Wednesday, November 6, 2024
Trang chủĐàm luậnViệt Nam có thể hoàn toàn ‘thoát Trung’ được không?

Việt Nam có thể hoàn toàn ‘thoát Trung’ được không?

Sau sáu năm, tôi lại đến Việt Nam lần nữa; chuyến đi này nhằm mục đích chính là tìm hiểu tình hình tiến trình “Thoát Trung” của Việt Nam thời cận đại và hiện đại cũng như các ảnh hưởng của tiến trình đó.

Cho dù chỉ là một du khách bình thường đi tham quan kiểu cưỡi ngựa xem hoa thì bạn cũng sẽ dễ dàng cảm nhận được văn hóa Trung Hoa có ảnh hưởng sâu sắc như thế nào đối với Việt Nam: những biển chữ Hán ngoài cổng các kiến trúc cổ trên đường phố, những đôi câu đối nghiêm chỉnh trên cột các đền chùa, môn cờ tướng Trung Quốc là trò giải trí được nhiều người ưa thích nhất ở các công viên, chữ Song Hỷ màu hồng trong các lễ cưới….

Thế nhưng sau khi đi sâu quan sát thì bạn sẽ phát hiện thấy chỗ nào cũng có dấu tích của tiến trình “Thoát Trung”: một số bảng biển chữ Hán ở các đền chùa bị thay bằng các bảng biển viết chữ Quốc ngữ La tinh hóa, thậm chí cả đến câu đối cũng đều đã “La tinh hóa” như vậy, những chữ La tinh của đôi câu đối viết dọc từ trên xuống dưới đem lại cho người ta một cảm giác cười ra nước mắt; trong các viện bảo tàng, những phần trưng bày về kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hầu như không thấy nói gì về viện trợ của Trung Quốc; các cửa hiệu trên đường phố đều treo biển “Hàng Việt Nam”, “Hàng Nhật”, “Hàng Hàn Quốc” “Hàng Mỹ” thậm chỉ “Hàng Canada” mà hầu như chẳng thấy biển hiệu “Hàng Trung Quốc”, cho dù Trung Quốc là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất vào Việt Nam.

Chưa thấy nhiều tác phẩm nghiên cứu có hệ thống về vấn đề Việt Nam “Thoát Trung”. Trong mấy tài liệu tôi sưu tầm được, các tác giả chưa nhất trí về nguồn gốc và tình hình phát triển của tiến trình Việt Nam “Thoát Trung”, việc phân tích động cơ “Thoát Trung” cũng khá đơn giản, và đó lại chính là nguyên nhân thúc đẩy tôi đến Việt Nam tìm hiểu.

“La tinh hóa” chữ viết của Việt Nam

Trong tác phẩm “Khối cộng đồng tưởng tượng – nguồn gốc và sự truyền bá chủ nghĩa dân tộc” [Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism] của Benedict Anderson có viết: “Các tưởng tượng về nhà bảo tàng và quá trình tổ chức nhà bảo tàng đều có tính chính trị sâu sắc”. Tôi luôn cho rằng nếu muốn tìm hiểu lịch sử một nước, hoặc nói chính xác hơn, nếu muốn tìm hiểu một quốc gia đã hướng dẫn người dân của họ nhìn nhận lịch sử của nước mình như thế nào thì cách tốt nhất là hãy đến thăm viện bảo tàng lịch sử của quốc gia đó.

“Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam” là một tòa kiến trúc kiểu Pháp mang đặc sắc thuộc địa rõ ràng. Nơi đây từng là viện nghiên cứu khảo cổ có tên “Viện Viễn đông bác cổ của Pháp Quốc (École française d’Extrême-Orient, EFEO)”. Viện này có đóng góp to lớn cho công cuộc nghiên cứu các lĩnh vực lịch sử học, khảo cổ học, nhân học vùng Đông Nam Á, Đông Á và Nam Á; trong đó cống hiến được truyền tụng nhất là thành tựu nghiên cứu về đền Angkor Wat ở Campuchia và về Hán học Viễn Đông cũng như Đôn Hoàng học. Viện Viễn đông bác cổ của Pháp Quốc còn phát minh ra một bộ chữ ghi âm Hán ngữ La Tinh hóa, từng một thời được dùng rộng rãi ở các nước nói tiếng Pháp hoặc dùng La Tinh ngữ.

Bộ chữ cái ghi âm ban đầu do Viện Viễn đông bác cổ của Pháp Quốc thiết kế chắc là không khác mấy so với chữ Quốc ngữ Việt Nam La tinh hóa do các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha phát minh hồi thế kỷ 16, nhằm tạo thuận tiện cho người phương Tây học Hán ngữ và tiếng Việt, cũng như cho việc truyền giáo và giao tiếp hàng ngày. Thế nhưng, cùng với tiến trình toàn cõi Việt Nam biến thành thuộc địa của Pháp còn Trung Quốc thì chưa hoàn toàn trở thành thuộc địa, hai loại chữ viết La tinh hóa ấy có số phận khác nhau. Sau khi Hệ thống Pinyin Hán ngữ do nhà nước Trung Quốc triển khai được Liên Hợp Quốc thừa nhận là Hệ thống Pinyin tiêu chuẩn quốc tế thì bộ chữ ghi âm Hán ngữ do Viện Viễn đông bác cổ của Pháp Quốc phát minh và bộ chữ ghi âm Hán ngữ kiểu Wade–Giles [Wade–Gilles system] do người Anh phát minh cũng như một vài kiểu chữ phiên âm Hán ngữ khác đều dần dần mất đi địa vị quốc tế, không còn được sử dụng nữa.

Nhưng từ thế kỷ 19 thực dân Pháp lại ra sức đẩy mạnh sử dụng chữ Việt Nam La tinh hóa (chữ Quốc ngữ), dần dần trở thành chữ viết chính thức của xứ Đông Dương thuộc Pháp. Người Pháp làm thế nhằm mục đích chính là để tầng lớp tinh hoa người Việt thoát ra khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, cắt đứt mối liên hệ văn hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc. Cho nên một số học giả coi việc La tinh hóa văn tự Việt Nam tiến hành trong thời kỳ Pháp đô hộ nước này là sự khởi đầu quá trình “Thoát Trung” của Việt Nam.

Thế nhưng ngay cả trong thời kỳ Pháp thuộc thì chữ Hán và chữ Nôm (một loại chữ Việt Nam hóa dựa trên nền tảng chữ Hán) cũng không hoàn toàn biến mất trong đời sống người Việt. Trên rất nhiều lĩnh vực, chữ Hán vẫn dùng song song với chữ Quốc ngữ. Sau khi thành lập chính quyền Bắc Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo thì chữ Hán hoàn toàn bị thay thế, trở thành vật hy sinh của “Phong trào xóa nạn mù chữ” do nhà nước triển khai. Đối ngoại, chính phủ Việt Nam tuyên bố sở dĩ phải đẩy mạnh dạy chữ Quốc ngữ chứ không dạy chữ Hán, đó là do chữ Quốc ngữ La tinh hóa đơn giản dễ học. Nhưng trên thực tế cho dù là tầng lớp lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hay tầng lớp tinh hoa trong xã hội Việt Nam thời ấy, ai cũng đều hiểu rõ bỏ chữ Hán là bước đi cốt lõi của tiến trình “Thoát Trung” nhằm để Việt Nam hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng mấy nghìn năm của Trung Quốc.

Tự thuật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam

Trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam [Vietnam National Museum of History] ở Hà Nội, phần lớn các văn bản thuyết minh và lời thuyết minh vật trưng bày đều dùng tiếng Việt và tiếng Anh; một số ít “nội dung nhạy cảm” thì chỉ giới thiệu bằng tiếng Việt. Mặc dầu Trung văn không được dùng ở đây nhưng rất nhiều văn bản lịch sử và hiện vật lịch sử lại đều thể hiện bằng chữ Hán, nhất là phần lịch sử cổ đại.

Theo cách nói của giới sử học Trung Quốc thì lịch sử Việt Nam có thể sơ lược chia làm 5 thời kỳ: 1) Thời tiền sử và các truyền thuyết;  2) Thời kỳ Bắc thuộc, tức thời kỳ Việt Nam là một bộ phận của Trung Quốc, bắt đầu từ khi tướng nhà Tần là Triệu Đà bình định Bách Việt và lập nước Nam Việt tại Phiên Ngung [Panyu] thuộc tỉnh Quảng Đông thời nay cho tới năm 938 sau CN thời Ngũ đại thập quốc [907-979], khi Ngô Quyền của Việt Nam đánh bại quân Nam Hán, lập triều đại nhà Ngô độc lập;  3) Thời kỳ quốc gia độc lập, từ năm 938 đến năm 1884 khi nước Pháp biến Việt Nam thành thuộc địa; suốt thời kỳ đó, Việt Nam là nước phiên thuộc của nhiều vương triều Trung Quốc, trong đó có 20 năm Việt Nam bị nhà Minh thu hồi thành thuộc quốc;  4) Thời kỳ là thuộc địa của Pháp;  6) Thời kỳ độc lập sau Thế chiến II.

Các ghi chép lịch sử thường có nội dung khác nhau bởi lẽ chủ thể viết sử khác nhau, điều đó không khó hiểu. Trong Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ở phần thời kỳ tiền sử, văn hóa Đông Sơn được giới thiệu nhiều nhất, coi là tiêu biểu của thời này, nhưng ở thời kỳ thứ hai thì nền văn hóa đó lại bị lược bỏ. Trên thực tế, phần giới thiệu duy nhất về thời kỳ thứ hai là một bảng biểu “Chống xâm lược” xuyên suốt thời kỳ này, toàn bộ đều viết bằng chữ Quốc ngữ. Thế nhưng khi đọc kỹ bảng biểu đó người ta có thể thấy một số “nội dung nhạy cảm”: chống Đông Hán, chống Lưỡng Tấn, chống Nam Triều, chống quân nhà Đường v.v… Theo ghi chép của lịch sử Trung Quốc thì các nội dung này đều được định nghĩa là những sự kiện lịch sử “dân địa phương nổi dậy [dân biến]” hoặc “làm loạn [tác loạn]”, còn tại bảo tàng này thì tất thẩy đều được coi là nghĩa cử “chống ngoại xâm”.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia dành cho thời kỳ thứ ba phần giới thiệu rất chi tiết nhưng sợi chỉ chính xuyên suốt phần này thì không thay đổi, vẫn là chủ đề “Chống xâm lược phương Bắc” như chống quân Tống, chống quân Nguyên, chống quân Minh, chống quân Thanh… song le lại không một chữ nào nói đến mối quan hệ giữa chính quốc [tông chủ, tức Trung Quốc] với nước phiên thuộc [tức Việt Nam]. Trong đó có một đoạn khá thú vị nói về thời kỳ 20 năm Minh thuộc: Theo ghi chép trong “Đại Việt Sử ký toàn thư”, sách sử chính thức của triều Hậu Lê Việt Nam thì những năm đầu nhà Minh, trong triều đình nhà Trần ở Việt Nam có xảy ra sự kiện một người họ Hồ [Hồ Quý Ly?] thuộc bên ngoại của nhà vua định cướp ngôi, nhà Minh phái quân đội Nam tiến sang Việt Nam để lập lại sự công bằng về đạo lý; sau khi diệt xong Hồ, các quan lại và người cao tuổi bản địa cho biết hoàng tộc nhà Trần đã bị tuyệt diệt không còn người nối dõi, yêu cầu nhà Minh thu hồi quốc hiệu An Nam Quốc (Việt Nam), khôi phục chế độ đãi ngộ “quận huyện” của vương triều Trung nguyên trước kia. Trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đoạn lịch sử này cũng được giới thiệu là “Nhà Minh xâm lăng Việt Nam, phạm tội ác tầy trời”.

Tự khoe là “chính thống Trung Hoa”

Cho dù phần tự thuật trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tràn đầy tinh thần “Chống phương Bắc” nhưng từ quá trình lịch sử Việt Nam được thể hiện trong mọi trưng bày ở đây rất khó có thể nói các đời vương triều Việt Nam có một quá trình chủ động “Thoát Trung”. Trên thực tế, vào các thời Nguyên Mông, Mãn Thanh làm chủ vùng Trung nguyên Trung Quốc, các văn bản thư tịch của vương triều Việt Nam từng [có ý khinh bỉ] gọi hai kẻ thống trị phương Bắc ấy là “Mông Thát”, “Mãn Di”, mà tự khoe mình là “Chính thống Trung Hoa”. Trong bảo tàng có một bản chiếu thư bằng gấm do hoàng đế triều nhà Nguyễn sắc phong một vị tướng chống quân Thanh, trên tờ chiếu đó thậm chí có mấy chữ Hán: “Kiến công Vạn lý tráng Trường thành”.

Vào cuối thời đại phong kiến, Việt Nam ra sức mở rộng lãnh thổ, dần dần chiếm lĩnh một vùng đất rộng ở châu thổ sông Mekong vốn thuộc Campuchia. Trong quá trình cưỡng chế đồng hóa người Cao Miên, Việt Nam càng cưỡng bức người “Cao man” (người Cao Miên) mặc Hán phục, học chữ Hán. Sách sử chính thức của triều Nguyễn “Đại Nam thực lục” chép: “… Tai nghe nhiều thi quen, mắt thấy nhiều thì thuộc, cứ thế [người Miên] dần dà hòa nhập với phong tục người Hán; nếu lại có thêm sự giáo hóa của chính quyền, dùng văn hóa Hoa Hạ để biến đổi các dân tộc man di, xem ra sau vài chục năm thì có thể làm cho họ chẳng khác gì người Hán [Hán dân].” Ở đây triều Nguyễn tự xưng là “Hán”, “Hạ” [tên cũ của Trung Quốc], “Hán dân”, khoe mình là dòng chính thống [đích hệ] của văn hóa Trung Hoa.

Nhà văn chuyên mục lịch sử Quách Hoa Mân từng viết trên mục “Tư gia lịch sử” mạng Bloomberg về sự cai trị đất nước của vương triều phong kiến nhà Nguyễn như sau: “Nước Đại Việt dù ở xa trung tâm thống trị của vương triều Trung nguyên nhưng lại toàn lực bắt chước và cấy ghép các chế độ văn hóa, kinh tế, chính trị của Trung Quốc. Triều Lý (1010-1225) chia chế độ quan lại làm hai ban văn võ, mỗi ban có cửu phẩm; các địa phương có Tri phủ, Phán phủ, Tri châu; trung ương còn có các trọng chức như Thái sư, Thái phó, Thái úy, Thái bảo. Thời kỳ đầu triều Lý đã xây dựng Văn miếu để thờ Khổng Tử và Chu Công, bắt chước chế độ khoa cử nhà Tống Đường…”

Phương thức sao chép các chế độ của Trung Quốc kéo dài suốt cho tới đêm trước ngày Việt Nam rơi vào vòng thuộc địa của Pháp. Chịu sự cai trị trực thuộc của Trung Quốc trong hơn 1.000 năm cộng thêm hơn 900 năm bê nguyên xi mọi thứ của Trung Quốc về dùng, Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa quá ư sâu xa (sâu và rộng hơn nhiều so với Triều Tiên, Nhật). Trong “Khối cộng đồng tưởng tượng”, Anderson luận bàn thế này: “Tuy rằng vương triều thống trị Hà Nội và Huế (kinh đô triều Nguyễn) mấy thế kỷ qua đều bảo vệ được nền độc lập, không bị Bắc Kinh xâm phạm, nhưng rốt cuộc họ vẫn cứ dựa vào bè lũ quan liêu dốc lòng bắt chước người Trung Quốc để cai trị đất nước. Cơ quan nhà nước dựa vào chế độ “khoa cử” – kiểu thi viết về chủ đề là các kinh điển Nho giáo để lựa chọn và đề bạt người tài; các văn bản của triều đình đều viết bằng chữ Hán; về mặt văn hóa, mức độ Trung Quốc hóa của giai cấp thống trị cũng rất sâu.”

Rồi Anderson phân tích: Sau năm 1895, các trước tác của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và sau này là của Tôn Trung Sơn… truyền vào Việt Nam khiến cho “mối quan hệ lâu dài giữa Việt Nam với Trung Quốc có tính chất không được [chính phủ thực dân Pháp] hoan nghênh”. Bởi thế nên vào khoảng năm 1915, chế độ khoa cử bị bãi bỏ, thay bằng hệ thống giáo dục thuộc địa với tiếng Pháp là môn học chính. Ngoài ra, chữ Quốc ngữ Việt Nam La tinh hóa được hết sức đề xướng, qua đó làm cho các thế hệ mới của người Việt Nam thuộc địa do không thể tiếp xúc với thư tịch của thời đại các vương triều cũng như văn học cổ xưa mà bị cắt đứt mối liên hệ với Trung Quốc – cũng có thể gồm cả quá khứ của bản địa Việt Nam.

Theo phân tích của Anderson, đối với tầng lớp tinh hoa bản xứ Việt Nam, sự “Thoát Trung” do người Pháp cưỡng chế tiến hành không phải là chủ ý của người Việt, mà là một quá trình bị động. Như vậy sau khi đã đánh đuổi thực dân Pháp (nhất là dưới sự giúp đỡ của quân đội Trung Quốc), Việt Nam hoàn toàn có thể trở lại con đường truyền thống “Trung Quốc hóa”, điều đó chẳng những có thể tăng cường mối quan hệ “láng giềng hữu hảo” giữa Việt Nam với Trung Quốc mà cũng có thể giúp cho người Việt Nam lập lại mối liên hệ với tổ tiên mình.

Song le sự thực lại không như vậy.

Phần tự thuật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đến năm 1945 thì chấm dứt. Chỉ có thể tìm hiểu thời kỳ tiếp theo của lịch sử Việt Nam từ một bảo tàng khác – “Bảo tàng Cách mạng Việt Nam” ở bên kia đường phố. Viện Bảo tàng này trưng bày thời kỳ từ khi chủ nghĩa dân tộc Việt Nam thức tỉnh cho tới ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam rồi đến chiến dịch Điện Biên Phủ, người Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp; về cơ bản có thể coi là lịch sử giai đoạn đầu quá trình phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó tràn ngập sự tuyên truyền mang màu sắc thần thoại, điều này không có gì khó hiểu.

Tiền đề cấu tạo quốc gia dân tộc

Điều khác biệt rõ ràng với các vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là các vật trưng bày trong Bảo tàng Cách mạng hầu như không có chữ Hán, thậm chí hầu như không có hai chữ “Trung Quốc”. Tại đây, phong trào Việt Nam độc lập chống Pháp hoàn toàn do người Việt Nam tự thực hiện, không một chữ nào nhắc tới sự viện trợ của Trung Quốc. Có điều đáng chú ý là ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà lãnh đạo xuất thân từ một gia tộc Nho học nhiều đời, có vốn hiểu biết chữ Hán vững vàng này đã đọc trước công chúng bản “Tuyên ngôn Độc lập” viết bằng chữ Quốc ngữ Việt Nam La tinh hóa. Sau đó không lâu, Hiến pháp năm 1946 ghi rõ chữ Quốc ngữ là chữ viết chính thức của Việt Nam.

Cuốn sách “Khối Cộng đồng tưởng tượng” của Anderson không quan tâm nhiều tới lịch sử “Thoát Trung” của Việt Nam, nhưng trong sách có riêng một chương bàn về sự thức tỉnh của chủ nghĩa dân tộc ở các quốc gia thuộc địa sau Thế chiến II và con đường xây dựng nhà nước dân tộc. Trong đó, tìm kiếm sự thừa nhận thân phận dân tộc mình là bước đi tất yếu để xây dựng quốc gia dân tộc, là cơ sở logic để thực hiện “Khối cộng đồng tưởng tượng”, mà quá trình tìm kiếm đó ắt phải là quá trình chủ động, tỉnh táo.

Đối với tầng lớp lãnh đạo Việt Nam sau ngày độc lập, trở lại “Trung Quốc hóa” tuyệt đối không phải là con đường đúng đắn để xây đắp sự đồng thuận của dân tộc. Ngược lại, “Thoát Trung” mới là điều kiện tất yếu để xây dựng một quốc gia dân tộc. Nói cách khác, nếu Việt Nam muốn trở thành một quốc gia hiện đại độc lập thì “Thoát Trung” là nền tảng, là cốt lõi, là một sứ mệnh lâu dài. Điều đó về cơ bản nhất trí với nhận thức “Thoát Trung” của Nhật Bản, Triều Tiên vốn là các nước trong vành đai văn hóa Trung Hoa, cho dù quá trình “Thoát Trung” của Việt Nam cần thời gian dài hơn, và quá trình đó càng đau khổ hơn đối với hai nước Trung Quốc và Việt Nam.

Nguyện vọng của tầng lớp lãnh đạo Việt Nam

Sau Thế chiến II, 200 nghìn quân Quốc Dân Đảng Trung Quốc tiến vào Việt Nam với danh nghĩa tiếp thu sự đầu hàng của quân đội Nhật chiếm đóng Việt Nam. Không lâu sau, quân đội Pháp cũng đổ bộ vào Việt Nam, yêu cầu phục hồi chủ quyền của quốc gia cai trị thuộc địa trước chiến tranh. Tưởng Giới Thạch lấy việc Pháp trả lại cho Trung Quốc một số lợi ích kinh tế như các tô giới trong lãnh thổ Trung Quốc làm điều kiện trao đổi để rút quân Quốc Dân ra khỏi Việt Nam.

Phần lớn các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thời ấy đều phản đối việc trao trả Việt Nam cho thực dân Pháp, nhưng Hồ Chí Minh lại ký vào Hiệp định.[1] Vì thế mới có chuyện trong ghi chép của nhà báo Mỹ Stanley Karnow có viết một danh ngôn của Hồ Chí Minh:

“Lũ ngốc này! Chẳng lẽ các anh không biết rằng để người Trung Quốc ở lại có nghĩa là gì ư? Các anh không nhớ lịch sử à? Lần trước người Trung Quốc đến đây, họ ở lại một nghìn năm. Người Pháp là kẻ từ bên ngoài tới, họ đã rất suy yếu rồi, chủ nghĩa thực dân đang chết, người da trắng tại châu Á đang hết đời. Nhưng nếu người Trung Quốc ở lại thì họ sẽ mãi mãi không bỏ đi đâu! Tôi thà lại ngửi cứt bọn Pháp thêm 5 năm mà không muốn ăn cứt bọn Tàu suốt phần đời còn lại.”[2]

Trong thế giới Trung văn, câu nói này của Hồ Chí Minh có những bản dịch khác nhau, có thể từ ngữ có chút dị biệt, nhưng ý nghĩa đại để như vậy. Mặc dầu về sau giáo sư Liam Kelley ở Đại học Hawaii có nghi ngờ về xuất xứ câu nói ấy của Hồ Chí Minh mà Karnow trích dẫn, thế nhưng qua liên hệ với hồi ký của một số nhà lãnh đạo Trung Quốc thì những phát biểu của Hồ Chí Minh đại loại như “Biểu hiện ngạo mạn của quân đội Trung Quốc thì giống như biểu hiện của quân đội Trung Quốc thời xưa từng thường xuyên xâm phạm Việt Nam”, và liên hệ tới chuyện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam xóa sạch sự viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp, thì chẳng nói cũng biết tầng lớp lãnh đạo Việt Nam đúng là có xu hướng mạnh mẽ “Thoát Trung”.

Điều thú vị là Anderson sinh ra ở Côn Minh, từ nhỏ gia đình ông có thuê một bà bảo mẫu người Việt Nam; tuy sách của ông không bàn luận sâu về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc song ông lại nói chính cuộc chiến tranh Trung Quốc-Việt Nam năm 1979 đã “trực tiếp gợi ý tôi viết cuốn Khối cộng đồng tưởng tượng”.

Hồi đó toàn thế giới đều cho rằng cuộc chiến ấy có nguyên nhân là sự đấu tranh phe phái trong thế giới cộng sản (Liên Xô và Việt Nam một phe, Trung Quốc và Campuchia một phe), hoặc là cuộc xung đột địa chính trị của ba nước lớn Trung Quốc, Mỹ, Nga. Nhưng Anderson thì nhìn thấy rõ nguyên nhân lịch sử ở tầng sâu hơn phía sau cuộc chiến ấy – đó là chủ nghĩa dân tộc vượt qua ý thức hệ, vượt qua địa chính trị.

Việt Nam có thể triệt để “thoát Trung” được chăng?

Những năm gần đây, do xung đột trên vấn đề Biển Đông [nguyên văn Nam Trung Quốc hải] và do nỗi đau vết thương còn lại sau cuộc chiến 1979 ấy, một số nhà phân tích cho rằng Việt Nam có lẽ sẽ tăng cường độ “Thoát Trung”. Năm 2010 một bộ phim truyền hình cổ trang của Việt Nam quay tại trường quay ở Trung Quốc vì “quá ư Trung Quốc hóa” mà bị chính quyền Việt Nam cấm chiếu.[3] Năm 2014, Bộ Văn hóa Việt Nam gửi công văn kiến nghị các địa phương không bày biện, không sử dụng, không thờ cúng các loại tượng điêu khắc, sản phẩm, linh vật và vật phẩm quái dị không hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Nghe nói những vật phẩm ấy chủ yếu là các loại sư tử đá “Trung Quốc hóa” nhập từ Trung Quốc.

Thế nhưng các cố gắng “Thoát Trung” về văn hóa của Việt Nam xem ra không có hiệu quả lớn. Suy cho đến cùng, quá trình hơn 2000 năm ngấm văn hóa Trung Quốc đã đặt nền móng văn hóa cho bản thân Việt Nam, triệt để “Thoát Trung” sẽ tương đương với sự cắt đứt lịch sử của chính mình. Ở Việt Nam ngày nay, tam giáo Nho, Thích, Đạo đều có mảnh đất của mình, mà cả ba đều từ Trung Quốc truyền sang, các tín đồ của họ vẫn chiếm tuyệt đại đa số trong số dân tin theo tôn giáo ở nước này.

Về kinh tế, hầu như chẳng ai tin rằng trong một thời gian ngắn Việt Nam có thể thoát khỏi sự dựa dẫm vào Trung Quốc. Cho dù nội bộ chính phủ Việt Nam thỉnh thoảng có thảo luận vấn đề “Cố gắng Thoát Trung về kinh tế” nhưng ngành chế tạo của Việt Nam chỉ là một khâu trong chuỗi sản xuất công nghiệp do Trung Quốc làm chủ, sản phẩm làm ra lại cần lấy Trung Quốc làm nước nhập khẩu lý tưởng. Thoát khỏi Trung Quốc về kinh tế hầu như là một “nhiệm vụ không thể thực hiện”.

Lĩnh vực Việt Nam có khả năng nhất để thực hiện “Thoát Trung” là chế độ chính trị. Mặc dù rất khó có thể nói thể chế chính trị hiện nay của Việt Nam là bản sao của Trung Quốc, nhưng mỗi lần Việt Nam và Trung Quốc xảy ra xung đột thì hầu như lần nào mâu thuẫn cũng đều được hóa giải với lý do “giữ cho toàn vẹn mối tình giữa hai đảng, hai chính phủ”. Tuy nhiều báo đài từng đưa tin với tiêu đề đại để như “Công cuộc cải cách thể chế chính trị của Việt Nam tiến nhanh hơn Trung Quốc” song tình hình thực tế lại không như vậy, hoặc có thể nói việc cải cách thể chế ở Việt Nam chưa có những đột phá thực chất.

Tháng 8/2014, hãng tin Bloomberg đưa tin: 61 thành viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có một cựu đại sứ tại Trung Quốc, cùng ký tên vào một bức thư ngỏ gửi Chính phủ Việt Nam. Bức thư viết: Các nhà lãnh đạo nên “xây dựng một nhà nước thực sự dân chủ, pháp trị”, cho phép tự do ngôn luận chính trị ở mức độ rộng hơn, “thoát khỏi” sự dựa dẫm vào Trung Quốc. Bản tin cho biết, một số người, kể cả các cựu quan chức chính phủ đã dự thảo một bản Hiến pháp yêu cầu triển khai sự “cạnh tranh về chính trị”. Mặc dù kết quả bầu cử lãnh đạo mới đây không thể hiện Chính phủ Việt Nam có dấu hiệu “thoát khỏi Trung Quốc”, nhưng việc vấn đề này có thể được bàn luận trong thư ngỏ là đủ tỏ rõ nguyện vọng của một bộ phận khá đông đảo trên chính trường Việt Nam.

Bất kể là trên vấn đề tranh chấp lãnh thổ hay vấn đề kinh tế, Việt Nam đều tính toán khả năng dựa vào phương Tây, thậm chí từng có thời đã xem xét vấn đề lập liên minh quân sự với quốc gia cựu thù là Mỹ, song le lại khó có thể vượt qua trở ngại về ý thức hệ. Nếu Việt Nam muốn tăng cường mối quan hệ với phương Tây để chống Trung Quốc thì tiền đề ắt phải là về chính trị nên mở cửa hơn, bỏ chế độ chuyên chế một đảng, về thể chế chính trị cần triệt để cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Bước đi này tuy không gian nan như sự “Thoát Trung” về văn hóa nhưng lại chẳng dễ dàng thực hiện.

RELATED ARTICLES

Tin mới