Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhững giọng điệu đe dọa của TQ có mang lại hòa bình...

Những giọng điệu đe dọa của TQ có mang lại hòa bình cho Biển Đông?

Sự kiện Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Philippines ngày 01/3 và có những phát biểu chỉ trích các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông là mối đe dọa đối với các bên tranh chấp tại Đông Nam Á, qua đó công khai tuyên bố rằng Mỹ sẽ bảo vệ Philippines trước bất cứ cuộc tiến công vũ trang nào nhằm vào máy bay hay tàu công vụ của nước này trên Biển Đông theo tinh thần của Điều 4 Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Phi 1951 đã dẫn tới những phản ứng quyết liệt của Trung Quốc, kèm theo những lời đe dọa sặc mùi “khói súng” khiến công luận nhận thấy khẩu hiệu “thân, thành, huệ, dung” và bộ mặt thiện chí bảo vệ, gìn giữ hòa bình ở Biển Đông của Trung Quốc dường như đang bị gỡ dần.

Được biết, sau khi báo chí truyền thông đưa tin về những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ trong cuộc hội kiến với Tổng thống Philippines Duterte tại thủ đô Manila, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngay lập tức đã phản ứng vào chiều 01/3. Ông Lục nói rằng: “Những nước bên ngoài Biển Đông như Mỹ nếu thật sự quan tâm đến hòa bình ở khu vực thì không nên tạo ra rắc rối”. Cùng với tuyên bố của Người phát ngôn trên, ngày 02/3, tờ Thời báo Hoàn Cầu ra hàng ngày ở Trung Quốc đã lên tiếng phụ họa: “Việc Mỹ và Philippines vận dụng Hiệp ước phòng thủ chung như thế nào thì cũng không thể tác động đến quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Philippines”. Không những thế, tờ báo này còn lôi cả Việt Nam vào cuộc với giọng điệu: “Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ, nhưng Trung Quốc vẫn giữ thái độ kiềm chế trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Việt Nam. Tuy nhiên, bất kể là ai, nếu như có hành động quá đà tại Biển Đông, thì kể cả là quân đội Mỹ, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ”. Thời báo Hoàn cầu là phụ bản của tờ Nhân dân Nhật báo nên có quan điểm thân chính quyền, có tin nói rằng tờ báo này được chính quyền Trung Quốc sử dụng để đưa tin “trung dung” về Trung Quốc và các nước cho có vẻ khách quan. Đồng thời, khi cần sẽ đưa các tin tức, vấn đề nhạy cảm, khó nói mà Nhân dân Nhật báo không thể nói được, nhằm bênh vực cho quan điểm của Trung Quốc. Lần này, giọng điệu của tờ báo này lộ rõ là giọng điệu của Trung Quốc chứ không thấy hơi hướng “trung dung” đâu nữa. Một thứ giọng điệu sặc mùi hăm dọa.

Biển Đông là vùng biển chung của cả khu vực Đông Nam Á, do ở vào vị trí “đắc địa” nối thông Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, nên Biển Đông bên cạnh những giá trị về tài nguyên, khoáng sản, còn có giá trị to lớn đối với giao thông hàng hải, hàng không quốc tế cũng như các giá trị địa chiến lược khác. Nó khiến vùng biển này nhiều năm qua trở thành vùng biển tranh chấp về chủ quyền giữa các nước trong khu vực; nó cũng trở thành tâm điểm tranh giành quyền kiểm soát chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới. Trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản… Nhưng bất cứ sự tranh chấp nào trên Biển Đông để dẫn đến chiến tranh thì tất cả các nước có liên quan, dù lớn hay nhỏ đều bị thiệt hại khó lường. Đây là điều không nói thì nước nào cũng hiểu được vì kinh tế cả thế giới này có phát triển bình thường hay không, phụ thuộc rất nhiều vào con đường giao thông huyết mạch trên biển này. Thế mà người ta không hề, không chịu nghĩ ra giải pháp hòa bình nào để giải quyết tranh chấp mà suốt ngày tìm cách đe dọa lẫn nhau. Làm cứ như là vác súng, pháo, tên lửa ra đọ là giải quyết được vấn đề có lợi cho mình. Không đâu xa, hồi tháng 1 đầu năm nay, khi Mỹ phái tàu khu trục McCampbell được trang bị tên lửa dẫn đường chính xác tiến hành tuần tra “bảo vệ tự do hàng hải” ở vùng biển quanh đảo Cây, đảo Linh Côn và Phú Lâm thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc cũng đe dọa sẽ đánh chìm tàu Mỹ. Không những thế, tướng lĩnh Trung Quốc còn đe sẽ đưa đảo Guam của Mỹ vào tầm ngắm của tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 có tầm bắn xa từ 3.000 – 4.500 km, hoặc sẽ dùng tên lửa này đánh chìm hàng không mẫu hạm Mỹ nếu tiến vào Biển Đông xâm phạm lợi ích Trung Quốc. Những lời đe dọa đó “xưa như trái đất” vì nó không làm ai run sợ bởi ai cũng hiểu là “gieo nhân nào, gặp quả đó”. Bằng chứng là đáp lại những lời đe dọa của Trung Quốc, giới tướng lĩnh Mỹ cũng nói rằng, họ không ngán gì mà phang cho Trung Quốc mấy quả tên lửa dẫn đường chính xác vào đập thủy điện Tam Hiệp của nước này. Nếu quả có thế thì không biết mấy trăm triệu người dân Trung Quốc ở hạ lưu con đập sẽ chạy đi đâu khi thân đập bị phá hủy bất ngờ. Những cái đầu nóng ở Trung Quốc khi nói điều gì nhẽ ra phải nghĩ xem hậu quả của những điều mình nói đó có lợi cho quốc gia, dân tộc không chứ. Sao cứ phát biểu “đại” như vậy. Thực ra, người Mỹ cũng chẳng cần dùng tên lửa loại như Tomahawk để dập vào thân đập Tam Hiệp. Làm thế dễ mang tiếng là phạm tội “giết người hàng loạt”. Họ chỉ cần dùng vài hạm đội tàu ngầm và tàu chiến, máy bay bịt kín con đường vận tải hàng hóa trên Biển Đông và các vùng biển khác của Trung Quốc thôi thì nước này cũng đủ điêu đứng rồi. Vì Trung Quốc lấy gì ra để nuôi sống nền kinh tế khổng lồ đang phải dựa vào xuất nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu và hàng hóa với thế giới còn lại. Bản thân Trung Quốc làm sao nuôi nổi nền kinh tế của họ và vì thế, Trung Quốc chỉ là “người khổng lồ chân đất sét” nếu họ tách rời ra khỏi thế giới này. Thế cho nên, thành thật khuyên giới lãnh đạo và tướng lĩnh Trung Quốc nên lấy thân thiết, hữu nghị ra mà quan hệ; lấy thành thực, chân thành ra mà bày tỏ; lấy ưu tiên, ưu đãi ra mà ứng xử; lấy bao dung, độ lượng ra mà đối đáp thì có hơn không. Đúng những điều mà chính Trung Quốc bao lâu nay tuyên truyền và cố gắng thực hành đó. Chớ nên chỉ vì một phút nóng giận mà đổ xuống sông, xuống biển tất cả những gì Trung Quốc đã dày công xây dựng, kẻo các nước xung quanh ngoảnh mặt quay đi hết thì Trung Quốc lấy ai làm láng giềng và chơi với ai.

Lại cũng phải thành thật mà ghi nhận rằng, những lời hăm dọa của Trung Quốc không làm ai run sợ, nhưng lại khiến người ta phải đề phòng. Những nước có hay không có liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông với Trung Quốc đều phải phòng xa cho vận mệnh và lợi ích của đất nước mình. Người ta phải tăng cường xây dựng và phát triển quân sự, quốc phòng cho mạnh lên, đủ để tự bảo vệ khi “lâm sự”. Bằng chứng mới nhất là ngày 08/3, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore đã đệ trình báo cáo lên Quốc hội nước này xin kinh phí và xin phép được mua sắm một phi đội 12 chiếc máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Loại máy bay tân tiến, được trang bị các phương tiện hiện đại nhất và có khả năng kết nối hoạt động của các phi công khi tác chiến. Việc mua sắm này nhằm nâng cao khả năng sức mạnh đối phó với chiến tranh của quân đội Singapore. Một nước ít liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như Singapore còn lo đầu tư cho quốc phòng, quân sự như vậy thì thử hỏi các nước có liên quan trực tiếp tới tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông lại chịu ngồi yên hay sao. Rõ ràng, những lời hăm dọa của Trung Quốc đã kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Tiền của đầu tư cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế đang bị lãng phí, đổ vào cho chuẩn bị chiến tranh hoặc đối phó với chiến tranh. Tiếc thay, hòa bình trên Biển Đông có lẽ đang lùi xa hơn.

Cuối cùng, cần phải nói rằng, việc Trung Quốc kéo Việt Nam vào cuộc đấu khẩu giữa họ với Ngoại trưởng Mỹ không phải là không có ý đồ. Sao Trung Quốc không kéo Malaysia hay Indonesia cũng là những nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc vào đây? Đó là bởi: (i) Trung Quốc muốn gián tiếp nhắc nhở Việt Nam rằng đừng có kết đồng minh với Mỹ. Đến Mỹ, Trung Quốc còn dám “đáp trả mạnh mẽ” thì Việt Nam là cái thứ gì; (ii) Trung Quốc đang còn kiềm chế với Việt Nam về vấn đề chủ quyền bởi vì Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ, Việt Nam vẫn còn “4 tốt” với Trung Quốc. Nhưng nói thế, thâm tâm thật sự của Trung Quốc lại “ớn” nhất việc Việt Nam trở thành đồng minh của Mỹ. Vì nếu điều đó xảy ra, chẳng khác toàn bộ lãnh thổ phía Nam Trung Quốc nằm trong tầm ngắm của Mỹ rồi còn gì. Xét về chiến lược, phía Bắc Trung Quốc đang phải lo đối phó với đồng minh Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc; nay phía Nam Trung Quốc lại có thêm đồng minh mới của Mỹ nữa thì chẳng hóa ra Trung Quốc rơi vào thế “lưỡng đầu thọ địch” hay sao. Binh pháp Trung Quốc dạy rằng: Người cầm quân, để rơi vào thế “lưỡng đầu thọ địch” thì tất bại. Vì thế, cũng nên thông cảm cho mối lo “rường cột” này của Trung Quốc.

Nhưng mối lo của Trung Quốc có vẻ hơi quá bởi vì Việt Nam có đường lối, chính sách độc lập, tự chủ của Việt Nam và họ cũng từng tuyên bố không đi với nước này để chống nước kia; lãnh thổ Việt Nam là của người Việt Nam, không thể là căn cứ quân sự cho bất cứ nước nào. Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới và là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế đóng góp không mệt mỏi cho hòa bình, tiến bộ và phát triển của nhân loại. Và thiết nghĩ với lịch sử hào hùng, họ sẽ không khuất phục trước bất cứ thế lực nào đe dọa đến chủ quyền, an ninh quốc gia của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới