Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuan hệ rắc rối Trung-Nga-Mỹ-Nhật: Cái nhìn 'Người trong cuộc'

Quan hệ rắc rối Trung-Nga-Mỹ-Nhật: Cái nhìn ‘Người trong cuộc’

Xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn về các mối quan hệ phức tạp Trung- Nga- Mỹ- Nhật của “một người trong cuộc”- Cựu thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản HitasiTanaka.

Bài phỏng vấn do phóng viên của “Lenta.ru” Aleksey Naumov thực hiện và đăng trên báo này ngày 4/3/2019 với tiêu đề “Trao trả Kurill- các vị sẽ nhận được sự cô lập” và phụ đề “Nga muốn tham gia vào việc chia phần Châu Á, nhưng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc và Nhật Bản”.

Tất cả các ảnh trong bài là của tác giả Aleksey Naumov. 

Trong cách nhìn của rất nhiều các phương tiện truyền thông LB Nga thì bức tranh mối quan hệ Nga- Nhật được hiểu như sau: Nhật Bản- một vệ tinh của Mỹ và đang tìm mọi cách tước đoạt quần đảo Kurril thuộc chủ quyền hợp pháp của chúng ta (Nga) để bố trí tại đó các căn cứ quân sự của Liên minh NATO xảo quyệt nhằm gây tổn thương cho Nga.

Nhưng trên thực tế, bức tranh (quan hệ) phức tạp hơn rất nhiều: Tokyo thường xuyên tranh cãi với Washington, khi thực hiện các chính sách của mình người Nhật luôn buộc phải tính đến mối đe dọa quy mô lớn từ Trung Quốc, trong khi nhìn tổng thể thì vai trò của Mỹ tại Châu Á đang ngày càng thu hẹp.

Để có thể tìm hiểu thêm Tokyo thực sự muốn gì và sợ gì; Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ muốn gì ở Châu Á, “Lenta.ru” đã có cuộc trao đổi với Cựu thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, hiện là Giám đốc Viện Chiến lược quan hệ quốc tế (Nhật Bản) Hitosy Tanaka.

“Lenta.ru”: Tại Matxcova, (giới lãnh đạo Nga) cho rằng ngay sau khi ký Hiệp ước hoà bình (Nga- Nhật) và vấn đề “các đảo trạnh chấp” được giải quyết xong, Nhật Bản ngay lập tức sẽ tham gia chiến dịch cấm vận (chống Nga) của Phương Tây. Bởi vì lúc đó Nhật Bản sẽ không còn cần gì ở Nga nữa?

Tanaka: – Tất cả sẽ đúng như vậy! Tôi không nghĩ rằng Nhật Bản có những lý do khác nào đó để thân thiện với Nga nếu như Nga không còn cần cho Nhật Bản nữa.

 Một lô gich như vậy cũng đúng với phía Nga: Matxcova muốn ký hiệp ước hòa bình với Tokyo là để phát triển mối quan hệ song phương.

Chúng tôi (Nhật Bản) cũng muốn phát triển quan hệ song phương (với Nga)- chúng tôi cảm thấy rằng để phát triển quan hệ đó, hiện (hai bên) đang có đầy đủ mọi khả năng cần thiết. Nhật Bản, lấy ví dụ, muốn không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn dầu mỏ từ Trung Đông và muốn mua nhiều (dầu) hơn của Nga.

Nhưng Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp cấm vận (với Nga), chúng tôi không đồng ý với chính sách của Nga trong mối quan hệ với Ucraine, với hành động (Nga) chiếm đóng Crimea.

Chính vì thế mà chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp hành động với các nước nhóm “G8” để thuyết phục Matxcova thay đổi cách hành xử của mình. Tuy nhiên, trong tương lai dài hạn thì dù sao Nga vẫn là nước láng giềng của chúng tôi, và chúng ta (Nhật Bản và Nga) sẽ có những hướng hợp tác để cùng phát triển, nhưng, mọi chuyện lại sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ giải quyết các mâu thuẫn như thế nào.

Tôi không nghĩ là Nhật Bản sẽ đồng ý ký hiệp ước hòa bình nếu không nhận được một kết quả giải quyết vấn đề lãnh thổ ở mức mà mình (Nhật Bản) có thể chấp nhận được.

Tôi đã tham gia vào các cuộc đàm phán Nhật – Nga trong những năm 2003-2005 và không hiểu hết các tiến trình (các cuộc đàm phán) hiện nay. Vào thời tôi (đàm phán), Nga không cho rằng bốn đảo trên được (Nga) chiếm đóng một cách sau các hoạt động tác chiến.

Lúc đó (người Nga) hoàn toàn không nói gì về điều đó! Bây giờ thì mọi thứ khác hẳn. Nhật Bản trước đây cho rằng các đảo bị chiếm đóng một cách bất hợp pháp sau khi chiến tranh đã kết thúc, những đến bây giờ, có vẻ như Tokyo đã sẵn sàng nhượng bộ Matxcova: (chỉ) đề nghị (trao trả) hai đảo, chứ không phải là cả bốn (đảo). Người dân Nhật Bản sẽ kiên quyết phản đối một quyết định như vậy.

Nhưng nếu Nga quyết định trao trả cả bốn đảo- Nga sẽ không thể biết hết được các mối quan hệ giữa hai nước sẽ như thế nào.

“Lenta.ru”: – Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây, 77% người Nga không ủng hộ việc trao trả lại các đảo. Tại sao họ lại phải “ủng hộ”cơ chứ? Những người dân bình thường Nga sẽ nhận được gì (có lợi ích gì) nếu “ủng hộ”(trao trả Kurill cho Nhật-ND)?

Tanaka:- Có thể, đó sẽ là (có) những mối quan hệ tốt đẹp hơn, nhưng dù sao, (điều đó chỉ xảy ra) trong tương lại dài hạn. Xin lỗi, vì tôi nói điều này, nhưng (bạn) hãy nhìn vào nền kinh tế Nga mà xem.

Nga có một nền công nghiệp đủ mạnh không? Tôi lại một lần nữa xin lỗi, nhưng có một thực tế: lúc giá dầu còn cao, Nga là một nước giàu, nhưng dù sao thì vẫn chỉ là một đất nước tài nguyên (giàu vì bán tài nguyên-ND).

Các bạn (Nga) đã không thể thu hút được đủ nguồn lực đầu tư để phát triển một nền kinh tế công nghiệp công nghệ cao thành công.

Nhật Bản có thể giúp Nga xây dựng các cụm công nghiệp mạnh, nếu như (giữa Nga và Nhật Bản) có các mối quan hệ mang tính xây dựng dài hạn- tức có những mối quan hệ mà chúng tôi quan tâm.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi đồng ý với những hành động của Nga trong chính sách đối ngoại- ví dụ, như đối với Ucraine và Crimea chẳng hạn.

Nhưng, tôi có cảm giác rằng, Nga đã quyết định tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc. Hãy để như thế, nếu như đó là một sự lựa chọn chiến lược.

Nhưng tôi không nghĩ rằng Putin trong thâm tâm lại thực sự hài lòng trước tình trạng (quan hệ Nga- Trung) như hiện nay vì sự phụ thuộc ngày càng tăng (của Nga) vào người Trung Quốc.

“Lenta.ru”: Không biết tôi hiểu như thế này có đúng không, trong trường hợp giải quyết xong (vấn đề) các đảo, Nhật Bản sẽ cô lập Nga và chỉ bắt đầu phối hợp hành động với Nga sau khi (Nga) đã thay đổi đường lối đối ngoại đối với Ucraine – có nghĩa là, sau khi chế độ cầm quyền hiện nay (tại Nga) thay đổi?

Tanaka:- Tôi nghĩ rằng, điều đó có thể xảy ra ngay dưới thời Putin. Bởi vì ông ấy có thể thay đổi đường lối hành động, củng cố quan hệ với Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ để phát triển nền kinh tế Nga.

Bạn hãy nhìn xem: nếu như nước Nga bị cô lập hoàn toàn, như Liên Xô trước đây đã từng có thời kỳ rơi vào hoàn cảnh như vậy, thì như thế có đem lại lợi ích gì cho nước Nga và cho nhân dân Nga hay không?

Tôi cho rằng Matxcova nên thay đổi cách hành xử của mình, bởi vì không thể tiếp tục mãi như thế này được- sử dụng công nghệ mạng để can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ, Pháp….

Không thể vừa làm tất cả những gì mà các bạn (Nga) muốn, lại vừa giữ được quan hệ tốt đẹp với các nước khác.

‘Lenta.ru”: – Nhìn chung thì Nhật Bản quan ngại điều gì nhất? Theo ông thì có những mối đe dọa chính nào đối với khu vực?

 

Tanaka: – Nước Nhật có một cách hiểu tương đối truyền thống về các mối đe dọa, và đã lâu rồi cách hiểu đó không thay đổi.

Trước đây (mối đe dọa) là Liên Xô. Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, xuất hiện thêm nhân tố Bắc Triều Tiên: họ (Bắc Triều Tiên) có công nghệ hạt nhân và công nghệ tên lửa.

Đấy là một mối đe dọa rất nghiêm trọng. Chúng tôi cũng có phần nào quan ngại trước sự phát triển các sự kiện tại Trung Quốc: (tiềm lực) kinh tế và quân sự (Trung Quốc) tăng trưởng rất nhanh, những ý đồ (và cả cách hành xử) trên biển rất hung hăng.

Còn có cả vấn đề các đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư),- nhưng chúng tôi không coi đó là các đảo tranh chấp.

Không thể gọi Trung Quốc là một mối đe dọa theo cách hiểu truyền thống – Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi, là nước tiếp nhận những nguồn đầu tư rất lớn từ Nhật Bản, có nghĩa là giữa chúng tôi (Nhật Bản và Trung Quốc) có một sự ràng buộc lẫn nhau rất đáng kể.

Chúng tôi cũng có quan ngại (trước Trung Quốc), nhưng chúng tôi không gọi Trung Quốc là “mối đe dọa”- hiện giờ thì chưa.

Còn đối với Mỹ thì sao? Trong lịch sử, Mỹ đã từng đóng một vai trò rất quan trọng trong khu vực, nhưng trong hai năm gần đây, mọi thứ đã thay đổi: chính quyền Mỹ tỏ ra không hài lòng trước tình trạng thâm hụt cán cân thương mại với Nhật Bản, Chính quyền Mỹ cũng đòi Hàn Quốc phải chi nhiều tiền hơn cho việc Mỹ bảo vệ nước này.

Không những thế, Washington thậm chí còn không đóng vai trò trung gian giải quyết những tranh chấp giữa Tokyo và Seoul sau một sự cố trên biển mới đây,- khi tàu của Hải quân Hàn Quốc đưa một máy bay chiến đấu của Nhật Bản vào kính ngắm.

“Lenta.ru”: – Có phải điều đó chứng tỏ là vai trò của Washington trong khu vực đang suy giảm?

Tanaka: – Tất nhiên rồi. Tôi nghĩ rằng tiến trình này (vai trò của Washington tại Châu Á suy giảm-ND) mới bắt đầu dưới thời Tổng thống Donald Trump, và hiện giờ chúng tôi (Nhật Bản) vẫn thực sự chưa hiểu hết cách ông ấy nhìn nhận như thế nào về vai trò của Hoa Kỳ tại châu Á.

Giới tinh hoa cầm quyền truyền thống Mỹ (cả quân sự lẫn ngoại giao) đều xác định liên minh của chúng tôi (Nhật Bản với Mỹ) là một nhân tố quan trọng đảm bảo các lợi ích của Washington tại khu vực. Còn D. Trump lại nhìn nhận mọi vấn đề qua lăng kinh của các hợp đồng và những khoản lợi nhuận thu được từ các hợp đồng đó.

Đúng là người Mỹ đã bắt đầu đòi Nam Triều Tiên phải chi thêm tiền để được bảo vệ, tuy nhiên, những gì liên quan đến sự không hài lòng của họ (Mỹ) trước cán cân thương mại Mỹ- Nhật Bản, thì đây không phải là vấn đề mới phát sinh: Tôi đã từng dẫn đầu phái đoàn đàm phán thương mại với Hoa Kỳ trong những năm 1980.

Chúng tôi (Nhật- Mỹ) đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, và bây giờ chúng tôi cũng sẽ vượt qua những khó khăn tương tự. Mối quan hệ đồng minh Mỹ- Nhật không thể bị phá vỡ,- mối quan hệ (đồng minh) này cực kỳ ổn định. Mỹ đánh giá cao vai trò quan trọng của Nhật Bản trong việc đảm bảo an ninh cho khu vực.

Tôi không lo lắng về liên minh của chúng tôi, nhưng quả là đến thời điểm hiện tại không thực sự hiểu hết Mỹ nhìn nhận như thế nào về vai trò của họ tại khu vực: Kết cục các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân (giữa Mỹ) với Bắc Triều Tiên hiện vẫn không hề rõ ràng, trong quan hệ (Mỹ) với Trung Quốc, đang tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, các mối quan hệ này (Mỹ-Trung) đang xấu đi cực kỳ nhanh. Tình hình chiến lược trong khu vực vẫn rất phức tạp và cần phải được quan tâm rất nhiều để có thể tái ổn định.

RELATED ARTICLES

Tin mới