Những bài học xương máu của sự kiện Gạc Ma luôn cần được đặt ra mổ xẻ để bánh xe lịch sử không lặp lại dù sự kiện này đã diễn ra 31 năm trước.
Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125
Thảm sát Gạc Ma
Ngày 14/3/1988 là một ngày đặc biệt đối với người dân Việt Nam. Đó là ngày quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tấn công các binh sỹ của họ đóng tại đảo Gạc Ma trong khu vực quần đảo Trường Sa. 64 binh sỹ Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
Nhiều tờ báo gọi đây là cuộc “hải chiến Trường Sa”. Cách gọi này hoàn toàn không đúng với bản chất của sự kiện. Bởi vì, phía Trung Quốc đã dùng hải quân trang bị vũ khí tấn công, gồm cả pháo tầm xa, còn phía quân đội Việt Nam bị tấn công chỉ là binh lính công binh với vũ khí bộ binh phòng vệ. Bản chất của cuộc tấn công này là một cuộc thảm sát những binh lính Việt Nam do lực lượng hải quân Trung Quốc tiến hành.
Khi cuộc thảm sát xảy ra, quân đội Trung Quốc ngăn cản không cho các tàu của lực lượng y tế ra cứu các nạn nhân, dù đây luôn là thông lệ quốc tế trong chiến tranh.
Sự kiện đã diễn ra 31 năm nhưng bài học kinh nghiệm luôn cần được đặt ra, để lịch sử không lặp lại với Việt Nam và là bài học cảnh tỉnh với các quốc gia khác trong khu vực Biển Đông.
Vì sao Trung Quốc ra tay
Khi tìm hiểu về đặc điểm tính cách dân tộc Trung Quốc, một học giả nổi tiếng thời phong kiến của Việt Nam là Nguyễn Trãi đã tổng kết: người Trung Quốc “hiếu đại, hỷ công, cùng binh, độc vũ”. Tính cách của người Trung Quốc còn được biểu hiện khái quát qua nhân vật Tào Tháo trong Tam quốc Diễn nghĩa: “thà ta phụ người, còn hơn để người phụ ta”. Khi hữu sự, người Trung Quốc thường sẵn sàng ra tay dùng vũ lực lạnh lùng, tàn nhẫn, và luôn tấn công trước đối phương để đoạt tiên cơ.
Tính đến năm 1987, Trung Quốc chưa hề có sự hiện diện trên bất cứ cấu trúc nào tại khu vực quần đảo Trường Sa mà phía Việt Nam tuyên bố chủ quyền và kiểm soát các đảo trong khu vực. Chính phủ Trung Quốc nhận thấy đây là một bất lợi với một cường quốc muốn vươn ra biển Đông. Vì thế, từ đầu năm 1988, nhà cầm quyền Trung Quốc đã triển khai quân đội chiếm một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa bao gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven.
Về phía Việt Nam, mặc dù tiềm lực còn hạn chế về mọi mặt sau cuộc chiến tranh với Mỹ và Việt Nam Cộng hòa nhưng chính phủ Việt Nam cũng cho thấy quyết tâm khẳng định và bảo vệ chủ quyền của họ khi đưa nhiều lính công binh ra xây dựng một số cấu trúc tại khu vực Trường Sa.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc đã chọn thời điểm đầu năm 1988 để tấn công Gạc Ma.
Binh pháp Tôn Tử của người Trung Quốc luôn nhấn mạnh vào “thời”, “thế” trong hoạt động chiến tranh. Thời điểm năm 1988, Việt Nam rơi vào “thế” bí. Đầu tiên, họ vừa bước qua hai cuộc chiến tranh với hai cường quốc quốc của thế giới Pháp và Mỹ; song song với hai cuộc chiến đó là cuộc nội chiến kéo dài để thống nhất đất nước. Vết thương chiến tranh chưa kịp lành, kinh tế chưa hồi phục thì ngay sau đó, quân đội Campuchia (lực lượng Khmer đỏ) tấn công chiếm một số vùng thuộc biên giới phía Tây Nam của họ. Khi Việt Nam đang phải tiến hành chiến tranh truy quét quân Khmer đỏ thì Trung Quốc đồng loạt đưa quân đội tấn công Việt Nam trên 6 tỉnh biên giới phía Bắc.
Kinh tế đình đốn, chiến tranh liên miên, đã khiến Việt Nam rơi vào thế khó. Thời điểm đó, trong hoạt động đối ngoại, Việt Nam gần như bị cô lập hoàn toàn. Mỹ tiếp tục cấm vận Việt Nam, Trung Quốc tấn công biên giới năm 1979 và liên tiếp gây căng thẳng những năm sau đó.
Sau sự kiện Việt Nam đưa quân vào Campuchia, ASEAN cũng quay lưng ghẻ lạnh với Việt Nam. Chỗ dựa duy nhất của Việt Nam là Liên Xô và khối Đông Âu thì lúc này cũng đang trong cơn rệu rã, chuẩn bị sụp đổ (năm 1989 bức tường Berlin sụp đổ và năm 1991, Liên Xô tan rã).
Việt Nam rơi vào thế đường cùng chính là thời cơ của Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã tính toán đúng. Khi dư luận quốc tế đang chú ý đến sự kiện Campuchia, tiềm lực của Việt Nam kiệt quệ và ngoại giao bị cô lập , họ đã tiến hành chiếm đóng Trường Sa mà không vấp phải sự phản đối nào đáng kể. Cụ thể: khi quân đội Trung Quốc tấn công quân đội Việt Nam ngày 14/3/1988, dư luận quốc tế thờ ơ, các nước ASEAN bàng quan cho rằng đây là chuyện riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc, kể cả Malaysia và Philippines là những quốc gia trực tiếp có lợi ích tại khu vực Trường Sa.
Bài học lịch sử qua sự kiện Gạc Ma là: (1) khi thế và lực của Việt Nam suy kiệt, thì đó sẽ là “thời cơ” của Trung Quốc, họ sẽ thẳng tay tấn công, xâm lấn, thâu tóm lãnh thổ. Trong bất kỳ bối cảnh nào, chính sách đối ngoại luôn hết sức quan trọng, đặc biệt là những nước nhỏ như Việt Nam. Giả sử, dư luận quốc tế lên tiếng thì Trung Quốc khó lòng thực hiện được âm mưu của mình. (2) Với những nước nhỏ như Việt Nam, không nên mong chờ, lệ thuộc vào một bên thứ 3 nào đứng ra cứu giúp, tham chiến, khi chiến tranh xảy ra. Điều quan trọng của họ là phải tự cứu lấy mình.
Đây cũng là bài học cảnh giác với tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trong khu vực Biển Đông.
Những hoạt động của Trung Quốc sau thảm sát Gạc Ma
Sau cuộc thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988, năm 1995 Trung Quốc chiếm thêm bãi Vành Khăn từ tay Phillipines. Đến nay, Trung Quốc đã có tổng cộng bảy cấu trúc trong khu vực Trường Sa gồm: Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Xu Bi và Vành Khăn. Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã âm thầm tiến hành hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo làm thay đổi hàng loạt cấu trúc tại Trường Sa, tổng diện tích bồi đắp lên tới 13,21 Km2 (1.300 ha). Các cấu trúc này đều đã được xây dựng và trang bị các phương tiện quân sự hiện đại, đóng vai trò như các “chiến hạm nổi” tại khu vực này. Đây được coi là hoạt động “quân sự hóa” khu vực Biển Đông của Trung Quốc, đặc biệt là việc quân sự hóa đảo Gạc Ma. Trên một số khu vực chiếm đóng của Trung Quốc còn được thiết kế các đường băng và sân bay phục vụ mục đích quân sự và du lịch. Gần đây, Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa vũ khí hạt nhân và tàu hạt nhân nổi đến khu vực này. Trong một tương lai gần, họ sẽ tiến hành xác lập vùng nhận dạng phòng không tại khu vực này.
Để tránh lặp lại sự kiện Gạc Ma năm 1988, Việt Nam cần tiếp tục phát triển chính sách đối ngoại đa phương, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, để tạo thế đứng trên trường quốc tế. Mặt khác, Việt Nam cần tăng cường sức mạnh nội lực về kinh tế, quốc phòng để bảo vệ đất nước và tạo sức mạnh răn đe.