Hiện nay mối quan hệ Trung Quốc – Philippines có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho hai nước cùng khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, song quá trình này vẫn còn nhiều phức tạp và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của một bộ phận dư luận tại Philippines.
Tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” ngày 23/1 dẫn lời cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III chỉ trích việc chính phủ nước này và Trung Quốc ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí, bao gồm cả các khu vực ở Biển Đông hồi tháng 11/2018. Ông Aquino III còn nói rằng theo thỏa thuận này, “tỷ lệ ăn chia là 6/4 nghiêng về phía Trung Quốc” nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Trong khi đó, chính phủ của đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte cũng không nêu cụ thể về kế hoạch hợp tác nhưng khẳng định “không trái hiến pháp hay làm tổn hại lợi ích quốc gia”.
Biển Đông là vùng biển giàu tài nguyên dầu khí. Theo thống kê, trữ lượng tài nguyên dầu mỏ ở Biển Đông nằm trong khoảng 20 tỷ đến 30 tỷ tấn dầu, và trữ lượng khí gas tự nhiên khoảng 200 tỷ m3. Đây là một trong những bồn trũng chứa dầu và khí đốt lớn nhất trên thế giới. Vì tài nguyên dầu khí là nguồn tài nguyên chiến lược, nên việc khai thác tài nguyên dầu khí trong vùng biển tranh chấp của Biển Đông luôn là mối quan tâm đặc biệt của tất cả các nước liên quan. Biển Đông có nguồn tài nguyên dầu khí phong phú, song việc đẩy mạnh khai thác dầu khí của các nước gặp khó khăn, phức tạp do tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và trực tiếp là các hành động, tuyên bố đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông. Có thể nói khai thác chung là một tính toán chiến lược trong chủ trương và chính sách bánh trướng toàn Biển Đông của Trung Quốc. Để thực hiện điều này, Trung Quốc đã thúc đẩy và tìm kiếm đạt được các thỏa thuận gần đây giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về dự thảo văn bản tham vấn duy nhất của “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông” (COC) và hướng lái quan hệ tốt đẹp trong quan hệ Trung – Philippines kể từ cuối năm 2016 với việc thành lập một cơ chế tham vấn song phương trên Biển Đông.
Khi ông Aquino III lên nắm quyềnThủ tướng, chính phủ Philippines về cơ bản giữ vững lập trường không khai thác chung với Trung Quốc ở Biển Đông, khuyến khích các công ty dầu mỏ trong nước tự tiến hành khai thác ở khu vực Bãi Cỏ Rong. Tháng 6/2011, Bộ Năng lượng Philippines đã khởi động vòng thứ 4 của các dự án ký kết năng lượng, cho phép các công ty nước ngoài thăm dò lô thứ ba và thứ tư trong tổng số 15 lô thuộc phạm vi đường đứt đoạn. Do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, các hoạt động đấu thầu của Philippines không nhận được sự hưởng ứng của các công ty dầu khí lớn của phương Tây. Vì thế, vào năm 2012, Công ty dầu mỏ Philippines Ferrex đã bắt đầu liên hệ với Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc để thảo luận về vấn đề khai thác chung tại lô SC72. Các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Manila trước đó diễn ra tốt đẹp, nhưng vào phút cuối cùng trước khi đi vào ký kết thỏa thuận hợp tác, chính phủ Philippines bất ngờ yêu cầu thêm vào nội dung văn bản thoả thuận cái gọi là “thỏa thuận mở rộng”, đồng thời yêu cầu xác định vai trò của các bên phải dựa trên phương thức của chủ sở hữu và đối tác khai thác chung. Điều này tương đương với việc Manila yêu cầu Bắc Kinh công nhận chủ quyền của Philippines đối với lô SC72, dẫn đến các cuộc đàm phán về vấn đề này lâm vào bế tắc. Vào năm 2013, Philippines đã đệ trình Vụ kiện trọng tài Biển Đông, trong đó trang thứ 8 đề cập trực tiếp đến việc khai thác chung tài nguyên dầu khí. Đối với lô SC72 còn gây tranh cãi này, Philippines cho rằng theo Công ước Liên hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Bãi Cỏ Rong là một phần của thềm lục địa Philippines. Việc Philippines tiến hành thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí tại khu vực Bãi Cỏ Rong là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế và không vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc.
Kể từ khi lên cầm quyền năm 2016, Tổng thống Duterte chủ trương tạm gác tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông để tập trung cải thiện quan hệ song phương, nhất là về kinh tế. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (22/1) xác nhận nước này sẽ cử một tàu đến cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông dự lễ duyệt hạm đội nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc vào tháng 4 tới. Tờ The Philippine Star dẫn lời người phát ngôn hải quân Jonathan Zata tuyên bố lực lượng này “luôn giữ vững quan hệ tốt đẹp với hải quân các nước trong khi đảm bảo lợi ích trên biển của quốc gia”.
Hiện nay mối quan hệ Trung Quốc – Philippines có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho hai nước cùng khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, song quá trình này vẫn còn nhiều phức tạp. Hiện Trung Quốc và Philippines có các cách hiểu khác nhau về nội hàm của khai thác chung. Các học giả Trung Quốc thường cho rằng khai thác chung là khái niệm dùng để chỉ hai hay nhiều quốc gia đạt được hiệp định hợp tác giữa chính phủ trong việc cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên trong các khu vực chồng lấn, qua đó phối hợp thực thi quyền tài phán trong khu vực và tạo điều kiện để giải quyết tranh chấp. Về vấn đề này, một số học giả Philippines nhận định rằng hai nước vẫn còn tồn tại sự khác biệt trong cách hiểu. Ví dụ, học giả Jay Batongbacal chỉ ra rằng điểm tham chiếu của Trung Quốc về vấn đề khai thác chung nằm ở việc xác định các vùng biển tranh chấp và tận dụng khai thác nguồn tài nguyên biển, đề cập đến phạm vi bao gồm cả lô SC72 và lô SC57. Trong khi đó, Philippines có xu hướng sử dụng khái niệm để thể hiện hai nước đang thực hiện hợp tác thực tế trên biển, theo đó nhấn mạnh hơn vào việc cùng thăm dò tài nguyên, chứ không phải khai thác toàn diện, đề cập tới phạm vi cơ bản giới hạn trong lô SC57. Philippines và Trung Quốc cũng có sự khác biệt trong cơ sở của luật quốc tế về khai thác chung giữa Trung Quốc và Philippines. Mọi người thường cho rằng cơ sở của luật quốc tế về khai thác chung chủ yếu đến từ hai khía cạnh, một là dựa trên “nguyên tắc hợp tác” và “nghĩa vụ đàm phán” được đề cập trong Hiến chương Liên hợp quốc. Nguyên tắc còn lại là dựa trên các biện pháp “sắp xếp tạm thời” được đề cập trong Công ước. Đây là cơ sở chính của luật quốc tế về vấn đề khai thác chung trong các cuộc tham vấn và đối thoại giữa hai nước Trung Quốc và Philippines trong một thời gian dài. Tuy nhiên, do phán quyết của Toà ủng hộ chủ trương của Philippines, do đó nhiều người ở Philippines nhận định rằng đây là cơ sở quan trọng để Manila giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông cũng như các vấn đề về khai thác chung trong tương lai. Tổng thống Duterte cũng từng nhấn mạnh rằng ông sẽ không từ bỏ phán quyết của Toà trọng tài Biển Đông, đồng thời cho rằng đây là một “chiến thắng mang tính lịch sử” của Philippines và đưa ra đề xuất về việc sử dụng phán quyết của Toà tại một thời điểm thích hợp.
Đáng chú ý nhất hiện nay là xu hướng ngày càng có nhiều tiếng nói trong nội bộ chính quyền và người dân Philippines phản đối thỏa thuận hợp tác phát triển dầu khí chung ở Biển Đông giữa Chính phủ Philppines và Trung Quốc. Do khai thác chung có thể là hành động vi phạm luật pháp của Philippines. Theo quy định của luật pháp liên quan ở Philippines, việc thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong “vùng đặc quyền kinh tế” của nước này phải được đặt dưới sự kiểm soát và giám sát chung của nhà nước. Philippines phải nắm giữ ít nhất 60% cổ phần trong hợp tác khai thác chung các nguồn lực. Thêm nữa, Philippines vẫn chưa có đủ “lợi ích” trong việc khai thác chung. Một số học giả Philippines cho rằng thành tựu duy nhất của chính phủ Philippines hiện nay là Trung Quốc có thể cho phép ngư dân Philippines quay trở lại vùng biển ngoài bãi cạn Scarborough để đánh bắt cá, nhưng điều này không đủ để đánh đổi lấy việc Philippines đồng ý khai thác tài nguyên dầu khí với Trung Quốc trong “vùng đặc quyền kinh tế” của Philippines. Do vậy, có học giả đưa ra kiến nghị chính phủ Philippines cho phép các công ty dầu khí trong nước thành lập các công ty con chuyên khai thác lô SC72, sau đó, mời phía Trung Quốc cùng tham gia dưới hình thức liên doanh. Song điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc gián tiếp thừa nhận các quyền chủ quyền của Philippines (phía Trung Quốc cho rằng điều này là không thể chấp nhận được). Hoặc là Tổng thống Duterte phải trực tiếp sửa đổi Hiến pháp và các luật có liên quan khác để cho phép các nước khác cùng tham gia khai thác tài nguyên dầu khí trong “vùng đặc quyền kinh tế” của Philippines và hạ thấp các điều kiện.