Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngẨn ý của việc Trung Quốc phát triển tàu hải cảnh công...

Ẩn ý của việc Trung Quốc phát triển tàu hải cảnh công suất lớn

Tờ Nhân dân nhật báo (People’s Daily) của Trung Quốc ngày 29/7/2015 đưa tin và hình ảnh về tàu hải cảnh “thế hệ mới” 12.000 tấn để thực hiện cái gọi là chấp pháp ở Biển Đông.[1] Công luận cần phải biết đến những ẩn ý nguy hiểm đằng sau động thái mới này.

Thứ nhất, đây là lực lượng quân sự trá hình. Chuyên gia Ryan D. Martinson (Viện Nghiên cứu biển Trung Hoa, Đại học Hải chiến Hoa Kỳ) có bài phân tích trên tạp chí The Diplomat tháng 11/2014 khẳng định điều này và cho rằng, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc về danh nghĩa là bán quân sự nhưng thực chất là “tổ chức quân sự” vì tàu hải cảnh của Trung Quốc hoạt động tương đối giống với các tàu chiến loại nhỏ của Mỹ.[2] Cục Tình báo hải quân Mỹ cũng có nhận định tương tự trong Báo cáo đầu năm 2015 về hải quân Trung Quốc. Báo cáo này cho biết, Trung Quốc hiện là nước có hạm đội hải cảnh lớn nhất thế giới với 205 tàu lớn nhỏ các loại (95 tàu lớn và 110 tàu nhỏ), lớn hơn nhiều so với các nước Nhật Bản (78), Việt Nam (55), Indonesia (8), Malaysia (2) và Philippines (4) cộng lại. Vào cuối năm 2015, lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẽ tăng 25% so với thời điểm năm 2012. Trong đó, phần lớn các tàu chấp pháp này được trang bị vũ khí hạng nhẹ như súng 12,7 mm, 14,5 mm và 30 mm, hệ thống ra – đa và các thiết bị thông tin. Một số tàu lớn còn có sân đỗ và buồng chứa trực thăng.[3]

Trong khi đó, cơ quan phân tích tình báo quốc phòng IHS Jane’s có trụ sở tại Luân Đôn (Anh) công bố thông tin cho biết Trung Quốc đang chuyển đổi các tàu khu trục thành tàu hải cảnh tại xưởng đóng tàu Phố Đông (Pudong) ở Thượng Hải.[4] Bốn tàu khu trục lớp Khương Duy 1 (Jiangwei I) phiên chế cho hải quân Trung Quốc từ năm 1991 và 1994 có chiều dài 112 mét, rộng 12 mét, lượng giãn nước 2.300 tấn với 2 trục máy diesel. Các tàu này đang được sơn trắng và thay tháo một số thiết bị vũ khí như bệ phóng tên lửa chống hạm YJ83, bệ phóng tên lửa đối không HQ – 61, hệ thống súng 100 mm và hai bệ súng hai nòng 37 mm ở cuối tàu. Nhưng, hai bệ súng hai nòng 37 mm ở phía trước được giữ lại.

Thứ hai, Trung Quốc trong khi tiếp tục trì hoãn việc đàm phán, thương lượng giải quyết vấn đề, thì lại rất nhanh chóng đưa lực lượng tàu mới này vào sử dụng để mở rộng khu vực kiểm soát xuống phía nam Biển Đông.[5]

Việc đổi mới và nâng cấp các tàu hải cảnh một mặt tạo thuận lợi cho Trung Quốc tăng cường hiện diện, hoạt động độc lập dài ngày ở các điểm nóng trên Biển Đông, mặt khác giúp nước này “tạo” và “đẩy” căng thẳng nhưng luôn trong vòng kiểm soát trước công luận quốc tế vì trên danh nghĩa đây không phải là lực lượng quân sự (hải quân).[6] Các căn cứ ở Trường Sa, nhất là trên Đá Chữ Thập ở rìa Tây quần đảo Trường Sa sẽ giúp các tàu hải cảnh của nước này hoạt động ở xa đất liền, và kiểm soát đường vận tải chiến lược, ngư trường trù phú cũng như tài nguyên thiên nhiên chưa được khai phá ở khu vực.[7]

Bên cạnh đó, các hoạt động đâm va, phun vòi rồng xua đuổi các tàu cá, tàu khảo sát địa chấn và tàu chấp pháp của các nước nhỏ tiếp tục xảy ra. Với lượng giãn nước gấp 3 lần tàu cảnh sát biển lớp Legend lớn nhất của Mỹ, và được thiết kế theo tiêu chuẩn của tàu quân sự, tờ báo của Trung Quốc cũng cho biết, tàu hải cảnh “thế hệ mới” của nước này có thể đâm va tàu 20.000 tấn và sẽ không hề hấn gì khi va chạm với những tàu 9.000 tấn, thậm chí còn có thể đánh chìm các tàu này.

Thứ ba, đây sẽ là bài toán khó cho Mỹ trong việc tìm kiếm chiến lược và biện pháp đối phó hữu hiệu[8] vì một số lý do: (i) để đối đầu với lực lượng chấp pháp bán quân sự của Trung Quốc, Mỹ không thể phối hợp hoạt động tốt với lực lượng chấp pháp biển của các nước đồng minh và đối tác ở khu vực nếu như không điều động tàu cảnh sát biển đến khu vực. Đây là cái khó vì Mỹ phải giám sát vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn (hơn 11,3 triệu km2) và vùng biển rộng lớn không có băng ở Bắc cực. Đội cảnh sát biển của Mỹ gần Biển Đông nhất là ở Guam chỉ có hai tàu tuần tra nhỏ lớp Island dài 33,5m và một tàu phao nhưng phải thực hiện nhiệm vụ tuần tra vùng nước xung quanh các đảo Guam, Bắc Mariana, Cộng hòa Palau và Nhà nước liên bang Micronesia với tổng diện tích chiếm tới 43% vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ[9]. Ngoài ra, nhiều tàu cảnh sát biển của Mỹ đã đến thời kỳ phải thay mới để đảm bảo hoạt động. Theo Báo cáo cuối tháng 6/2015 của chuyên gia phân tích hải quân Ronald O’Rourke thuộc Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (U.S. Congress Research Service), Mỹ cần phải thay mới tới 90 tàu cảnh sát biển với chi phí lên đến 21,1 tỷ USD[10]; (ii) Mỹ dùng tàu hải quân để tuần tra sẽ bị Trung Quốc phản pháo là quân sự hóa Biển Đông. Động thái gần đây nhất phản ánh điều này là, đối phó với việc Mỹ đưa máy bay trinh sát săn ngầm P8 – A Poseidon bay trên đảo Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa và việc Mỹ tuyên bố đưa máy bay và tàu chiến vào khu vực 12 hải lý các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 30/7/2015 lên tiếng chỉ trích Mỹ và cho rằng Mỹ đang quân sự hóa Biển Đông[11]; (iii) trong khi đó, Trung Quốc sẵn sàng sử dụng tàu chấp pháp để đối đầu với hải quân Mỹ. Nếu khủng hoảng xảy ra Trung Quốc ở vị trí lợi thế hơn khi đề cập đến việc “sử dụng vũ lực”. Ngoài ra, giữa hai nước chưa có cơ chế tránh đụng độ liên quan đến lực lượng chấp pháp bán quân sự. Vụ tàu Impeccable tháng 3/2009 là một ví dụ điển hình. Bắc Kinh sử dụng tới năm tàu chấp pháp các loại ra ngăn chặn và răn đe tàu chiến của Mỹ. Để tránh những va chạm bất ngờ không tính trước trên biển, Trung Quốc và Mỹ là hai trong số các thành viên ký kết Bộ quy tắc ứng xử cho những chạm trán ngoài ý muốn trên biển (Code for Unplanned Encounters at Sea – CUES) tháng 4/2014. Tiếp đó, sau cuộc họp cấp cao giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama tháng 11/2014, hai bên ký Bản ghi nhớ chung (MOU) về các quy tắc ứng xử an toàn trong các vụ đụng độ trên biển và trên không. Các quy tắc được nêu trong bản phụ lục của MOU nhắc lại và đúc kết từ những nội dung kĩ thuật trong Công ước về các quy định quốc tế để phòng tránh đâm va trên biển năm 1972 (Convention on the International Regulations for Preventing Collisions at Sea – COLREG) và các quy định về va chạm được nêu trong CUES. Nội dung của các cơ chế này chủ yếu liên quan đến khía cạnh quân sự, chưa có điều khoản về các lực lượng chấp pháp bán quân sự hoặc dân sự.

Như vậy, việc Trung Quốc phát triển các tàu hải cảnh cỡ lớn vừa tạo điều kiện nước này tăng khả năng răn đe và mở rộng kiểm soát ở Biển Đông vừa gây khó cho Mỹ và các nước yêu sách khác trong việc tìm ra một chiến lược đối phó hữu hiệu với sự quyết đoán ngày một gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông./.

BDN

 


[1]http://en.people.cn/n/2015/0729/c90000-8927696.html

[2]http://chuckhillscgblog.net/2012/02/10/what-might-coast-guard-cutters-do-in-wartime-part-2-coast-guard-roles/

[3]http://www.oni.navy.mil/Intelligence_Community/china_media/2015_PLA_NAVY_PUB_Print.pdf

[4] http://www.janes.com/article/53248/china-converting-old-frigates-into-coastguard-cutters

[5]http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2013/03/11/new-fleet-on-the-block-chinas-coast-guard-comes-together/

[6]http://amti.csis.org/chinas-maritime-law-enforcement-reform-and-its-implication-on-the-regional-maritime-disputes/

[7]http://foxtrotalpha.jalopnik.com/why-china-is-building-the-worlds-largest-coast-guard-1677699141

[8]http://thediplomat.com/2015/08/americas-government-is-torn-on-how-to-handle-china/

[9]http://www.uscg.mil/d14/sectguam/units.asp

[10] Ronald O’Rourke, “Coast Guard Cutter Procurement: Background and Issues for Congress”, Congressional Research Service Report, No. R42567, June 23, 2015.

[11]http://www.reuters.com/article/2015/07/30/us-southchinasea-china-usa-idUSKCN0Q415N20150730

RELATED ARTICLES

4831 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới