Cuộc chiến xâm lược Việt Nam trên 2 hướng biên giới Tây Nam, phía Bắc chung 1 kịch bản, để tránh lặp lại, cần đánh giá một cách khoa học, khách quan, cầu thị.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc cất quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc năm 1979, buộc dân tộc ta một lần nữa phải vùng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi viết mấy dòng thay nén tâm hương tưởng niệm hàng vạn đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống.
Nhìn thẳng vào sự thật lịch sử cuộc chiến này để trân quý hơn hòa bình được xây dựng và vun bồi từ xương máu của bao thế hệ cha anh, cũng là để giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, lòng tri ân các thế hệ đi trước.
Về đối nội, việc đánh giá đúng cuộc chiến tranh vệ quốc, ghi nhớ, tri ân, tôn vinh 4 vạn liệt sĩ cùng đồng bào đã ngã xuống là để yên lòng dân, những người đang sống. Lơ là việc này là có tội.
Về đối ngoại, việc đánh giá đúng bản chất, nguyên nhân và rút ra bài học từ cuộc chiến hoàn toàn không có nghĩa là kích động hận thù dân tộc hay chia rẽ quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, mà để tránh lặp lại điều này trong tương lai.
Đánh giá một cách khách quan, thẳng thắn và cầu thị sự kiện lịch sử này từ cả hai phía là cách tốt nhất để góp phần hiện thực hóa phương châm hợp tác giữa 2 Đảng, 2 nước: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai.
Bởi quá khứ có thể gác lại sau những đánh giá đúng mực, chứ không phải khép lại, càng không thể né tránh hay chôn vùi mà mong có một tương lai tốt đẹp.
Cần phải nói cho rõ trong cuộc chiến này ai là kẻ phi nghĩa, ai là người chính nghĩa.
Việc Trung Quốc cất quân xâm lược toàn tuyến biên giới Việt Nam tháng Hai năm 1979 buộc dân tộc ta phải cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là một sự thật, chính Trung Quốc phải rút ra bài học cho hiện tại và tương lai
Việt Nam không bao giờ gây hấn, luôn luôn mong muốn chung sống hòa bình với các quốc gia khác, nhưng dân tộc Việt Nam cũng không lùi bước trước bất cứ kẻ thù nào lăm le thôn tính bờ cõi của cha ông.
Trên tinh thần ấy, tôi xin có vài lời chia sẻ với các bạn trẻ nhân dịp xuân mới Kỷ Hợi, đồng thời nhắn nhủ với nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, công lý rằng, chính một số nhà lãnh đạo của họ thời điểm đó đã gây ra cuộc chiến xâm lược Việt Nam với nhiều toan tính.
Hai cuộc chiến chung một kịch bản
Đầu tiên, chúng tôi xin lưu ý rằng cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pol Pot xâm lược trên biên giới Tây Nam của Tổ quốc năm 1978 và cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc tháng Hai năm 1979 là cùng chung một kịch bản.
Bản chất cuộc chiến tranh này là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống xâm lược từ hai hướng, biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, mà mục đích cuối cùng của kẻ thù là làm Việt Nam suy yếu đi.
Chúng tôi phải nhấn mạnh điều này, vì nếu chỉ gọi đơn giản là “chiến tranh biên giới Tây Nam”, “chiến tranh biên giới phía Bắc” dễ khiến người ta hiểu sai bản chất cuộc chiến.
Việt Nam không gây hấn hay xâm lược ai, ngược lại chúng ta bị xâm lược và buộc phải chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Đây là điểm rất quan trọng, bởi từ đó mới rút ra được bài học kinh nghiệm cho mai sau.
Trực tiếp tham gia chiến đấu chống tập đoàn phản động, diệt chủng Pol Pot -Ieng Sary ngay từ đầu, lúc đó chúng tôi vẫn nghĩ, kẻ gây ra cuộc chiến xâm lược biên giới Tây Nam và nuôi dã tâm đánh thẳng tới thành phố Sài Gòn chỉ là của nhóm Khmer Đỏ cực đoan, nhưng có thế lực bên ngoài tiếp sức.
Khi ấy còn đang chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, chúng tôi chỉ hiểu thế thôi.
Nhưng đến lúc Trung Quốc thực hiện tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”, thì chúng tôi mới hiểu ra rằng, hai cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên hai mặt trận, biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, là cùng một kịch bản.
Phải nói đến chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên hướng biên giới Tây Nam trước rồi mới nói đến cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc trên hướng biên giới phía Bắc được.
Đánh trả quân xâm lược Pol Pot, lúc qua Campuchia truy kích Khmer Đỏ theo lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, chúng tôi mới thấy, không biết Khmer Đỏ lấy đâu ra nhiều vũ khí hạng nặng đến thế.
Xe tăng của chúng đông, pháo binh của chúng đông, phòng của chúng không đông, đạn dược của chúng nhiều, chúng có hàng nghìn xe quân sự. Khmer Đỏ lấy đâu ra?
Đánh xong mới thấy pháo của Trung Quốc, xe tăng T-59 của Trung Quốc, pháo cao xạ 2 nòng của Trung Quốc và xe Hồng Hà của Trung Quốc tràn ngập.
Lúc ấy, chúng tôi mới càng thấy rằng lãnh đạo Trung Quốc khi đó đã mượn tay Pol Pot để thực hiện một âm mưu khác với Việt Nam trên hướng biên giới Tây Nam.
Đến ngày 17 tháng Hai năm 1979, Trung Quốc đã cất quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.
Thời điểm đó, có 4 quân đoàn chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì 3 quân đoàn đang phải đối phó với tập đoàn diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary;
Miền Bắc chỉ còn Quân đoàn 1 chủ yếu là các đơn vị dự bị làm nhiệm vụ phòng thủ, nhưng là đề phòng với Mỹ chứ không phải Trung Quốc.
Dọc biên giới Việt Nam – Trung Quốc là các lực lượng vũ trang địa phương, dân quân làm nhiệm vụ trong điều kiện đội hình biên chế thiếu.
Chúng ta đã giảm bớt quân số sau kháng chiến chống Mỹ từ những năm 1976, 1977 để giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế sau chiến tranh, cho nên nhiều đơn vị phiên hiệu thì còn, khung chỉ huy còn, nhưng quân số không còn đủ theo biên chế như trước.
Với lực lượng mỏng như vậy, Việt Nam lấy đâu ra quân “đánh” Trung Quốc mà họ tuyên truyền cho dân chúng về cuộc chiến xâm lược biên giới Việt Nam là “phản kích tự vệ”?
Hai bên cùng phải rút kinh nghiệm, tránh chiến tranh không có nghĩa “cầu hòa”
Cuộc chiến xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 là bước thứ hai để Trung Quốc đỡ đòn và để trả thù cho thất bại của cuộc chiến xâm lược trên hướng thứ nhất – biên giới Tây Nam Việt Nam – mượn tay Khmer Đỏ.
Khi tập đoàn phản động, diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary tấn công xâm lược Việt Nam và bị đánh trả đích đáng, Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Có những quan điểm cho rằng, việc Việt Nam và Liên Xô ký hiệp ước tương trợ năm 1978 là nguyên nhân dẫn đến các hành động quân sự chống Việt Nam từ phía Trung Quốc.
Nhưng chúng tôi cho rằng, nguyên nhân cơ bản hơn là một nhóm lãnh đạo Trung Quốc khi đó không muốn thấy một Việt Nam mạnh lên ở bên cạnh.
Cần phải khẳng định rõ ràng rằng cuộc chiến đấu năm 1978, 1979 trên 2 hướng biên giới là hành động tự vệ chính đáng, đập tan cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do một nhóm phản động trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc thời điểm bấy giờ, phát động.
Lịch sử có lúc thế này, lúc thế khác, đó là quy luật. Bây giờ tình hình đã khác nhiều, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã bình thường hóa trở lại, tình hữu nghị giữa hai nước cũng như hai dân tộc được khôi phục.
Để tránh lặp lại những xung đột không dân tộc nào mong muốn, chúng tôi thiết nghĩ cần gác lại quá khứ nhưng không lãng quên quá khứ.
Ngược lại, cả hai bên cần nhìn nhận, đánh giá nó một cách khoa học, khách quan và cầu thị.
Không thể có hòa bình hữu nghị lâu dài, tin cậy lẫn nhau một khi Trung Quốc vẫn đánh tráo bản chất cuộc chiến tranh xâm lược thành cái gọi là “phản kích tự vệ” như cách họ tuyên truyền cho người dân nước này.
Quyết định tiến hành hai cuộc chiến chống Việt Nam trên 2 hướng biên giới là của một nhóm lãnh đạo cực đoan trong Đảng Cộng sản Trung Quốc thời điểm bấy giờ, chứ không phải mong muốn hay ý chí của nhân dân Trung Quốc.
Thiết nghĩ đây là những tiền đề quan trọng để củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi giữa hai Đảng, hai nước hiện nay.
Đó mới thực sự là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Gác lại không có nghĩa là né tránh, lãng quên hay nhập nhằng, đánh tráo bản chất cuộc chiến.
Kỷ niệm 40 năm sự kiện này, chúng tôi cho rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đều nên nghiêm túc rút ra bài học.
Chúng ta có hàng vạn liệt sĩ, đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc năm 1979, và số binh lính Trung Quốc tử trận cũng không ít hơn, thậm chí nhiều hơn Việt Nam.
Tổn thất về con người và vật chất cả hai bên đều có, nhưng cuộc chiến tranh xâm lược này tổn hại đến chính uy tín và hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới.
Trung Quốc nên nhìn thẳng vào vấn đề này, để tránh lặp lại vết xe đổ mà một nhóm lãnh đạo của họ từng gây ra.
Ai gây ra chiến tranh, kẻ đó phải biết rút kinh nghiệm, bởi trạng chết, chúa cũng băng hà!
Chúng tôi cần nhấn mạnh rằng, bảo vệ hòa bình, hợp tác và hữu nghị là mong muốn, nguyện vọng chung của nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc, rút bài học để tránh chiến tranh không có nghĩa là cầu hòa.
(Còn tiếp)
Do đó, tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai chỉ có ý nghĩa thực tiễn, lâu dài nếu như các sự kiện lịch sử, các khúc quanh trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc được hai Đảng, hai Nhà nước nói thẳng, nói thật trên tinh thần xây dựng.
Nếu ngày nay mà để xảy ra chiến tranh, thì chắc chắn người hưởng lợi không phải là Trung Quốc, mà là các đối thủ của Trung Quốc trên vũ đài chính trị toàn cầu cũng như khu vực.
Thiết nghĩ Trung Quốc cần phải ý thức rõ điều này trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực siêu cường ngày càng phức tạp.
Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn diễn biến rất phức tạp và khó lường.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc càng phải nghiêm túc xây dựng tình hữu nghị với các quốc gia trong khu vực trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi.
Hợp tác và hữu nghị thì Việt Nam được và Trung Quốc cũng được, xung đột hay chiến tranh thì cả hai đều suy yếu. Khi đó cái thế và lực của Trung Quốc trên trường quốc tế sẽ không còn được như hiện tại.
Hoa Kỳ có thời gian khó khăn cũng là vì sa lầy vào cuộc chiến xâm lược Việt Nam, Trung Quốc cần phải nhìn thấy điều đó.