Nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa lực lượng không quân nói chung và không quân vận tải nói riêng, VN đã quyết định đặt mua 3 vận tải cơ C-295 từ công ty Airbus Defence & Space.
Máy bay vận tải C-295 đã được KQVN chinh phục như thế nào?
Theo đó, những chiếc C-295 này được chế tạo tại nhà máy của Airbus ở Serville, Tây Ban Nha và tính đến nay, cả 3 chiếc đã được bàn giao đầy đủ cho Không quân Việt Nam.
Là dòng máy bay vận tải chiến thuật 2 động cơ thế hệ mới của Airbus Defence & Space, C-295 được lắp đặt nhiều thiết bị hiện đại và khác biệt hoàn toàn so với những dòng máy bay vận tải thế hệ cũ mà Không quân Việt Nam đang khai thác.
Để có thể nhanh chóng đáp ứng yêu cầu vận hành, đội ngũ phi công, thợ máy đã được gửi đi huấn luyện ở nước ngoài từ trước khi tiếp nhận máy bay.
Máy bay vận tải C-295 của Không quân Việt Nam
Đối với phi công, điều kiện đặt ra phải là phi công cấp 1, có số giờ bay tích lũy trên 1.500 giờ. Đối với kỹ thuật viên phải là những người có trình độ và kỹ năng tay nghề cao.
Trở ngại đầu tiên và cũng là lớn nhất khi huấn luyện chuyển loại C-295 là ngoại ngữ, do từ trước đến nay các phi công và thợ máy đều vận hành dòng máy bay do Liên Xô (cũ) chế tạo nên chỉ sử dụng tiếng Nga, trong khi yêu cầu tiếng Anh là rất quan trọng.
Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, thông qua các khóa đào tạo của Hàng không dân dụng Việt Nam cũng như tự học ngoài giờ, đội ngũ phi công và thợ máy đã phần nào đảm bảo trình độ ngoại ngữ trong huấn luyện, vận hành.
Ngoài ra, hai dòng máy bay vận tải C-295 và An-26 với tư duy thiết kế khác nhau cũng tạo ra sự khó khăn lớn với đội ngũ phi công, thợ kỹ thuật.
Với dòng An-26, tổ bay gồm 5 người: lái số 1, lái số 2, dẫn đường, cơ giới và thông tin, còn C-295 chỉ có duy nhất 2 vị trí điều khiển máy bay là lái số 1 và lái số 2 nên đặt ra yêu cầu phi công phải làm việc nhiều hơn.
Bên cạnh đó, hệ thống hiển thị trong buồng lái của An-26 toàn bộ là đồng hồ cơ, trong khi trên C-295 là dãy màn hình LCD rất hiện đại. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, đội ngũ phi công và thợ máy đã “chinh phục” được C-295 và có thể vận hành, khai thác một cách hiệu quả, an toàn trên bầu trời Việt Nam.