty Mỹ, bất chấp việc Bắc Kinh đã ký cam kết không tấn công mạng nhắm vào Washington.

Kỳ III: Cáo buộc của giới chuyên môn

Trong khi đó, hãng CNN và tờ South China Morning Post dẫn báo cáo từ kết luận của các nhà nghiên cứu thuộc 3 trường đại học của Mỹ và Canada cho biết, Trung Quốc đã phát triển vũ khí công nghệ thông tin mới có thể tấn công các máy chủ ngoài lãnh thổ nước này.

Và họ gọi công nghệ thông tin này là “Đại pháo” (Great Cannon) – chương trình có khả năng thực hiện các vụ tấn công giống như công cụ mà Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) từng sử dụng.

Ngày 18-11-2015, hãng Reuters dẫn lời người đứng đầu cơ quan phản gián Mỹ Bill Evanina khi ông bày tỏ nghi ngờ trước việc Bắc Kinh thực hiện cam kết hạn chế do thám Washington.

Theo ông Bill Evanina, không có dấu hiệu nào cho thấy có sự thay đổi về phạm vi hoạt động của tình báo Trung Quốc tại Mỹ – 90% các vụ đột nhập dữ liệu của chính phủ, cũng như các khu vực tư nhân được thực hiện theo hình thức “spear-phishing”.

Đây là cách thức từng được sử dụng trong vụ đánh cắp thông tin an ninh của Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ (OPM) và các nhà điều tra Mỹ đã ngầm quy kết vụ đột nhập OPM cho tin tặc Trung Quốc. Giới chuyên môn cho rằng, vụ đánh cắp 22 triệu thông tin cá nhân từ máy chủ của OPM cho phép cơ quan đặc biệt Trung Quốc xác định nhân viên tình báo hoạt động tại các Đại sứ quán Mỹ ở các nước trên thế giới.

Khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về tin tặc và tình báo mạng bùng nổ mạnh mẽ sau khi công ty an ninh mạng Mandiant (Mỹ) công bố báo cáo điều tra, theo đó Đơn vị 61398 của quân đội Trung Quốc đã thực hiện các vụ tin tặc vào hơn 140 công ty của Mỹ.

Tháng 5-2014, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố 5 tin tặc của quân đội Trung Quốc, được cho là thuộc nhóm Comment Crew (còn gọi là Đơn vị 61398 đóng tại Thượng Hải) tấn công các trang mạng của 6 công ty Mỹ để đánh cắp các bí mật thương mại.

Ngày 24-9-2015, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Michael Rogers cho biết, giới chức Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công mạng gần đây nhằm vào Mỹ với mục đích đánh cắp dữ liệu cá nhân và thương mại. Đồng thời khuyến cáo, không thể duy trì mối quan hệ lâu dài nếu Trung Quốc tiếp tục tấn công mạng để đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Hãng phân tích tình báo Stratfor cho rằng, chiến tranh mạng là cuộc chiến không biên giới, không khói súng. Bởi cung cấp một không gian chiến tranh năng động và hoàn toàn mới mẻ.

Ngày 11-9-2015, Tổng thống Barack Obama tuyên bố, Mỹ không chấp nhận hành động của tin tặc Trung Quốc và cảnh cáo Bắc Kinh sẽ không có cơ hội chiến thắng trên không gian mạng nếu đối đầu với Washington. Trước đó (4-7-2015), khi phát biểu tại buổi vận động tranh cử ở bang New Hampshire, bà Hillary Clinton đã tố Trung Quốc đánh cắp qua mạng nhiều thông tin, từ bí mật thương mại, hợp đồng quốc phòng đến thông tin về chính phủ Mỹ.

Ngày 8-6-2015, hãng Reuters dẫn cảnh báo của Chủ tịch Ủy ban an ninh nội địa Hạ viện Mỹ, ông Michael McCau – tin tặc Trung Quốc đứng sau vụ tấn công mạng vào hệ thống máy tính của Chính phủ Mỹ.

Ngày 8-5-2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke yêu cầu Trung Quốc điều tra và thông báo lại kết quả xung quanh cáo buộc cho rằng, Bắc Kinh đã can thiệp vào nội dung trong máy chủ bên ngoài lãnh thổ nước này để tấn công các trang mạng của Mỹ.

Đồng thời coi các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng thiết yếu, công ty và khách hàng của Mỹ là các nguy cơ đe dọa nhằm vào an ninh quốc gia và kinh tế.

Theo tờ The New York Times, ngoài 61398 còn có nhiều đơn vị quân sự khác thực hiện các cuộc tấn công mạng. Và các đơn vị này (như 61419, 61565, 61726, 61046) chủ yếu trực thuộc Cục 3 của Bộ Tổng tham mưu. Còn tờ Nihon Keizai Shimbun cũng từng dẫn báo cáo của Công ty An ninh Mandiant cáo buộc Trung Quốc đã thành lập tổ chức “APT-1” với quy mô hàng nghìn người, dùng phương thức vượt qua 1.000 máy chủ trên thế giới, tấn công có tổ chức đối với các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ-Trung đang có một cuộc đại chiến trên Internet. Theo chuyên gia địa-chính trị Bremmer, người sáng lập của Eurasia Group, khả năng tấn công trên không gian mạng của Trung Quốc liên tục gây bất ngờ đối với Mỹ cả về mức độ lẫn sự táo bạo. Chuyên gia an ninh quốc gia Douglas Ollivant cảnh báo, đây là một sự việc lớn và có thể coi là hành động chiến tranh.

Hơn 1 năm trước (6-6-2015), tờ Daily Mail có bài viết về lịch sử và quy mô hoạt động cùng các cuộc tấn công của đội quân chiến tranh mạng bí mật thuộc quân đội Trung Quốc. Đội quân này được biết tới lần đầu tiên vào tháng 5-2014 khi Shawn Carpenter, chuyên gia về xâm nhập máy tính tại Sandia National Laboratories và làm việc cho chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ, bắt đầu điều tra các vụ tấn công mạng bí ẩn có cách thức tương tự nhau.

Theo điều tra của Shawn Carpenter, các hacker này đã đánh cắp từ bản thiết kế máy bay ném bom tàng hình đến chiến lược kinh doanh của Coca-Cola… Ngày 26-6-2015, Trung Quốc đã phản bác lại cáo buộc của Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper khi cho rằng, Bắc Kinh là nghi can hàng đầu trong vụ đánh cắp dữ liệu cá nhân của hàng triệu nhân viên chính phủ Mỹ

( Còn tiếp)

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới