Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCảnh sát biển: Lực lượng chấp pháp quan trọng trên Biển Đông

Cảnh sát biển: Lực lượng chấp pháp quan trọng trên Biển Đông

Đại diện các nước ASEAN và Australia, Ủy ban châu Âu – EC (12-13/3) đã bàn về việc xây dựng quy tắc hướng dẫn và ứng xử chung cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, trong đó có lực lượng Cảnh sát biển.

Theo đó, các đại biểu đánh giá thảo luận này có ý nghĩa cấp thiết trước sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng cảnh sát biển ở khu vực. Việc đưa ra quy tắc ứng xử chung sẽ giúp nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của các lực lượng nói trên, giúp ngăn ngừa sự cố có thể phát sinh. Đây là một nội dung chính trong Hội thảo Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ hai, với chủ đề tăng cường hợp tác khu vực trong thực thi pháp luật trên biển do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cùng EC tổ chức. Hội thảo lần này nằm trong chuỗi hoạt động triển khai Tuyên bố ARF về Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển. Được thông qua năm 2016 theo sáng kiến của Việt Nam, Tuyên bố kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của các thành viên ARF tăng hợp tác thực chất. 

Phía Australia cho rằng các nước cần thiết lập cơ chế để bảo vệ trật tự trên biển, EC cũng cam kết tăng hợp tác bảo đảm an ninh ở châu Á, trong đó an ninh biển là một ưu tiên. Về lĩnh vực nghề cá, đại diện các nước nhấn mạnh yêu cầu phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân, bảo đảm an toàn và đối xử nhân đạo với họ. Hiện nay các cơ chế tiêu biểu gồm có hợp tác song phương của cảnh sát biển Trung Quốc và Philippines, Australia và Indonesia ngăn đánh cá trái phép, Singapore đóng vai trò điều phối chung.

Giới chuyên gia nhận định, một trong những lợi thế của việc triển khai lực lượng cảnh sát biển trong các hoạt động bảo vệ chủ quyền là lực lượng này được trang bị vũ khí hạng nhẹ, thông thường chỉ có pháo cỡ nhỏ hoặc súng máy. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột thảm họa trên Biển Đông. Tuy nhiên, nếu các vụ xung đột xảy ra nhiều hơn hoặc mức độ nguy hiểm gia tăng, chúng có thể leo thang thành các vụ việc căng thẳng có sự tham gia của cả lực lượng hải quân. Những động thái có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột như sử dụng tàu cảnh sát biển để đánh chìm tàu thương mại, gây ra thương vong lớn, hay triển khai tàu cảnh sát biển để vận chuyển lực lượng từ các căn cứ trên Biển Đông, hoặc ngăn chặn khai thác dầu khí tại các khu vực tranh chấp, từ đó vấp phải hành động phản kháng có vũ trang.

Cảnh sát biển, lực lượng có thể giúp ASEAN đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) đã công bố báo cáo đặc biệt dài 44 trang, trong đó nhận định các nước Đông Nam Á đang chuyển vai trò đảm bảo an ninh trên biển từ hải quân sang cảnh sát biển. Đây được coi là giải pháp chiến lược giúp ASEAN đối phó với tham vọng của Trung Quốc mà không gây ra xung đột quân sự trên Biển Đông. Tiến sĩ John Coyne, chủ biên báo cáo của ASPI, cho rằng việc sử dụng lực lượng dân sự như cảnh sát biển cho phép các nước ASEAN duy trì sự hiện diện và bảo vệ chủ quyền trên biển, bên cạnh việc đối phó với các mối đe dọa như cướp biển, khủng bố, tội phạm có tổ chức và đánh bắt cá trái phép.

Theo báo cáo, trong 45 sự cố lớn trên Biển Đông giai đoạn 2010-2016, có ít nhất 32 vụ liên quan đến lực lượng hải cảnh hoặc tàu chấp pháp Trung Quốc. Một trong những sự kiện căng thẳng nhất là cuộc đối đầu hơn hai tháng giữa hải quân Philippines và hải giám Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough năm 2012. Tàu hải quân Philippines sau đó rút đi để giảm căng thẳng, khiến Trung Quốc giành được quyền kiểm soát bãi cạn này cho tới nay. Sau sự cố đó, Philippines đã trang bị thêm 14 xuồng tuần tra và hai tàu vận tải cho cảnh sát biển năm 2013, cũng như bổ sung 14 tàu cho lực lượng này trong vòng ba năm tiếp theo. Malaysia cũng tăng cường sức mạnh cho lực lượng tuần tra bờ biển với 105 xuồng mới trong giai đoạn 2013-2014. Indonesia đã tăng quy mô đội tàu cảnh sát biển từ 9 lên 34 chiếc trước năm 2017, trong khi Việt Nam cũng trang bị thêm nhiều tàu tuần tra hiện đại cho lực lượng cảnh sát biển của mình. Năm 2017, Việt Nam tiếp nhận tàu tuần tra xa bờ lớp Hamilton của Mỹ và biên chế vào Cảnh sát biển với tên gọi “CBS-8020” và dự kiến nhận thêm một tàu tương tự trong thời gian tới. Singapore đã tự thiết kế và đóng mới 4 tàu đổ bộ lớp Endurance, đồng thời đóng thêm một tàu cũng thuộc lớp này cho hải quân Thái Lan.

Ngoài các tàu nổi, nhiều nước trong khu vực cũng trang bị các tàu ngầm cho lực lượng hải quân. Nếu như cách đây 15-20 năm, một số nước chưa từng sở hữu bất kỳ tàu ngầm nào thì nay, họ đã vận hành hoặc đặt mua số lượng tàu ngầm đáng kể. Mặc dù xu hướng tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân các nước tại và xung quanh khu vực Biển Đông gây chú ý trong những năm gần đây, song lực lượng cảnh sát biển cũng được đánh giá đóng vai trò quan trọng không kém và được các nước đẩy mạnh phát triển. Lực lượng “tàu trắng” này ngày càng được các nước triển khai nhiều trong hoạt động thực thi quyền hàng hải, đặc biệt tại các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Các cuộc tuần tra của các lực lượng cảnh sát biển được tiến hành thường xuyên hơn và trong một số trường hợp trở nên cứng rắn hơn. Các lực lượng cảnh sát biển ngày càng thể hiện rõ vai trò như lực lượng “ủy nhiệm” của lực lượng hải quân các nước trong việc thực thi tuyên bố chủ quyền trên biển, đặc biệt tại Biển Đông. Lực lượng cảnh sát biển cũng được sử dụng để phục vụ cho các tính toán an ninh của các nước trong khu vực.

Trong khi đó, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng lực lượng cảnh sát biển của các nước ASEAN sẽ tiếp tục phát triển, trong bối cảnh Mỹ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đảm bảo an ninh trên các tuyến hàng hải chiến lược và đối phó với các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Theo ông Trương Minh Lượng, Đại học Tế Nam (Trung Quốc), Mỹ và đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia sẽ tặng nhiều tàu, trang thiết bị, đào tạo nhân lực hoặc hỗ trợ tài chính cho các nước Đông Nam Á. Việc này chắc chắn sẽ được ASEAN chào đón, vì họ xem đây là công cụ chính trị để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc trên Biển Đông.

Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư cho lực lượng cảnh sát biển

Tuy chưa từng khẳng định khả năng chiến đấu của cảnh sát biển nhưng việc thay đổi cơ quan chủ quản của lực lượng này đã cho thấy rõ tham vọng quân sự hóa trên biển của Trung Quốc. Quyết định chuyển giao Lực lượng Cảnh sát biển (CCG) từ Cục Hải dương quốc gia về Lực lượng Cảnh sát vũ trang Trung Quốc (PAP) sẽ khiến CCG được trang bị đầy đủ các loại vũ khí hiện đại để tấn công tàu chấp pháp các nước.

Theo Asia Times, Trung Quốc hiện sở hữu lực lượng cảnh sát biển hùng hậu nhất trên Biển Đông. CCG hiện vận hành hơn 100 tàu tuần tra, trong đó có các tàu tuần tra Type-218 dài 41m, mỗi tàu được trang bị hai súng máy 14,5mm. Năm 2007, hải quân Trung Quốc đã chuyển 2 tàu hộ vệ Type 053H 1.700 tấn cho CCG và đây cũng là những tàu lớn nhất của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc vào thời điểm đó. Năm 2016, Trung Quốc đóng tiếp hai tàu “quái thú” 12.000 tấn cho CCG, sau đó triển khai một tàu tại biển Hoa Đông và một tàu ở Biển Đông. Đây cũng là những tàu cảnh sát biển lớn nhất của Trung Quốc hiện nay.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã cho biết, CCG dưới sự chỉ huy của PAP – lực lượng do Quân ủy trung ương Trung Quốc (CMC) chỉ đạo trực tiếp sẽ “bảo vệ quyền và chức năng trên biển” của Trung Quốc. Ông Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự, nói với Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) rằng sự thay đổi này cho phép CCG tham gia nhiều hơn vào các cuộc diễn tập quân sự và hoạt động huấn luyện hằng ngày với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). CCG cũng sẽ hợp tác hiệu quả hơn với lực lượng hải quân trong các trường hợp khẩn cấp, thậm chí là chiến tranh. CCG cũng sẽ có nhiệm vụ chống lại các hoạt động hàng hải bất hợp pháp, tìm kiếm, cứu nạn và thực thi pháp luật, trong đó có thăm dò tài nguyên hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nghề cá và chống buôn lậu. Đáng chú ý, các tàu CCG sẽ được trang bị thêm pháo mạnh, thay vì vòi rồng hay pháo nước và các thành viên trên tàu có thể mang theo vũ khí tấn công. Hiện cảnh sát biển Trung Quốc sở hữu 164 tàu và 16.300 nhân sự.

Theo chuyên gia phân tích chính sách cấp cao Lyle Morris thuộc Tổ chức RAND Corporation (Mỹ), việc chuyển giao lực lượng cảnh sát biển cho PAP quản lý sẽ kéo theo những hậu quả sâu rộng. Ông Morris cho rằng việc CCG cũng được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của CMC đồng nghĩa lực lượng này sẽ có sự linh hoạt và quyền hành động mang tính quyết định ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chưa kể bước đi này giúp CCG được huấn luyện nhiều hơn và chia sẻ thông tin tình báo với lực lượng hải quân. Nhận định về động thái này, ông Andrew Yang, Tổng Thư ký Ủy ban Nghiên cứu chính sách đại lục tại Đài Loan, cho rằng đó là sự tăng cường hiện diện trên biển của Bắc Kinh và Mỹ sẽ chú ý.

Trung Quốc vốn thường xuyên triển khai lực lượng cảnh sát biển để tuần tra những khu vực mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản từng nhấn mạnh rằng các tàu thuộc CCG liên tục xâm nhập vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku; cho biết Nhật Bản sẽ duy trì biện pháp ứng phó ôn hòa nhưng quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và không phận của mình.

Đánh giá vấn đề nghiêm trọng hơn, bà Yun Sun, chuyên gia về Đông Á thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ), cho rằng những cải cách của CCG giờ đây càng cho thấy rõ tham vọng quân sự hóa trên biển của Trung Quốc. Theo chuyên gia này, Bắc Kinh sẽ tăng cường năng lực cho CCG nhằm chống lại các hoạt động tự do hàng hải của Washington trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới