Thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều tổ chức tại Việt Nam đã được xác nhận. Các tín hiệu từ Mỹ cho thấy khả năng đạt thỏa thuận kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên tại cuộc gặp này.
Cuộc gặp thượng đỉnh trong hai ngày vào cuối tháng 2 này có thể đạt đến một thỏa thuận giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong Un để kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 21953).
Đó là nhận định của ông Harry Kazianis thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia – một tổ chức học giả Mỹ có tư tưởng bảo thủ đặt tại thủ đô Washington.
Ông Trump tự tin về quan hệ tốt với ông Kim
Theo hãng tin Reuters, ông Kazianis đã viết trên Twitter sau khi ông Trump đọc Thông điệp Liên bang vào tối 5-2 (giờ Mỹ): “Một tuyên bố như vậy cho thấy ý định rõ ràng để chuyển đổi mối quan hệ của họ và tạo ra nền tảng vững chắc cho công việc khó khăn hơn nhiều là tiến trình phi hạt nhân hóa (trên bán đảo Triều Tiên)”.
Trong Thông điệp Liên bang lần thứ hai của mình đọc trước Hạ viện Mỹ, Tổng thống Trump lập luận: “Nếu tôi không được bầu làm Tổng thống Mỹ thì ngay bây giờ, theo tôi, chúng ta có thể đang ở trong một cuộc chiến lớn với Triều Tiên”.
Theo hãng tin Reuters, phát ngôn của ông Trump nhằm đến những tuyên bố trong năm 2017, theo đó ông đe dọa sẽ có “trận mưa bom đạn và thịnh nộ mà thế giới chưa từng chứng kiến” xuống Triều Tiên vì những hoạt động liên quan vũ khí hạt nhân.
Mối quan hệ giữa hai nước đã có những chuyển biến tích cực hơn từ giai đoạn chuẩn bị cho thượng đỉnh lần một cho đến thời điểm này, dẫu có những nốt trầm với các tuyên bố tiếp tục cấm vận và phản ứng trở lại.
“Trong khuôn khổ của nền ngoại giao táo bạo của chúng ta, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực lịch sử vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, ông Trump tuyên bố trước các nghị sĩ Mỹ.
Ông cũng nhắc lại các thông tin nhằm minh chứng cho nhận định của mình: “Các con tin người Mỹ của chúng ta đã trở về nhà, các vụ thử hạt nhân đã ngừng và không còn các vụ phóng tên lửa trong 15 tháng qua”.
Giờ đây, trước Quốc hội Mỹ, ông Trump xác nhận: “Vẫn còn nhiều việc cần phải giải quyết, nhưng mối quan hệ với tôi với (lãnh đạo Triều Tiên) Kim Jong Un là tốt đẹp. Chủ tịch Kim và tôi sẽ gặp lại vào 27 và 28-2 tại Việt Nam”.
Các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Triều Tiên hiện đang có tiến triển, với những đề xuất cụ thể hơn, như việc Mỹ đề nghị Triều Tiên đưa ra một tuyên bố toàn diện về các chương trình tên lửa và hạt nhân của mình.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) chụp ảnh lưu niệm với ông Kim Yong Chol, phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên (trái) và đặc sứ Stephen Biegun tại một khách sạn ở Washington, Mỹ vào ngày 18-1-2019 khi ông Kim có mặt ở đây để bàn về tiến trình cho thượng đỉnh lần hai – Ảnh: REUTERS
Đặc phái viên Mỹ đến Triều Tiên
Phía Triều Tiên cũng muốn chắc chắn rằng Washington đã sẵn sàng để kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), và cam kết sẽ không lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng, đặc biệt là việc Mỹ tuyên bố đã sẵn sàng thực hiện các cam kết đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần đầu tiên tại Singapore tháng 6-2018 “một cách đồng thời và tương xứng”.
Ông Stephen Biegun – người được bổ nhiệm làm Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên vào tháng 8-2018, đã đến Triền Tiên ngày hôm nay (6-2) để có cuộc hội đàm với người đồng cấp Triều Tiên Kim Hyok Chol, cựu Đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha.
Theo báo Washington Post của Mỹ, cuộc gặp được dự kiến ban đầu tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều thứ hai tổ chức ở Việt Nam nhưng nay được chuyển đến thủ đô Bình Nhưỡng cho thấy phía Triều Tiên xem trọng cuộc gặp này như thế nào.
Các nguồn tin cho biết nhiều khả năng cuộc gặp sẽ tập trung vào chi tiết các bước phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng cũng như các hành động đáp lại tương ứng từ Washington.
Ông Biegun đã có cuộc làm việc 3 ngày tại Hàn Quốc, trong đó có cuộc gặp với Trưởng đoàn Hàn Quốc tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, ông Lee Do Hoon vào sáng 4-2 để trao đổi về chiến lược đàm phán với Triều Tiên.
Hai quan chức có thể sẽ gặp lại nhau sau cuộc gặp giữa ông Biegun với phía Triều Tiên để thảo luận về kết quả các trao đổi tại Bàn Môn Điếm.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6-2018, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã nhất trí phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, đổi lại các đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, kể từ sau cuộc gặp này, tiến trình đàm phán không đạt tiến bộ vì hai bên bất đồng về cách diễn giải khái niệm “phi hạt nhân hóa”. Mỹ yêu cầu có các bước phi hạt nhân hóa cụ thể hơn trong khi Triều Tiên muốn các trừng phạt được dỡ bỏ.