Monday, January 20, 2025
Trang chủGóc nhìn mới3 kịch bản triển vọng kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều...

3 kịch bản triển vọng kết quả thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2

Nếu cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới không thể mang lại một kết quả cụ thể thúc đẩy lợi ích lâu dài thì một thỏa thuận đơn giản cũng là điều có thể mong đợi.

Nội dung dòng tweet của Tổng thống Donald Trump ngày 08/2/2019.

Ngày 8/2/2019 (giờ Mỹ), trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra ở Hà Nội trong 02 ngày 27-28/2/2019.

Tổng thống Trump viết:

“Đại diện của tôi đã rời Triều Tiên sau một cuộc họp rất hiệu quả và thống nhất về thời gian cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai với ông Kim Jong Un.

Nó sẽ được diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam, vào ngày 27 và 28/2. Tôi mong được gặp Chủ tịch Kim và thúc đẩy hòa bình!”.

Bài viết này đưa ra phân tích về những kết quả mà các bên có thể đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim sắp tới.

Nếu cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới không thể mang lại một kết quả cụ thể giúp Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên thúc đẩy các lợi ích lâu dài của họ thì một thỏa thuận đơn giản cho năm mới cũng là điều có thể mong đợi.

Một thỏa thuận cho dù là khiêm tốn cũng có thể củng cố hơn nữa những động cơ mang tính xây dựng của các bên tham gia chủ chốt và có thể hình thành sau cuộc gặp thượng đỉnh tới đây. Kịch bản cụ thể như sau:

Thứ nhất, Triều Tiên đề xuất đóng cửa cơ sở hạt nhân của họ tại Yongbyon có giám sát nếu cái giá nhận được là hợp lý. Bình Nhưỡng đã thể hiện rõ rằng, đổi lại họ muốn giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt và một tuyên bố kết thúc chiến tranh.

Việc đóng cửa Yongbyon có thể xác định được sẽ là một bước đi hữu hiệu hướng tới phi hạt nhân hóa.

Đây sẽ là biện pháp giảm thiểu rủi ro quan trọng, một phương thức để đưa các nhà quan sát bên ngoài tới Triều Tiên và là một chỉ số có ý nghĩa cho thấy sự cởi mở đối với giải trừ vũ khí với quy mô rộng hơn.

Yongbyon được quan tâm đặc biệt vì đây là lò phản ứng plutoni duy nhất được biết còn hoạt động của Triều Tiên, vốn tiếp tục sản xuất lượng plutoni tương đương 1-2 vũ khí hạt nhân (khoảng 6-8kg mỗi năm).

Cơ sở hạt nhân này có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Đây cũng là nơi chế tạo nhiên liệu từ urani tự nhiên của Triều Tiên.

Việc thiết lập một cơ chế thanh sát hoàn toàn khả thi vì đây là một vấn đề thực tế. Mặc dù không có cuộc thanh sát bên ngoài nào diễn ra tại Yongbyon kể từ năm 2005, Mỹ và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trước đó đã hoạt động tại cơ sở Yongbyon theo khuôn khổ thỏa thuận năm 1994 và các dàn xếp 6 bên trong năm 2005.

Thực tế, IAEA đang từng bước chuẩn bị cho việc khôi phục các cuộc thanh sát tại Triều Tiên trong gần một năm qua.

Để làm được điều này, Washington cần nhìn vào những gì được Bình Nhưỡng xác định là có tầm quan trọng đặc biệt, trong đó có một ước nguyện của Triều Tiên về một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Một tuyên bố như vậy có thể sẽ không chấm dứt các hành động thù địch về pháp lý những nó sẽ đưa các bên đi theo con đường hướng tới đàm phán về điều đó.

Thứ hai, Hàn Quốc cần khẳng định họ quan tâm đến việc khởi động lại cơ sở chung tại Kaesong. Bước đi đó đòi hỏi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt có điều chỉnh cũng như được Bộ Tài chính Mỹ cấp phép.

Đặt vấn đề Kaesong lên bàn đàm phán sẽ là một cách hạn chế và có trách nhiệm để các bên bắt đầu đàm phán về việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt. Điều đó gần như không liên quan đến doanh nghiệp nào, ngoại trừ Huyndai.

Theo đó, nó không mang lại những lợi nhuận lớn dù đó là doanh nghiệp của Hàn Quốc hay nhà nước Triều Tiên. Nhưng quan trọng hơn, điều này ít gây ra tranh cãi trong nước Mỹ về những lo ngại rằng Mỹ “đang tài trợ cho hành vi xấu” của Bình Nhưỡng.

Hơn nữa, việc mở cửa trở lại Kaesong sẽ có ý nghĩa quan trọng mang tính biểu tượng đối với Hàn Quốc, cho phép chính quyền Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố rằng họ đang thực hiện lời hứa bắt đầu cải thiện nền kinh tế Hàn Quốc và đời sống của người dân trong nước.

Việc làm trên cũng có ý nghĩa quan trọng mang tính biểu tượng đối với Triều Tiên, chứng minh rằng các biện pháp trừng phạt cũng có đôi chút linh hoạt từ phía Mỹ.

Thứ ba, Mỹ muốn có những kiềm chế rõ ràng đối với các nỗ lực hạt nhân của Triều Tiên và một cuộc đối thoại nghiêm túc ở cấp sự vụ, trong đó vạch ra những thành tố cơ bản của việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Mỹ không cần dàn xếp điều này bằng cách đưa ra cả cam kết giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt lẫn tuyên bố kết thúc chiến tranh để đổi lấy Yongbyon.

Thực ra, nếu Triều Tiên khẳng định rằng, tuyên bố kết thúc chiến tranh không phải là một chi tiết trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa thì Mỹ có thể đề xuất một liên kết khác: đó là một phần trong một gói thỏa thuận liên quan đến trao đổi Yongbyon lấy Kaesong.

Mỹ có thể nhất trí về nguyên tắc đối với một tuyên bố chấm dứt chiến tranh nhưng sẽ để việc xây dựng phần văn bản cho các cuộc đàm phán ở cấp đại diện đặc biệt Biegun.

Đó sẽ là một cách hữu ích để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán cấp chuyên viên để đạt được tiến triển về tất cả các cam kết mà các bên đã đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên năm 2018.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ –  Triều sắp tới tại Hà Nội theo tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, sẽ là một cơ hội mở ra một giải pháp giải quyết các lợi ích lâu dài của các bên liên quan.

Một thỏa thuận như phân tích nếu trên có thể khiêm tốn, nhưng nó sẽ là một bước đi chắc chắn để tạo ra lộ trình giúp các bên tránh xa khỏi bờ vực chiến tranh và khởi động một năm 2019 với tiến triển đáng hoan nghênh trên bán đảo Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới