Thursday, December 26, 2024
Trang chủĐiểm tinPhái đoàn EU tới Tân Cương thu thập bằng chứng đàn áp...

Phái đoàn EU tới Tân Cương thu thập bằng chứng đàn áp nhân quyền

Một phái đoàn của Liên minh Châu Âu (EU) vừa mới có chuyến thăm tới Tân Cương, Trung Quốc. Các quan chức EU hôm thứ Hai (28/1) đánh giá đây là một cơ hội hiếm có để thu thập bằng chứng về các trại cải tạo thu hút sự chỉ trích gay gắt từ các nhóm nhân quyền và các nước phương Tây thời gian qua, theo SCMP.

Các thành viên trong phái đoàn của EU đã thực hiện chuyến đi 3 ngày tới Tân Cương trong sự giám sát của các quan chức Trung Quốc, tuy nhiên phái đoàn vẫn thu thập được thông tin dựa trên những báo cáo “thống nhất” với các cáo buộc nhân quyền ở khu vực này.

Theo một nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc, có tới hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân thiểu số Hồi giáo khác đang bị giam giữ bất hợp pháp tại các trại cải tạo ở khu vực Tân Cương.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một phái đoàn đa quốc gia đến Tân Cương kể từ khi giới chức Bắc Kinh thừa nhận sự tồn tại của các trại cải tạo mà họ gọi là ‘trung tâm giáo dục và dạy nghề’.

Trưởng bộ phận phụ trách nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ), Michelle Bachelet, nói rằng văn phòng của bà cũng đang tìm cách tiếp cận Tân Cương để xác minh các báo cáo về các trại cải tạo, trong khi đó Bắc Kinh chỉ đồng ý cho các quan chức LHQ đến đó nếu họ đồng ý không tìm hiểu các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Bắc Kinh khẳng định các ‘trung tâm giáo dục và dạy nghề’ ở Tân Cương được xây dựng lên để giúp những người bị lôi kéo bởi chủ nghĩa cực đoan tránh xa khủng bố, và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.

Nhưng những trại cải tạo này đã phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội từ cộng đồng quốc tế, gay gắt nhất là từ Washington và các nhóm nhân quyền. EU đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền ở Tân Cương, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề của các trại cải tạo nói riêng và cảnh báo rằng tự do tôn giáo ở Trung Quốc đang bị hạn chế.

Một người đàn ông Duy Ngô Nhĩ đứng trước một xe chở lính Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Các cựu tù nhân ở các trại cải tạo đã phản ánh việc họ bị chính quyền giam giữ vì thực hiện theo phong tục của người Hồi giáo như để râu hoặc che mặt.

Một quan chức EU đã xác nhận một nhóm công tác gồm 3 người đã đến thăm các thành phố Urumqi và Kashgar của Tân Cương từ ngày 11-13/1, sau khi có sự đồng ý của chính quyền trung ương và địa phương ở Trung Quốc.

Trong chuyến đi, các quan chức EU đã được cho phép tới thăm một số địa điểm, bao gồm các nhà thờ Hồi giáo, một học viện Hồi giáo và một trong những trại cải tạo gây tranh cãi.

“Mặc dù các địa điểm đã được các quan chức Trung Quốc lựa chọn cẩn thận, chuyến thăm đã cung cấp cái nhìn sâu sắc, hữu ích và bổ sung cho các nguồn thông tin khác (bao gồm các báo cáo của các cơ quan LHQ, truyền thông quốc tế, các nhà nghiên cứu hàn lâm và các tổ chức phi chính phủ)”, vị quan chức EU nói.

“Nhiều cơ sở trong số này cho thấy sự ép buộc và thông đồng với nhau, [cùng với những] bằng chứng về các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống ở Tân Cương”, vị quan chức EU nói thêm.

SCMP cho hay, các đại diện tới từ phương Tây có ấn tượng rằng chính quyền Trung Quốc đã kín đáo giám sát chuyến đi để cố gắng tạo ấn tượng tốt. Họ cũng cố gắng bày sắp một quang cảnh ‘tươi đẹp’ khi một trại cải tạo mà quan chức EU tới thăm đã được sơn mới và có vẻ như các camera giám sát ở đó đã bị gỡ bỏ.

Rõ ràng giới chức Trung Quốc muốn thế giới bên ngoài hiểu rằng những lời đồn đại về các ‘trung tâm giáo dục và dạy nghề’ của họ là bịa đặt. Tuy vậy, hãng tin AFP vào năm ngoái đã thực hiện một cuộc điều tra dựa trên việc phân tích 1500 tài liệu được chính quyền Trung Quốc công khai, cuối cùng đi đến kết luận rằng các ‘trung tâm giáo dục và dạy nghề’ ở Tân Cương, theo cách gọi của nhà cầm quyền Bắc Kinh, chính là các nhà tù.

RELATED ARTICLES

Tin mới