Thursday, November 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSự tráo trở của TQ trong cách hành xử đối với tàu...

Sự tráo trở của TQ trong cách hành xử đối với tàu cá Việt Nam

Nhiều năm trở lại đây, tàu cá Việt Nam đang đánh bắt hải sản hợp pháp trong vùng biển và ngư trường truyền thống của Việt Nam thì bị tàu cá, tàu chấp pháp của Trung Quốc (Hải cảnh, Ngư chính…) cố tình đâm chìm, cướp bóc tài sản. Không những vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tìm cách đánh lừa cộng đồng quốc tế khi cho rằng “tàu Trung Quốc đã cứu tàu cá Việt Nam”.

Hành động mất nhân tính của Trung Quốc

Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, khoảng 10h10 ngày 6/3, trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc (BKS 44101) đâm chìm. Theo Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khi bị đâm chìm, tàu cá Quảng Ngãi chỉ nổi phần mũi, năm ngư dân trên tàu phải bám vào phần nổi này. Sau đó, Văn phòng Uỷ ban đã yêu cầu Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam phối hợp với phía Trung Quốc cứu nạn các ngư dân. Đến trưa cùng ngày, năm ngư dân đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt an toàn, rời khu vực bị nạn để tiếp tục đánh bắt hải sản.

Việc Trung Quốc cho tàu đâm chìm tàu cá của Việt Nam khi đánh bắt trong vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam là đi vi phạm luật pháp và đi ngược lại đạo lý làm người. Các tàu cá Việt Nam đang đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi thuộc về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép năm 1974 – điều mà luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hiệp quốc không cho phép và thừa nhận. Việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam là không thể chấp nhận được. Hành động này của Bắc Kinh rất phù hợp với câu nói “vừa ăn cướp, vừa la làng”.

Trong những năm gần đây, tàu cá của Việt Nam liên tục bị tàu Trung Quốc, bao gồm tàu Hải cảnh, tàu Kiểm ngư, tàu “dân quân biển” (tàu quân sự đội lốt tàu cá), tàu cá cỡ lớn được chính phủ hậu thuẫn… đâm chìm khi đánh bắt cá hợp pháp trong ngư trường truyền thống của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cụ thể: (1) Ngày 16/6/2016, tàu cá QNg 95821 TS của ông Nguyễn Tuấn đang lặn bắt khu vực đảo Đá Ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì thì tàu Trung Quốc mang số hiệu 31102 sơn màu trắng lượn nhiều vòng cố ép tàu cá đưa về hướng đảo Phú Lâm bất thành, tàu sắt màu trắng xám húc thẳng vào ngang hông khiến tàu cá chao đảo, mạn phải bị hỏng nặng, kính cabin rơi xuống sàn tàu vỡ nát. Sau cú tông mạnh, tàu sắt này còn vờn uy hiếp thêm 15 phút nữa thì bỏ đi. (2) Vào lúc 11h ngày 9/7/2016, hai tàu cá của ông Huỳnh Văn Khanh và Võ Văn Lựu (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang hoạt động đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, cách đảo Bông Bay 30 hải lý về phía Đông. Bất ngờ, 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị 2 tàu của Trung Quốc rượt đuổi. Sau khi khống chế được tàu của ông Lựu, một số người trên tàu của Trung Quốc thả xuồng cao su, lên tàu và đánh ông Lựu, dồn 5 thuyền viên về trước mũi tàu. Những người này tiếp tục lấy tàu của ông Võ Văn Lựu rượt đuổi tàu của ông Huỳnh Văn Khanh. Đến 14h cùng ngày, phía Trung Quốc làm chìm tàu của ông Lựu. Các thuyền viên phải bám vào mũi tàu vẫn còn nổi, để giữ mạng sống. Những người trên tàu Trung Quốc không những không cứu ngư dân Việt Nam, mà còn ngăn cản các tàu khác đến cứu ngư dân gặp nạn. (3) Khoảng 10h ngày 22/3/2018, tàu cá QNg 90045 do ngư dân Đặng Tằm làm chủ tàu kiêm thuyền tưởng và tàu cá QNg 90440 do ông Đặng Bi làm chủ tàu (cùng trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang trú gió ở Đá Lồi thì bất ngờ bị hai tàu Trung Quốc màu trắng, số hiệu 46106 và 45103, áp sát. Tàu cá QNg 90440 bị đâm mạnh, bị vỡ dọc mạn phải từ đầu đến đuôi tàu, nặng nhất là phía sau tàu. (4) Khoảng 8 giờ ngày 20/4/2018, ở vùng biển cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía Đông Đông Nam, hai tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đâm chìm tàu cá QNg 90332 TS (công suất 340 CV, do ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt, 50 tuổi, xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu) làm chủ. (5) Vào lúc 12 giờ 30 ngày 25/5/2018, tàu cá số hiệu QNg-96798TS do ông Lê Hơn (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ cùng 6 ngư dân đang hành nghề khai thác rong câu trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bất ngờ bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 31102 rượt đuổi và đâm chìm. Các thuyền viên Quảng Ngãi vật lộn, lênh đênh trên biển sau đó được tàu Trung Quốc vớt lên và giam giữ trong 2 ngày. Quá trình bị giam giữ, các ngư dân liên tục bị tra hỏi, không cho thay quần áo ướt, không được tắm giặt, ăn không no…

Hành động trên của Trung Quốc là muốn thông qua đâm chìm tàu cá Việt Nam, để hòng đe dọa ngư dân ta không vào đánh bắt cá trong ngư trường truyền thống, qua đó Trung Quốc sẽ từng bước thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, biến biển đảo của Việt Nam thành của Trung Quốc. Tuy nhiên, âm mưu và ý đồ nham hiểm của Bắc Kinh sẽ không bao giờ thành hiện thực. Ngư dân Việt Nam sẽ kiên dũng, không sợ Trung Quốc đe dọa để đánh bắt cá trong ngư trường truyền thống của mình và góp phần lớn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Ngụy biện giả dối theo kiểu của Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (7/3) xuyên tạc rằng tàu Ngư chính của Trung Quốc liên lạc với Trung tâm Tìm kiếm và Cứu hộ Trên biển của Trung Quốc và “cứu” các ngư dân trong buổi chiều, cho rằng khi tàu Trung Quốc tiếp cận tới tàu cá Việt Nam, thì tàu này đã chìm.

Trước đó, ông Lục Khảng (3/1/2019) ngang nhiên cho rằng việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm va tàu của ngư dân Việt Nam hoạt động đánh cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép là “hành động chấp pháp bình thường”. Theo đó, phía Trung Quốc xuyên tạc rằng: “Căn cứ tình hình mà chúng tôi nắm được, tàu công vụ Trung Quốc luôn chỉ tuần tra chấp pháp bình thường trên vùng biển mà Trung Quốc quản hạt. Một số biện pháp đã được áp dụng cho tàu cá nước ngoài xâm nhập đánh bắt là điều bình thường, cũng là phương thức chấp pháp ở mức thấp nhất. Mà theo tôi tìm hiểu thì những việc mà bạn hỏi chỉ là tình hình cá biệt. Việc một số quốc gia láng giềng trên thế giới thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp nghề cá cũng là rất bình thường”.

Sự thật được phơi bày

Rạng sáng 17/3, năm ngư dân của tàu QNg 90819 TS-tàu cá gặp nạn ở vùng biển Hoàng Sa, đã được một tàu ở địa phương đưa vào bờ. Các ngư dân phản bác thông tin phía Trung Quốc đề cập trước đó. Theo tường thuật của ông Nguyễn Minh Hùng (xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi – thuyền trưởng tàu QNg 90819) với Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển, sáng 6/3/2019, khi neo ở khu vực gần đảo Đá Lồi (là một hoang đảo), tàu cá của ông bị tàu Trung Quốc 44101 phun vòi rồng, ép đuổi tàu vào vùng nước cạn. Hệ quả tàu của ông Hùng bị chìm vào lúc 10h cùng ngày.

Nhận được tin báo, tàu cá QNg 90620 TS của ngư dân Trịnh Văn Hiền đánh bắt cách đó 30 hải lý, đã di chuyển đến vị trí tàu cá QNg 90819 TS gặp nạn và tổ chức cứu hộ các thuyền viên. Trong lúc đó, tàu Trung Quốc mang số hiệu 44101 đang thả neo cách đó khoảng 1 hải lý, để ngư dân tự tổ chức cứu nạn. Thuyền trưởng Hùng, ngư dân Nguyễn Minh Lên (con trai ông Hùng) và thuyền trưởng tàu QNg 90620 TS đều phản bác thông tin mà phía Trung Quốc đưa ra, đồng thời khẳng định “việc cứu giúp là do ngư dân Việt Nam tổ chức”.

Nhìn chung, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Khu vực quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển phụ cận là một phần lãnh thổ, lãnh hải hợp pháp của Việt Nam, đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Hành động sử dụng vũ lực để xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là phi pháp, vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc. Việc Trung Quốc tráo trở trong hành động và phát ngôn về việc đâm chìm tàu cá Việt Nam cho thấy bản chất và âm mưu thâm hiểm của Bắc Kinh khi tìm cách độc chiếm Biển Đông. Việc làm của Trung Quốc cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trong khu vực, không có lợi trong việc xây dựng lòng tin giữa các nước; không tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

RELATED ARTICLES

Tin mới