Bản tin Biển Đông ngày 31/01/2019.
Trung Quốc thành công ở ASEAN?
Ngày 30/1, hãng NHK đưa tin, Viện nghiên cứu Quốc phòng của Nhật công bố bản báo cáo về sự phát triển quân sự của Trung Quốc, trong đó tập trung vào tác động của sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc đối với an ninh khu vực. Theo báo cáo, Trung Quốc đang cố tạo dựng sự ủng hộ của khu vực bằng cách chia rẽ các nước ASEAN. Cụ thể, Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra sự rạn nứt giữa các nước thành viên ASEAN trong việc Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông. Với việc đóng góp rất nhiều cho sự phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước thành viên ASEAN và ASEAN trở thành một phần của sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, hiện nay Trung Quốc có thể có ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của Campuchia, Lào và Myanmar. Báo cáo cũng cho biết, bằng cách biến các tác động kinh tế thành chính trị, Trung Quốc đang tạo ra một trật tự khu vực có lợi cho mình. Bên cạnh đó, bản báo cáo cũng đề cập đến việc Bắc Kinh thay đổi nguyên trạng một cách mạnh mẽ ở Biển Đông với sự hậu thuẫn bằng sức mạnh quân sự, khiến cho toàn thế giới đều có cảm giác nguy hiểm. Báo cáo kêu gọi cần có sự giám sát chặt chẽ đối với cách Trung Quốc giải quyết vấn đề phát triển của khu vực như thế nào.
Nhật Bản và Philippines dự kiến tập trận chung ở Biển Đông
Theo Taiwan News ngày 30/1, tàu khu trục JS Ikazuchi của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đang có “chuyến thăm thiện chí” đến Manila. Chuyến thăm này đánh dấu sự bắt đầu của mối quan hệ hợp tác tăng cường giữa hải quân hai nước Nhật Bản và Philippines. Theo Thuyền trưởng Mardonio Navarro của Hải quân Philippines, hai bên đang dự kiến nâng tầm quan hệ song phương với một loạt các hoạt động tập trận hải quân chung ở Biển Đông nhằm thắt chặt mối quan hệ và tăng cường an ninh khu vực. Ryoko Azuma, Tư lệnh Sư đoàn hộ tống 1 của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, cho rằng hoạt động tập trận chung với Philippines không đưa ra thông điệp cụ thể cho nước nào mà sẽ đóng góp cho sự ổn định của khu vực, nhấn mạnh Nhật Bản sẽ tiếp tục ủng hộ một “tầm nhìn tự do” và một “vùng biển mở dựa trên các quy định của luật quốc tế và tự do hàng hải”.
Anh nên thiết lập sự hiện diện ở Biển Đông
Ngày 30/1, tạp chí UK Defence Journal công bố nội dung chính của một báo cáo với tựa đề “Biển Đông: Tại sao lại là vấn đề đối với Anh quốc toàn cầu” do Hiệp hội Henry Jackson xuất bản. Báo cáo khẳng định các yêu sách bất hợp pháp và quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích của Anh. Do vậy, Anh phải tiếp tục bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở vùng biển quốc tế. Hai tác giả của báo cáo – TS. John Hemmings, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á và James Rogers, Giám đốc Chương trình Anh quốc toàn cầu của Hiệp hội Henry Jackson – gợi ý rằng, cùng với việc cử tàu HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông khi được vận hành đầy đủ vào năm 2020-2021, nên xây dựng một chính sách về việc các tàu của Hải quân Hoàng gia Anh đi qua khu vực này để ngăn cản Trung Quốc. Báo cáo cho rằng có hai cách Hải quân Hoàng gia Anh có thể thách thức các “yêu sách kỳ lạ” của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực biển, đó là:
(i) Phong trào tự do hàng hải (FONMOVS): các tàu của Hải quân Hoàng gia Anh đi vào vùng biển Trung Quốc (hoặc các nước khác) yêu sách mà không cần báo trước, đi qua như đang thực hiện quyền “qua lại vô hại”.
(ii) Tập trận tự do hàng hải (FONEXS): các tàu của Hải quân Hoàng gia Anh đi vào vùng biển Trung Quốc (hoặc các nước khác) yêu sách mà không phải “qua lại vô hại”, ví dụ như cất cánh máy bay hay tiến hành tập trận (và không báo trước).