Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ “nhòm ngó” và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của...

TQ “nhòm ngó” và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia như thế nào

Trong dã tâm thực hiện tham vọng “độc quyền kiểm soát” Biển Đông của Trung Quốc, nước này không chỉ muốn kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông tiếp giáp với Việt Nam, Philippines, Malaysia… mà còn muốn làm chủ cả các vùng biển cách xa Trung Quốc đến cả ngàn cây số như vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia. Mặc dù Indonesia đã rất cảnh giác, phản ứng quyết liệt và ra sức tìm cách bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình, nhưng dường như các biện pháp của họ cũng chưa đủ sức ngăn cản tham vọng của Trung Quốc.

Quần đảo Natuna thuộc tỉnh Riau của Indonesia, với 272 hòn đảo lớn nhỏ nằm ở phía Nam Biển Đông, giữa bán đảo Malay và Bonero và được bao quanh bởi một khu vực biển rộng lớn; có dân số sinh sống trên 100.000 người. Với tiềm năng tài nguyên phong phú như thủy, hải sản, trữ lượng dầu mỏ, khí đốt lớn và hệ sinh thái rất đa dạng, Natuna còn án ngữ tuyến hàng hải quan trọng đi qua Biển Đông, kết nối với eo biển Malacca và biển Java. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; nối liền giữa Châu Âu, Trung Cận Đông, Châu Phi với Châu Á, Nam Á và Đông Nam Á với trên ¼ lưu lượng hàng hóa của thế giới được vận chuyển qua; là tuyến đường thương mại có ý nghĩa chiến lược sống còn của kinh tế các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, quần đảo Natuna còn là nơi được xem có vị trí chiến lược đặc biệt trong việc giám sát các hoạt động ở Biển Đông, kể cả hoạt động an ninh hàng hải và quân sự.

Trên lý thuyết, vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở phần phía Nam eo biển hiện nay không hề liên quan gì đến vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố đòi hỏi chủ quyền, vì nó cách lãnh thổ Trung Quốc quá xa, trên 1.000 km và chiếu theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển thì nó còn cách xa đến 3 lần cự ly để Trung Quốc tính khoảng cách đòi chủ quyền. Nhưng vấn đề ở đây là việc Trung Quốc đưa ra cái tuyên bố gọi là “đường 9 đoạn” mà đường đi ở phía chóp của nó chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tại vùng biển quần đảo Natuna của Indonesia và Bắc Kinh cố tình không làm rõ lập trường của mình về vùng đặc quyền kinh tế thuộc Indonesia ở vùng biển trên. Do đó, vùng đặc quyền kinh tế theo tuyên bố của Indonesia hiện đang có một phần diện tích không nhỏ bị chồng lấn với vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ ra để yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Theo lý giải của phía Trung Quốc, đây là vùng biển vừa mang tính lịch sử bởi “con đường tơ lụa trên biển” do Trung Quốc lập nên từ nhiều thế kỷ trước, vừa là “ngư trường truyền thống” lâu đời của ngư dân nước này. Dựa vào đó, Trung Quốc bắt đầu “nhòm ngó” và xâm phạm vùng biển này của Indonesia.

Cần phải nói rằng, về bình diện chiến lược, Đông Nam Á và các vùng biển xung quanh nó là khu vực từ lâu được các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đặt trong tầm ngắm và mục tiêu hướng đến để giành quyền kiểm soát. Câu nói của Mao Trạch Đông “Tôi sẽ cầm đầu 500 triệu nông dân Trung Quốc đi bộ xuống phía Nam” sau khi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập là điển hình thể hiện ý đồ kiểm soát Đông Nam Á của lãnh đạo Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc xác định quần đảo Natuna và vùng biển xung quanh quần đảo này ở phía Nam Biển Đông cũng thuộc Biển Đông. Nếu kiểm soát được toàn bộ Biển Đông, Trung Quốc có thể nhanh chóng gia tăng số lượng vận chuyển hàng hóa thương mại, giảm được mức chi phí và bảo đảm an toàn hơn so với việc sử dụng các tuyến đường khác. Trên con đường trở thành cường quốc thế giới, tuyến hàng hải Biển Đông – quần đảo Natuna – eo biển Malacca sẽ có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế của Trung Quốc nên nước này cần phải quản lý trực tiếp để tăng cường an ninh quốc gia và mở rộng không gian sinh tồn.

Thế là, một mặt Trung Quốc khăng khăng lập trường cố hữu của mình về “đường 9 đoạn” vô lý đi kèm với việc tung ra các luận điệu và tài liệu tạo dựng “chứng cứ” lịch sử về cái gọi là “ngư trường truyền thống”, mặt khác họ đẩy mạnh các hoạt động thực tế trên biển như cho tàu cá vào đánh bắt hải sản ở vùng biển Natuna để buộc Indonesia phản ứng, tạo ra cái gọi là “biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp”, lôi kéo dư luận quan tâm ủng hộ họ. Tuy nhiên, mong muốn của Trung Quốc đã không được các quốc gia trong khu vực ủng hộ. Tháng 11/2015, sau khi Indonesia cho biết có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án hình sự quốc tế nếu tranh chấp tại khu vực quần đảo Natuna không giải quyết được bằng đối thoại, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố không phản đối chủ quyền của Indonesia ở quần đảo Natuna. Nhưng đổi lại, Indonesia phải tái khẳng định việc không có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, nơi mà Trung Quốc gọi là Nam Sa. Họ dùng cách này nhằm loại Indonesia ra khỏi tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa, để chỉ còn Việt Nam là có tuyên bố chủ quyền mạnh nhất, hòng “bẻ đũa từng chiếc”.

  Mặc dù Trung Quốc tuyên bố công nhận quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia và “không có vấn đề nào cần giải quyết với Jakarta”, nhưng lại nói điều này không có nghĩa nó được áp dụng đối với vùng đặc quyền kinh tế của Natuna. Một trong những chiến lược lớn mà Trung Quốc đề ra là giành quyền kiểm soát huyết mạch thương mại toàn cầu nhằm gia tăng quyền lực, trong đó trọng tâm là tuyến đường hàng hải trên Biển Đông. Do đó, cùng với việc tiếp tục bảo lưu tuyên bố “đường 9 đoạn” và tiến hành tranh chấp các vùng biển, đảo với Việt Nam, Philippines… Trung Quốc tiếp tục sử dụng khái niệm “chủ quyền lịch sử” và “ngư trường truyền thống” để biện minh cho hành vi xâm phạm của các tàu cá, tàu hải giám, hải cảnh của họ tại vùng biển Natuna. Từ đầu năm 2016 đến nay, Trung Quốc đã có hàng loạt vụ xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna, đó là các vụ va chạm giữa tàu thuyền của Trung Quốc với tàu thuyền của Indonesia; những tranh cãi, tuyên bố về pháp lý ngoại giao liên quan đến chủ quyền trên biển của Indonesia. Điển hình, ngày 17/6/2016, Hải quân của Indonesia buộc phải bắn cảnh cáo đối với 12 tàu cá của Trung Quốc hoạt động tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna, bắt giữ một tàu mang số hiệu Yu 19038 và 7 thuyền viên. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kịch liệt phản đối, cho rằng lực lượng trên biển của Indonesia sử dụng vũ lực bắn bị thương thuyền viên Trung Quốc, đồng thời khẳng định tàu cá Trung Quốc có quyền tự do đánh bắt trong “ngư trường truyền thống” của mình. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Trung Quốc và Indonesia đang có những tuyên bố chồng lấn về lợi ích cũng như quyền hàng hải”. Để bảo vệ quan điểm này, ngày 24/6/2016, Hải quân Trung Quốc đã cử Hạm đội số 409 (gồm các tàu ngầm tấn công, tàu khu trục dẫn đường có trang bị tên lửa và tàu cứu hộ) tới vùng biển Banda Aceh, phía Bắc Natuna để thị sát và bảo vệ các tàu cá. Dư luận Indonesia và các nước trong khu vực buộc phải xem đây như là một động thái, bước đi mới của phía Trung Quốc nhằm gia tăng áp lực trong bối cảnh hai nước thường xuyên có những “chạm trán” quanh quần đảo Natuna.

  Có thể nói, việc Trung Quốc liên tục đưa ra những thông điệp “nước đôi” liên quan đến phạm vi chủ quyền của quần đảo Natuna, cũng như áp dụng chiến thuật “cải bắp” bằng cách chủ động tạo ra các vụ va chạm nhỏ, can thiệp từ từ, không gây phản ứng quá mạnh từ đối phương, để tạo nên sự thay đổi chiến lược trên hiện trường đã khiến Indonesia có phần lúng túng. Lâu nay, Chính phủ Indonesia luôn thiếu chủ động trong đối phó và đưa ra các biện pháp giải quyết phù hợp về chủ quyền trên biển, trong đó có việc kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna. Nội bộ Chính phủ Indonesia cũng có những quan điểm khác nhau về sự lựa chọn giữa lợi ích kinh tế và chính trị trong quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh hiểu rất rõ về những khó khăn và điểm yếu này của Jakarta, vì vậy đang tích cực lợi dụng để tạo thế chủ động, từng bước thực hiện chủ trương biến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của Indonesia từ không có tranh chấp tiến tới có tranh chấp với Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Indonesia nhận định: “Đến một thời điểm phù hợp, với khái niệm chủ quyền lịch sử kết hợp với ý đồ bảo lưu một số điều khoản trong UNCLOS 1982 đã được chuẩn bị từ trước, Trung Quốc có thể sẵn sàng đưa ra những tuyên bố mới nhằm hợp thức hóa cái gọi là đường 9 đoạn và khi đó, một phần không nhỏ diện tích của quần đảo Natuna nghiễm nhiên nằm trong lãnh thổ Trung Quốc”. Chỉ huy Hạm đội Tây của Hải quân Indonesia, Chuẩn đô đốc A. Taufiq chỉ rõ: “Khi ai đó tuyên bố chủ quyền một vùng lãnh thổ, họ phải có mặt ở đó. Cách của Trung Quốc là triển khai các tàu đánh cá xâm nhập vào quần đảo Natuna dưới dạng đánh cá trộm, tạo nên chứng cứ hiện trường thật để khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông”.

Như vậy, bằng thái độ thiếu minh bạch, lập lờ trong xác nhận chủ quyền của Indonesia tại vùng biển Natuna, kết hợp với việc sử dụng tàu đánh cá, tàu hải giám và hải cảnh để thường xuyên xâm nhập vào vùng lãnh hải của Indonesia, biến vùng biển từ chỗ không có tranh chấp trở thành chỗ có tranh chấp, tiến tới ra tuyên bố đòi chủ quyền tại quần đảo Natuna, Trung Quốc đã và đang thực hiện các bước đi hòng hiện thực hóa “chủ quyền toàn bộ” đối với Biển Đông, bất kể vùng biển đó thuộc chủ quyền của nước Đông Nam Á nào. Tình hình trên cho thấy, các nước Đông Nam Á có nên cứ “một mình một ngựa” trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo với Trung Quốc hay không?

RELATED ARTICLES

Tin mới