Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaẤn Độ ủng hộ giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển...

Ấn Độ ủng hộ giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish cho biết, Ấn Độ ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Theo Đại sứ Parvathaneni Harish, khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương cho phép tất cả các quốc gia, lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu có quyền tiếp cận biển một cách bình đẳng, miễn là họ có chung vùng biển. Điều này đòi hỏi tôn trọng tuyệt đối luật pháp quốc tế, đương nhiên bao gồm cả UNCLOS, giao thương không bị cản trở, và tự do hàng hải và hàng không; nhấn mạnh các tranh chấp cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, giải quyết hòa bình tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; đồng thời bày tỏ hy vọng các bên tuân thủ Tuyên bố ứng xử (DOC) và mong chờ Bộ Quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc được hoàn thành sớm nhất có thể.

Lợi ích chiến lược của Biển Đông đối với Ấn Độ

Ấn Độ là một quốc gia Nam Á với diện tích chiếm phần lớn bán đảo Ấn Độ, ước chừng 3,3 triệu km2 đứng thứ 7 thế giới, dân số khoảng 1,3 tỷ người với nền văn minh sông Ấn đã phát triển rực rỡ cách đây 5 nghìn năm. Với cuộc cải cách kinh tế tận gốc năm 1990 của thế kỉ trước, Ấn Độ đang trong quá trình phục hồi sức mạnh vốn có của mình để tăng cường ảnh hưởng tới khu vực châu Á và tiến tới toàn thế giới trong một vài thập niên tới của thế kỉ XXI. Khu vực Biển Đông nói riêng và Đông Nam Á nói chung có vị trí chiến lược và vai trò quan trọng, đang trở thành mục tiêu tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc trong đó có Ấn Độ.

Nguyên nhân địa chiến lược và địa kinh tế của khu vực Biển Đông đã định hình lợi ích kinh tế tự nhiên của Ấn Độ ở đây. Biển Đông là vùng biển tự nhiên tiếp giáp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nối liền Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, kết nối một vùng rộng lớn các nền kinh tế năng động. Các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc bao gồm cả Hồng Công, Ma Cao và Đài Loan đều là những nền kinh tế quan trọng trên thế giới; cũng là những đối tác kinh tế quan trọng của Ấn Độ. Có thể thấy, xu hướng kim ngạch thương mại của Ấn Độ với các quốc gia này đang gia tăng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch buôn bán của Ấn Độ với thế giới.

Về phía Ấn Độ, thị trường Đông Nam Á được xác định khoảng 650 triệu dân, tổng thu nhập 1.700 tỷ USD, kim ngạch ngoại thương đạt 2.300 tỷ USD, đầu tư đạt 144 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đây là thị trường rất quan trọng và đầy tiềm năng cho Ấn Độ. Hiện tại thương mại hai bên đạt hơn 100 tỷ USD, sau khi Ấn Độ và ASEAN ký thỏa thuận tự do kinh tế FTA. Mậu dịch hai chiều giữa Ấn Độ với Đài Loan, Hồng Công cũng đạt giá trị lớn, riêng với Trung Quốc thương mại hai chiều đã vượt trên 100 tỷ USD… Ấn Độ cũng hưởng những lợi ích không nhỏ khi duy trì tuyến đường hàng hải qua Biển Đông đến Đông Bắc Á và Bắc Mỹ, theo ước tính sơ bộ 50% hoạt động thương mại của Ấn Độ đi qua vùng biển này. Với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, Ấn Độ được hưởng lợi nhiều khi tăng cường đầu tư với các nước trong khu vực. So với ASEAN, Trung Quốc hay Đài Loan, công nghệ sản xuất của Ấn Độ đi sau nên kêu gọi đầu tư kèm chuyển giao công nghệ sẽ giúp nâng cao mặt bằng công nghệ thấp của Ấn Độ. Những năm gần đây Ấn Độ đang tích cực đẩy mạnh thương mại, đầu tư với các nước qua việc thi hành chính sách hướng Đông năm 1992, trong đó trọng tâm chính sách là thắt chặt mối quan hệ với ASEAN bởi các hoạt động liên kết vốn đầu tư và hợp tác thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ. Khai thác hiệu quả nguồn lợi kinh tế từ khu vực là yếu tố quan trọng giúp Ấn Độ thực hiện các mục tiêu kinh tế chính bao gồm: cải cách nền kinh tế, duy trì phát triển nhanh, phát triển bền vững và hòa nhập vào nền kinh tế khu vực.

Ấn Độ là một nước Nam Á nhưng từ lâu đã có những ảnh hưởng truyền thống tới khu vực Đông Nam Á, các mặt chính trị, lịch sử, văn hóa, tôn giáo… đều có dấu ấn của Ấn Độ. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Ấn Độ là nước dẫn đầu phong trào không liên kết, hạn chế tham gia các tổ chức chính trị, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Nền kinh tế tự cung tự cấp đủ cho những nhu cầu cơ bản của quốc gia, cùng sự ám ảnh về hình ảnh một đất nước nửa thuộc địa của Anh đã khiến Ấn Độ gần như đóng cửa nền kinh tế và khép mình với phương Tây Tuy dẫn đầu phong trào không liên kết thời kỳ này nhưng Ấn Độ lại có mối quan hệ khá gần gũi với Liên Xô cả về kinh tế và quân sự. Vì sự phụ thuộc vào phe Liên Xô, ủng hộ Việt Nam dân chủ cộng hòa và tồn tại mâu thuẫn trong vấn đề Campuchia nên nghi ngại giữa Ấn Độ và các nước ASEAN đã cản trở quá trình hợp tác và tìm hiểu lẫn nhau, đặc biệt sau khi Ấn Độ và Nga ký Hiệp định hợp tác hòa bình và hữu nghị. Cho đến năm 1991, quan hệ Ấn Độ – ASEAN mới có những dấu hiệu cải thiện khi Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế Ấn Độ gặp nhiều khó khăn với khoản nợ nước ngoài 70 tỉ USD chiếm 23% GDP năm tài khóa 1990-1991, đồng thời khi đó tình hình khu vực Nam Á nhiều bất ổn, biên giới Ấn Trung không ổn định… Ấn Độ đã nhanh chóng chuyển hướng sang khu vực Đông Nam Á. Năm 1992, chính phủ Ấn Độ bắt đầu thực hiện chương trình hồi sinh kinh tế cùng ASEAN, với tinh thần hợp tác tích cực Ấn Độ đã dành nhiều thành quả.

Bên cạnh kinh tế, quan hệ Ấn Độ – ASEAN cũng được mở rộng trên phương diện an ninh quốc phòng, khoa học kỹ thuật ở các cấp độ giữa Ấn Độ với từng thành viên và giữa Ấn Độ với ASEAN thống nhất, như hợp tác trong hoạt động quốc phòng với Việt Nam (2000), Singapore(2003) và tổ chức tập trận chung, huấn luyện sĩ quan giữa Ấn Độ và các thành viên ASEAN, khẳng định thành quả bước đầu trong hợp tác kinh tế và xây dựng lòng tin về hình ảnh hòa bình hữu nghị qua hợp tác quốc phòng, an ninh với các nước trong khu vực, đặc biệt Ấn Độ chú trọng khu vực Biển Đông và eo Malacca.

Hiện tại, Ấn Độ là một trong hai cực tăng trưởng kinh tế chủ đạo của châu Á tuy nhiên cũng là một quốc gia thiếu năng lượng. Ấn Độ hiện cần nhập khẩu 80% nhu cầu dầu từ nước ngoài dẫn đến việc lượng tiền thanh toán cho nhập khẩu dầu chiếm tới 1/3 lượng tiền chi tiêu, mặc dù mô hình tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ dựa vào lĩnh vực dịch vụ nên cho đến nay đòi hỏi ít năng lượng hơn các nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản nhưng nhu cầu dầu vẫn tiếp tục tăng cao do mức sống tăng và nhu cầu sử dụng cho giao thông của Ấn Độ trong thập niên tới. Trong khi đó, khu vực Biển Đông là giàu tài nguyên dầu mỏ. Với tiềm năng kinh tế to lớn, khoa học kỹ thuật – công nghệ thông tin tiên tiến và sự gần gũi về mặt địa lí, nếu tình hình ổn định Ấn Độ sẽ là một trong những quốc gia có khả năng rất lớn trong lĩnh vực đầu tư khai thác dầu mỏ ở khu vực này, tập chung vào các nước khu vực Biển Đông và các nước khu vực Đông Nam Á, việc khai thác này giúp Ấn Độ đa dạng hóa nguồn cung và giảm đáng kể sự phụ thuộc vào dầu mỏ ở Trung Đông trong tương lai.

Không những vậy, Biển Đông được coi là cửa ngõ phía Đông của Ấn Độ, cũng là thị trường kinh tế trọng tâm trong giai đoạn hiện tại. Hàng hóa xuất nhập khẩu vào Ấn Độ đi theo hai hướng chính: Hướng phía Đông qua eo Malacca và hướng Tây đến khu vực Trung Đông, con đường phía Đông chắc chắn phải qua các eo biển ở Đông Nam Á, qua quần đảo Trường Sa của Việt Nam và ghé qua các hải cảng ở Việt Nam, Malaixia, Philipin, Trung Quốc, nếu muốn vận chuyển hàng hóa lên vùng Đông Bắc Á và Bắc Mỹ thì phải đi qua eo biển Bashi (nằm giữa Đài Loan và các đảo phía Bắc Philippin). Các hải cảng lớn trong vùng là nơi trung chuyển hàng hóa, cung cấp dịch vụ quan trọng cũng như tiếp nhiên liệu và lương thực cho tàu biển qua lại, tàu thuyền của Ấn Độ chắc chắn phải đi qua khu vực này. Thống kê cho thấy hơn 50% hàng hóa thương mại của Ấn Độ qua eo Malacca, 50% sắt thép, 13% nhôm Nhật Bản nhập khẩu từ Ấn Độ… Do vậy Biển Đông đóng vai trò quan trọng cho an ninh kinh tế của Ấn Độ. Nếu một số địa điểm nhạy cảm như eo Malacca hay khu vực trung tâm Biển Đông là quần đảo Trường Sa của Việt Nam bùng phát xung đột do các tranh chấp về chủ quyền chắc chắn có tác động lớn đến hoạt động kinh tế thương mại của Ấn Độ với khu vực kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, nhất là đối với các nền kinh tế xung quan khu vực Biển Đông. Vì vậy, Ấn Độ có đầy đủ cơ sở để khẳng định quyền bảo vệ hợp pháp lợi ích an ninh về kinh tế ở khu vực.

Bên cạnh đó, Biển Đông cũng giữ vị trí chiến lược quan trọng về mặt an ninh quốc phòng đối với Đông Nam Á và toàn bộ khu vực châu Á Thái Bình Dương. Khu vực Biển Đông có những quân cảng quan trọng như căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc ở cực nam đảo Hải Nam, quân cảng Cam Ranh của Việt Nam có điều kiện thuận lợi cho phòng thủ, tác chiến, cảng Subic ở Phillipin với hiện diện của hải quân Hoa Kỳ cùng nhiều cảng quân sự ở Malaixia, Singapore… Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông, từ vị trí này có thể xây dựng các trạm quan sát, giám sát hay căn cứ quân sự có khả năng phong tỏa vùng biển và tuyến đường vận tải rộng lớn. Khu vực Biển Đông cũng tập chung 6 trên 16 eo biển chiến lược của thế giới có ảnh hưởng tới hoạt động của tàu ngầm, vị trí chiến lược về quốc phòng của khu vực này đã được chứng minh trong các sự kiện lịch sử trước đây, như việc Nhật Bản sử dụng đường biển và khu vực Biển Đông làm căn cứ để xâm chiếm toàn bộ khu vực Đông Nam Á và châu Á Thái Bình Dương trong thế chiến thứ hai, hay các căn cứ hải quân lớn của Nga và Mỹ cũng từng được đặt trong khu vực.

Có thể nói bất kỳ một thế lực nào khống chế được Biển Đông sẽ ảnh hướng đến an ninh quốc phòng và nhiều lợi ích khác của Ấn Độ do vị trí kề sát Ấn Độ Dương. Với việc tham gia hoạt động quân sự ở Biển Đông, Ấn Độ có thể đảm bảo an ninh quốc gia khi khống chế một khu vực cửa ngõ tiến vào Ấn Độ Dương cũng như theo dõi được tình hình hoạt động của các cường quốc hải quân khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ hay hạm đội Thái Bình Dương của Nga… nguyên nhân do Biển Đông và eo Malacca là tuyến đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương để các lực lượng hải quân này di chuyển.

Cuối cùng, Biển Đông xét trên một khía cạnh khác là công cụ gián tiếp để Ấn Độ đạt được lợi ích sâu xa hơn. Đầu tiên cần kể đến việc đối phó với nguy cơ an ninh từ phía Trung Quốc. Lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông là hóa giải kế hoạch được nhiều nhà nghiên cứu gọi là “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và kiềm chế hải quân Trung Quốc ngay tại cửa ngõ. Trung Quốc có nhiều năm tăng trưởng kinh tế là cơ sở để tăng nhanh ngân sách quốc phòng và hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân. Trung Quốc cũng nỗ lực thông qua kinh tế, chính trị, viện trợ nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của mình đến một vùng rộng lớn từ Đông Nam Á đến châu Phi, mà trọng tâm là hình thành nên chuỗi cảng biển và căn cứ hải quân có tiềm năng trở thành các căn cứ quân sự của Trung Quốc. Liền kề đó là một loạt các “viên ngọc trai”, bao gồm căn cứ ở Phú Lâm – Hoàng Sa và một phần Trường Sa do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam. Tiếp theo, tại Campuchia Trung Quốc đã cung cấp nhiều khí tài quân sự và hỗ trợ Campuchia xây dựng tuyến đường sắt chạy dọc biên giới Thái Lan. Đến Thái Lan, Trung Quốc cũng ủng hộ Thái Lan khi đưa ra tham vọng xây dựng kênh đào ngang qua Kra Isthmus trị giá 20 tỷ USD để giảm tải tại eo Malacca tuy nhiên dự án này không được thực hiện. Tại Myanmar, Trung Quốc đã xây dựng đường ống dẫn dầu dài 2.500 km giữa cảng Kyakpyu với tỉnh Vân Nam, tăng cường hoạt động tại cảng Thilawa và thiết lập trạm chắn sóng điện tử trên quần đảo Coco (vịnh Bengale), củng cố thêm lối ra ở Myanmar. Đến vùng biển Ấn Độ Dương, Trung Quốc cũng đã hiện diện tại các cảng Chittagong của Bangladesh, cảng Hambantota của Sri Lanka đồng thời đang tăng cường quan hệ với quốc đảo Mandives và Seychelles. Đặc biệt cảng Gwadar ở Pakistan đóng vị trí rất quan trọng trong chuỗi; việc xây dựng đang tiến triển nhanh chóng. Với việc tiến vào Biển Đông thiết lập hiện diện tại các cảng biển khu vực để chia nhỏ và cắt đứt liên hệ giữa các “viên ngọc trai”, Ấn Độ có thể hóa giải triệt để chiến lược “chuỗi ngọc trai” trên biển của Trung Quốc. Ấn Độ cũng nhận thấy cơ hội phù hợp để hợp tác quân sự quốc phòng với các nước Biển Đông để làm phân tán sức mạnh Trung Quốc ra nhiều hướng và giảm áp lực tại căn cứ quân sự trên đất liền. Ấn Độ cũng duy trì sức mạnh hải quân và trợ giúp các nước trong khu vực nhằm biến những lợi thế về lực lượng để đạt được lợi ích chính trị và những mục tiêu đàm phán lớn hơn với Trung Quốc.

Hoạt động của Ấn Độ trong khu vực Biển Đông

Với lợi ích to lớn Ấn Độ được nhìn nhận từ khu vực cùng với bối cảnh chính trị mới ra đời, Ấn Độ nhanh chóng triển khai tầm nhìn của mình bằng việc cụ thể hóa bằng chiến lược Hướng Đông đến khu vực Đông Nam Á và rộng lớn hơn là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Biển Đông là khu vực trung tâm Ấn Độ thực hiện của chính sách ngoại giao này.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư: Sự tham gia của Ấn Độ trong các hoạt động tại khu vực tập chung thắt chặt và làm sâu sắc mối quan hệ về kinh tế với các nước nước ASEAN và cải thiện về mặt ngoại giao với các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Với tinh thần hợp tác ấy Ấn Độ đã đạt nhiều thành quả. Tháng 3/1993, Ấn Độ trở thành đối tác đối thoại khu vực ASEAN, tới năm 1995 Ấn Độ trở thành đối tác toàn diện ASEAN và năm 1996 gia nhập khối thành viên của diễn đàn ASEAN. Quan hệ kinh tế hai bên đã đạt những kết quả mới trong hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa ASEAN và Ấn Độ năm 2003 với mục tiêu: “ giảm thiểu rào cản thương mại và tăng cường quan hệ kinh tế, hạ giá thành, tăng cường thương mại và đầu tư giữa các khu vực, tăng hiệu quả kinh tế, mở rộng thị trường với những cơ hội lớn và hoạt động kinh tế có quy mô lớn cho các doanh nghiệp của cả hai phía và mở rộng khu vực thu hút vốn đầu tư và nhân lực”.

Về khai thác dầu khí: Khai thác dầu khí là những bước triển khai đầu tiên trong lộ trình tham gia vào khu vực của Ấn Độ khi xác định lợi ích của mình ở Biển Đông. Ngay từ cuối những thập niên 80, thời điểm bắt đầu cụ thể hóa chiến lược Hướng Đông, Ấn Độ đã tiến hành khai thác và thực hiện các dự án liên quan đến đường ống dẫn khí tại Biển Đông. Cụ thể, Ấn Độ thông qua công ty OLV- một công ty khai thác dầu khi chuyên hoạt động ở nước ngoài thuộc ONGC(Tập đoàn dầu và khí đốt tự nhiên quốc gia Ấn Độ) đã thực hiện dự án chung khai thác năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam. Tập đoàn ONGC đã hợp tác với hai đối tác là tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (Petro Việt Nam) và tập đoàn năng lượng Anh Quốc (Bristish Petroleum/BP) và bắt đầu khai thác vào năm 1992- 1993 sau khi phát hiện ra hai mỏ khí Lan Đỏ và Lan Tây với trữ lượng ước tính khoảng 58 tỷ m3 và sản lượng có thể khai thác là 3 tỷ m3 mỗi năm. Tuy nhiên do khủng hoảng tài chính, OLV đã phải bán lại cổ phần cho BP vào cuối thập niên 90. Trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ tăng cao trong nước, những năm gần đây Ấn Độ đang tích cực thăm dò khai thác và tìm nguồn cung năng lượng mới từ nước ngoài. Năm 2010, tại hội nghị dầu lửa ở New Delhi, thủ tướng Ấn Độ Mimohan Singh đã nhấn mạnh “tại Ấn Độ nhu cầu trong 10 năm tới sẽ gia tăng khoảng 40% trong khi sự gia tăng về mức cung của các giếng dầu đang tăng trưởng thành dự kiến vào khoảng 12%” nên “ Chính phủ Ấn Độ đang khuyến khích tất cả các công ty dầu quốc gia theo đuổi các cơ hội về tài sản dầu khí ở nước ngoài. Vì những lý do này mà chúng ta tìm cách xây dựng sự hợp tác kinh tế vững mạnh với các nước sản xuất khác và các công nghiệp dầu khí của họ vì lợi ích chung của tất cả chúng ta”. Tổng công ty Dầu và Khí đốt thiên nhiên của Ấn Độ dự định vay 10 tỷ đôla trong thập niên tiếp theo để mua các tài sản ở nước ngoài và Ấn Độ cũng cho phép các công ty quốc doanh có thể chi 1 tỷ USD để mua tài sản mà không cần chấp thuận của chính phủ. Cũng trong 2010, đối tác BP của Anh đã rút khỏi liên doanh và tuyên bố bán lại cổ phẩn để trả nợ cho vụ tràn dầu ở vịnh Mehico tại Colombia, Venezuela và Việt Nam, nhân cơ hội này OLV của Ấn Độ đã tìm cách mua lại số cổ phần này với giá 1,3 tỷ USD tại thời điểm OVL sở hữu 45% cổ phần, BP (British Petroleum) có 35% và Dầu khí Việt Nam sở hữu 20% cổ phiếu còn lại. Ấn Độ tiếp tục mở rộng hoạt động dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam tại hai lô 127 và 128 với khoản đầu tư 68 triệu USD chiếm 100% ở lô 127 và 49,14 triệu USD chiếm 75% ở lô 128 và liên doanh với ConocoPhilips và PetroVietnam tại lô 5-3. Ngày 16/5/2013, chính phủ Ấn Độ tiếp tục xem xét kế hoạch đầu tư thêm 145.94 triệu USD vào cổ phần liên doanh trên OLV hiện tại đã tiến hành liên doanh, khai thác trên 15 quốc gia với lượng khai thác đạt 202,908 triệu tấn dầu và khí. Với tiềm lực khoa học vững mạnh cùng với quá trình phát triển cần năng lượng trong khi Biển Đông là một khu vực mở có tiềm năng dầu khí lớn lại gần gũi về địa lý và cùng điều kiện khí hậu, địa chất, đó là những điều kiện thuận lợi để Ấn Độ mở rộng hợp tác và thăm dò dầu khí với các quốc gia khác ngoài Việt Nam như Philipines, Brunay, Malayxia, Indonexia …

Về hợp tác an ninh: Tiếp cận khu vực Đông Nam Á trên lĩnh vực kinh tế, năm 2003 đánh dấu bước chuyển cơ bản trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ với giai đoạn hai của chính sách Ấn Độ gọi là “Hướng đông” với mục tiêu hợp tác về chiều sâu trong kinh tế và tham gia vào vai trò an ninh khu vực. Dựa trên cơ sở nền tảng kinh tế trọng yếu, tăng trưởng nhanh và trong bối cảnh cán cân quyền lực đang chuyển đổi tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với sự chuyển trọng tâm của Hoa Kỳ, trỗi dậy của Trung Quốc, tham gia trở lại của Nga và quá trình bình thường hóa của Nhật Bản đã yêu cầu sự tham gia của Ấn Độ như một yếu tố thúc đẩy hòa bình an ninh hợp tác. Ấn Độ đã tận dụng thời cơ đó và xuất hiện trên các diễn đàn an ninh với vai trò một cường quốc thân thiện đang lên, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và thế giới, trong đó Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong chính sách an ninh của Ấn Độ.

Hiệu quả chính sách tăng cường an ninh của Ấn Độ được thấy rõ qua số lượng các diễn đàn, tổ chức an ninh mà Ấn Độ tham gia với tư cách thành viên và vai trò của Ấn Độ trong các tổ chức này. Năm 1996, sau khi trở thành “đối tác toàn diện của ASEAN”, Ấn Độ đã tham gia vào diễn đàn an ninh đa phương khu vực ASEAN (ARF) và đóng góp tích cực cho diễn đàn từ những năm 1997. Ấn Độ sau đó mở rộng quan hệ với ASEAN thông qua cơ chế ASEAN + 1, ASEAN + 3, ASEAN + 6… Năm 2003, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Ấn Độ được tổ chức tại Campuchia tiến hành ký hiệp ước thân thiện và hợp tác(TAC) với vị thế Ấn Độ là nước đầu tiên ngoài khu vực tham gia hợp tác này. Năm 2004, Ấn Độ tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN X tại Lào, theo đó đã ký kết văn kiện “Đối tác vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng” mở ra cơ chế hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Ấn Độ trên mọi lĩnh vực chính trị, anh ninh, kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa…

Thông qua cơ chế hợp tác thảo luận tại các diễn đàn này Ấn Độ không ngừng tìm cách tăng cường vị thế và vai trò an ninh của mình qua việc tham gia đối thoại, đề xuất các sáng kiến hợp tác và thiết lập khung pháp lý, đóng góp thiết thực cho tiến trình đảm bảo an ninh khu vực. Trong đó cần kể đến Biển Đông đóng vai trò trọng tâm trong thảo luận và quan điểm của Ấn Độ đối với khu vực, thể hiện rõ ràng qua các kỳ Diễn đàn khu vực ARF.

Về hợp tác quân sự quốc phòng: Trên lĩnh vực hợp tác quân sự quốc phòng, Ấn Độ dựa trên cơ sở tiềm lực quốc phòng hùng mạnh đã mở rộng hoạt động quân sự ra ngoài khu vực Ấn Độ Dương mà khu vực Biển Đông là một trọng tâm can dự của Ấn Độ. Có thể nói Ấn Độ đã lựa chọn cách tiếp cận quân sự khôn khéo cả về không gian và chiều sâu. Năm 1995, Ấn Độ hợp mở rộng hợp tác quân sự ở Biển Đông, bắt đầu với Myanmar và khu vực vịnh Bengan. Vị trí Myanmar là chiến lược quan trọng khi nằm cận kề Ấn Độ, là nối tự nhiên của Ấn Độ đến khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc có ý định tăng cường hợp tác với Myanmar để vươn ra khu vực Ấn Độ Dương.. nguyên nhân trên thúc đẩy Ấn Độ nỗ lực quan hệ hợp tác với Myanmar đặc biệt trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Ấn Độ đã cung cấp nhiều thiết bị quốc phòng cho Myanmar và các hỗ trợ khác về phát triển giao thông và kinh tế. Nỗ lực hợp tác của Ấn Độ đã được ủng hộ phần nào qua các hoạt động trao đổi cấp cao với Myanmar và tàu hải quân Ấn Độ được cập cảng Myanmar. Tháng 1 năm 2006, tàu hải quân Myanmar cập cảng Blair và tham gia tập trận Milan lịch sử khi lần đầu tiên tàu quân sự Myanmar cập cảng nước ngoài. Hải quân Ấn Độ tiếp tục tiếp cận eo Malacca bằng hoạt động phòng thủ an ninh chống cướp biển cho khu vực nhưng thực chất sâu xa là kiểm soát eo biển chiến lược này. Ấn Độ tiếp tục mở đường cho hoạt động của hải quân, bằng việc thực hiện thông lệ hàng năm cử các tàu chiến của mình tới thăm các quốc gia dọc tuyến đường hàng hải này đó là Malaysia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Trung Quốc và vươn đến các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Về chiều sâu hợp tác, Ấn Độ cũng thực hiện chính sách tiếp cận từ gián tiếp đến trực tiếp, đầu tiên là hoạt động ngoại giao hải quân thường niên, rồi tiến tới đề xuất các cơ chế hợp tác trong hoạt động chống cướp biển như hỗ trợ tuần tra chung tại khu vực eo Malacca. Sau đó tiến tới hoạt động hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn như tiến hành tập trận và giao lưu hải quân.

Ấn Độ đã hợp tác về quân sự với nhiều quốc gia trong khu vực. Từ năm 1991, Ấn Độ tích cực hợp tác hải quân với Singapore qua tập trận thường niên chu kì 2 năm tên là Milan và sau năm 1996 đổi tên thành Tập trận chống ngầm (ASW). Tháng 9/1994, hai nước ký bản ghi nhớ về hợp tác hải quân chung cho phép hải quân Singapore tiếp cận các tàu ngầm và tham sự chương trình huấn luyện tác chiến chống ngầm của Ấn Độ. Năm 2003, Ấn Độ thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Singapore. Lần lượt vào tháng 10/2004 và tháng 1/2006, Ấn Độ – Singapore tập trận song phương SINDEX 04 tại Gwalior và gần Kolkata. Tháng 10/2008, hai nước tiến hành tập trận không quân tại căn cứ không quân Kalaikunda29. Điểm đột phá trong hoạt động của hải quân Ấn Độ ở khu vực Biển Đông là cuộc tập trận chung SIMBEX năm 2011 giữa Singapore và Ấn Độ khi hai nước sử dụng lực lượng rất mạnh, đặc biệt là Ấn Độ sử dụng gần 1400 thủy quân và những tàu chiến hiện đại nhất của mình như NS Delhi, INS Ranvijay, INS Ranveer 30 khá nhạy cảm khi tham gia với lực lượng mạnh và địa điểm tiến hành là căn cứ hải quân Changi của Singapore, cuộc tập trận chung được giới phân tích cho là biểu dương lực lượng của hải quân Ấn Độ tại Biển Đông và đã bị Trung Quốc phản ứng khá gay gắt. Gần đây Ấn Độ liên tục tăng cường năng lực quốc phòng và hiện tại đã trở thành lực lượng hải quân lớn trong khu vực.

Nhìn chung, Ấn Độ ngày nay đang định vị thành một “siêu cường”, bất chấp công việc nội bộ phức tạp trong nước và khu vực. Sự nổi lên của các cường quốc luôn đi kèm theo nhu cầu khống gian lợi ích, Ấn Độ cũng không phải ngoại lệ. Khu vực Biển Đông được xác định đem lại những lợi ích chiến lược trong tổng thể chính sách châu Á- Thái Bình Dương toàn diện về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng của Ấn Độ. Sự tham gia chiến lược của Ấn Độ vào khu vực là bước đệm quan trọng cho vai trò quốc tế của Ấn Độ trong việc giải quyết vấn đề khu vực và toàn cầu. Mặc dù vậy, Biển Đông cũng chứng minh một phép toán khó có thể giải quyết bởi một Ấn Độ riêng lẻ – đại diện của cường quốc mới nổi khu vực, trong việc cân bằng “lợi ích chiến lược” với các cường quốc khác.

Tuy nhiên, đối lập với sự trỗi dậy bất ổn kiểu Trung Quốc đang gây lo ngại trên diện rộng thì Ấn độ nổi lên như một lời khẳng đinh giá trị dân chủ, tiến bộ, một quá trình phát triển từ tốn nhưng bền vững và một sự “trỗi dậy hòa bình” theo đúng nghĩa của nó. Trên khía cạnh nào đó, có thể coi Ấn Độ đã tham gia thành công vào khu vực biển Đông mà rộng hơn là toàn bộ Đông Nam Á và khu vực châu Á Thái Bình Dương. Với sự ủng hộ của siêu cường duy nhất Hoa Kỳ, bạn bè truyền thống LB Nga, đối tác mới mẻ Nhật Bản, Australia và một cộng đồng ASEAN thống nhất, Ấn Độ đã khẳng định rõ ràng vai trò an ninh và kinh tế trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới