Monday, November 25, 2024
Trang chủĐiểm tinTên lửa S-400 Nga chuyển cho TQ rơi xuống đáy biển, loạt...

Tên lửa S-400 Nga chuyển cho TQ rơi xuống đáy biển, loạt bí mật có nguy cơ bại lộ?

Theo dự đoán của nhà phân tích Joseph Trevithick, một số tên lửa 40N6 trong lô hàng S-400 mà Nga cung cấp cho Trung Quốc có thể đã trượt khỏi boong tàu và rơi xuống biển.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 khai hỏa

Tên lửa đánh chặn 40N6 đang chìm dưới biển?

Nga xác nhận rằng nước này quả thực đã bán cho Trung Quốc các tên lửa đất-đối-không tầm xa 40N6 trong khuôn khổ hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400 giữa hai phía.

Nhưng đồng thời, Moscow cũng tiết lộ rằng toàn bộ số tên lửa đánh chặn đó đã không thể tới được tay Bắc Kinh, sau khi con tàu vận chuyển chúng gặp bão, khiến lô hàng bị thiệt hại. Theo dự đoán của nhà phân tích Joseph Trevithick trên trang mạng The Drive, một số tên lửa có thể đã trượt khỏi boong tàu và rơi xuống biển.

Hôm 18/2, Giám đốc điều hành (CEO) Rostec Sergei Chemezov đã cung cấp thông tin mới về lô hàng chuyển giao S-400 cho Trung Quốc tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ Triển lãm Quốc phòng và Hội thảo Quốc tế (IDEX) ở UAE.

Biên tập viên Quốc phòng của tờ Aviation Week Steve Trimble đã đăng lên Twitter cá nhân bản dịch sang tiếng Anh cuộc trao đổi giữa ông với CEO Chemezov.

“Hợp đồng đã được ký kết cách đây khá lâu. Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp các tên lửa 40N6 nhưng đã có sự cố”, ông Chemezov cho hay, “Con tàu vận chuyển các tên lửa đó đã bị cuốn vào một cơn bão. Vì thế, chúng tôi buộc phải phá hủy toàn bộ số tên lửa trên tàu và hiện giờ, chúng tôi đang sản xuất các tên lửa mới để thay thế”.

Trung Quốc ký hợp đồng mua các tổ hợp S-400 từ Nga vào năm 2015 nhưng kể từ đó, có rất ít thông tin cụ thể về loại tên lửa đánh chặn được cung cấp theo thỏa thuận. Đáng chú ý là quân đội Nga mới chỉ chính thức tiếp nhận tên lửa 40N6 vào biên chế trong tháng 10/2018.

40N6 là một trong ba loại tên lửa được chế tạo dành cho hệ thống S-400, hai loại còn lại là 48N6 và 9M96. Theo nhà sản xuất Almaz-Antey, đây cũng là tên lửa đánh chặn có tầm bắn xa nhất trong 3 loại, có khả năng tấn công mục tiêu cách xa hơn 400km.

Hồi tháng 1/2018, Nga đã thông báo về việc con tàu chở S-400 cho Trung Quốc gặp bão, phải trở về cảng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Cơ quan hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga (FSTVS – chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động hợp tác kỹ thuật-quân sự nước ngoài) cho biết các thành phần bị hư hỏng trong lô hàng là “thiết bị hỗ trợ”.

Trong tuyên bố chính thức ngày 19/1/2018, FSTVS cho biết các cơ quan chức năng của Nga đang đánh giá mức độ thiệt hại để bồi thường. Kremlin dự kiến sẽ chuyển giao lô hàng S-400 không bị hư hại cho Trung Quốc trong thời gian sớm nhất có thể.

Tới tháng 4/2018, Nga thông báo đã chuyển giao thành công lô đầu tiên cho Trung Quốc nhưng vẫn không đưa ra thông tin cụ thể về loại tên lửa đánh chặn mà Bắc Kinh đã nhận được.

Tạp chí Diplomat dẫn một số báo cáo chưa được xác nhận cho biết, lô hàng trên gồm các tên lửa 48N6E2 với tầm bắn ngắn hơn, còn các tên lửa 40N6 sẽ được vận chuyển tới Trung Quốc sau đó.

Tiết lộ của ông Chemezov về lô hàng bị thiệt hại trong cơn bão tháng 1/2018 đã khớp với những báo cáo này.

Song, vẫn chưa biết đích xác điều gì đã xảy ra với các tên lửa 40N6. Theo nhà phân tích Trevithick, mô tả của ông Chemezov về sự cố trên dường như chỉ cho biết rằng, các tên lửa đã bị hư hại nghiêm trọng trong quá trình vận chuyển nên bị phá hủy, ít nhất là một phần.

Do Nga chưa từng công bố thông tin về con tàu gặp nạn nên việc đánh giá chính xác quy mô sự cố trở nên khó khăn hơn.

Các tài khoản theo dõi lộ trình tàu thuyền cho biết, Nikifor Begichev – một tàu chở hàng đa nhiệm – đã xuất phát từ cảng Ust Luga ở Vịnh Phần Lan và di chuyển về phía Trung Quốc. Nó đã gặp một sự cố không xác định với lô hàng trên khoang sau khi gặp bão tại (hoặc gần) eo biển Anh. Ngày 3/1/2018, con tàu đã vòng lại và quay trở về cảng.

Hai ngày sau, tàu chở hàng RO-RO Ocean Power – từng được Nga sử dụng để vận chuyển vũ khí – cũng đột ngột quay đầu tại biển Baltic. Sau đó, con tàu trở về cảng Koskolovo, cũng tại Vịnh Phần Lan.

Theo ông Trevithick, có khả năng lô hàng trên tàu đã bị bung ra và rơi khỏi tàu. Biển Baltic, Biển Bắc và Eo biển Anh được biết tới là những vùng biển dữ với thời tiết khắc nghiệt. Trong năm 2009, một tàu chuyên chở của Nga đã thiệt hại 1.500 tấn gỗ khi đi qua eo biển Anh.

Nhìn chung, các tàu container đều thiệt hại một số lô hàng khi gặp thời tiết xấu. Năm 2017, Hội đồng Vận tải biển thế giới đã tiến hành một nghiên cứu, trong đó kết luận rằng tính trung bình 3 năm qua, có tới 1.390 container phải nằm dưới đáy đại dương mỗi năm.

Các bản ước tính khác thậm chí còn cao hơn đáng kể, như có tới 10.000 container bị thiệt hại hàng năm, hoặc khoảng 27 container mỗi ngày.

Do đó, theo ông Trevithick, mặc dù chúng ta không biết đích xác điều gì đã xảy ra với con tàu chở tên lửa 40N6 nhưng vẫn có cơ sở để đề ra khả năng một số tên lửa đã rơi khỏi tàu xuống biển.

Nếu rơi vào trường hợp đó thì lại có một điều cần lưu ý, đó là sau hơn 1 năm trôi qua, chúng ta không thấy có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Nga đang trục vớt thứ gì đó dưới đáy biển, kể cả ở khu vực eo biển Anh hay biển Baltic.

Tuy nhiên, Nga có cả một hạm đội gồm các tàu ngầm chuyên thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, có khả năng tiến hành trục vớt hoặc ít nhất là kiểm tra tình trạng lô hàng bị rơi xuống một cách bí mật.

“Mỏ vàng” với tình báo phương Tây

Theo ông Trevithick, trong trường hợp một số lô hàng chứa tên lửa 40N6 đang chìm dưới đáy biển thì đây sẽ là “mỏ vàng” đối với các lực lượng tình báo phương Tây nếu họ có thể tìm kiếm và thu hồi toàn bộ (hoặc ít nhất một phần) các tên lửa đánh chặn của Nga. Đặc biệt, hải quân Mỹ có khả năng thu thập thông tin tình báo và cứu hộ biển sâu rất tốt.

Khí hậu lạnh và nguy cơ thời tiết chuyển biến xấu có thể sẽ khiến các hoạt động thu hồi trở nên đặc biệt phức tạp hoặc thậm chí bất khả thi.

Chẳng hạn, kể từ tháng 11/2018, các nhà chức trách Na Uy đã vấp phải rất nhiều khó khăn khi tìm cách trục vớt chiếc khinh hạm Helge Ingstad (gần như đã bị chìm hoàn toàn), mặc dù nó chỉ bị kẹt trong một vùng nước khá nông gần cảng Bergen.

Đầu tháng 2/2019, các thợ lặn đã phải xuống dỡ bỏ tên lửa và ngư lôi trên tàu, sau đó cho nổ những ngư lôi này do lo ngại chúng có thể phát sinh trục trặc nguy hiểm sau nhiều tuần ngâm dưới nước.

Bất cứ tên lửa 40N6 nào bị ngâm dưới biển trong nhiều tháng cũng có thể gây ra mối nguy hiểm tương tự.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ sẵn lòng đối mặt với rủi ro để thu thập được thông tin tình báo đáng giá về đối thủ.

Trong những năm 1970, Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ đã triển khai tàu cứu hộ Hughes Glomar Explorer để trục vớt một phần tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo K-129 (lớp Golf II) của Liên Xô bị chìm dưới đáy Thái Bình Dương.

Lực lượng cứu hộ Hải quân Mỹ cũng từng có trải nghiệm tương tự khi tìm kiếm những quả đạn bị thất lạc. Năm 1976, tàu ngầm nghiên cứu NR-1 đã tìm thấy và thu hồi được một tên lửa không-đối-không AIM-54 vẫn còn khả năng hoạt động của Mỹ ở Bắc Đại Tây Dương, ngoài khơi Scotland.

Dù số phận của lô hàng bị mất là như thế nào thì có một điều không thể nghi ngờ, đó là Trung QUốc rất háo hức nhận được lô hàng thay thế.

Như đã lưu ý ở trên, sự khác biệt giữa tên lửa 40N6 và 48N6 là rất rõ rệt. Đối với Trung Quốc, điều này có nghĩa các tổ hợp S-400 trang bị tên lửa 40N6 và triển khai trên đại lục, gần eo biển Đài Loan sẽ có tầm bao phủ toàn bộ không phận Đài Loan.

Các yếu tố khác nhau có thể làm hạn chế khả năng phát hiện mục tiêu và tấn công của S-400 đối với các máy bay hoạt động trên bầu trời Đài Loan, song phạm vi bao phủ được mở rộng thêm của Trung Quốc vẫn sẽ tạo ra mối đe dọa đáng kể mới đối với Không quân Đài Loan.

Trước đó, quân đội Đài Loan đang phải đối mặt với lực lượng tên lửa đạn đạo trên bộ gồm nhiều chủng loại, với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Bên cạnh đó là các loại máy bay chiến đấu và tàu chiến trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất của Bắc Kinh – giờ đây chúng có thể tấn công hiệu quả các cơ sở quan trọng của Đài Loan nằm ở mạn Thái Bình Dương.

Với tên lửa 40N6, S-400 sẽ trở thành công cụ chống tiếp cận/chống xâm nhập mạnh mẽ của Trung Quốc tại các vùng tranh chấp hoặc những điểm nóng tiềm tàng trên thế giới.

Dựa theo mức độ thiệt hại thì Almaz-Antey có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thay thế các tên lửa bị hỏng, thậm chí phải ưu tiên xử lý đơn hàng của Trung Quốc trước các khách hàng khác.

Hệ thống S-400 của Nga ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ khách hàng nước ngoài.

Hồi tháng 5/2018, Almaz-Antey cho biết nhà máy chịu trách nhiệm chế tạo các hệ thống tên lửa S-400 đã kín đơn đặt hàng cho tới năm 2025.

Với tuyên bố mới nhất của ông Chemezov, chúng ta sẽ chờ xem bao lâu nữa Trung Quốc nhận được các tên lửa 40N6. Theo nhà phân tích Trevithick, trong lần chuyển giao tới, biết đâu Nga sẽ cân nhắc phương án vận chuyển bằng tàu hỏa.

RELATED ARTICLES

Tin mới