Tuesday, January 14, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnBẫy nợ trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”

Bẫy nợ trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”

Chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc đã làm hại nhiều nước nghèo trong thập kỷ qua. Trung Quốc tăng cường đòn bẩy chính trị, kinh tế trên toàn thế giới.

Sắp tới, theo thường lệ, Trung Quốc sẽ tổ chức Diễn đàn quốc tế để quảng bá cho Đại dự án “Vành đai và Con đường”. Sự kiện này đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Theo giới thạo tin, thời gian qua, đã có không ít những cuộc hội thảo, những công trình nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc, khoa học về sáng kiến này.

Tuy vậy, cho đến nay vẫn còn những đánh giá khác nhau nhất là tính hiệu quả của sáng kiến đã được triển khai trong thực tế trên các mặt kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng của Trung Quốc và các quốc gia tham gia.

Để cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tìm hiểu, lý giải về những đánh giá khác nhau nói trên, chúng tôi xin được cung cấp những thông tin đã được tổng hợp và nhận xét có liên quan.

Học thuyết mới mang tên Tập Cận Bình

Theo các nguồn tin từ Trung Quốc, “Trung Hoa mộng” là một học thuyết mới chỉ đạo xây dựng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong kỳ họp Quốc hội năm 2013.

Sau đó, học thuyết này không ngừng được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế học thuyết này đã được ông Tập Cận Bình thể hiện ngay từ khi vừa được bầu làm Tổng bí thư, lúc ông cùng một nửa thành viên Thường vụ Bộ chính trị, tham quan triển lãm “Đường tới phục hưng” tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc.

Chính tại đây ông đề xuất ý tưởng “Giấc mộng Trung Hoa” với định nghĩa: Phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại là giấc mơ lớn nhất thời kỳ cận đại.

Để biến “giấc mơ vàng” này thành hiện thực, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Sáng kiến này được công bố lần đầu tiên trong bài phát biểu của ông tại Trường đại học Nazarbayev, Kazakhstan vào ngày 7/9/2013.

Sau đó, trong chuyến thăm Indonesia tháng 10/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục công bố “Sáng kiến xây dựng Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, một bộ phận của sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã trở thành một Đại dự án mà nội hàm của nó là nhằm thực hiện 2 mục tiêu thế kỷ của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 đã đề ra:

Một là, xây dựng xã hội khá giả vào năm 2021, đúng thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập.

Hai là, xây dựng Trung Quốc thành đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, văn minh, giàu mạnh, dân chủ và hài hòa vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Thiết nghĩ, bất kỳ một quốc gia nào cũng đều có quyền mong muốn và quyết tâm xây dựng đất nước mình phát triển cường thịnh, trở thành quốc gia có thể sánh vai cùng năm châu bốn biển.

Nhất là những nước, dưới sự lãnh đạo của những người Cộng sản chân chính, đã trải qua quá trình đấu tranh gian khổ, hy sinh xương máu mới giành được độc lập, mới thoát khỏi ách đô hộ của chế độ thực dân, phong kiến.

Trung Quốc cũng thế, Việt Nam cũng vậy, không có gì khác.

Vì vậy, bè bạn năm châu bốn biển luôn luôn hy vọng rằng chủ trương phấn đấu thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” của Đảng Cộng sản Trung Quốc theo đúng 2 mục tiêu nói trên sẽ phù hợp với các giá trị nhân văn, phổ quát của nhân loại văn minh ngày nay;

Hy vọng mục tiêu ấy phù hợp với luật pháp quốc tế, đem lại lợi ích cho Trung Quốc và các quốc gia liên quan trong khu vực và quốc tế, ít nhất cũng sẽ không gây phương hại đến các quyền và lợi ích của các quốc gia khác.

Được như vậy, thì đây sẽ là điều rất đáng được hoan nghênh và ủng hộ.

Bởi vì, trong thế giới hiện nay, hòa bình, phát triển, hợp tác giúp nhau cùng thắng là một xu thế tất yếu của thời đại, phù hợp với quy luật phát triển của các phương thức sản xuất đã và đang tồn tại trong lịch sử nhân loại, nhất là sự hợp tác cùng thắng, mở rộng giao thương giữa các nước có lực lượng sản xuất phát triển cao, hùng mạnh, với các nước có lực lượng sản xuất phát triển thấp, nhỏ yếu.

Vì vậy, theo logic thông thường, chủ trương, ý tưởng này cũng đã và sẽ được cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, hưởng ứng, ủng hộ và sẵn sàng tham gia, hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để thực hiện “sáng kiến” này.

Thế nhưng, trải nghiệm qua thực tế, theo nhận xét của các chuyên gia, thì…

Vành đai và Con đường thực tế đang biến thành ngoại giao bẫy nợ

Trong số các quốc gia ven Biển Đông, Philippines, dưới thời của Tổng thống Rodrigo Duterte là một trong những đối tác quan trọng, được xem là đột phá mà dự án “Vành đai và Con đường” nhằm tới.

Bởi vì, theo nhận xét của nhiều người Philippines và kể cả một số học giả quốc tế, có vẻ như Tổng thống Rodrigo Duterte đang thể hiện lập trường mềm yếu trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của Philippines đối với các tranh chấp ở Biển Đông để đổi lấy các hợp đồng kinh tế trị giá vài tỉ USD với Trung Quốc.

Chẳng hạn, Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã từng nói với báo giới trước khi đi dự Diễn đàn Bác Ngao 2018 rằng ông cần Trung Quốc hơn bao giờ hết.

Theo Giáo sư Jay Batongbacal (Jay L. Batongbacal là Giáo sư, Trường đại học Luật Philippines và là Giám đốc Viện biển của Trường đại học Luật), thì Philippines buôn bán quá nhiều, quá sớm trong khi phải đối phó với Trung Quốc.

Thậm chí cho dù việc hợp tác là cần thiết, thì Trung Quốc vẫn đang chiếm đoạt lãnh thổ (mà) Philippines (yêu sách), ngay cả khi không có dự án cơ sở hạ tầng nào được triển khai.

Việc này giống như ngân hàng tịch thu ngôi nhà của bạn ngay cả khi nó chưa cho bạn vay tiền.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: CNN).

Đây phải chăng là một biến tướng của chủ nghĩa thực dân kiểu mới nhằm chinh phục láng giềng bằng sự lệ thuộc về kinh tế mà các hoàng đế Trung Hoa đã từng áp dụng?

Và phải chăng đó là nền tảng cho sáng kiến “Vành đai và Con đường”, cũng như các khoản đầu tư hàng tỉ USD cho các nước láng giềng nhỏ như Philippines…?

Bởi vậy, ngay cả khi Trung Quốc cam kết đầu tư quy mô lớn, thì vẫn có những mối quan ngại về việc liệu các doanh nghiệp có sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc có thể tuân thủ luật lệ về cạnh tranh đấu thầu, tính bền vững và liêm chính tại các quốc gia họ đầu tư hay không?

Ngoài ra, một mối quan tâm lớn hơn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc này là họ được quyền sử dụng không chỉ kỹ sư, quản lý, mà ngay cả lao động chân tay người Trung Quốc cho những dự án đầu tư ở nước ngoài.

Học giả JC Punongbayan (Jan Carlo B. Punongbayan là Tiến sỹ khoa học, Trường  đại học kinh tế Philippines-UPSE) ngày 2/3/2019 có bài phân tích đáng chú ý trên tờ Rappler:

“Điều tôi sợ nhất về các khoản vay mới, thân thiện của Trung Quốc”.

Bởi vì, trong những năm gần đây, một trong những chiến lược Trung Quốc theo đuổi là “ngoại giao bẫy nợ”. Họ đổ hàng tỉ đô la Mỹ cho vay, hàng triệu đô la Mỹ viện trợ các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.

Nhiều nước trong số những con nợ của Trung Quốc đã không thể trả nợ, buộc phải từ bỏ tài nguyên thiên nhiên và các lợi ích / tài sản chiến lược của mình cho Bắc Kinh như là một hình thức “thế chấp” tài sản tại ngân hàng.

Tuy nhiên, các khoản cho vay quá đắt đỏ và phần lớn chỉ là những hứa hẹn sáo rỗng.

Trong chuyến thăm đầu tiên của ông Rodrigo Duterte tới Bắc Kinh vào năm 2016, các quan chức Trung Quốc đã cam kết viện trợ 6 tỉ USD và cho vay 3 tỉ USD nhằm mục đích tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà ông Rodrigo Duterte đặt tên “Xây! Xây! Xây!”.

Nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn không cho Philippines mượn tiền, trong khi đó lãi suất cho vay thì quá cao so với lãi suất cho vay của các nước khác.

Nhà kinh tế trưởng của ông Rodrigo Duterte khẳng định, các cuộc đàm phán đang được tiến hành.

Trung Quốc sẽ cho Philippines vay với lãi suất từ 2% đến 3%, trong khi Nhật Bản đang cho Philippines vay với lãi suất từ 0,25% đến 0,75%.

Làm một phép tính đơn giản cũng thấy, các khoản vay từ Trung Quốc lãi suất thấp nhất cũng đắt 3 lần, lãi suất cao nhất thì đắt gấp 12 lần Nhật Bản.

Ngoài lãi suất cao, các khoản cho vay của Trung Quốc còn đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của nhà thầu Trung Quốc, khác hoàn toàn các dự án vay vốn Nhật Bản, ai cũng có thể tham gia đấu thầu.

Cho đến nay đã có 3 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Philippines ưu tiên sử dụng nhà thầu Trung Quốc đó là: dự án đập thủy lợi sông Chico, dự án kênh Kaliwa, dự án đường sắt Nam – Nam. Nhưng, đây là mảnh đất màu mỡ cho thông đồng và tham nhũng.

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Arroyo, thỏa thuận NBN – ZTE trị giá 329 triệu USD đã để lại dấu vết tham nhũng khổng lồ hướng tới vợ chồng Tổng thống và có những cáo buộc nhằm thẳng vào bà Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo.

Dự án Northrail cũng bị hỏng vì hối lộ và tính cước quá mức, nếu Philippines không giải quyết xong vào năm 2017 thì mỗi năm sẽ phải trả cho nhà thầu Trung Quốc trên 100 triệu đô la Mỹ.

Vì vậy, trong những năm gần đây, những nước nghèo đã tự thấy mình không thể trả được các khoản vay này và đã dính vào bẫy nợ của Trung Quốc.

Kết quả là họ thường không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cung cấp cho Trung Quốc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên hoặc sử dụng / sở hữu tài sản chiến lược liên quan đến an ninh, chủ quyền quốc gia của chính mình như một hình thức gán nợ.

Chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc đã làm hại nhiều nước nghèo trong thập kỷ qua. Trung Quốc tăng cường đòn bẩy chính trị và kinh tế trên toàn thế giới do có các quốc gia nghèo khó.

Tháng 2 năm ngoái, Trung Quốc đã điều 11 tàu chiến đến Ấn Độ Dương khi nổ ra khủng hoảng hiến pháp ở Maldives.

Nước này nợ Trung Quốc ít nhất 2 tỉ USD. Trung Quốc và Ấn Độ đang tranh giành ảnh hưởng trên quốc đảo này.

Tháng 12 năm ngoái, Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm sau khi không trả được nợ.

Thành phố cảng Mombasa ở Kenya có thể phải chịu chung số phận sau khi Trung Quốc cho vay 3,8 tỉ USD xây dựng một tuyến đường sắt.

Năm 2017 Djibouti cho phép Trung Quốc xây căn cứ quân sự đầu tiên của họ ở nước ngoài. Djibouti phải trả Trung Quốc 20 triệu USD mỗi năm cho các khoản nợ.

Venezuela hiện đang nằm trong tâm cuộc khủng hoảng kinh tế, cũng vay mượn 63 tỉ USD từ Trung Quốc trong giai đoạn 2007-2014, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng Venezuela trả nợ họ bằng dầu mỏ.

Turkmenistan cũng đã phải cho Trung Quốc tiếp cận nguồn khí đốt tự nhiên sau khi gặp phải những rắc rối tương tự.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã hủy bỏ 2 dự án lớn trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường” bao gồm một tuyến đường sắt cao tốc trị giá 20 tỷ USD vay vốn Trung Quốc vì chi phí cao.

Chính phủ mới tại Pakistan đã kêu gọi xem lại “viên ngọc quý của tình hữu nghị Trung Quốc – Pakistan”, đại dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) một phần của sáng kiến “Vành đai và Con đường” với khoản tín dụng Trung Quốc cam kết cung cấp lên tới 60 tỷ USD.

Tại Myanmar, Chính phủ nước này vừa thông báo cho Bắc Kinh rằng dự án xây dựng một đập thủy điện tại Myanmar dùng vốn vay Trung Quốc đã bị đình chỉ sẽ không được phép khởi động trở lại.

Maddives, quốc đảo Ấn Độ Dương đang cố gắng đàm phán lại khoản nợ 3 tỉ USD vay Trung Quốc, tương đương 2/3 GDP mà nước này đã vay Bắc Kinh để chi tiêu cho các dự án trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường”.

Thực tế nói trên đã minh chứng cho quan điểm khẳng định rằng “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc là một hình thức của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, hoặc chủ nghĩa đế quốc chủ nợ.

RELATED ARTICLES

Tin mới