Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐiểm tinTại sao khái niệm quan trọng "biến mất" khỏi bản báo cáo...

Tại sao khái niệm quan trọng “biến mất” khỏi bản báo cáo của thủ tướng TQ tại Lưỡng hội?

Đây cũng là lần đầu tiên khái niệm này không xuất hiện trong báo cáo chính phủ Trung Quốc trong 3 năm qua.

Ảnh: HKP

Made in China 2025

Trong bài báo cáo chính phủ năm 2019 tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh vào ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẽ “cần tăng tốc để có năng lực sản xuất mạnh mẽ hơn”.

Tuy nhiên, trong nội dung bài nói, ông Lý không đề cập tới khái niệm “Made in China 2025” (tạm dịch: Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025). Đây cũng là lần đầu tiên khái niệm này không xuất hiện trong báo cáo chính phủ Trung Quốc trong 3 năm qua.

“Made in China 2025” (viết tắt là MIC2025) là một sáng kiến được công bố bởi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Quốc vụ viện Cộng hòa nhân dân Trung Hoa để nâng cấp toàn diện ngành công nghiệp sản xuất và phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Được giới thiệu trong năm 2015, mục tiêu của MIC2025 là cải thiện vượt bậc 10 ngành công nghiệp chiến lược được Bắc Kinh lựa chọn – bao gồm ngành robot, vũ trụ và nguyên liệu mới, giúp Trung Quốc phá bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và đẩy mạnh nền công nghiệp công nghệ cao của nước này ngang tầm các nước phương Tây.

Tới nay, sáng kiến này đã vấp phải nhiều rào cản từ Mỹ và một số nước Châu Âu.

“Chúng ta sẽ tăng cường năng lực hỗ trợ của những cơ sở hạ tầng chất lượng, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ để khuyến khích người tiêu dùng trong và ngoài nước chọn sản phẩm và dịch của của Trung Quốc,” ông Lý phát biểu.

Tuy nhiên, việc không nhắc tới sáng kiến MIC2025 trong một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất ở Trung Quốc không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh đã từ bỏ tham vọng sử dụng công nghệ và phát minh để đổi mới các nền công nghiệp truyền thống của nước này.

Bản báo cáo chính phủ là trọng tâm trong kì họp Lưỡng Hội hàng năm. Nội dung của bản báo cáo không chỉ thể hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh, mà còn ngầm ẩn những vấn đề liên quan tới thay đổi chính sách hoặc thay đổi trong chính phủ Trung Quốc.

Với vai trò là trọng điểm trong chương trình hiện đại hóa công nghiệp Bắc Kinh, MIC2025 đã xuất hiện trong các báo cáo chính phủ năm 2016, 2017 và 2018.

Trong năm 2019, khái niệm này đã vắng bóng giữa bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng khắc họa sâu hơn sự cạnh tranh gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong cuộc đua giành vị thế dẫn đầu.

Chiến lược của Bắc Kinh

Các nhà lập pháp và nhà hoạch định chính sách tại Washington đã chỉ trích sáng kiến của Trung Quốc là “bất công” vì những khoản hỗ trợ trực tiếp của Bắc Kinh đối với những công ty nội địa phát triển thiết bị bán dẫn công nghệ cao.

Một báo cáo ngân sách chính phủ riêng biệt khác cho thấy Bắc Kinh sẽ tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ lên mức 13,4% (tương đương 354,31 tỉ NDT – 52,88 tỉ USD) trong năm nay, mặc cho sự trì trệ trong tăng trưởng kinh tế.

Ông Lý cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu định hướng ứng dụng, đẩy mạnh đổi mới và thúc đẩy những thành tựu cốt lõi mới trong những ngành công nghệ quan trọng.

Thay vì sử dụng khái niệm MIC2025, báo cáo chính phủ khẳng định Trung Quốc sẽ tăng cường cải tiến và nâng cấp công nghiệp sản xuất.

Một số giải pháp khác, bao gồm cắt giảm thuế cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp nhỏ, sẽ được thông qua để tăng cường phát triển kĩ thuật sản xuất chất lượng cao.

“Bản báo cáo chỉ có thời lượng nhất định và không có gì bất thường nếu một số chính sách được nhắc tới năm ngoái không được nhắc lại trong năm nay,” Huang Shouhong – giám đốc văn phòng nghiên cứu của Hội đồng Nhà nước và một đại biểu trong phiên họp – bình luận bên lề cuộc họp.

“Tất nhiên, tạo điều kiện cho sự phát triển chất lượng cao của ngành sản xuất Trung Quốc là điều bắt buộc để cải thiện và làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế Trung Quốc.”

Trả lời về việc liệu có phải Trung Quốc nên trì hoãn kế hoạch MIC2025 vì bất đồng thương mại với Mỹ hay không, Lin Yong – đại biểu tới từ tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất Trung Quốc – nói:

“Tôi nghĩ là không nên. Trung Quốc cần kiên trì trên con đường phát triển của mình. Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đã và đang dẫn đầu thế giới – chúng ta không thể khẳng định là số 1, nhưng ít nhất cũng ở vị trí thứ 2 hoặc thứ 3. Ngành sản xuất không thể nào bị tụt lại đằng sau, kể cả khi thương chiến Mỹ – Trung tiếp diễn. Chúng ta cần phải tạo ra sự đột phá trong chính sách cốt lõi”.

RELATED ARTICLES

Tin mới